Bởi người sống không làm tròn trách nhiệm
(Chuyện về một cựu binh đang có phần mộ mang tên mình ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn)
VNTN - Tiếng ì ì của toán giặc trời làm cả Trung đoàn nín lặng. Chúng tôi cùng ngước lên bầu trời cao xanh, không ai nói với ai, nhưng đều biết đơn vị đang sắp phải đối mặt với chết chóc. Cựu chiến binh (CCB) Lưu Sĩ Mùi, xóm Dưới I, xã Văn Yên (Đại Từ) bắt đầu câu chuyện.
Tất cả chúng tôi chúi xuống giao thông hào, căng thẳng đến tột độ. Tiếng ì ầm lớn dần báo hiệu sự tàn khốc đang ve vãn trên đầu những người lính cộng sản. Thình lình, cả khu rừng nơi đơn vị đóng quân run lên bần bật. Tiếng bom nổ nhức nhối, tiếng mảnh gang cắt gió thành tiếng rít ghê rợn, cây gẫy răng rắc, đất đá văng mù mịt. Tiếng của nhiều đồng đội kêu la đau đớn, Đại đội trưởng Nguyễn Duy Hiến bị mảnh bom xé toang lồng ngực.
Tôi chạy lại, người anh Hiến đã mềm oặt, không trăng trối được một câu. Tôi tiếp tục chạy tìm gọi đồng đội, thấy la liệt trên mặt đất, dưới giao thông hào đồng đội nằm sõng soài, tơi tả. Vừa khi đó tôi phát hiện anh Trần Văn Kỳ, người La Bằng bị thương nặng. Tôi lao đến, xốc anh ngồi dậy, thấy mũi, miệng anh đầy máu tươi. Tôi ghé miệng hút nhổ ra để anh không bị nghẹt thở. Chợt một mảnh bom phạt ngang cằm làm tôi thấy đau rát, tiếp đến là tiếng nổ đinh tai, nhức óc, một quả bom rơi rất gần hất văng tôi lên cao. Khi tỉnh dậy, tôi được các y, bác sĩ cho biết mình bị ngất lịm gần 24 giờ. Nhiều đồng chí cùng đơn vị đã anh dũng hy sinh”.
Trận bom xảy ra vào ngày 14-12-1972, tại tọa độ B5, trên đất Thượng Lào (nước bạn Lào). Những tưởng thời gian trôi đi sẽ mang theo tất cả đau thương về miền hoài niệm. Người nằm lại đã an nghỉ vĩnh hằng dưới bóng hàng dương, người trở về đã an phận với thiên chức ông, bà và tảo tần cùng con cháu chăm lo cuộc sống riêng tư. Nhưng còn đó nhiều câu chuyện liên quan đến chiến tranh chưa biết đến bao giờ có hồi kết, như chuyện về những liệt sĩ “đột ngột” trở về sau bao năm thờ cúng. Chuyện về những liệt sĩ vô danh, và còn có câu chuyện hy hữu liên quan đến số phận một con người. Đó là CCB Lưu Sĩ Mùi, người kể chuyện trong phần đầu bài viết.
Nhấp ngụm trà đã nhạt nước, ông Mùi tiếp tục câu chuyện bằng chất giọng thẳm buồn: Trận bom năm đó, nhiều đồng đội tôi bị bom phạt, cắt, vùi dập không còn hình hài nguyên vẹn. Bản thân tôi may mắn không bị bom thù cướp đi mạng sống, nhưng tơi tả, rách dưới, bê bết máu của tôi và máu đồng đội. Tất cả quân tư trang, giấy tờ của một quân nhân đơn vị quy định mang bên người mất hết. Có lẽ vì bị bom “nhào trộn” nên nhiều đồng đội tôi trở thành liệt sĩ vô danh. Và không biết nên buồn, hay nên vui khi một đồng đội tôi hy sinh, trên bia mộ lại mang tên tôi - người đang sống.
Ông Lưu Sĩ Mùi tại nhà riêng
Câu chuyện ông kể lại cho chúng tôi nghe về chiến tranh, về sự tàn khốc của bom đạn chết chóc cứ rời rạc, có gì đó xa ngái, buồn man mác như hơi lạnh từ thượng rừng Tam Đảo ào về. Ông ngồi đó, một lão nông vô tư, liên tục kéo thuốc lào để giấu niềm cảm xúc của thời trai trẻ. Ông sinh ngày 20-7-1954, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố ông là đảng viên, có một dạo được bầu làm trung đội trưởng dân quân của xã Văn Yên. Nhà có 2 anh em, ông Mùi là con cả, nên khi đang học dở lớp 7 (hệ 10 năm), mới 17 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ.
Sau 6 tháng huấn luyện chiến sĩ đặc công ở Sơn Tây (Hà Nội), ông cùng các tân binh di chuyển lên tỉnh Hòa Bình và chờ bổ sung, tăng cường chi viện sức người cho mặt trận miền Nam và bên nước bạn Lào. Mùa khô năm 1972, ông cùng đơn vị hành quân đến tỉnh Quảng Bình bằng xe cơ giới, rồi bắt đầu cuộc hành quân bằng đôi chân của mình, gần một tháng băng rừng, vượt dốc, nếm trải những muỗi mòng, sốt rét ác tính và thú dữ rình rập thì đến đất Thượng Lào. Chưa kịp nghỉ ngơi thì bom thù trút xuống.
Sau 3 tháng nằm điều trị vết thương ở Quân y viện, ông được đưa về hậu cứ, làm vệ binh tại Trường Sỹ quan đặc công ở tỉnh Hòa Bình. Dù thân mang thương tật, nhưng chưa bao giờ ông ca thán, phàn nàn làm ảnh hưởng đến tâm lý của đồng chí, đồng đội. Vì thế ông được bạn bè quân ngũ nể mến. Tháng 12-1977, ông xuất ngũ, trở về địa phương. Hành trang mang theo là quân tư trang gói ghém trong ba lô khoác vai và vết sẹo cắt ngang phía cằm dưới.
Có mặt ở đó, ông Vũ Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên cho biết: So với ông Mùi, tôi chỉ là thế hệ em út. Nhưng tôi và người cả làng xã này đều biết rất rõ về ông, một người lính quả cảm, không làm hổ thẹn cho người Văn Yên. Về phục viên, thân mang thương tật, bị mất 62% sức khỏe, nhưng ông không kiêu binh, mà gương mẫu bước vào cuộc chiến mới - cuộc chiến chống đói nghèo cho chính gia đình mình.
Tổ quốc vẫy gọi, những vui thú điền viên và gia đình không cản được lòng son của một cựu binh. Năm 1978, ông tái ngũ. Vốn là “dân đặc công” thời kháng chiến chống Mỹ, nên ông được đơn vị cử đi học tại Trường Sỹ quan đặc công ở Chu Lai. Trong đợt thực tập tốt nghiệp của khóa học, Nhà trường cho đi thực tế, với nội dung 3 cùng: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân. Có một chi tiết kỳ lạ cho đến tận bây giờ ông cũng không sao lý giải nổi.
Theo sự sắp xếp của đơn vị, tiểu đội của ông được vào ở nhờ một nhà dân địa phương. Ông kể: Hôm đến nhận chỗ ở, vừa bước chân qua ngưỡng cửa, tôi thấy trên bàn thờ tấm hình chân dung của Đại đội trưởng Nguyễn Duy Hiến. Anh nhìn tôi bằng đôi mắt buồn. Tôi nín lặng, cúi đầu, kính anh đang ngậm cười nơi chín suối. Cũng trong suốt thời gian gần một tháng ở đây, đêm nào tôi cũng thấy anh đứng bên đầu giường với đôi mắt buồn vời vợi như muốn nói điều gì đó. Có lần trong giấc ngủ, tôi nghe loáng thoáng lời anh: Chú có nhớ không, đơn vị đang chuẩn bị ăn cơm trưa thì chúng nó giội bom vào trận địa. Tớ bị dính ngay loạt bom đầu. Thấy chú lay gọi, nhưng lúc đó tớ đã đi rồi. Trận đó, tớ cùng nhiều anh em khác sau khi hy sinh, còn bị loạt bom tiếp theo vùi sâu trong đất, gần chục ngày sau đồng đội mới tìm được.
Câu chuyện ông kể vô tư, hồn nhiên và hoàn toàn không mang yếu tố tâm linh. Nhiều đồng đội của ông Mùi cho rằng: Vì trước đó, ông Mùi làm liên lạc cho Đại đội, nên giữa họ có sự gắn bó, thấu hiểu và luôn có sự sẻ chia. Tiếc rằng, sau khi nằm ở Quân y viện điều trị, ông Mùi trở ra Bắc tiếp tục làm nhiệm vụ của một người quân nhân. Rồi trở về quê cấy lúa, trồng chè như bao nông dân của vùng đất bên chân núi Tam Đảo.
Vì chiến tranh, và có lẽ vì duyên phận, nên lần tái ngũ này liệt sĩ Nguyễn Văn Hiến đã đưa đẩy, xui khiến ông đến nhà mình ở trọ. Đó là thời gian trong ông phải mang nhiều dằn vặt, đau đớn. Ông chưa từng đến bên mộ chí của thủ trưởng và các đồng đội mình hy sinh trong trận bom năm đó, để thắp một nén nhang cho người nằm dưới mộ. Ông lầm lụi, nghĩ suy, đến ngày cuối của kỳ thực tế mới mở được nhời với chủ nhà - vợ của liệt sĩ Nguyễn Duy Hiến. Ông nói: Chị ơi, em là liên lạc của Đại đội, anh Hiến đã chiến đấu rất anh dũng, và hy sinh để chúng em được sống... “Hôm ấy, vợ Đại đội trưởng của tôi đã khóc rất nhiều”, ông Mùi nhớ lại.
Nhiệm vụ lại kéo ông và đồng đội ra mặt trận biên giới phía Bắc. Ông được giao nhiệm vụ làm Đại Đội trưởng của C7, D2, E 183 thuộc Sư đoàn 322 (Quân Khu I). Tháng 12-1987, lần nữa ông hoàn thành nhiệm vụ của một quân nhân, trở về địa phương cùng vợ chăm lo công việc vườn ruộng. Không bon chen việc đời, ông tự thấy mình phải cố gắng lao động, đối đãi thật tốt với vợ, con để bù đắp lại những thiệt thòi cho họ sau suốt nhiều năm biền biệt xa nhà vì chiến tranh. Tại địa phương, ông khiêm tốn tham gia làm hội viên các chi hội CCB, nông dân, chữ thập đỏ, người cao tuổi và tích cực tham gia các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông Ngô Văn Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đồng chí Lưu Sĩ Mùi không chỉ là đảng viên gương mẫu, mà còn tích cực tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước; về ý thức phấn đấu và tham gia xây dựng quê hương.
Ông có quan niệm về cuộc đời hết sức giản đơn: Giúp được ai điều gì, mình hết sức làm mà không chờ đền đáp. Không bon chen, so bì hơn thiệt, và cứ sống như một người vô danh giữa trường đời. Nhưng cái “lý sự” vô tư của ông bị khuấy đảo, bởi mỗi lần bạn bè đồng ngũ gặp nhau, chén rượu đưa cay lại cùng nhắc nhớ về một thời đạn lửa. Người mất đã yên mồ, người trở về líu ríu bên đàn con cháu. Song day dứt là ở nghĩa trang Trường Sơn có một nấm mộ “cõng” tấm bia ghi đích danh họ tên ông, thời gian hy sinh trùng với ngày đơn vị bị máy bay địch đánh bom. Bản thân ông cũng bị bom phạt đến bất tỉnh, mất hết giấy tờ.
Dù không có điều kiện vào đó “thắp cho mình nén hương”, song đồng đội của ông, và bao CCB, cựu thanh niên xung phong về thăm lại chiến trường xưa, khi thắp nén trầm thơm cho các đồng chí mình nằm lại dưới hàng dương, đều chung thắc mắc: Vì sao bia mộ của liệt sĩ lại mang tên người đang sống. Ông tâm sự: Tôi giật mình biết thông tin mình là liệt sĩ do CCB Đàm Quang Minh, người cùng xã kể lại. Rồi năm nào tôi cũng vài lần được nghe anh em, bè bạn nói vào nghĩa trang Trường Sơn thắp hương cho tôi. Nhiều bạn đồng ngũ không tin đó là một sự thật, nên cất công vào nghĩa trang Trường Sơn, tận mắt thấy, đã khóc: Mùi ơi, sao mày đang sống sờ sờ ra đấy, mà hằng ngày những người sống lại khói hương cầu cho vong linh mày được vĩnh hằng an nghỉ.
Mộ chí ghi tên ông Lưu Sĩ Mùi tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Đau đớn cho người nằm trong mộ chí, đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho ngày đất nước thống nhất, nhưng không được mang dòng tên của chính mình. Nhiều đêm không ngủ, ông nghĩ suy đến thẫn thờ về người đồng đội hy sinh. Ông nói giả thiết: Có lẽ trong trận bom năm đó, bom vùi, bom dập làm toàn bộ giấy tờ của tôi rơi lên một đồng đội khác đã hy sinh tại trận địa, nên anh em làm công tác tử sĩ đã nhầm lẫn. Ông dừng lời giây lát, rồi tiếp tục câu chuyện bằng chất giọng nuối đau: Chiến tranh khốc liệt, xác đồng đội có khi vừa chôn xuống, đã bị bom hất tung lên. Có đồng chí vừa chôn xong bạn mình, lại gục xuống vì một viên đạn địch vu vơ bắn trúng. Tôi mong mỏi một ngày nào đó, các cơ quan chức năng Nhà nước tìm lại được tên anh, người liệt sĩ đang nằm trong lòng đất mẹ.
Ở xã Văn Yên, từ cụ già đến em nhỏ đều biết quê mình có 2 người cùng tuổi, cùng tên Lưu Sĩ Mùi. Một người ở xóm Đình 2, một người ở xóm Dưới 1, cả 2 đều đang sống khỏe mạnh. Trong đó ông Mùi ở xóm Đình 2 (nay đã chuyển về T.P Thái Nguyên sinh sống) chưa một ngày nhập ngũ, hiện đang làm Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh. Trước đó, ông công tác ở Báo Thái Nguyên. Còn ông Mùi ở xóm Dưới 1 có 2 lần đi bộ đội, lần 1 tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; lần 2 tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Tổng cộng ông phục vụ trong Quân đội 17 năm. Ông bị thương ngày 14-12-1972, trùng với ngày đồng đội khắc tên ông trên bia mộ. Và hiện ông đang làm một lão nông đích thực ở nơi mình sinh ra.
Bà con trong vùng mến nể ông bởi chất sống thực thà. Cả khi gặp chúng tôi, những người lần đầu gặp mặt, cứ quần đùi cũ, chân cho lên ghế, tay ôm cái điều cày ông trò chuyện vô tư, hồn nhiên. Và tận khi chia tay, ông tiễn chúng tôi ra cổng rồi mới kể: Tôi có 5 người con đều đã yên bề gia thất. Hôm rồi, con gái út là Lưu Thị Loan, công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh cùng bè bạn đi thăm nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị), về nhà Ngoan kể: Mộ chí mang tên bố được xây rất đẹp, con đã thắp lên đó một nén nhang, nhưng không biết khấn như nào cho phải đạo hiếu kính với người đã vì Tổ quốc hy sinh.
Câu chuyện của ông dành cho chúng tôi không có nước mắt, nhưng vời vợi buồn. Bởi chiến tranh và còn bởi chính chúng ta, những người đang sống chưa làm tròn trách nhiệm với người đã vì Tổ quốc hy sinh. Đã để một người con, một liệt sĩ nằm trong lòng đất mẹ ngậm ngùi khi phải mang trên mộ phần dòng tên của một người đang sống.
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...