Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:47 (GMT +7)

“Bi hài” chuyện nuôi con thời hiện đại

VNTN - Xã hội phát triển, phần lớn các mẹ bỉm sữa hiện nay chọn nuôi con theo phương pháp hiện đại, được du nhập từ nước ngoài, E.A.S.Y (Easy) là một trong những cách nuôi dạy con khoa học được tổng hợp, chọn lọc cho phù hợp với người Việt. Nhưng để theo được Easy là không dễ dàng, điều khó khăn nhất là những bất đồng mang tính thế hệ, một bên là ông bà nuôi con theo thói quen truyền thống, một bên là các bố mẹ trẻ nuôi theo nếp khoa học. Điều này được các bố mẹ bỉm sữa chia sẻ, tâm sự với những câu chuyện “cười ra nước mắt” trên chặng đường nuôi con nhỏ.

“Cuộc chiến” gia đình

Nhìn theo bóng của mẹ vợ liêu xiêu dưới cái nắng gay gắt cho đến khi bà lên ô tô, Khanh (tổ 3, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) mới thở phào. Nhưng khi xe chạy rồi Khanh vẫn tần ngần mãi, ngực anh như có thứ gì đó đang đè nặng. Vừa thương mẹ, vừa áy náy nhưng tiếp tục để bà ở lại thì Khanh không thể. Vợ chồng anh đang căng thẳng nếu bà cứ ở lại thì chẳng biết rồi cuộc sống sẽ như thế nào. Gần một tháng trước, cũng chính anh hồ hởi đi đón bà. Xuống xe bà vui mừng, lễ mễ mang theo với đủ thứ quà quê, nào gà, gạo nếp, lá cây thuốc… đấy là tình cảm, niềm hạnh phúc của một bà mẹ với con cháu, với thằng cu đỏ hỏn, đáng yêu vừa mới chào đời… Thế nhưng, giây phút đó qua nhanh, chỉ vài ngày sau Khanh nhận ra có bà cuộc sống gia đình anh dần đảo lộn. Hàng ngày hễ hết việc ở cơ quan anh vội vã trở về với hàng tá việc không tên như: đun nước lau người cho vợ con, giặt tã, giã nghệ nấu thịt gà - làm món ăn, theo cách của bà ngoại... vậy mà gần 1 tuần vợ anh sữa vẫn không về. Khanh lại đôn đáo chạy tìm những thứ lá cây theo “đơn thuốc” của mẹ vợ. Rồi sữa cũng về nhưng vợ anh lại bị tắc sữa, hai bầu vú căng tức. Anh lại tiếp tục tìm đủ thứ cây cỏ theo lời của bà. Hơ hơ, giã giã, đắp đắp mãi vẫn không thông. Hương - vợ anh lo sợ, đau đớn phát sốt. Đang hoang mang khi mẹ vợ anh lại gọi điện về quê cầu cứu mấy bài thuốc chữa mẹo và cả bài cúng của dân tộc… May mắn là anh đã sốt sắng tìm ra và mua được thuốc uống thông tắc tia sữa ở hiệu thuốc nam. Nguồn sữa của thằng con anh được “giải cứu”…

 

Một lịch trình sinh hoạt Easy của bé theo tháng tuổi

Tưởng như cái khổ dần qua, nhưng càng ngày tính khí Hương lại càng thêm khác thường, cáu gắt, khó chịu. Anh nấu món gì vợ anh cũng không ưng ý và không chịu ăn, chỉ “trung thành” với món cơm gà nấu nghệ. Con thì ngày bú tóp tép được vài giọt sữa đã lăn ra ngủ, đêm thì dậy khóc ngằn ngặt đòi ăn hàng chục lần. Đề phòng gió máy, trời mùa hè mà bà nhất định không cho dùng điều hòa và mở cửa sổ. Thằng bé mướt mồ hôi, bà vẫn ôm khư khư bế rong, đung đưa ầu ơ chán mà bé cũng chẳng yên, ngủ cứ chập chờn lưng như gắn sẵn định vị hễ đặt xuống là tỉnh khóc, gắt đành đạch. Vợ thì nằm bày bạy trong phòng, người hôi hám vì vẫn kiêng tắm gội.

Biết con bị bú vặt nhưng nói thế nào vợ cũng không nghe, cứ một mực theo lời bà, trẻ ăn ngủ tự nhiên đói lúc nào ăn lúc đấy. Là người chịu khó đọc sách và tìm hiểu, Khanh càng lo lắng, cứ tình trạng như này kế hoạch nuôi con của vợ chồng anh đã bàn hoàn toàn sụp đổ. Chiếc giường cũi cùng bao nhiêu những vật dụng lỉnh kỉnh anh mua khá tốn kém để nuôi con theo Easy có nguy cơ bỏ xó. Trước lúc sinh con một tháng, Khanh đã bàn với vợ nuôi con theo phương pháp này và vợ anh đã đồng ý. Dù không đọc sách nhưng Hương được anh phân tích tận tình rằng: “Easy” là viết tắt của các từ: Eat - Activity - Sleep - Your time, có nghĩa là Ăn - Chơi - Ngủ - Mẹ thư giãn. Với chu kỳ sinh hoạt lặp đi lặp lại trong ngày đến khi bé đi vào giấc ngủ đêm, kết thúc một ngày của mẹ và bé. Và với phương pháp này các bà mẹ hiện đại nhàn tênh, trẻ thoải mái không quấy khóc. Hơn nữa mẹ không những có thời gian nghỉ ngơi làm việc nhà mà cả bé và mẹ đều hiểu nhau, bé ăn ngủ nề nếp và hình thành tính tự lập từ rất sớm… Vậy nhưng từ khi có bà ngoại, Hương lại thành ra thế này, có lẽ rằng vợ anh đã phải trải qua cuộc khủng hoảng tâm lý lớn giữa chồng và mẹ đẻ. Lựa những lúc không có bà, anh khéo léo khuyên giải thuyết phục các kiểu mà Hương cũng chẳng nghe. Ngày qua ngày, những cuộc tranh cãi nổ ra giữa hai vợ chồng về cách nuôi con càng thêm gay gắt, cuối cùng Khanh cũng là người nín nhịn. Thế nhưng trong đầu Khanh luôn mường tượng ra tương lai con mình rồi sẽ thành những đứa trẻ nuôi kiểu truyền thống suốt ngày đòi bế ẵm, khóc ăn vạ, dọa nôn, đòi hỏi người lớn đáp ứng những yêu sách vô điều kiện... Chẳng ngủ được, nghĩ đến viễn cảnh đấy anh cảm thấy nặng nề, đầu ngùn ngụt như phát sốt.

Hoàn cảnh của vợ chồng Khanh - Hương là ví dụ cho những mâu thuẫn giữa hai cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Bởi nếu để ý kỹ thì hai phương pháp này hoàn toàn đối lập nhau. Những tưởng Easy là “Nuôi con không phải là cuộc chiến”, thì nay trong rất nhiều gia đình thời hiện đại lại xảy ra những xung đột, những “cuộc chiến” không hồi kết. Thực tế đã có không ít những bà mẹ phải gạt nước mắt, ngậm ngùi bỏ cuộc. Nhóm “Easy: giúp bé ăn no, ngủ đủ - Bố Ken” trên facebook là một nhóm đang “hot” nhất hiện nay, với gần 150 ngàn bố mẹ bỉm sữa Việt tham gia. Tuy nhiên, mỗi ngày có không ít những bài đăng bán tống, bán tháo “đồ nghề” những chũn, nhộng, nôi, cũi,… (dụng cụ hỗ trợ nuôi con Easy) chỉ vì không thể theo đuổi phương pháp này.

1001 nỗi sợ… bà!

Kể về cuộc nuôi con “trường chinh” của mình, Chị Hồng (phường Phan Đình Phùng) cười như đang mếu: Luyện Easy cho bé, dùng “nút chờ” (cách tập để bé học tự trấn an) chị phải chốt cửa phòng lại. Con đã ổn định tự ngủ, ra mở cửa là thấy bà nội thấp thỏm ngó nghiêng, kiểu đang sốt ruột, không biết mẹ thằng bé đang “hành hạ” nó kiểu gì!? Có hôm hai vợ chồng đi có việc nên cho bé em ngủ giấc đêm sớm. Nhờ bà xuống nằm với cháu để thêm yên tâm. Dặn đi dặn lại bà không được nói chuyện gì khi cháu dậy vì đấy là lúc cháu chuyển giấc rồi sẽ tự ngủ lại. Không bật điện, nếu cháu khóc quá chỉ nhét ti giả rồi bế cháu lên một lúc là được, không cần ru vì bà ru cực to mà cháu thì hay hóng. Bà ờ à ra kiểu biết rồi. Y như rằng, về đến nhà thì thấy bà vừa bế rung cháu, vừa ru bảo “nó dậy, ru mà nó cứ ưỡn lên”. Chị bức xúc: “Phòng thì bật điện sáng choang, bảo sao nó chả ưỡn, chả hóng bà. Thế là đến lúc ông bà chuẩn bị đi ngủ còn con bé vẫn nằm vừa phun mưa ê… a… với cái đèn ngủ. Mình thì buồn ngủ rũ mắt ra. Nghĩ không biết mấy bữa nữa đi làm lại thì con mình sẽ ăn ngủ thế nào đây. Chán nhất cảnh cố rèn con còn ông bà thì tùy hứng như thế lắm. Rầu hết cả người chả buồn dỗ con ngủ lại”.

Những tâm sự kiểu chị Hồng, trên các trang nuôi dạy con khoa học hiện nay nhiều vô số. Không biết chia sẻ cùng ai, các mẹ bỉm sữa đành lên đó than thở “kể tội” ông bà. Nickname Cam Mỹ Phan chia sẻ: “Bản thân mình khi mới bắt đầu đi làm cũng stress kinh khủng vì chắc bà chỉ mong mình mau mau đi làm để bà tha hồ nuôi cháu theo ý bà chứ không như “con mẹ quân phiệt” đã rèn suốt 6 tháng. Thời gian nuôi con mình thường xuyên chịu đựng việc con chỉ é một tiếng là bất kể ngày đêm khuya khoắt gì, chỉ một phút sau bà nội xuất hiện lao vào bế hoặc giật từ trên tay mình ôm xuống phòng bà… sau mình phải nói mãi thì bà mới ngừng việc đó”.

Nhiều mẹ bỉm sữa còn than thở với tâm trạng khá uất ức khi không được ông bà cảm thông. “Thật sự nhiều lúc em đã nghĩ, có anh “Bố Ken” mở group cho các mẹ học Easy rồi thì em lại phải mở lớp khai thông tư tưởng cho các bà hai bên nội ngoại. Thật sự con quấy con khóc, mình là người mệt đầu tiên, lo lắng hơn ai hết, nhưng nhiều khi áp lực từ việc con khóc không lớn bằng việc các bà cứ tham gia và nói mẹ mày thế này, thế nọ… Mày giỏi mày rèn nó xem nào. Mẹ đâu mà con khóc không dỗ… Ôi, “Nuôi con không phải là cuộc chiến, mà nó là trường kỳ kháng chiến” - Nickname Hảo Ngáo ngao ngán. Nickname Hoàng Khuyên thì phụ họa: “Nhà mình cũng vậy, rèn con ngoan, ăn ngủ theo chuẩn giờ ai cũng bảo con em ngủ nề nếp thế. Bà không khen được câu lại còn phán cho câu xanh rờn: Ôi trộm vía con bé nó ngoan từ nhỏ... Chán không cả buồn nói. Mình chăm con đành tập tai điếc và mang tiếng làm bà mẹ quân phiệt”.

Liệu có hướng đi chung?

Xung đột gay gắt như vậy tưởng như không có hồi kết nhưng thực tế cách nuôi con theo Easy ngày càng nhiều bà mẹ bỉm sữa áp dụng và thành công. Con cái nề nếp, ngoan ngoãn, khỏe mạnh mẹ bé và cả gia đình ai cũng nhàn, vui vẻ hạnh phúc. Để làm được điều đó đa phần các mẹ bỉm sữa phải thuyết phục được ông bà tin và làm theo phương pháp này.

Cách để nickname Nguyễn Hương Giang có được “hành trình” nuôi con thành công là thay đổi bà từ từ: “Nói thẳng thì bà dỗi, nói khéo thì phải sà sã, ròng rã mãi, dần dần bà mới hiểu. Mình bất đắc dĩ gửi con cho ông bà vài ngày, thế là nó quen bế rong, ti vặt, mình cũng chỉ biết từ từ rèn lại. Có hôm đang làm trình tự ngủ, bà nội vào rất nhiệt tình “Đưa mẹ bế đứng cho nó ngủ cho”, hoảng quá các mẹ ạ! Nhưng bà nội nhiệt tình. Lại nhủ lòng thôi cứ thay đổi bà từ từ”.

Giống như Giang, nói về “hành trình” Easy của mình, Bích (phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) - kể lại: Bích sinh bé vào tháng 3, đúng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, cô quyết định gác lại tất tần tật những dự định và chuyện học hành của bản thân để toàn tâm chăm sóc cho con. Tháng 5, dịch COVID được kiểm soát, trường nhập học trở lại. Là sinh viên năm cuối, chỉ còn hai môn học là Bích được ra trường. Đắn đo rất nhiều và cô quyết định học nốt. Người sẽ chăm sóc con khi cô đến trường là bà nội. Trong đầu cứ rối bời bao câu hỏi: Con có chịu ti bình không? Con có bị phá nếp sinh hoạt không? Con có được chơi tự lập không?… Và cô đã bắt tay vào chuẩn bị để trở lại việc học. May mắn, Bé Ngô vừa ti mẹ vừa biết ti bình và Bích để cho bà nội cho con ăn 4 cữ/ngày. Còn mọi khi chăm con cô làm tất, bà ở ngoài nghe thấy cháu khóc chứ không biết Bích làm gì và làm như thế nào, chỉ biết rằng, “mẹ nó ép nó ngủ”. Bích đã nói chuyện với bà, về Easy, về trình tự đi ngủ và làm mẫu cho bà nội xem rồi để bà thử cho cháu đi ngủ ngày, đêm cô vẫn tự cho con đi ngủ. Cô cũng giải thích cho bà nội hiểu về lợi ích của việc chơi tự lập và viết sẵn lịch sinh hoạt của con và dán lên tường cho bà tham khảo. Ban đầu bà cũng phàn nàn, viết lịch gì mà lằng nhằng, ăn ngủ phải chờ đến giờ mới được à? Mỗi sáng, Bích dậy vệ sinh cá nhân rồi cho con ti, chơi với con một tí rồi đi trường. Bà nội thì từ ngày “tiếp quản” cháu thấy cháu ăn chơi ngoan răm rắp, đã hiểu con dâu hơn và thông cảm hơn. Cô xúc động: “Mình biết ơn bà lắm vì bà thay mình chăm con. Xét cho cùng ông bà cũng là người yêu thương mong muốn những điều tốt nhất cho con cháu. Mình phải nhẹ nhàng và từ từ giải thích rồi ông bà cũng hiểu”.

Xung đột trong việc nuôi con giữa hai thế hệ là điều không tránh khỏi bởi vốn trọng tình cảm, trong một gia đình Việt thường sống chung nhiều thế hệ. Nhưng nghĩ cho cùng mâu thuẫn đó đều vì con, vì cháu. “Một điều nhịn chín điều lành” phải chăng đấy chính là chìa khóa để hóa giải mọi bất hòa giữa các thế hệ, giữ không khí gia đình hiện đại luôn hòa hiếu.

(Tên một số nhân vật đã được thay đổi).

TRẦN HẰNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước