Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:22 (GMT +7)

Bốn mươi lăm năm ngày ký Hiệp định Hòa bình Paris – Những dấu ấn

VNTN - Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết cách đây 45 năm, vào ngày 27/01/1973, tại thủ đô Paris nước Pháp. Hiệp định này đã để lại những bài học mang ý nghĩa sâu sắc, trong đó có bài học về chủ trương phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong đấu tranh ngoại giao của Việt Nam.

Để đi đến lễ ký Hiệp định chính thức thì cuộc đàm phán đã kéo dài suốt năm năm và có thể nói đây là một trong những cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới. Và trong năm năm ấy, đoàn ngoại giao Việt Nam đã nhận được nhiều trợ giúp, ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có sự đóng góp to lớn của cộng đồng kiều bào tại Pháp và các bạn Pháp yêu chuộng hòa bình và ủng hộ dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh này.


Sự sa lầy của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ tại chính nước Mỹ và trên toàn thế giới. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, một phong trào ủng hộ một quốc gia đang có chiến tranh lại bùng lên mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp hành tinh đến thế! Hàng triệu người biểu tình trên toàn thế giới đã xuống đường lên án chiến tranh xâm lược của Mỹ và bày tỏ sự ủng hộ của họ với dân tộc Việt Nam. Chính sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, nhân dân tiến bộ trên thế giới và nhất là kiều bào tại Pháp đã góp phần tạo sức ép trên bàn ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất của đất nước và dân tộc Việt Nam. Thành công của lễ ký Hiệp định này đã mở ra một trang sử mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cả thế giới. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành Ngoại giao Việt Nam trên trường Quốc tế.

Những ngày này tại Paris, tôi bồi hồi khi hình dung lại cảnh tượng của bốn mươi lăm năm về trước. Đại lộ Kléber, nơi có trung tâm hội nghị quốc tế, quảng trường Maubert… rồi thành phố Choisy-le-Roi, Massy và Verrière-le-Buisson… Những địa điểm lịch sử đối với cộng đồng người Việt Nam tại Pháp trong thời kỳ diễn ra hội đàm nhằm đạt được một nền hòa bình thống nhất ở Việt Nam. Tôi cố gắng hình dung, tôi cố gắng tưởng tượng, tôi cố đoán ra những khó khăn, sự căng thẳng, hồi hộp của các bên tham gia trong thời kỳ đó…, để rồi rút cục, tôi quyết định đến gặp những nhân chứng đã ít nhiều trực tiếp tham gia phụ giúp các phái đoàn ngoại giao của Việt Nam trong cuộc đàm phán lịch sử này.

Bà Jeanne Minh Thanh Tran Van Phi

Vượt hơn chục kilomet, tôi đến Suresne, một thành phố nhỏ yêu kiều ở phía tây nam Paris, nơi Bà Jeanne Minh Thanh Trần Vân Phi hiện thời đang sinh sống. Bà Jeanne Minh Thanh là bác sỹ, thời kỳ ấy bà đã tự nguyện là bác sỹ miễn phí chăm sóc sức khỏe cho các đoàn. Trong nhà bà hiện giờ mang đầy hình ảnh dáng dấp Việt Nam, nhưng điều khiến tôi quan tâm nhất có lẽ là những cuốn an-bum ảnh cá nhân của bà và gia đình. Có rất nhiều những bức ảnh mang dấu ấn lịch sử được chính các nhân vật tham gia cuộc đàm phán trong những năm tháng ấy ký tặng, như ông Lê Đức Thọ, ông Xuân Thủy, bà Nguyễn Thị Bình, ông Mai Văn Bộ... Thi thoảng tôi thấy giọng bà có lúc như chùng lại, nghẹn ngào vào lúc đang kể lại cho tôi nghe về sự tích từng bức ảnh. Bà gọi những cán bộ ngoại giao lão thành ấy là anh, là chị. “Phòng mạch của tôi có lúc đã biến thành một nơi ở tạm cho đoàn” - bà kể “Có những hôm tôi rời nơi đó về nhà thì đã hơn một giờ sáng, về nhà ăn vội vàng rồi lại thức dậy vào lúc sáu giờ sáng. Mọi người đều rất vui vẻ…”. Rồi cứ hết chuyện này đến chuyện khác, khi tôi đứng dậy bần thần chào bà để ra về thì thành phố đã lên đèn, tôi đã ngồi nghe và bị cuốn vào câu chuyện của bà hết một buổi chiều.

Tác giả và ông Lâm Bá Châu

Sau đó, tôi đến quận 19 của thành phố Paris, nằm trong một khu chung cư yên tĩnh, trên tầng sáu là căn hộ của ông bà Lâm Bá Châu. Ông Lâm Bá Châu thời kỳ đó là Phó Chủ tịch Liên hiệp Việt kiều Pháp (tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp), và là Tổng Thư ký chi hội vùng Paris. Phu nhân người Pháp của ông khi ấy cũng là một chiến binh tranh đấu tích cực vì hòa bình cho Việt Nam. Ở tuổi 90, ông bà đón tôi rất niềm nở khi biết tôi muốn được tìm hiểu thêm, muốn được nghe từ chính miệng ông kể cho nghe những gì đã diễn ra trong thời kỳ ấy. Nhìn bàn tay ông vuốt ve bức ảnh chụp rừng cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và cờ của Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam tung bay bên ngoài Trung tâm hội nghị quốc tế Klébert và giọng kể run run của ông khiến tôi như được sống trong cảm xúc vui sướng, tự hào cùng với cộng đồng kiều bào trong 45 năm về trước “…vào buổi trước ngày diễn ra Hội nghị, chúng tôi đã huy động tất cả để dựng cờ, may cờ rồi hẹn nhau đến sớm ở Klébert. Lúc đó bên kia cũng huy động đến, nhưng ở đó chỉ thấy rợp trời cờ đỏ sao vàng. Chính vì thế mà báo chí Pháp và Quốc tế khi ấy thấy rõ rằng cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã chủ yếu ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam”…

Giọng ông Lâm Bá Châu trở nên nghẹn ngào khi thổ lộ với tôi: “Điều tôi cảm động nhất là trong suốt thời kỳ diễn ra cuộc đàm phán thì trong nước đã rất tín nhiệm phong trào yêu nước của Việt kiều Pháp. Rất thường xuyên các anh Lê Đức Thọ, anh Xuân Thủy, chị Nguyễn Thị Bình, chị Nguyễn Thu Trâm và anh Mai Văn Bộ triệu tập ba người chúng tôi đến để phổ biến tình hình và hỏi xem chúng tôi có thể đóng góp được gì vào mặt trận ngoại giao không. Khi đó có nhiều anh chị em bỏ cả việc làm để đi Choisy-le-Roi phục vụ đoàn đàm phán…”. Và cứ như thế, ông Châu như bị cuốn đi theo mạch những sự kiện diễn ra thời đó. Những giai thoại, những mẩu chuyện nho nhỏ nhưng gần gũi ấm cúng. Với ông và đông đảo Kiều bào, đoàn ngoại giao ngày đó như một sợi dây nối liền những đứa con xa xứ tại Pháp với đất nước. Sự đồng lòng trong và ngoài nước, tình đoàn kết dân tộc đã giúp Việt Nam thực hiện được một kỳ tích.

Tác giả và ngài Daniel Davisse

Chúng tôi tiếp tục chạy xe đến Choisy-le-Roi, nằm ở ngoại ô phía nam Paris. Thành phố Choisy le Roi là nơi đoàn cán bộ ngoại giao Việt Nam mà dẫn đầu là ông Lê Đức Thọ và ông Xuân Thủy đã chọn để lưu trú trong suốt những năm 1968 -1973. Tôi đến ngắm nhìn những nơi đã diễn ra những cuộc gặp gỡ kín hoặc công khai mà thành phố này hiện còn lưu giữ và gắn biển đồng ghi rõ ngày tháng sự kiện tại các địa điểm này như một dấu tích lịch sử. Tôi đã được tận mắt nhìn thấy nhiều nét hoặc dấu ấn của Việt Nam trong thành phố này. Có đường phố mang tên Đống Đa, tấm biển Vịnh Hạ Long, Quảng trường Hiệp định Paris, bức tranh gốm về Việt Nam gắn trên bức tường tòa thị chính thành phố…

Trong suốt quá trình đàm phán, đấu trí xen kẽ những cuộc hội đàm kín và những cuộc tranh cãi công khai nảy lửa để dẫn đến thành công chứng tỏ bản lĩnh và tầm vóc của cán bộ ngoại giao Việt Nam, thì chúng ta cũng không thể không kể đến sự giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất của các bạn Pháp tại thành phố này, những con người yêu chuộng hòa bình, sự công bằng, những người đã cùng với dân tộc Việt Nam viết nên một trang sử vàng chói lọi. Họ là những trí thức, những chính trị gia, những lãnh đạo thành phố hay đơn giản chỉ là những nhân viên hành chính, phụ việc bếp núc, hay những lái xe phục vụ đoàn cán bộ. Ai cũng làm hết mình, ai cũng mong muốn các cán bộ trong đoàn ngoại giao Việt Nam cảm thấy được thoải mái nhất, thư giãn nhất sau mỗi ngày đấu trí căng thẳng.

Ngài Daniel Davisse nguyên Thị trưởng thành phố (1996-2004) Choisy Le Roi cho biết “Thời kỳ ấy tôi còn là một thành viên trẻ của Đảng Cộng sản Pháp, và cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một trong những sự kiện chính trong cuộc đấu tranh của chúng tôi”. Ông cho biết khi ấy dẫu không ở Choisy-le-Roi nhưng biết rõ và đã rất ủng hộ những gì diễn ra ở thành phố này. Cùng với nhiều bạn đồng chí khác, ông đã đến đây để thay nhau trực bảo vệ ngôi trường là nơi ở của đoàn Ủy ban trung ương. “Chúng tôi thảo luận những gì đang diễn ra trong thời kỳ đó. Và cùng nhau nghiên cứu tổ chức một số cuộc biểu tình để chứng tỏ cho mọi người thấy rõ cuộc chiến đấu và lòng dũng cảm của dân tộc Việt Nam và ý chí của họ muốn giành lại độc lập, quyền tự chủ và thống nhất đất nước. Bạn thấy đấy, chúng tôi đã làm được khá nhiều điều”. Và ông cho biết dấu ấn đậm nét nhất để lại trong ông thời kỳ ấy: “Đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp, Georges Marchais, đã tung ra ý tưởng “Chuyến tàu đến Việt Nam”, và rất đông chúng tôi đã ủng hộ ông ấy nhiệt tình”. Ông Davisse rất tự hào kể rằng đã có dịp nói chuyện với Chủ tịch nước Việt Nam thời kỳ ấy, và với ông đó là một vinh hạnh đặc biệt. Và khi đó ở Choisy-le-Roi, với sự có mặt của bà Bình, ông cùng các thành viên Đảng Cộng sản Pháp đã tổ chức rất nhiều sự kiện, trong đó có một cuộc hội thảo lớn mang tên “Bằng chứng của Hiệp định Paris”, đã diễn ra chính tại nơi mà hiện giờ đã trở thành một quảng trường mênh mang có gắn biểu tượng hòa bình, quay ra sông Seine với tên gọi Quảng trường Hiệp định Paris (Place de l'Accord de Paris).

Tôi cũng có dịp trò chuyện cùng bà Jéanine Rubin. Bà khi ấy làm công tác hậu cần cho đoàn cán bộ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, do ông Lê Đức Thọ làm trưởng đoàn ở Choisy-le-Roi: “Ngày đó tôi là nhân viên Tòa Thị chính thành phố, bà Rubin kể. - Tối nào chúng tôi cũng đến phục vụ đoàn ngoại giao Việt Nam. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng làm việc này là ngoài giờ, không liên quan gì đến công việc của tòa Thị chính, bởi với nhiều người thì đây là điều khá khó hiểu, tôi làm việc là tự nguyện và miễn phí. Nhưng với tôi, đây quả là điều kỳ diệu: phục vụ một phái đoàn ngoại giao là điều chưa từng xảy đến với tôi, thế nên tôi rất tự hào được làm điều đó…”. Bà cho biết một số đồng nghiệp khác ở thành phố Choisy cũng tham gia công việc này, họ cũng đã được hỏi chuyện nhiều lần, nhưng có người ngại nói. “Với tôi, - bà tiếp tục thổ lộ, ánh mắt tràn đầy xúc động, - cho đến tận bây giờ, Việt Nam vẫn luôn là một điều gì đó hết sức đặc biệt, được giao lưu qua lại với các bạn Việt Nam là một điều tuyệt vời”.

Ông Michel Strachinescu

Theo lời giới thiệu của các bạn Pháp, chúng tôi tìm đến thành phố nhỏ yên bình Bretigny-sur-Orge gặp ông Michel Strachinescu. Ông đã từng là lái xe riêng cho bà Nguyễn Thị Bình, trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Michel Strachinescu hồ hởi tiếp chúng tôi trong ngôi nhà màu trắng điệu đàng giống như biệt thự của ông. “Tôi lái chiếc xe này và phía sau trong xe tôi là bà Bình, - ông Michel kể. Tôi không được phép trò chuyện trực tiếp với bà Bình mà thường nhận chỉ thị làm việc trong ngày…”. Ông cho biết làm việc nhiều trăm giờ liền và trong suốt bốn năm, “…tôi gần như không trở về nhà, tôi hầu như không gặp vợ con gì cả. Tôi cũng xin nhấn mạnh là công việc tôi làm thì gần như là miễn phí vậy. Vậy bạn sẽ hỏi tại sao tôi lại chấp nhận làm phải không? Và cũng đâu cần phải biết điều đó nhỉ!”. Ông thổ lộ rằng thời đó ông là một thành viên trẻ tích cực của Đảng Cộng sản Pháp, và là Bí thư của một chi bộ Đảng nên có quan hệ chặt chẽ với các chi bộ khác, và họ đã đề nghị ông nhận công tác này. “Tôi thấy đây là một việc tốt và hữu ích, - ông nói tiếp, - chỉ có điều tôi đã không nghĩ rằng sự kiện lại kéo dài lâu đến vậy. Nói tóm lại, tôi làm việc trên mặt trận ngoại giao, và tôi trở thành lái xe riêng cho bà Bình. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng…”.

Và ông kể đã đưa bà Bình đi nhiều nơi, gặp gỡ rất nhiều người, cả Pháp lẫn Việt, gặp gỡ Đảng Cộng sản Pháp nhưng cũng còn nhiều hội đoàn Pháp, Việt khác. Có người Việt ủng hộ Đảng Cộng sản, nhưng cũng có người Việt ưa chuộng hòa bình và chỉ mong hòa bình cho Việt Nam. Ông còn kể rằng có những lúc phải đi buổi tối để tránh bị đám nhà báo Pháp và quốc tế cứ suốt ngày bám theo họ. “Có phái đoàn ở Massy và thế là sáng sáng, tôi với chiếc xe DS chở bà Bình đi Massy rồi lại về Verrière-le-Buisson để gặp gỡ những người mà bà Bình cần gặp. Tôi thực sự rất tự hào khi làm công việc này”. Ông tâm sự rằng bà Bình là một con người kín đáo nhưng tràn đầy tình nhân ái. “Khi biết tôi và các đồng nghiệp không được thường xuyên về nhà, Bà thường quan tâm đến mọi người và hỏi han gia đình, nhưng bạn biết đấy, bà Bình khi ấy cũng có gia đình đang ở miền Nam Việt Nam… Tôi xin lỗi, khi kể lại những điều này tôi quả thực rất xúc động…” - ông nói mà mắt ngân ngấn lệ. Ông cũng cho biết sau này đã được bà Bình mời sang Việt Nam và đến thăm thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi còn đi thêm một số nơi, thăm một số người nữa mà họ không muốn tôi nêu tên, nhưng cho dù họ là ông Châu, bà Jeanne Minh Thanh, ngài Daniel Davisse, bà Rubin, ông Michel Strachinescu hay nhiều người vô danh khác nhưng đã tham gia tích cực vào phong trào yêu Việt Nam, trợ giúp các phái đoàn đàm phán để đem đến thành công và độc lập hòa bình được thiết lập lại ở Việt Nam, thì họ đều để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc và niềm xúc động khó tả. Và là một đứa con đất Việt đang sinh sống xa Tổ quốc, tôi đều cảm phục và rất biết ơn họ.

Hiệu Constant

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước