Bộ trưởng và “ghế nóng”
VNTN - Sáng 4/6, ngày đầu tiên trong tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ năm, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với các phiên truyền hình trực tiếp.
Đây luôn là nội dung "nóng" nhất của các kỳ họp. Vì thế, vị trí dành cho nhân vật chính - người được chọn trả lời chất vấn - thường được gọi là "ghế nóng".
Với giới hạn chỉ 5 vị trả lời chất vấn trực tiếp trong một kỳ họp, chọn người cho chiếc ghế này thật chẳng hề đơn giản.
Lâu nay, Thủ tướng và một số các vị bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội xuất hiện ở "ghế nóng" nhiều nhất. Nhưng theo luật, đại biểu Quốc hội không chỉ có quyền chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, mà còn có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, không phải tất cả các vị này lần lượt trả lời chất vấn mà việc chọn ai căn cứ vào nhiều yếu tố: chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội....
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
Vì thế, có những vị một nhiệm kỳ (thường là 5 năm với khoảng 10 kỳ họp Quốc hội có hoạt động chất vấn) vài ba lần lên "ghế nóng", có những vị chỉ ở vị trí "chia lửa" - giải trình những vấn đề có liên quan khi người chất vấn nêu, có những vị thì chưa từng xuất hiện ở cả hai vị trí nói trên.
Tại kỳ họp đang diễn ra, công việc khá "đau đầu" là chọn người lên "ghế nóng" đã hoàn thành. Cả năm vị sẽ trả lời chất vấn trực tiếp đều là thành viên Chính phủ. Đó là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (Thủ tướng ủy quyền) và bốn vị Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và xã hội.
Nếu chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ này thì trong 5 thành viên Chính phủ nói trên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ được "ưu tiên" hơn cả khi có tới hai lần được chọn vào "ghế nóng".
Lần thứ nhất là ở kỳ họp thứ hai của Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã trải qua cảm giác sau một số câu trả lời thì đại biểu ngay lập tức phản ứng khá gay gắt.
Lần này, Bộ trưởng Nhạ "tái xuất" trong bối cảnh nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục nóng rừng rực từ "vĩ mô" đến "vi mô". "Vĩ mô" là chuyện sửa luật với đề xuất đổi học phí thành "học giá". "Vi mô" là cảnh giáo viên mầm non bạo hành trẻ liên tục tái diễn, giáo viên phổ thông thì bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng....
Cũng lần thứ hai được chọn vào "ghế nóng" là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Nằm trong những vấn đề dành cho Bộ trưởng có công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại tố cáo. Những năm gần đây khiếu kiện về đất đai luôn tăng nhiệt, và tại kỳ họp này cái tên Thủ Thiêm đã được nêu như điển hình tai tiếng về đất đai cả trong nghị trường và trong kiến nghị của cử tri. Rồi qua giám sát tối cao Quốc hội cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề liên quan đến đất đai của doanh nghiệp nhà nước. Qua phiếu xin ý kiến, một số vị đại biểu cho rằng cần chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về những vấn đề cụ thể hơn. Như, thất thu địa tô chênh lệch từ đất đai và tài sản, vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa là bao nhiêu, việc tính giá đất trong dự án BT như thế nào. Rồi, việc hiện nay đất "nóng" lên, tiền có phải từ ngân hàng cung ứng. Hay, có ý kiến đề nghị Bộ Quốc phòng báo cáo việc sử dụng đất quốc phòng (đất sân bay, đất làm trái pháp luật cho các đối tượng quân nhân dùng đất quốc phòng làm đất ở, hướng khắc phục thời gian tới... Nếu "truy" đến cùng trách nhiệm, có lẽ những vấn đề cụ thể này cũng rất rất nóng.
Chưa từng lên vị trí dành cho người trả lời chất vấn trực tiếp ở phòng Diên Hồng (nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội), nhưng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã từng trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 9 của ủy ban Thường vụ Quốc hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải pháp khắc phục tình trạng bảo hành và xâm hại trẻ em nằm trong nội dung chất vấn dành cho Bộ trưởng. Đây cũng là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, không chỉ thực trạng mà còn ở khâu thực thi pháp luật.
Trong số bốn vị "tư lệnh" chỉ duy nhất Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể là hoàn toàn mới với trả lời chất vấn trực tiếp. Nhưng, nhóm vấn đề về giao thông vận tải được tới 441/473 vị đại biểu lựa chọn (93,23%) qua phiếu xin ý kiến về nhóm vấn đề chất vấn. Tỷ lệ này bỏ xa kết quả đồng ý chọn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội (68,29%).
Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh - chuyển giao (BOT) là nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
BOT chính là "từ khoá" có thể gây "sốt" tại phiên chất vấn khi mà tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có phát ngôn gây "sốc": BOT rất nóng nhưng đều là sản phẩm ở giai đoạn trước.
Cũng liên quan đến các dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước gửi báo cáo đến Quốc hội cho biết, giai đoạn 2016 trở về trước, đã kiến nghị giảm 107 năm thu phí với 27 dự án BOT nhưng sau đó lại phải tiếp tục kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỉ đồng.
Ngoài ra, tổng hợp từ kết quả phiếu xin ý kiến, có một số vấn đề được đề nghị bổ sung vào nhóm này: giá thành các đường cao tốc (so sánh với giá và chất lượng đường của các nước), chất lượng công trình giao thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong ngành, yêu cầu Bộ Công an trả lời về thu hồi, cấp trên 500 xe từ biển trắng thành biển xanh sai quy định theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016... Những vấn đề này, để có câu trả lời thỏa đáng, hẳn không đơn giản.
"Ghế nóng" đã có chủ, nhưng hiệu quả của hoạt động chất vấn không chỉ phụ thuộc vào các vị chủ nhân cuả những chiếc ghế này mà còn ở kỹ năng, sự sắc sảo và hơn hết là tinh thần trách nhiệm của các vị đại diện cho dân ở Quốc hội.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...