Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
23:25 (GMT +7)

Bố tôi ở chung cư

VNTN - Tích cóp gần chục năm, vợ chồng tôi mới mua được một căn hộ chung cư. Nhà tôi ở tầng áp chót, diện tích chưa được 50 mét vuông, chật chội và nóng nhưng con nhỏ có chỗ học, vợ chồng có phòng riêng, với chúng tôi thế là toại nguyện lắm rồi. Chuyển đến ở chung cư gần năm nay tôi chưa nhìn thấy mặt hàng xóm. Cũng như tôi, họ về đến nhà là đóng ngay cửa lại, gặp nhau ở cầu thang máy cũng chả biết ai vào ai mà chào. Có lần vợ tôi bảo: Chung cư đông người mà như hoang đảo, nhà mình có chuyện chắc chả tìm ra người giúp đỡ. Tôi gạt đi: Cuộc sống hiện đại ở thành phố nó thế, đâu như quê mình, có khi quan tâm quá lại xâm phạm vào quyền riêng tư của người khác. Đùng một cái, vợ chồng tôi được cử đi công tác ở nước ngoài gần 1 năm. Chúng tôi quyết định nhờ bố lên trông con, trông nhà giúp. Bố tôi hơn 70 tuổi, ở một mình trong căn nhà hương hỏa từ khi mẹ tôi qua đời. Mỗi lần chúng tôi mời bố lên thành phố sống chung, bố đều bảo: Bố là nông dân, để bố ở quê là thoải mái nhất. Nhưng hoàn cảnh của chúng tôi thế này, bố đành phải lên thành phố. Trước khi đi, chúng tôi dặn bố cẩn thận: Bố ơi, cung cách sống của người thành phố họ khác lắm, nên bố đừng nói to, đừng tự nhiên vào nhà người khác chơi, đừng cho cu Tí chạy vào nhà họ, đừng âu yếm xoa đầu vuốt má trẻ con, đừng mở cửa toang hoác, đừng… Bố tôi gật gật: “Bố biết rồi, các con cứ yên tâm mà công tác tốt”. Ở nước ngoài, tối nào chúng tôi cũng gọi video về, thấy hai ông cháu vui khỏe nên chúng tôi rất yên tâm. Hết thời gian công tác, chúng tôi về nhà không báo trước. Ô, sao lạ thế này, nhà tôi cửa mở toang. Nhẹ bước ngó vào trong nhà tôi thấy cu Tí ngồi chơi với dăm cậu bạn cùng lứa tuổi. Xung quanh chúng đồ chơi la liệt, nhiều món rất lạ, chắc là của các bạn mang đến cùng chơi. Ở phòng khách, bố tôi và 5- 6 ông bà đang chụm đầu ngắm bình hoa thủy tiên. Chợt nhìn thấy vợ chồng tôi, mọi người reo lên mừng rỡ, cu Tí nhảy lên ôm cổ mẹ thật chặt. Tôi bày bánh kẹo ra, mọi người cùng ăn bánh, uống trà nói chuyện vui vẻ. Mấy món đồ chơi bố mẹ mang từ nước ngoài về cu Tí cũng sẵn lòng cho các bạn cùng chơi. Lúc mọi người ra về, tôi định đóng cửa lại, bố tôi ngăn: Tí nữa có mấy ông bạn sang ngắm hoa quỳnh nở, con cứ để cửa, họ đỡ ngại. Bố chỉ ra hành lang phía sau, chỗ chúng tôi để máy giặt và phơi quần áo, bố đã kịp trồng một gốc quỳnh mập mạp, lúc lỉu dăm cái nụ sắp đến độ bung cánh. Cho cu Tí đi ngủ, chúng tôi uống trà đợi hoa quỳnh nở cùng các cụ. “Đây là ông Hùng, công an nghỉ hưu; ông Tú trước là giáo viên; ông Thăng, nguyên là bộ đội; ông Nam cũng từ quê lên trông cháu như bố, riêng tầng áp mái nhà mình có 7 ông bà, 20 đứa trẻ con, 5 đứa tầm tuổi cu Tí nhà mình” - bố tôi rành rẽ. “Sao bố biết”? Tôi ngạc nhiên hỏi bố. “Thì chúng tôi ngồi với nhau suốt mà lị. Cũng bắt đầu từ cụ nhà anh đấy, chúng tôi ban đầu cứ ru rú trong nhà. Ông cụ nhà anh gõ cửa, mời sang nhà uống trà Thái, gọi bọn trẻ đến chơi với cu Tí, dần dần mọi người biết hết nhau, vui lắm anh ạ” - ông Nam giải thích. Vợ tôi bấm tay tôi thì thào: “Bố giỏi thật anh nhỉ”. Tôi bấm tay cô ấy, ra hiệu im lặng. Đêm ấy, mấy bố con tôi gần như thức trắng, bố kể tháng đầu mới lên, nghe lời các con, bố chả dám làm quen với ai. Sau bố nghĩ, ai mà chả thích có bạn bè, người thành phố thì cũng là người nhà quê mà ra. Bố mạnh dạn gõ cửa nhà bên cạnh, nhà bên cạnh nữa… mời sang nhà mình uống trà. Bọn trẻ con theo sang, quen nhau ngay. Từ đấy, mọi người ở tầng áp chót vui vẻ chào hỏi, ai có quà cũng mang chia cho trẻ con; chuông gọi gom rác mà ai không có nhà thì người bên cạnh cầm hộ luôn xuống. Bố không thấy người thành phố kênh kiệu lạnh nhạt như con nghĩ đâu, chẳng qua người nọ tưởng người kia mà nghĩ oan cho nhau thôi. Hôm bố tôi về quê, cư dân tầng áp chót lưu luyến tiễn ông xuống sân chung cư. Nhìn ông cụ nhỏ thó nắm tay mọi người không muốn rời, tôi càng thấm lời của bố: Đừng dựng lên hàng rào quanh mình để xa cách mọi người. Bố tin là ở đâu con người cũng có nhu cầu được giao tiếp thôi con ạ.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước