Bí mật của ông ngoại
Thế là trang trại ông Quy trúng dự án giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc - Nam. Nghe nói số tiền đền bù gần trăm tỷ bạc chứ có ít ỏi gì đâu. Ai cũng bảo cái số ông ấy đỏ, đến cuối đời gặp may. Có người thốt lên: “Tiền bạc bỏ vào đâu cho hết trời. Một ông già không con không cái, khi chết, tiền bạc, của cải ấy để lại cho ai”. Người tỏ vẻ thương hại thì chép miệng: “Giàu có mà làm gì, đến cuối đời cũng phải thuê Ô sin thôi. Người giàu mà phải chịu chết trên đống bạc. Một ông già Khốt - Ta - Bít ở Việt Nam”.
Hồi còn trẻ, một người nhanh nhẹn tháo vát là thế mà chẳng chịu lấy vợ. Con người hào hoa phong nhã là thế nhưng bây giờ mắc chứng lập dị, lẩm cẩm, hâm hâm. Mặc cho thiên hạ bàn ra tán vào, ông Quy vẫn để ngoài tai. Ông lặng lẽ sống nốt cuộc đời cô độc giữa rừng trầm bên kia sông Nan. Có tiền, ông làm từ thiện giúp những gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quy xuất ngũ về làng. Gia đình anh chẳng còn ai. Trận bom B52 ngày mùng 2 tháng 1 năm 1973 giặc Mỹ ném xuống giết chết 152 người làng tôi trước khi chúng cuốn cờ về nước.
Nỗi đau chiến tranh rồi cũng dần nguôi ngoai. Người làng tôi lần lượt kéo nhau về dựng lại nhà cửa trên nền đất cũ. Mới 24 tuổi, Quy đẹp trai lồng lộng nhưng anh không còn ăn nói xô bồ, bạo liệt như cái thời đang học cấp hai. Nhiều người trong làng rồi đến chi đoàn thanh niên mai mối cho anh những cô gái xinh đẹp nhất nhưng Quy vẫn lắc đầu. Có người sấn đến chủ động tỏ tình, anh đánh trống lảng.
Từ ngày có chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân, Quy nhận hơn hai chục héc ta bên kia sông, trồng tràm hoa vàng, cây dó bầu và nuôi dê. Anh làm một ngôi nhà nhỏ trên rẫy sắn của hợp tác xã ngày xưa. Anh thuê người đào một dãy hồ rộng hơn một mẫu đất sát bờ sông để nuôi cua và ba ba. Anh sống lầm lũi một mình trong rừng, thỉnh thoảng mới về làng khi có việc cần. Ai cũng nói có lẽ trong đời anh mất mát quá lớn nên không chịu lập gia đình. Có người còn đồn thổi anh ám ảnh vì bị kỷ luật bởi đơn vị thu dung do anh chỉ huy bị bọn thủy quân lục chiến đánh úp. Toàn là những tin đồn thất thiệt. Chỉ có tôi là thằng bạn chí cốt của Quy được biết mà thôi. Tôi đã thề với hắn là giữ điều bí mật cho đến chết.
Làng tôi nghèo, không có đất ruộng sản xuất nên chủ yếu sống dựa vào nghề rừng, hái củi, đốt than bán cho người ở cữ, nằm bếp trong cả huyện. Thỉnh thoảng những người có tiền cũng mua vài bì than về cho các cụ già sưởi ấm trong mùa đông giá rét.
Hồi đó chế độ tem phiếu, mỗi người dân chỉ được phát 4 mét phiếu vải nên khi đốt than người ta chỉ mặc độc một chiếc quần đùi. Bụi tro và mồ hôi chảy ra ròng ròng như tắm, chẳng quần áo nào trụ nổi. Thường thì cứ hai người đốt một lò than ở một cánh rừng. Lò than phải đào gần khe suối để khi đốt xong dễ ra tắm táp. Đốt mỗi lò than phải chặt hơn hai chục gánh củi tươi. Người rành thì biết chọn loại củi dẻ là loại đượm than nhất, lại nhẹ gánh. Khi chỉ có tôi và Quy, hai người con trai với nhau chúng tôi thường cởi truồng đóng cho đầy hai sọt than, khi tắm xong có quần khô sạch mặc lại. Có bữa nhiều tốp trai gái đi đốt than hẹn nhau ra suối vắng tắm chung, nước đen bầm cả khúc suối.
Tôi còn nhớ năm 1968, tôi cùng Quy có giấy báo vào học trường sư phạm hệ (7+2) ở làng Cây Lim. Trước lúc lên đường, chúng tôi tổ chức đốt than chuyến cuối cùng. Bầu trời âm u, không còn nghe những tiếng kêu rỉ rả của côn trùng như mùa hạ nữa. Chỉ có tiếng gầm rú của máy bay và bom nổ ầm ầm trên bến phà Xuân Sơn. Có cả tiếng pháo phòng không từ phía dưới phà Gianh, Bến Mới vọng lại. Chúng tôi đóng đầy 4 sọt than rồi cài, phủ lên trên sọt một lớp lá nón. Trời mùa đông âm u nên nhanh tối lắm. Tôi giục Quy nhanh chân rồi bươn bả đi ra bến đò. Ngày đó người chèo đò ăn công điểm của hợp tác xã. Họ chèo đò ngang rất đúng giờ. Chờ mãi, chủ đò đã châm lửa hút hết một điếu thuốc rồi mà chẳng thấy thằng Quy ra. Tôi khẩn khoản nói đợi thằng Quy thêm chốc nữa nhưng ông nói mùa đông cứ đúng 5 giờ chiều là ông nghỉ.
Hôm sau tôi gánh than xuống bán ở chợ Đồn. Chiều về nghe thằng Quy nói có một chiếc máy bay F4H bị bắn rơi ở trên hòn Gió. Hắn hẹn tôi đi lấy xác máy bay về bán cho người làng Hòa Ninh đúc xoong nồi. Hồi đó khi có một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi là dân quân các xã tranh nhau lên báo công với huyện đội. Xã nào báo mình bắn trước và báo đúng hướng bay của máy bay là xã đó có thành tích được cấp giấy khen, nhận huy chương và có thưởng. Có khi máy bay bị pháo phòng không của bộ đội bắn rơi các anh cũng nhường cho dân quân các xã. Chiếc máy bay rơi trên hòn lèn Gió là chiếc duy nhất không có xã nào báo công mình bắn. Bởi lúc đó mới 6 giờ sáng người ta nghe chỉ có 2 tiếng súng trường nổ khô khốc trong rừng. Chiếc máy bay từ trên phía rừng Lào bay xuống nên cả làng tôi không ai biết. Lần đầu tiên không có ai lên huyện đội báo công.
Quy cầm theo một khẩu súng ColtM1911A1 với một băng đạn vào trường sư phạm. Chúng tôi trọ ở nhà ông Đỏ Khương. Hàng ngày Quy giấu khẩu súng trong đáy ba lô. Một hôm Quy hẹn tôi ra bìa rừng làng Cây Lim để tập bắn súng ngắn. Chúng tôi đánh dấu vào thân một cây bứa to rồi đứng cách xa 10 mét để ngắm cho thật kỹ trước lúc bóp cò. Lần đầu tiên được sờ vào khẩu súng ngắn, tay tôi run run. Tay trái chống nạnh, tay phải nắm chặt báng khẩu súng, tôi nheo mắt, nín thở, bóp cò theo sự chỉ dẫn của Quy. Mỗi thằng bắn hai phát. Phát nào tôi cũng bắn trượt, có phát không trúng cả cây bứa to đùng trước mặt.
Làng Cây Lim có Trạm giao liên 20, trung chuyển hàng hóa vào chiến trường miền Nam. Cán bộ, giáo sinh trường sư phạm bốc vác lương thực, vũ khí lên xe rồi dùng lá ngụy trang che dấu vết bánh xe lăn. Có khi cán bộ trong Nam, ngoài Bắc dừng chân một, hai ngày rồi đi. Họ hay vác súng vào rừng bắn gà ri và chim chóc cải thiện bữa ăn. Vậy mà khi nghe tiếng súng nổ, thầy Thanh vẫn tìm ra chúng tôi là thủ phạm. Hôm đó chúng tôi bị thầy tịch thu mất khẩu súng. Thầy Thanh là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, kiêm Tiểu đoàn trưởng tự vệ của nhà trường. Thầy hỏi: “Các em lấy súng ở đâu ra”. Thằng Quy ấp úng, ậm à ậm ừ. Thấy vậy tôi khai thật: “Dạ chúng em lấy được của thằng phi công thầy ạ!”. “Thằng phi công ở mô? Mần răng mà các em lấy được súng của hắn”. Thầy Thanh hỏi dồn. “Dạ thằng phi công rơi nơi hòn Gió. Chiếc máy bay trúng đạn rơi xuống đỉnh hòn lèn thì bị gãy đôi, thằng phi công không kịp bung dù văng ra khỏi buồng lái”.
Nghe thủng câu chuyện, thầy Thanh bảo: “Tết vừa rồi chúng ta đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam. Sắp tới sẽ có một đợt tuyển quân. Các em nam trường ta được khám tuyển. Cách mạng miền Nam đang còn chờ các em”.
Tháng 3 năm 1968, tôi và Quy được bổ sung vào Binh trạm 42, căn cứ hậu cần của Đoàn 559 và khu vực Thừa Thiên, Bắc Khu 5. Ngày 19 tháng 4 năm 1968, địch cho máy bay trực thăng đổ sáu tiểu đoàn thuộc Sư đoàn “kỵ binh bay” và hai tiểu đoàn quân ngụy xuống thung lũng A Sầu. Khi lính Mỹ vừa chạm đất, các lực lượng tại chỗ của Binh trạm phối hợp với lực lượng Quân khu Trị - Thiên chủ động đánh địch, bảo vệ kho tàng, hàng hóa. Máy bay địch bay đầy trời. Ngay ngày đầu tiên Binh trạm 42 đã vít cổ 14 trực thăng, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Đây là lực lượng “tinh nhuệ” nhất của Mỹ - Ngụy ở chiến trường Bắc Khu 5. Quân địch đông quá. Lực lượng Binh trạm 42 và quân Bộ Tư lệnh mặt trận tăng cường không đủ sức chống trả, phải chiến đấu giằng co, bị chúng tràn vào cướp phá gần 200 tấn hàng. Năm ngày sau, một tiểu đoàn khác của địch được tung xuống khu vực Đru Đốc thuộc địa bàn Binh trạm 44 làm chốt chặn tuyến vận chuyển của ta cho Trị - Thiên, Bắc Khu 5. Liền sau đó có bộ đội chủ lực của Trị - Thiên bổ sung, được hỏa lực pháo cao xạ của Đoàn 559 tăng cường, ta đã lật lại thế cờ. Trong cuộc đọ sức với con “át chủ bài” của Mỹ - Ngụy tại A Sầu, A Lưới, Đoàn 559 đã bắn rơi 86 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 800 tên địch.
Đến năm 1969, đồi A Bia trở thành “đồi thịt băm” của lính dù Mỹ. Vào lúc 10 giờ 15 phút, ngày mùng 10 tháng 5, Tiểu đoàn 8 nổ súng tiến công một đại đội lính dù của Mỹ trên điểm cao 400, cùng lúc đó tiểu đội của tôi đánh lên điểm cao 500 nhưng trúng 2 quả mìn định hướng của Mỹ gài sẵn. Cả tiểu đội thương vong gần hết. Quy bị trúng một mảnh đạn M79. Quân địch từ trên đỉnh núi tràn xuống. Pháo binh và trực thăng địch bắn xối xả như mưa. Tôi cõng Quy về tuyến sau. Chúng tôi chui vào một hốc đá như cái hang đủ chỗ nằm cho cả hai người. Án ngự trước cửa hang là một gốc cây to. Lúc này máy bay trực thăng rà sát ngọn cây quét đại liên, chúng thả lựu đạn xuống từng gốc cây, mỏm đá. Quy nói: “Thế này là ổn rồi. Mày cứ thả tao lại chỗ này rồi rút đi. Phải có một thằng còn sống sót để sau này gia đình mình đi tìm hài cốt chứ”. Rồi nó cười nói với tôi: “Mày đã biết mùi đời chưa? Tao biết rồi đấy. Nếu có chết cũng mãn nguyện. Mày có bị thương, bị chỗ nào thì bị nhưng cũng phải giữ lấy cái mà làm giống đấy”. Nó nói thế rồi phá lên cười: “Cái hôm lửa cháy sọt than tao nói đến đêm bơi qua sông về là bịa đấy. Trời mùa đông, rét thế bơi thế đếch nào về được”. Rồi nó kể cho tôi cái câu chuyện tình của nó.
Quy gánh than đến khe Lò Rèn thì một sọt than bốc lửa. Xọt than chưa dập tắt hết giờ bén lửa cháy bùng lên. Cậu vội nhúng cả cái sọt than xuống dưới khe. Than ngấm nước, một đầu nặng chịch không nhấc nổi. Vậy là phải mở ra đóng lại từ đầu. Xong xuôi thì trời sẫm tối. Không thể gánh ra bến đò kịp. Cậu gánh than đến cái rẫy sắn của hợp tác xã trong rừng. Ở đó có cái chòi canh lợn rừng của hợp tác. Người canh rẫy là chị Huệ, một người phụ nữ đã ngoài ba mươi. Chị góa chồng năm hai mươi tuổi. Chồng chị là cán bộ lâm nghiệp vượt thác về thăm vợ thì bị nước lũ cuốn trôi. Tiểu đội dân quân bố trí chị sang canh rẫy sắn và trực bắn máy bay luôn. Chị Huệ nhìn Quy ngỡ ngàng: “Làm sao em lại lạc vào đây”.
“Dạ ông chèo đò về rồi chị ạ. Em đói quá, chị có cái gì ăn không?”.
Chị Huệ lấy mấy củ sắn bóc vỏ, dựng lên cho ráo nước rồi đặt lên bếp than hồng. Chị lấy que cời than nướng sắn chứ không dám nổi lửa nấu cơm hay thắp đèn. Dù giữa rú rừng nhưng cũng phải đề phòng máy bay giặc Mỹ, không để ánh lửa lọt ra ngoài. Những củ sắn cháy vàng ươm thơm phưng phức. Chị bẻ đôi củ sắn ra đưa cho Quy một nửa. Có lẽ trong đời chưa bao giờ Quy ăn ngon đến thế. Ăn xong, chị rót một bát nước chè xanh trong ấm đưa cho Quy. Hai chị em ngồi bên bếp lửa kể về cái khổ của làng mình. Nghề đốt than là mang cái đen về cho thiên hạ đỏ. Trong ánh lửa than má chị ửng hồng. Thấy Quy ngáp dài, chị Huệ bảo: “Nhà chỉ được một cái giường, cả ngày đi mệt em cứ lên ngủ trước đi. Chị em ta thay nhau. Khi nào buồn ngủ chị sẽ thức em dậy để chị nằm”. Dù rất mệt nhưng Quy không sao ngủ được. Hình ảnh của chị chập chờn in trên vách nứa. Mùi thơm than dẻ nồng nồng ngầy ngậy.
Phải nói chị Huệ đã đứng tuổi nhưng thân hình vẫn thon thả, đôi vai tròn lẳn, ngực căng tràn như mới đôi mươi. Những bản năng đàn ông thức dậy của chàng trai mới mười bảy tuổi. Tuổi mười bảy, Quy đã lún phún mọc ria mép. Nằm nghĩ ngợi mãi rồi Quy cũng thiếp đi. Đến gần sáng Quy thấy trong tấm chăn đơn có hơi người nóng rực, nóng râm ran phía sau lưng. Cậu nín thở chẳng dám cử động. Phía sau có tiếng thở phập phồng. Cái bầu ngực căng tức của chị Huệ cứ cọ vào lưng Quy nhồn nhột. Người đàn bà mười năm góa bụa nằm bên chàng trai đầy sức trẻ mới mười bảy tuổi. Cậu trở mình, chị Huệ nắm lấy bàn tay Quy đặt vào ngực mình. Mười bảy tuổi Quy trở thành đàn ông. Cậu ngấu nghiến khám phá những điều mới lạ trên cơ thể chị Huệ.
Khi ánh mặt trời chiếu vào liếp cửa đan bằng nứa Quy mới vùng dậy. Chị Huệ đã đi đâu từ lúc nào. Cậu ra đứng trước chòi canh vươn vai. Chợt thấy khẩu súng K44 chị treo trên cái cọc treo dây phơi quần áo, Quy đưa lên ngắm nghía. Cậu kéo quy lát lên đạn rồi lại tháo ra. Bỗng hai chiếc máy bay F4H bay từ dãy núi giăng màn hùng hục lao tới. Mọi khi ném bom phá hoại con đập Rào Nan chúng thường bay từ Hạm đội 7 ở ngoài biển vào. Lần nào chúng cũng bị pháo phòng không của bộ đội đánh chặn nên không ném trúng. Lần này chúng bay sát lòng sông từ phía trên rừng Lào tới. Quy kê súng lên cọc phơi ngắm chiếc đi đầu. Chiếc máy bay đã lọt vào choán hết vòng ngắm đầu ruồi. Chiếc máy bay trúng đạn phơi cái bụng trắng hếu cố ngóc đầu dậy. Cậu lại lên đạn bồi thêm phát nữa. Nó rơi vào đỉnh hòn lèn Gió vỡ tan.
Chị Huệ hổn hển chạy về. Chị vừa gánh than ra đặt ngoài đường xuống bến đò. “Em gánh than về và lên huyện đội báo lập công đi”.
“Không được đâu chị ơi. Dân làng sẽ biết đêm qua em nằm ngủ trong căn chòi chị. Thôi thì ai bắn cũng được, miễn là bớt đi một thằng giặc đang gây tội ác cho đất nước mình. Ở mảnh đất quê hương mình ngày nào chẳng có máy bay rơi”.
Về làng. Một lần tôi sang thăm trang trại của Quy: “Nghe nói có nhiều cô tình nguyện đến với cậu, tại sao cậu không lấy vợ?”.
Đang vui Quy bỗng bần thần: “Mình cũng chẳng biết làm sao nữa. Ai mà chịu lấy mình. Mình có đem lại hạnh phúc cho ai được nữa đâu mà xây dựng gia đình?”
Chợt nhớ tới câu chuyện tôi nghe người trong làng kể. Có một phụ nữ dưới Ba Đồn về bắt dê và lấy cua, ba ba nhập cho khách sạn đòi cưới Quy. Cô vu cho Quy làm cô ta có bầu. Chẳng biết thực hư thế nào. Tôi nói: “Mình hỏi thật, có chuyện đó không?”.
Quy sừng sộ: “Cậu mà cũng tin vào câu chuyện nhảm nhí ấy à? Trận đánh trên đồi A Bia, một mảnh đạn M79 đã cướp mất chức năng làm cha của mình”. Rồi Quy kéo tuột cái quần đùi xuống tận đầu gối cho tôi xem: “Cậu tin chưa”.
“Thế thì cậu đến với chị Huệ đi! Dù sao chị ấy cũng có với cậu một đứa con. Mình cứ khư khư ôm lấy cái quan niệm cổ hủ ấy làm gì. Tổng thống Pháp còn lấy vợ hơn mình đến những 24 tuổi đấy thôi”.
“Đó là người Tây. Văn hóa họ khác dân tộc mình. Mà mình cũng âm thầm giúp chị Huệ suốt đấy chứ. Con gái của chúng mình vẫn chưa biết cha nó là ai. Bây giờ cháu cũng đã lập gia đình có con, có cháu trong Bình Dương rồi”.
Bà Huệ qua đời ở tuổi 86. Ngày đưa tang bà, ông Quy đầu đội khăn tang trắng, lo lắng trang trải toàn bộ chi phí của đám tang. Tiền đền bù diện tích đường cao tốc Bắc – Nam đi qua, ông chỉ lấy một phần nhỏ diện tích dãy hồ nuôi cua, ba ba, còn cánh rừng ông hiến cho nhà nước. Con cháu của ông ở trong Bình Dương đã kéo nhau về quê để nhận ông ngoại. Thế là tôi chẳng cần giấu giếm điều bí mật mà xưa nay tôi đã từng hứa với ông Quy
7 đã tặng
0
0
3
4
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...