Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:59 (GMT +7)

Bố mẹ vẫn đợi con về

VNTN - Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979) cách nay tròn 40 năm. Biết bao chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Cũng như bao thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Đỗ Văn Đăng ở xóm Múc xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình khi ấy 19 tuổi, đã anh dũng chiến đấu và hi sinh.

 

Cụ Trị và cụ Sân, ngày nào cũng day dứt nỗi nhớ con

Con ngõ nhỏ hẹp đưa chúng tôi tìm về gia đình liệt sĩ Đỗ Văn Đăng. Trong căn nhà cấp bốn đơn sơ, cụ Đỗ Văn Trị, thân sinh liệt sĩ Đăng năm nay đã 93 tuổi, chân yếu và tai nghe không rõ, nhưng khi được hỏi về cậu con trai đã hi sinh, cụ rành rẽ kể lại ngày tiễn con lên đường nhập ngũ: “Trước lúc nó đi, tôi dặn con phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ mà nhà nước giao phó. Nó còn bảo, hay là để con lấy vợ, có người ở nhà giúp đỡ bố mẹ, nhưng tôi động viên, con cứ yên tâm mà nhập ngũ, ở nhà mọi người lo được”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ Trị cũng đã từng cầm súng tham gia chiến đấu tại các chiến trường từ năm 1948 - 1951. Dời quân ngũ, trở về quê hương và xây dựng gia đình với cụ bà Dương Thị Sân. Đất nước vẫn còn bóng quân thù, hai cụ luôn động viên các con lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Vì thế, khi Đỗ Văn Đăng xin đi bộ đội, cụ Trị đã không ngần ngại khuyến khích con lên đường nhập ngũ. Biết tin con trai ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc, như bao người làm cha làm mẹ khác, cụ cũng đau đớn xót xa lắm nhưng cố giấu nước mắt vào trong để làm lụng, nuôi dạy những người con khôn lớn trưởng thành.

Cũng giống như cụ ông, mỗi lần nhắc đến cậu con trai đã hi sinh, cụ bà Dương Thị Sân, mẹ liệt sĩ Đăng lại bùi ngùi: “Chuẩn bị nhập ngũ nó vẫn bảo để nó đi cày vài sào ruộng cho bố mẹ rồi đi. Ngày lên đường, nó dặn, ở nhà bố mẹ trông nom các em cẩn thận. Nó có gửi một vài lá thư về nhưng tôi không biết đọc. Nghe mọi người kể lại, nó bảo gửi cho con hạt rau cải để lên đó gieo rau tăng gia sản xuất. Tôi tích được khá nhiều hạt rau cải và gửi mấy thanh niên ở làng nhập ngũ đợt sau mang lên cho nó”.

Cụ Trị và cụ Sân sinh hạ được bảy người con, liệt sĩ Đăng là con trai thứ hai. Mười chín tuổi, chàng thanh niên Đỗ Văn Đăng khi ấy đang là công nhân Công ty Thủy lợi Bắc Thái viết đơn tình nguyện thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Nhập ngũ tháng 9/1976, Đăng đóng quân tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 121, Sư đoàn 345, Quân khu 2. Sau thời gian huấn luyện trong quân ngũ, anh được điều động lên mặt trận Hoàng Liên Sơn chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, thuộc huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai. Anh trực tiếp tham gia trận đánh tại mặt trận Hoàng Liên Sơn, bị thương và hi sinh ngày 23/2/1979 tại Bản Sen, huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai.

Cũng tham gia cuộc chiến ngày đó có ông Dương Văn Khì, xóm Tân Lập người cùng làng may mắn trở về lành lặn. Nhà hai người cách nhau chỉ khoảng 200m, xóm trên, xóm dưới, cũng giống như bao trai làng náo nức lên đường tòng quân bảo về Tổ quốc lúc bấy giờ, Khì và Đăng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đăng được chọn đi đợt trước, Khì được gọi nhập ngũ đợt sau. Hai đơn vị huấn luyện gần nhau nên mỗi khi giải lao mấy thanh niên cùng làng lại gặp nhau trò chuyện cho vơi nỗi nhớ nhà. Túi hạt rau cải quê nhà gửi lên được các anh chia làm nhiều phần, cuốc đất gieo ngay trong đơn vị. Vùng đất cằn đá sỏi nhưng thật lạ hạt rau gieo lên đều và xanh tốt, phục vụ phần nào cho bữa ăn của bộ đội. Vì ở vùng đất cằn ấy, rau xanh luôn là một “của hiếm”. Thế rồi, khi chiến sự chuẩn bị nổ ra, mật độ thời gian tập luyện dày đặc khiến họ ít gặp nhau hơn.

Nhắc đến người bạn chiến đấu, ông Khì xúc động: Tôi nhập ngũ sau anh Đăng một năm nhưng tình cờ hai đơn vị cách nhau chưa đến một kilômet. Khi chiến sự chưa xảy ra, chúng tôi vẫn gặp, kể cho nhau về cuộc sống ở quê nhà. Đăng hiền lành, ít nói nhưng sống rất tình cảm. Khi xảy ra chiến sự, Đăng lao vào cuộc chiến. Tôi ở phía sau làm công tác hậu cần phục vụ bộ đội. Ngày 23/2/1979, khi nghe tin anh Đăng bị thương, tôi vội vã chạy đến xem tình hình thế nào. Đăng bị thương nặng ở mắt, đồng đội đặt lên cáng đưa về vùng sau để cấp cứu. Sau đó, tôi bặt tin tức Đăng. Mãi sau này mới biết, Đăng đã hi sinh.

Giọng ông chùng xuống khi nhắc đến sự hi sinh của người bạn cùng làng. Khẽ nhấp chén chè, ánh mắt nhìn xa xăm, ông Khì buồn rầu: “Khi chiến trường tạm im tiếng súng, tôi về làng nhưng vẫn chưa nắm chắc thông tin anh đã hi sinh hay vẫn còn sống. Bố mẹ của Đăng liên tục vào nhà tôi hỏi thông tin. Nhìn ông bà sốt sắng chạy đi chạy lại ngóng tin con trai mà tôi không cầm lòng được. Tôi cũng chỉ kể lại cho ông bà biết những thông tin mà tôi được nghe những người chiến đấu cùng đợt ấy kể lại. Mọi thông tin vẫn phải được đơn vị tìm hiểu xem xét kĩ mới biết chắc được”.

Bập bõm nghe câu được câu không, cụ Đỗ Văn Trị thỉnh thoảng lại kể cho chúng tôi về ngày nhận được giấy báo tử. Sau khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc, nhiều thanh niên cùng nhập ngũ đợt ấy trở về làng. Không thấy con về, cụ đã đến từng nhà hỏi nhưng không ai biết chắc thông tin. Mãi vài tháng sau, trong một ngày mưa lụt đến gần ngang nhà thì cụ mới thấy cán bộ xã bơi thuyền vào đưa giấy chứng tử của con trai.

Cụ thì thào: “Đến nay, gia đình vẫn không nắm được thông tin Đăng nằm xuống ở chỗ nào. Bởi nghe đồng đội kể lại thì lúc nó bị thương chiều ngày 23/2/1979, được bộ đội chuyển về phía sau điều trị nhưng cuộc chiến lúc bấy giờ diễn ra vô cùng ác liệt, cả những người khiêng nó đi cấp cứu cũng bị trúng đạn của kẻ thù và hi sinh. Vì vậy, rất khó để biết chính xác vị trí nó ngã xuống. Hằng năm ngày nó hi sinh 23/2 theo như trên giấy báo tử ghi gia đình vẫn cúng giỗ”.

Ngày biết tin con hi sinh, cụ Dương Thị Sân thường xuyên thương nhớ khóc thầm đến lòa cả đôi mắt. Mặc dù sau đó gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng đôi mắt của cụ vẫn không tiến triển. Trong trí nhớ của cụ luôn hiện về hình ảnh cậu con trai gầy gò, hay cười tủm một mình và có phần nhút nhát nhưng lại rất quan tâm đến mọi người. Cụ vẫn ân hận khi không có tấm hình nào của con trai. Những lúc nhớ con, cụ lại bảo cụ ông dỡ tấm bằng Tổ quốc ghi công xuống lau lại cho sạch sẽ.

Nhà có hai anh em trai, khi anh Đăng ngã xuống, hai cụ ở với người con trai thứ là Đỗ Xuân Năng. Bố mẹ già yếu nên mọi công việc thờ cúng, làm giỗ cho liệt sĩ Đăng đều do vợ chồng ông Năng đảm nhiệm. Trong căn nhà cấp bốn được kê gọn gàng ngăn nắp, nổi bật trên nền tường là tấm bằng Tổ quốc ghi công cùng Huân chương Chiến công hạng Ba của liệt sĩ Đỗ Văn Đăng. Nhắc nhớ về những kỉ niệm với người anh trai, ông Đỗ Xuân Năng em ruột liệt sĩ Đỗ Văn Đăng xúc động: “Khi anh Đăng đi bộ đội, chúng tôi còn nhỏ nhưng trong kí ức của chúng tôi hồi đó anh rất hiền và thường nhường nhịn các em. Cuộc sống lúc bấy giờ còn nghèo khổ, bữa cơm vẫn còn độn sắn độn khoai, anh thường nhường cho các em ăn trước. Khi anh lên đường nhập ngũ, anh ôm từng đứa em cặn dặn phải ngoan, cố gắng học hành cho tốt”.

 

Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Đỗ Văn Đăng

Chúng tôi may mắn được gặp bà Đỗ Thị Điền là chị cả trong gia đình. Bà Điền vẫn nhớ rất nhiều kỉ niệm với cậu em Đăng. Khi cậu em Đăng nhập ngũ thì bà Điền vừa mới lấy chồng ở xóm bên. Mỗi lần đi làm ngoài soi bãi, bà Điền vẫn về qua nhà mẹ đẻ chơi. Có những chiều về qua nhà lúc nào cũng đã thấy cậu Đăng luộc sẵn nồi khoai lang to mời chị. Mấy chị em ngồi ăn củ khoai lang ngọt mà nhớ mãi đến tận bây giờ. Thế rồi cậu Đăng bảo chị là, em đi nhập ngũ, nhờ chị đạp xe chở sang huyện nhưng bà Điền không đi xa bao giờ nên không dám đi. Hôm Đăng đi nhập ngũ thì bà Điền đang đi làm ngoài đồng, hai chị em chỉ gặp nhau được chốc lát rồi có người chở Đăng sang tập trung bên huyện để chuẩn bị giao nhận quân. Sau đợt nhập ngũ, Đăng rất ít về thăm nhà. Duy nhất có một lần về phép trong chốc lát. Bà Điền nhớ mãi lần ấy: “Nói là về phép nhưng cậu ấy chỉ được về trong một ngày rồi lại quay trở lại đơn vị. Cậu Đăng thích hạt rau cải nên tôi đi xin các nhà bên cạnh được một túi to mang đến thì cậu ấy đã nhờ người chở đi ra ga về đơn vị. Tôi đạp xe đuổi theo đến cây gạo đầu làng thì gặp cậu ấy. Hai chị em chỉ kịp dặn dò trong chốc lát rồi cậu ấy đi cho kịp chuyến tàu. Tôi không ngờ rằng đó là lần gặp cuối cùng của chị em tôi”. Bà Điền xúc động nước mắt tuôn dài xuống hai má.

40 năm đã trôi qua kể từ ngày liệt sĩ Đăng hi sinh. Thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ nhưng trong kí ức của cụ Trị, cụ Sân vẫn luôn nhớ về cậu con trai tuổi mười tám đôi mươi hăng hái lên đường nhập ngũ. Mong ước lớn nhất luôn thường trực trong lòng hai cụ là tìm được hài cốt con trai quy tập về nghĩa trang quê nhà. Những lúc nhớ con, dù đôi mắt không còn nhìn thấy nhưng cụ Sân lại bảo cụ Trị dẫn ra bờ sông Cầu. Từ soi bãi sông quê hai cụ cứ đứng như thế, im lặng nhưng trong sâu thẳm cụ bà như muốn cất tiếng gọi, về với bố mẹ Đăng ơi! Hương hoa cải thoảng thoảng theo gió mơn man như xoa dịu nỗi nhớ con của hai cụ.

Dương Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước