Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:49 (GMT +7)

Biến “nguy” thành “cơ” giữa đại dịch Covid

Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN) điện tử được thiết lập từ tháng 2/2021, ngay trước khi làn sóng dịch Covid thứ 4 bùng phát trở lại. Thế nhưng, Tạp chí đã vững vàng khẳng định mình, thậm chí có nhiều bước tiến mới trong hoạt động.


 

Tạp chí VNTN điện tử được thiết lập đồng thời với việc chuyển đổi Báo VNTN thành Tạp chí VNTN theo giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông và đi vào hoạt động từ tháng 2/2021. Nền tảng điện tử của nó được phát triển từ trang thông tin điện tử của Báo VNTN trước đây, có tên miền “vannghethainguyen.vn”. Vấn đề đặt ra, là làm thế nào để Tạp chí VNTN điện tử hoạt động đúng như tính chất của một tờ báo điện tử, chứ không phải là trang thông tin điện tử của báo.

Chương trình Gặp mặt kỷ niệm 30 năm VNTN xuất bản số đầu tiên được thực hiện thành công qua hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến (18/6/2021)
Chương trình Gặp mặt kỷ niệm 30 năm VNTN xuất bản số đầu tiên được thực hiện thành công qua hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến (18/6/2021)

Đổi mới về nội dung tin, bài

Vấn đề trên được đặt ra ngay từ khi xây dựng Đề án thiết lập Tạp chí VNTN điện tử vào năm 2020. Không phải là “làm ra cho có”, “làm để đón trước xu thế”, mà lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật và Tòa soạn khi đó đã phải cân nhắc, tính toán kỹ, đảm bảo khả thi.

Là tạp chí chuyên sâu về văn học nghệ thuật, nên bên cạnh việc đăng tải các tác phẩm văn học nghệ thuật, các công trình nghiên cứu theo đúng chức năng của mình, thì các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội của địa phương, đất nước cũng chưa bao giờ nằm ngoài sự quan tâm, phản ánh của báo chí. Đây cũng là nhiệm vụ mà lãnh đạo tỉnh giao cho Hội và tờ báo của Hội nhằm thực hiện công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chính vì vậy, Văn nghệ Thái Nguyên (cả trên tạp chí in và điện tử) phải chuyển tải tinh thần đó. Tất nhiên, phải vừa đúng tôn chỉ, mục đích, vừa phù hợp với hình thức thể hiện của một tờ báo văn nghệ.

Các bài viết, kí sự, phóng sự văn học… về đề tài này trong chuyên mục “Vấn đề cùng quan tâm” hoạt động rất hiệu quả. Hàng loạt vấn đề quốc kế, dân sinh, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, như tình hình phòng chống dịch COVID-19, nội dung các kỳ họp của HĐND tỉnh, của Quốc hội, vấn đề chuyển đổi số,… đã được đăng tải trên Tạp chí, sau đó được chia sẻ trên các nền tảng điện tử, tạo ra hiệu ứng tích cực. Những đề tài, câu chuyện cụ thể về kiến trúc đô thị, trồng - chặt cây xanh, ngập úng đường phố, hay kẽ hở tại các trạm chốt phòng, chống dịch Covid… trở thành những thông tin hữu ích, chẳng những cho người dân, mà còn cho các nhà quản lý. Văn nghệ Thái Nguyên không “lấn sân” sang chuyên sâu về thời sự, chính trị nhưng cũng không “đứng ngoài” những vấn đề đó. Giải quyết được việc này không dễ, và có thể nói, đến nay Văn nghệ Thái Nguyên đã làm được và làm có hiệu quả.

Để có được kết quả đó, bài toán nhân lực đã được giải quyết thấu đáo. Bộ phận Điện tử - Truyền thông được thành lập, hoạt động như một tòa soạn báo điện tử trong Tòa soạn VNTN. Một số nhân viên Tòa soạn được điều chuyển, phân công tham gia Bộ phận này, hoạt động có tính chất chuyên sâu về báo điện tử. Cùng với đó, Hội VHNT tỉnh đã ưu tiên dành chỉ tiêu biên chế công tác Hội cho Tòa soạn để tuyển dụng 01 phóng viên, 01 lao động hợp đồng là người có năng lực, nhiều năm kinh nghiệm để bổ sung cho đội ngũ làm Tạp chí điện tử.

Ê kíp của Tòa soạn ghi hình video quảng bá bộ sách tuyển chọn (3 cuốn) do Hội VHNT tỉnh xuất bản - tháng 6/2021.
Ê kíp của Tòa soạn ghi hình video quảng bá bộ sách tuyển chọn (3 cuốn) do Hội VHNT tỉnh xuất bản - tháng 6/2021.

Biến “nguy” thành “cơ”

COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội, điều ấy chúng ta đã thấy rõ. Lĩnh vực báo chí cũng bị đe dọa khi mà hoạt động của phóng viên bị hạn chế, không thể đi lại tác nghiệp và cũng rất khó để vào “vùng đỏ” - nơi đang bị phong tỏa. Rồi hệ thống phát hành bị tê liệt. Cũng vì thế mà hồi tháng 4/2020, một số cơ quan báo chí đã phải tạm dừng ra bản in (như Vietnam News của Thông tấn xã Việt Nam; Phụ nữ Thủ đô; Quảng Ninh). Rõ ràng báo chí truyền thống đứng trước sự an nguy nếu không chuyển đổi.

Trong tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp, Tạp chí cần có kế hoạch, phương án đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, chẳng hạn như khi cơ quan Hội hoặc bộ phận Tòa soạn bị cách ly. Khi đó Tạp chí VNTN vẫn phải duy trì hoạt động, chứ không thể tạm dừng xuất bản.

(Chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

Chỉ trong vòng 9 tháng sau khi thiết lập, để “định hình” được hoạt động đã khó, vậy nhưng Tạp chí VNTN điện tử còn phải đảm trách tham gia và truyền thông nhiều hoạt động lớn của Hội, của Tòa soạn: Triển khai nhiệm vụ công tác Hội năm 2021 và ra mắt Tạp chí (tháng 2), Tổng kết và công bố kết quả Cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ” (tháng 2); Kỷ niệm 30 năm VNTN xuất bản số đầu tiên (tháng 6); Cuộc thi “Đọc từ trái tim” (từ 10/7 đến 20/8); Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi 2021 (16/8 đến 4/9); Tập huấn nghiệp vụ báo chí (tháng 10); Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên” (Tổng kết, trao giải ngày 4/11)… Các hoạt động này đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, trong đó đa phần rơi vào tình huống: lập kế hoạch khi không bị giãn cách, phong tỏa, nhưng khi thực hiện thì bị hạn chế (đi lại, tập trung đông người).

Hội VHNT tỉnh và Tòa soạn VNTN đã ứng dụng công nghệ 4.0 với hình thức “online” để tổ chức các hoạt động và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Đúng như nhà văn Trịnh Đình Nghi, thành viên sáng lập diễn đàn “Quán Chiêu Văn” rất nổi tiếng trên mạng xã hội facebook (hiện có hơn 38 nghìn thành viên tham gia) đã nhận xét: Tôi rất khâm phục những người lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật và Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên trong việc tổ chức những hoạt động online vừa rồi. Họ đi hỏi, hỏi khắp nơi để biết cách làm, chứ nhất định không làm mò, không làm liều.

Một trong những khó khăn đầu tiên của việc tổ chức các hoạt động online là vấn đề kỹ thuật. Nói đến “học zoom”, “họp zoom”… ai cũng nghĩ là đơn giản, phần mềm có sẵn, miễn phí, đã được nhiều người ứng dụng, rất phổ biến. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Mọi phần mềm đều có những mặt hạn chế của nó, như việc khó cài đặt (tạo địa chỉ cá nhân), đăng nhập phức tạp; đến tốc độ đường truyền không ổn định, hạn chế số lượng thành viên… Những khó khăn, bất cập đó đều đã được liệu tính từ trước, do đó không có sự kiện nào bị gián đoạn. Tại điểm cầu của Ban tổ chức, ngoài các thiết bị, máy móc đã có, một số thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân viên, chuyên gia được thuê từ bên ngoài.

Công tác truyền thông trước sự kiện cũng rất quan trọng, bởi nhiều sự kiện hướng tới đông đảo công chúng. Trong những sự kiện online, số đại biểu (là đối tượng chính, có tính chất nội bộ) thường không nhiều, mà phần lớn là “cư dân mạng”, những người quan tâm đến sự kiện tham gia. Hay với các lớp học, tập huấn online, có rất nhiều người ở tỉnh ngoài, thậm chí nước ngoài đăng ký tham dự. Phần nhiều trong số đó đã từng cộng tác với VNTN hoặc là những người luôn quan tâm cổ vũ, động viên đối với Tòa soạn. Do vậy, với mỗi sự kiện, phải có chiến lược, biện pháp để truyền thông mạnh mẽ trên các nền tảng điện tử, cả trước và sau khi tổ chức. Tạp chí VNTN đã quan tâm, làm tốt nội dung này.

Điểm cầu BTC Lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí 2021
Điểm cầu BTC Lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí 2021

Ứng dụng công nghệ 4.0 chủ yếu đáp ứng về mặt hình thức (cách làm) trong tình hình dịch Covid bùng phát mạnh mẽ. Nhưng, điều quan trọng mang đến thành công trong mỗi chương trình, chính là ở nội dung của sự kiện. Hội VHNT và Tạp chí VNTN trước nay vẫn chú trọng tổ chức hoạt động theo hướng thực chất, không làm “hình thức” theo kiểu qua loa cho xong. Điển hình như, Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi 2021 với sự góp mặt của 4 giảng viên là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của trung ương: Lê Phương Liên, Văn Thành Lê, Phong Điệp, Nguyễn Thụy Anh; cuộc “Tập huấn nghiệp vụ báo chí” với sự góp mặt của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và Thạc sĩ Vũ Thế Cường (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Các cuộc thi online cũng có sự tham gia làm giám khảo của nhiều gương mặt “đình đám”: NSƯT Hà Phương (Cuộc thi “Đọc từ Trái tim”); nhà văn Nguyễn Bình Phương, MC Hà Thu Nga (Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên”)...

Cách tổ chức khoa học, đầy trách nhiệm với những nội dung sâu sắc, thiết thực đã thu hút đông đảo học viên, độc giả tham dự, theo dõi đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá, khen ngợi. Mới đây, trước thông báo của Tòa soạn về việc tiếp tục duy trì chuyên mục “Tôi và Thái Nguyên”, một độc giả có nickname Hoanggiang Jangduynguyen đã không giấu nổi xúc động: “Thật lòng mà nói, không biết nói gì luôn. Chỉ biết trân trọng cảm ơn BTC + Người đưa ra ý tưởng này. Tất cả mọi người gần xa, yêu Thái Nguyên đều được thoả thích nỗi lòng. Có cơ hội bày tỏ "các chiêu" cũng như xả hết nỗi lòng. Thật là thú vị và ý nghĩa”.

Bộ phận điện tử trong buổi live stream
Bộ phận điện tử trong buổi live stream

 

Quang cảnh buổi truyền hình trực tiếp trên VNTN điện tử
Quang cảnh buổi truyền hình trực tiếp trên VNTN điện tử

Kết quả mới chỉ là sự khởi đầu

Nói rằng: “Áp dụng 4.0, tổ chức online là một xu thế tất yếu, không có gì mới” cũng đúng; nhưng nói: “4.0 sẵn đó, ai chẳng biết; nhưng người đứng đầu không áp dụng, thì nó chỉ nằm trên lý thuyết” cũng hoàn toàn xác đáng! Trong trường hợp này, những người lãnh đạo Hội VHNT và Tòa soạn Tạp chí VNTN đã có sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biến “nguy” thành “cơ”, mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo tiền đề cho các hoạt động tiếp theo.

Chủ trương của Chính phủ chuyển từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” đã tạo thuận lợi lớn cho mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, cũng không có nghĩa rằng, mọi hoạt động sẽ quay trở lại như trước đây. Bởi vậy, những kinh nghiệm thu nạp được qua gần một năm hoạt động “trong tình hình mới” sẽ giúp Tòa soạn VNTN tiếp tục vận dụng vào hoạt động một cách chủ động. Theo lãnh đạo Hội VHNT tỉnh: cuối tháng 12 vừa qua, Chương trình Giới thiệu, biểu diễn tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã được xúc tiến ghi hình và phát trực tuyến trên nền tảng điện tử của Tạp chí VNTN. Xa hơn chút nữa, Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2022 cũng sẽ được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào Rằm tháng Giêng…

Mặc dù với thời gian rất ngắn, chưa đủ để đánh giá một cách toàn diện, song những hoạt động có tính chất đổi mới, sáng tạo và kết quả bước đầu mang lại rất đáng ghi nhận nêu trên đã cho thấy: Tạp chí VNTN đã thực sự có bước chuyển đáng ghi nhận, khẳng định mình ngay trong những ngày khó khăn của đại dịch Covid.

Trần Văn Thép

(Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy