Blouse trắng nơi đảo xanh
VNTN - Giữa trùng khơi sóng gió, trên đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa), có những bác sĩ của Bệnh viện Quân y 91, Cục Hậu cần - Quân khu I đã và đang ngày đêm tận tụy chăm lo, đảm bảo sức khỏe cho những người lính trên đảo và ngư dân trên biển. Họ cùng nhau ăn gió, nằm sóng, vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn và nhất là nỗi nhớ đất liền để cùng bám biển, bảo vệ một phần máu thịt của Tổ quốc.
Rèn y đức, nâng cao y thuật từ sóng gió
Những y bác sĩ Bệnh viện Quân y 91 đã từng ra công tác tại đảo Sơn Ca vẫn luôn nhớ tên, đặc điểm của từng bệnh nhân, các chiến sĩ, ca cấp cứu… dù cho thời gian đã trôi qua từ rất lâu. Với các anh, đó là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa trong nghiệp y và trong cả đời mình.
Thượng tá Đặng Minh Đức (Chủ nhiệm khoa B2) cho chúng tôi xem một con ốc tai tượng lớn, đó là món quà anh được ngư dân tặng khi còn đang công tác ở đảo Sơn Ca từ năm 2002 đến 2004. Bao năm qua, anh đã gìn giữ nó rất cẩn thận. Chủ nhân của món quà là một ngư dân bị giảm áp, liệt cả 4 chi do lặn quá sâu, đã được anh cấp cứu và điều trị dài ngày mới may mắn bình phục. Với anh nó như một lời nhắc nhở cần phải sống sao cho xứng đáng với những người đồng chí, đồng đội của mình còn đang ở ngoài đảo. Anh bộc bạch: “Chuyến đi đó giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều, rèn luyện được tính kiên trì, nhẫn nại, đặc biệt là nâng cao hơn bản lĩnh nghề nghiệp mà không gì có thể mang lại được”.
Cuối năm 2002, được Bệnh viện cử đi công tác ngoài đảo, bác sĩ Đức đã hăng hái nhận ngay nhiệm vụ và cảm thấy rất háo hức bởi sẽ được thử mình ở môi trường công tác mới, được cống hiến nhiều hơn. Theo chuyến tàu của Hải quân vùng 4, lênh đênh trên biển 11 ngày, có những ngày bão giật cấp 7 khiến anh phải nằm bẹp dí trên giường vì say sóng. Đến đảo, tàu khó cập bến, anh và đồng nghiệp được các chiến sĩ trên đảo mang xuồng ra đưa vào và đón tiếp nhiệt tình khiến mọi sự mệt mỏi tan biến.
Công tác ở nơi biển đảo xa xôi, nỗi nhớ đất liền, nhớ nhà là điều ai cũng cảm nhận, nhất là những y bác sĩ trẻ có gia đình riêng và con nhỏ. Không có điện thoại nên niềm vui lớn đối với họ là mỗi năm có 2 đợt tàu ra đảo mang theo những phong thư, bức ảnh của người thân, bạn bè. Các thầy thuốc quân y cùng chiến sĩ trên đảo đến từ mọi miền của đất nước nhưng luôn đối xử với nhau như anh em một nhà nên ai cũng cảm thấy ấm lòng. Chính thứ tình cảm gắn kết này đã tạo động lực để họ luôn ý thức về bổn phận, trọng trách và nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhà để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Một ca phẫu thuật của các bác sĩ Bệnh xá đảo Sơn Ca
“Có ra đảo, tôi mới được cọ xát thực tế, rèn luyện tư tưởng sống và thấu hiểu hết được những vất vả, khó khăn của người dân, người lính nơi đây. Đồng thời cảm nhận sâu sắc thế nào là tình đồng chí, đồng đội để khi trở về đất liền mình thấy phải có trách nhiệm hơn với cương vị của mình - là một bác sĩ quân y, không chỉ trong chuyên môn mà còn trong cách sống. Đó là thời gian công tác rất có ý nghĩa và môi trường rèn luyện tốt nhất”, thượng tá Đặng Minh Đức chia sẻ.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn: đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo và túc trực sẵn sàng 24/24 cấp cứu ngư dân gặp nạn; tham gia huấn luyện, các y bác sĩ cùng chiến sĩ trên đảo còn tăng gia để bổ sung nguồn thực phẩm tươi. Mỗi bộ phận được phân 2 luống đất để trồng rau xanh. Anh em trong đội cứ 5 giờ sáng lại thức dậy chăm sóc rồi hồi hộp tìm và đếm xem hoa mướp nào nở để thụ phấn. Nhờ chăm chỉ, kiên trì mà mỗi năm các anh thu được khoảng 1000 quả mướp từ 1 giàn, con số khá ấn tượng đối với những người thường xuyên cầm dao mổ và rất hay bị cho là “vụng về” trong khoản trồng trọt này. Thay vì phải ăn rau khô cả tuần, các anh đã có được 3 bữa ăn có rau tươi.
Hai năm đón Tết trên đảo là kỷ niệm mà bác sĩ Đức vẫn còn nhớ sâu đậm. Được sự quan tâm của Nhà nước nên Tết ở đây cũng có đầy đủ thịt, bánh chưng… Mọi người cùng nhau trang trí doanh trại trên đảo, thi nấu cỗ Tết. Đêm giao thừa, sau khi đọc to 10 lời thề danh dự của quân nhân, lại quây quần cùng nhau nhâm nhi hương vị Tết. Những lời chúc, câu chuyện đời thường về vùng quê của mình, về những người thân yêu đang chờ đợi họ ở đất liền được trao nhau rất đỗi thân tình, bình dị nhưng cũng đủ để làm các anh có một cái Tết trọn vẹn.
Ca phẫu thuật mà bác sĩ Đức vẫn còn nhớ mãi vì nó có chút “bi hài” đó là mổ ruột thừa cho một anh bộ đội trẻ tên Tăng Khánh Lâm (người Khánh Hòa). Nhận thấy Lâm có một số biểu hiện bất thường như đau bụng, buồn nôn, lại thấy tay chân run lẩy bẩy. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, bác sĩ Đức đã để ý ngay đến những biểu hiện đó rồi chuẩn đoán, xác định rằng chắc chắn Lâm đã bị viêm ruột thừa. Bác sĩ Đức cùng anh em đã chuẩn bị sẵn phòng phẫu thuật. Nhưng vì sợ mổ quá nên Lâm trốn đi đâu mất tăm, phải huy động tất cả anh em trong đảo quáng quàng đi tìm, may mà tìm được anh ta đang “nấp” dưới hầm ngầm để “áp giải” về ngay phẫu thuật. Cũng may là còn kịp thời, chứ để chậm là sẽ rất nguy hiểm, thật không biết là nên trách hay nên thương đây!
Cũng đã 18 năm kể từ khi trở về đất liền song quãng thời gian công tác ngoài đảo Sơn Ca của bác sĩ - thượng tá Hoàng Tĩnh Phúc (Chủ nhiệm khoa B1) vẫn luôn là những kỷ niệm sâu sắc. Với anh “Nếu có điều kiện được ra đảo công tác một lần nữa, thì tôi luôn sẵn sàng”. Ấn tượng của anh đối với đảo Sơn Ca là khắc nghiệt bởi cái nóng. Các y bác sĩ trên đảo trong khi phẫu thuật, khám, mặc áo blouse, áo phẫu thuật cũng đều ướt đẫm mồ hôi vì nóng. Rồi những ngày mưa bão liên miên, biển động, mưa dầm, gió lớn nhiều tuần liền các anh chưa thấy được mặt trời. Ngày ấy, điều kiện y tế trên đảo thiếu thốn, trang thiết bị còn sơ sài, không có điện chứ đừng nói đến các loại máy X - Quang, siêu âm, điện tim. Việc chẩn đoán, chữa trị hầu như đều phải thực hiện bằng tay. Trong cái khó ló cái khôn, đèn soi cá lúc này lại trở thành đèn soi để mổ. Những ca “khoai” như ăn phải cá độc bị liệt toàn thân, giảm áp rất nguy kịch nhưng “vào tay” các anh thì đều được ứng biến xử lý một cách nhanh nhất và hiệu quả.
Nhiều ngư dân gặp nạn thường phải ở tại đảo nhiều ngày để điều trị. Các y bác sĩ lại phải thay nhau túc trực, phục vụ, san sẻ lương thực thực phẩm và theo dõi chế độ ăn uống đối với từng bệnh nhân. Trong số đó có nhiều người quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển nên không biết chữ. Các anh phải hướng dẫn, chỉ bảo từng chi tiết nhỏ trong toa thuốc, trong các chỉ định… Tinh thần trách nhiệm hết lòng với bệnh nhân đó khiến họ rất cảm kích. Mỗi khi dời đảo, họ tặng các bác sĩ những món quà nhỏ chủ yếu là cá để thể hiện tấm lòng biết ơn của mình.
Âm thầm vượt qua khó khăn
Hết lòng vì bệnh nhân, cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, những bác sĩ, y sĩ ở đảo cũng phải âm thầm hy sinh, chịu đựng.
Bác sĩ - thiếu tá Nguyễn Minh Phú tạm dời xa gia đình nhỏ của mình khi đứa con thứ hai mới được 8 tháng tuổi để ra đảo nhận nhiệm vụ từ tháng 12/2014 đến tháng 1/2016. Chú tâm thực hiện nhiệm vụ và rèn luyện để nguôi đi nỗi nhớ gia đình, thấm thoát chỉ còn 3 tháng nữa là được quay về đất liền thì anh nhận được tin dữ: Bố của anh ở nhà đã mất. Người cha đáng kính vẫn thường xuyên nhắc nhở anh về việc phải làm tròn nghĩa vụ, giữ trọn y đức của bác sĩ nơi đảo xa đã vĩnh viễn ra đi. Anh đã choáng váng, đau đớn vô cùng nhưng vì đang ở giữa biển cả mênh mông lại đang làm nhiệm vụ nên không thể về chịu tang được. Ban Chỉ huy đảo đã lập một ban thờ, tất cả mọi người trên đảo đã đến viếng và động viên anh. Cũng lúc này, đảo Sơn Ca đang được xây dựng nên có nhiều chiến sĩ công binh bị tai nạn phải được cứu chữa... Nhìn đồng chí, đồng đội mình đang ngày ngày vất vả và gánh chịu cả những vết thương nên bác sĩ Phú đã phải tạm gạt đi nước mắt để thực hiện nhiệm vụ, gánh vác cùng đồng đội.
Bác sĩ - thiếu tá Vũ Tiến Hoạt, ra đảo nhận nhiệm vụ tháng 11/2017 đã kể lại câu chuyện xúc động đúng đợt Tết 2017. Đài Truyền hình Việt Nam làm cầu truyền hình trực tiếp, trong đó có điểm cầu đảo Sơn Ca. Có 2 mẹ của chiến sĩ trên đảo và vợ y sĩ Ngọc (khoa B1 của Bệnh viện) cùng kíp với anh được ra đảo thăm chồng. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần để lên hình nhưng chị đã không thể kìm nén nỗi nhớ chồng chỉ biết khóc nấc lên và không nói thành tiếng. Tất cả các lãnh đạo, chiến sĩ trong hội trường cũng không thể kìm được nước mắt. Khi đó, bác sĩ Hoạt buộc phải tắt thiết bị truyền hình trực tiếp đi.
Bác sĩ Hoạt cũng là một trong những bác sĩ của Bệnh viện 91 thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật nhất với tổng số 10 ca phẫu thuật ruột thừa và một số ca phẫu thuật khác. Mỗi lần cứu chữa cho bộ đội, hay ngư dân anh đều ghi chép cẩn thận vào một cuốn nhật ký. Những ca phẫu thuật được anh kể lại rõ từng chi tiết. Đáng kể nhất phải kể đến lần cứu chữa cho một ngư dân bị tai nạn nặng, do trượt tay nên bị máy nghiền đá cứa vào, đã phải đi liên tục một ngày một đêm để đến đảo Sơn Ca cấp cứu. Khi đến bệnh xá thì trong tình trạng mất máu, sắc mặt nhợt nhạt, người rét run rất nguy kịch. Không chút do dự, ngay lập tức bác sĩ Hoạt và các y sĩ nhanh chóng đặt dịch truyền, trợ tim, trợ sức, cầm máu… cấp cứu cho bệnh nhân. Phải mất nhiều giờ đồng hồ tập trung cao độ các anh mới xong việc khâu nối gân 2 ngón tay và 57 mũi khâu da bàn tay cho bệnh nhân. Sau đó, lại phải túc trực, liên tục theo dõi cho đến khi huyết áp, thân nhiệt của bệnh nhân trở lại bình thường thì các anh mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Ca phẫu thuật đã thành công và bệnh nhân này sau một thời gian điều trị đã có thể hoạt động bình thường. Ở ngoài đảo xa xôi, không có điều kiện thuận lợi như trên đất liền thì ca phẫu thuật này có thể coi là một kỳ tích!
Rất nhiều bệnh nhân đã từng được các bác sĩ Bệnh viện 91 cứu chữa ngoài đảo Sơn Ca dù chỉ mới đây hoặc từ rất lâu rồi vẫn luôn nhớ về các anh. Hễ dịp lễ tết là họ lại gọi điện chúc hoặc mời về quê mình chơi, coi nhau như người thân trong gia đình. Quả thật, đây là một thứ tình cảm rất đặc biệt, nó được hình thành từ sự trách nhiệm, hết lòng với nhau trong những hoàn cảnh “sinh tử cận kề” ở nơi đặc biệt chỉ có sóng và cát.
“Sứ mệnh” giữ đảo
Bệnh viện Quân y 91 có nhiệm vụ trung tâm là thu dung cấp cứu, điều trị thương bệnh binh và nhân dân trên địa bàn; sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu… Ngoài ra, Bệnh viện còn có một nhiệm vụ vinh quang, nhiều thử thách đó là tổ chức các kíp y bác sĩ thay nhau ra giữ biển đảo. Kể từ năm 1993, Bệnh viện 91 có nhiệm vụ đảm bảo hệ thống quân y của đảo Sơn Ca - một điểm trọng yếu, là một đảo nhỏ thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa và không có người dân sinh sống. Cứ 2 năm một đợt, Bệnh viện lại cử một kíp quân y (gồm cả bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên gây mê hồi sức) ra công tác ngoài đảo trong 1 đến 2 năm thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ quân đội và các ngư dân trong vùng biển. Đã có hàng chục kíp bác sĩ, y sĩ, y tá lần lượt thay nhau đi làm nhiệm vụ. Dù gặp phải nhiều trở ngại, gian nan giữa biển khơi nhưng họ luôn nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao và trở thành chỗ dựa tin cậy về sức khỏe cho chiến sĩ, ngư dân quanh đảo. Hàng trăm ca phẫu thuật lớn nhỏ đã được thực hiện thành công. Đấy là không kể đến vô vàn các ca sơ cứu, cấp cứu, chữa trị bệnh tật khác.
Bác sĩ - đại tá Nguyễn Văn Tự, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “25 năm qua, trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, chúng tôi đều xác định đó là một nhiệm vụ quan trọng của Bệnh viện. Trong chương trình giáo dục chính trị hàng năm và giáo dục thường xuyên, chúng tôi đều quán triệt sâu sắc cho mọi cán bộ, chiến sĩ tinh thần sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ ra đảo công tác. Vì là định kỳ, nên Bệnh viện luôn chủ động chuẩn bị các kíp đi trước hàng năm bằng cách gặp gỡ, trao đổi, nắm tâm tư, nguyện vọng một số đồng chí gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, tất cả đều xác định tốt tư tưởng, một số anh em còn tình nguyện xin đi.
Bác sĩ - thượng tá Hoàng Tĩnh Phúc (thứ 5 từ bên trái qua) ra đảo từ năm 1999 đến 2001 cùng với các đồng đội, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca
Khi làm việc tại Bệnh viện, các bác sĩ mỗi người một chuyên khoa nhưng khi ra đảo, một bác sĩ phải đa khoa. Vì vậy, trước khi nhận nhiệm vụ ngoài đảo, các bác sĩ đều được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Các anh được đưa vào các khoa để rèn luyện, nâng cao tay nghề, đặt ra một số tình huống thường gặp trên đảo, trên biển như đuối nước, hạ áp… để thực hành. Kết quả kiểm tra phải đạt loại tốt mới được lựa chọn để đảm bảo có thể bắt nhịp nhanh với công việc, chủ động giải quyết được các tình huống ngoài đảo. Ngoài ra, đối với một số ca bệnh đặc biệt thì Ban Giám đốc, Ban Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện sẽ chỉ đạo, hướng dẫn qua hệ thống TELMEDECIN (Chẩn đoán và điều trị từ xa). Bệnh viện cũng đặc biệt chú trọng quan tâm đến hậu phương, các chế độ được thực hiện đầy đủ như khi đồng chí đó còn đang ở đơn vị để họ yên tâm công tác; tạo điều kiện hết sức có thể để gia đình, người thân có dịp ra đảo thăm các bác sĩ.
Nhiều bác sĩ, sau khi đi đảo trở về đơn vị công tác, trưởng thành, hiện nay là những cán bộ chủ chốt của Bệnh viện, là những bác sĩ phẫu thuật chủ yếu của Bệnh viện. Có 1 trường hợp khá đặc biệt là bác sĩ, thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn. Anh đi đảo năm 2002 khi đó chỉ là y sĩ. Đầu năm 2018, anh xung phong đi đảo lần thứ hai, là kíp trưởng, đồng thời đang là Bệnh xá trưởng ngoài đảo Sơn Ca. Trao đổi nhanh cùng anh qua điện thoại, anh vui vẻ chia sẻ: Với tôi thì được ra đảo để khám chữa bệnh phục vụ các chiến sĩ, ngư dân là một niềm tự hào và vinh dự, làm cho tôi và nghề y tôi theo đuổi có ý nghĩa hơn bao giờ hết bởi có thể góp một phần sức lực nhỏ vào việc giữ gìn, bảo vệ một phần máu thịt của Tổ quốc.
Tinh thần của bác sĩ Tuấn cũng là tinh thần xuyên suốt của các y bác sĩ Bệnh viện Quân y 91 đã, đang và sẽ ra ngoài đảo Sơn Ca công tác. Chúc các anh luôn say với nghề, giỏi với nghề để hoàn thành tốt nhiệm vụ đặc biệt này!.
Anh Thắng - Phan Thức
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...