Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
14:04 (GMT +7)

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên: Nỗ lực “đổi nước mắt lấy nụ cười”

Chuyện xưa

Trước khi viết bài này tôi xin nói lời xin lỗi toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thuộc nhiều thế hệ vì buộc phải mở đầu bằng một câu chuyện không vui. Tất nhiên chỉ là những gì đã thuộc về quá khứ, nhưng dư âm của nó chưa hẳn đã hoàn toàn lắng xuống. Cách đây khoảng hơn hai mươi năm, ở nơi đây, tôi từng chứng kiến một cảnh thương tâm. Một thanh niên bị sập hầm vào cấp cứu. Đáng lẽ rất cần sự đáp ứng khẩn cấp cho tính mạng một con người thì ở cái nơi giăng đầy những khẩu hiệu “Lương y phải như từ mẫu” này lại thay bằng một thái độ thờ ơ của ca trực. Khi ấy, mấy người trực đang mải tranh luận một vấn đề gì đó (không phải chuyên môn), không ai để mắt đến ca cấp cứu vừa được mang đến. Chỉ khi từ góc phòng vọng ra những tiếng thở như nghẽn tắc của người thanh niên, họ mới vội vàng xúm lại để kích tim hay hô hấp nhân tạo gì đó. Nhưng tất cả đã quá muộn. Tôi nghe bệnh nhân kháo nhau (đúng, sai chưa rõ) chỉ vì người nhà bệnh nhân không có khoản tiền nhập viện hoặc lót tay gì đó nên mới có cơ sự vậy. Ngày ấy, hình ảnh ông già khoác trên người tấm áo vá chằng vá đụp cùng tiếng kêu thảm thiết và những bước chân xiêu vẹo khi người ta đưa đứa con trai, người con duy nhất phụng dưỡng ông trong lúc tuổi già vào nhà xác vẫn như còn hiện lên trước mắt tôi đến tận bây giờ.

Có lẽ vì “con chim bị tên sợ cành cong” nên khi được phân công viết bài về Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, tôi có phần hơi ngần ngại, mặc dù nghe nói “vật đã đổi, sao đã dời”.

 

Những ca phẫu thuật

Mặc dù mục đích bài viết của tôi là phản ánh công tác “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” nhưng khi đến Bệnh viện, tôi lại bị hút vào những tiến bộ khoa học và các chương trình đào tạo của bệnh viện, về kĩ thuật thay máu nhiễm độc trẻ sơ sinh, thay huyết tương, những ca phẫu thuật não, phẫu thuật tim hở, đặt stent, thay khớp xương háng, xương gối và đặc biệt là về ca ghép thận mà dưới sự giúp đỡ, chỉ đạo của Bệnh viện Quân y 103, các bác sĩ của bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện thành công trong thời gian vừa qua. Tôi biết khá rõ, ca ghép đang là thời sự khá nóng của ngành y ở Thái Nguyên. Chính Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, đã đánh giá 60-65% công việc của ca ghép thận là do các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thực hiện. Tới đây, Bệnh viện Quân y 103 sẽ hỗ trợ thêm vài ca ghép thận nữa, rồi sẽ để Bệnh viện thực hiện độc lập.

Tìm hiểu về Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên có một thông tin làm tôi hết sức bất ngờ là trong khoảng bốn năm gần đây bệnh viện đã thực hiện thành công tổng cộng tới hàng nghìn ca thay khớp háng, khớp gối, đặt stent, mổ tim hở…, những công việc mà trong quan niệm của tôi phải từ những bệnh viện ở đẳng cấp cao chót vót mới có thể làm nổi. Tất nhiên, với thói thường “bụt chùa nhà không thiêng”, lâu nay dân Thái Nguyên vẫn có một thói quen khi cần phẫu thuật cứ thích dong thẳng về Hà Nội, vừa nhiêu khê vừa tốn kém bởi phải qua bao nhiêu thứ trung gian. Năm ngoái, cô em dâu tôi cũng mất gần trăm triệu chỉ vì một ca phẫu thuật không hề phức tạp. Thực tế cũng còn không ít người tỏ ra nghi ngại về chất lượng những ca phẫu thuật từ bệnh viện. Nhân đây, tôi xin tiết lộ về hai ca phẫu thuật mà rất ít người biết. Đó là chính bố đẻ anh Nguyễn Thành Trung giám đốc bệnh viện đã đặt stent ở đây. Sau đặt stent, cụ vẫn thích trèo lên cây hái quả, một thói quen và niềm vui khó bỏ của cụ từ lâu. Còn trường hợp thứ hai là ông bạn tôi, bệnh phải thay khớp gối, ban đầu cứ một mực đòi về Hà Nội, mặc dù có ông em vợ là phó giám đốc bệnh viện, nhưng cuối cùng đã chịu phẫu thuật tại Thái Nguyên. Bây giờ, tôi vẫn gặp anh ấy “một mình một ngựa” đi khắp “thế gian”.

 

Có thể nói, đó là hai dẫn chứng “bằng xương bằng thịt”, không cần phải dùng thêm một lời nào để quảng bá cho sự tự tin và tài nghệ của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên vào năm 2015 này.

Nụ cười ở Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên

Vi hành

Gần đây, có một câu chuyện mà các bác sĩ và cán bộ công nhân viên bệnh viện đều biết rõ. Đó là cái lần có một ông ăn mặc hơi luộm thuộm, hớt hải xuống xe ôm bước vào bệnh viện. Ông nghiêng ngó trong phòng khám rồi tiến đến một bệnh nhân đang ngồi chờ đến lượt khám, hạ giọng:

- Mong bác thông cảm, tôi ở huyện Định Hóa. Đường sá xa xôi nên xuống muộn quá. Bây giờ muốn được khám sớm để còn điều trị kịp thời, muốn đưa tiền để bác sĩ lo lót giúp  thì có thể gặp ai hả bác?

Người bệnh nhìn người đàn ông từ Định Hóa xuống, giọng hơi sẵng:

- Nếu mươi, mười lăm năm trước thì có thể được ông nhá! Còn bây giờ xin ông ra lấy số cho. Không có cách nào khác đâu. Trừ cấp cứu nặng.

Người đàn ông vẻ thất vọng. Người ta còn thấy ông lầm lũi đi hết các cửa trong phòng khám và một số khoa điều trị. Chắc là tìm đường để mua sự ưu tiên nào đó. Cuối cùng, ông mang vẻ mặt vừa như thất vọng lại vừa như hân hoan đi về khu nhà ban giám đốc bệnh viện. Đến đây thì mọi người mới nhận ra đó là ông Vụ phó Vụ Tổ chức của Bộ Y tế. Ông đi vi hành. Vụ phó hồ hởi bắt tay từng người trong ban giám đốc bệnh viện, cười khà khà:

- Thôi, chẳng cần báo cáo, tôi đã nắm hết tình hình rồi. Bệnh viện của các đồng chí tốt lắm.

 Bây giờ, hình như muốn thanh tra, tìm hiểu sự việc mà cứ cờ dong trống mở có lẽ khó nắm bắt được sự thật.

Noi theo vị vụ phó, tôi cũng làm một chuyến vi hành.

Ngồi trong phòng khám, nhìn ngắm kĩ những gương mặt của các cán bộ nhân viên và nghe thấp thoáng đây đó những lời “xin cảm ơn, xin lỗi, xin mời, xin phép…” (ngôn ngữ giao tiếp được bệnh viện qui định) cùng những nụ cười thân thiện, tôi cảm nhận được là ông Vụ phó Vụ Tổ chức đã đưa ra một kết luận chính xác về Bệnh viện.

Tôi chợt phát hiện ra nhà giáo T (xin phép độc giả được giấu tên, theo yêu cầu của nhân vật) một thầy giáo trường y đã về hưu khá lâu đang ngồi chờ khám bệnh ở cuối hàng ghế đợi của bệnh nhân. Thầy giáo trường y mà vẫn phải ngồi xếp hàng để khám bệnh thì có lẽ không còn điều gì cần nói thêm nữa. Thế là vô tình thầy T đã trở thành nhân vật trong bài viết này.

Là người trong nghề, lại là bệnh nhân thường xuyên của bệnh viện nên thầy T tỏ ra thông hiểu mọi chuyện. Nghe tôi nhắc đến cuộc vận động hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thầy T đĩnh đạc:

- Thực ra toàn bộ ý tứ của cuộc vận động đã nằm trong câu nói của Cụ Hồ rồi: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Tuy hơi muộn, nhưng theo tôi đây là một việc làm sáng suốt của Bộ Y tế. Hồi đầu điều trị ở bệnh viện này thỉnh thoảng tôi vẫn gặp những cử chỉ và hành động chướng tai của cả hai phía bác sĩ và người bệnh, nhưng khoảng dăm năm nay thì mọi sự khác rồi. Cứ nhìn cách tổ chức và cách cư xử của họ trong phòng khám này là thấy rõ. Nhưng tôi nghĩ, việc huấn luyện để có được cách giao tiếp có văn hóa làm hài lòng bệnh nhân tuy không hề đơn giản nhưng xét cho cùng thì điều mà bệnh nhân cần nhất vẫn là sự tạo dựng một cơ sở vật chất tốt, đào tạo những bác sĩ giỏi nghề và mua sắm đầy đủ các thiết bị y tế tiên tiến. Đó mới là cái gốc của vấn đề. Không có nó thì mọi lời hay ý đẹp đến mấy cũng chỉ là những lời nói suông. Hôm qua đọc một bài phỏng vấn, tôi thấy bà Tiến (bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến) đã nói về sự quyết tâm của bộ về các vấn đề này. Hiện nay bộ đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài tập trung vào 3 vấn đề lớn: cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực. Coi đó là 3 đột phá có tính chiến lược. “Bà” này được lắm đấy!

Nghe thầy T nói, tôi chợt hiểu thì ra những người trong cuộc đều hiểu rất rõ, muốn thực hiện được cuộc vận động quan trọng này nhất thiết cần phải dựa trên 3 đột phá mà Bộ đã đề ra. Mà tôi biết rất rõ ở đất Thái Nguyên này không thiếu nhân lực, nói cụ thể hơn là không thiếu các bác sĩ tay nghề cao. Cơ sở hạ tầng cũng bắt đầu khởi sắc. Ngôi nhà 15 tầng đang được đưa vào sử dụng trong một ngày gần đây. Có lẽ điều cần phải phấn đấu nhất của Bệnh viện hiện nay là chuyện bổ sung các thiết bị tiên tiến. Tôi được biết vài năm tới, Trung tâm Ung bướu sẽ được đầu tư máy xạ trị gia tốc, là loại thiết bị tiên tiến vào bậc nhất hiện nay dùng để điều trị ung thư.

Thấy thầy T nắm khá chắc mọi ngọn ngành của bệnh viện, tôi mạnh dạn nêu một câu hỏi hóc búa mà câu trả lời hẳn cũng không thể giả dối - Còn vấn đề này nữa, em thấy nhiều bệnh nhân do quá lo lắng nên thường có một khoản tiền bồi dưỡng cho các bác sĩ, bồi dưỡng một cách tình nguyện, chứ không phải hối lộ gì đâu. Theo thầy, thế là đúng hay sai? Và Bệnh viện này liệu có chuyện ấy không?

- Đúng hay sai cũng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh. Những người nghèo, dù muốn, người ta cũng không có tiền để làm chuyện đó. Bởi vậy sẽ sinh ra bất bình đẳng. Có một dịp được tiếp xúc với một đồng chí lãnh đạo bệnh viện, tôi được biết về việc này bệnh viện chỉ nhất trí với sự cảm ơn chút ít của người bệnh sau khi đã xuất viện, vì nó là văn hóa của người Việt. Còn việc đưa tiền trước, dù thế nào cũng mang mầu sắc mua bán. Còn ở bệnh viện này có sự tiêu cực như vậy không thì quả là chưa ai dám quả quyết. Nó là vấn đề của toàn xã hội chứ đâu của riêng các bệnh viện.

Nghe thầy T nói, tự nhiên tôi liên tưởng tới công tác chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Thực ra, việc chống nhiễm khuẩn không quá khó, nhưng tạo ra một môi trường vô trùng thường xuyên thì là một việc làm hết sức gian nan. Mà đó mới là điều mà các bệnh viện đều phải hướng tới. Không có nó thì dù tay nghề hoặc các thiết bị cao siêu đến đâu cũng trở thành vô nghĩa. Dù biết mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi vẫn muốn đặt hai trạng thái “vô khuẩn” bệnh viện và “vô khuẩn” tiêu cực bên cạnh nhau để có sự ví von và suy ngẫm. Mà chắc chắn nó còn là một câu chuyện dài.

Nghe tôi “triết lí vụn” về điều này, thầy T sốt sắng kể một câu chuyện như để bổ sung:

- Mười năm trước tôi có đọc một bài báo viết về một bệnh viện tư nhân ở miền Nam. Tác giả bài báo ca ngợi bệnh viện này không hề có, dù chỉ một cắc lót tay, bồi dưỡng cho các bác sĩ. Nhưng anh có biết không, trong hợp đồng giữa các nhân viên với ông giám đốc có một chi tiết mà không thể có ở bất cứ một hợp đồng nào của các cơ quan nhà nước. Hợp đồng ghi rõ: Lương ba mươi triệu đồng/ tháng, nhưng sẽ cắt hợp đồng sau một phút khi bên B nhận tiền bồi dưỡng của bệnh nhân, dù chỉ một đồng. Tuy lương của bệnh viện này gần đây đã tăng gấp đôi. Nhưng với đồng lương trung bình trên 8 triệu chưa phải là cao so với công sức của các bác sĩ bỏ ra. Tôi biết hiện nay để chống tiêu cực trong bệnh viện, Ban Giám đốc phải dùng khá nhiều biện pháp. Tuyên truyền, giáo dục đã đành, họ còn lập ra các phòng ban, các bộ phận chăm sóc người bệnh với sự giám sát chặt chẽ của ban giám đốc; rồi lấy ý kiến, họp hành, giao ban với người nhà bệnh nhân, sử dụng hệ thống camera, đường dây nóng…Để hướng về cuộc vận động này, nghe nói ở Trung tâm Ung bướu sắp đưa ra một slogan rất hay: “Nhân ái, tài năng, hài lòng người bệnh”. Nói hay, vì nó không phải là một khẩu hiệu chung chung mà là một phương châm hành động từ bên trong dành cho cái trung tâm vốn xưa nay đã có nhiều tiếng thơm này. Tôi nghĩ, bệnh viện làm nổi những chuyện đổi mới như ngày hôm nay, phải nói là một kì công.

Trò chuyện với tôi gần một giờ đồng hồ, thầy T mới đến lượt được vào khám.

 

Vĩ thanh

Không hiểu sao khi viết đoạn vĩ thanh, hình ảnh ông già mất đứa con bị sập hầm ngày ấy lại trở về trong tâm trí tôi rõ mồn một. Không rõ ông già đó, nếu còn sống đến giờ thì đang lận đận khổ đau tận phương trời nào. Giá như hôm ấy các bác sĩ ca trực có lương tâm hơn thì cuộc đời ông già nọ sẽ khác hẳn. Sẽ đổi nước mắt lấy nụ cười, đổi bóng tối lấy ánh sáng. Nhắc lại chuyện này, không phải tôi thích thù dai. Dân gian có câu: “Điều đau nhớ đời”. Tôi chỉ muốn gợi lại ý nghĩa “Lương y phải như từ mẫu”, một lời dạy lớn của Bác Hồ.

Với cái slogan của Trung tâm Ung bướu sắp đưa ra (có lẽ cũng nên là slogan chung của toàn Bệnh viện) hai chữ NHÂN ÁI được ưu tiên đứng đầu, thì trước hết, mỗi bác sĩ, mỗi điều dưỡng viên, mỗi công nhân, thậm chí mỗi nhân viên bảo vệ trong Bệnh viện, hơn ai hết, hơn bất cứ một nghề nghiệp nào trên trái đất này, phải là những người mang trong tim một tinh thần vị tha sâu sắc.

 

Hải Yến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục