Bên ngoài những vòng xe
VNTN - Đạp xe khoảng 50km để thể dục buổi sáng, với những người đã vào tuổi 60, là việc vẫn đều đặn thường ngày. Thỉnh thoảng, các bác còn đạp xe ngược lên Bắc Kạn hít thở không khí núi đồi, hay đạp xe xuôi xuống Móng Cái hóng gió biển. Dường như chưa “đã”, họ tổ chức đạp xe chinh phục tứ đại đỉnh đèo (các đèo Khau Phạ - Yên Bái; Ô Quy Hồ - Lào Cai; Pha Đin - Điện Biên; Mã Pí Lèng - Hà Giang). Nhưng “li kì” hơn, có đôi vợ chồng trẻ còn đạp xe từ Hungary về Việt Nam. Toàn chuyện của những người Thái Nguyên ta chứ đâu xa.
Đạp xe và chữa bệnh
Việc đạp xe để thư giãn, ngắm cảnh, rồi để rèn luyện sức khỏe thì hẳn ai cũng đều đã biết. Nhưng chuyện đạp xe để chữa bệnh thì có lẽ không ít người phải ngạc nhiên, thậm chí khó tin.
Ngụ trong một con hẻm nhỏ ở Quan Triều, vừa được về nghỉ hưu, thầy giáo Đỗ Xuân Thành lặng lẽ chống chọi căn bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch vành, khớp gối sưng nhức. Nghe bác sĩ khuyên cần tìm một cách vận động phù hợp nào đó, ông suy nghĩ và tìm hiểu rồi quyết định… đạp xe.
Đã lâu quá rồi, có lẽ đã gần 30 năm, giờ mới lại quay đều quay đều, lích tích lích tích. Mọi chuyện bắt đầu quả là không đơn giản chút nào. Rong được chiếc xe mới mua từ cửa hàng về nhà, 3km với ông sao mà dài ghê gớm. Tối đó, chân đau lưng mỏi, đến mức khiến ông mất ngủ. Biết rằng vạn sự khởi đầu nan, ông vẫn quyết tâm cưỡi con “ngựa sắt”. Kế hoạch, lộ trình được tính toán hẳn hoi, và bắt đầu là những đoạn đường ngăn ngắn. Hôm đạp được từ trung tâm thành phố xuống Gang Thép rồi vòng về, ông thấy chao ôi sao mà thành phố hẹp thế, đạp xe là chuyện nhỏ. Thế rồi, sau một thời gian đã dần quen với vòng quay bánh xe, ông rủ thêm một vài người bạn cùng đạp xe vào Tân Cương, vào Hồ Núi Cốc. Chẳng mấy mà quên khuấy cả “nhiệm vụ” đạp xe, chỉ cảm thấy vui vẻ và hứng thú. Không biết làm thế nào mà dần dần bệnh tật trong người ông chạy mất. Cái gối không đau nhức nữa. Ngực không tức thở nữa. Cứ đạp xe đều là ông không phải uống thuốc như trước. Người khoan khoái dễ chịu. Và tất nhiên, từ đấy, hôm nào mà không được vài vòng xe là người thấy bứt rứt, thiêu thiếu, khó chịu, khổ nhất là bệnh cũ lại từ đâu mò về. Thế là lại phải lên xe, lại cuốn đi với những vòng quay, những nhịp thở, những câu chuyện với bầu bạn.
Nghe ông trò chuyện, mới hiểu ra, rằng đạp xe đâu chỉ là chuyện đạp xe. Này là chuyện mua xe, chuyện chọn cung đường. Này là chuyện chuẩn bị tư trang, nước nôi, lương thực. Rồi thì chuyện đi đường, ngủ nghỉ, ăn uống.v.v.. Gọn lại thì, nếu chúng ta muốn đạp xe, không thể chỉ đạp bằng chân. Ông thấm thía rút ra điều tâm đắc ấy rồi bắt đầu lôi tôi đi xem các “minh chứng”, và giới thiệu. Việc đầu tiên, nếu bạn muốn có một chuyến đạp xe, hãy chuẩn bị một cách chu đáo. Quần áo phải dùng bộ đồ chuyên dụng, nó sẽ giúp bạn tránh sưng rộp vì cọ sát và vận động. Ngoài bình nước uống luôn sẵn sàng thì túi đồ sau xe của bạn không thể thiếu được một chút lương thực, một bộ lốp, săm, xích, dầu, bên cạnh một bộ quần áo cộc để ngủ. Nhưng chỉ thế thôi, phải gọn nhẹ đến tối giản.
Ông Đỗ Xuân Thành trong chuyến đạp xe chinh phục tứ đại đỉnh đèo
Nghe kể về chuyện mấy ông bạn già về hưu rủ nhau đạp xe từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, đi Quảng Ninh, thậm chí gia nhập Câu lạc bộ xe đạp phượt ba miền để tham gia chinh phục tứ đại đỉnh đèo (Khau Phạ - Yên Bái; Ô Quy Hồ - Lào Cai; Pha Đin - Điện Biên; Mã Pí Lèng - Hà Giang)…, ban đầu tôi thấy ngạc nhiên đến khó tin, nhưng về sau hiểu ra thì thấy thật thú vị. Lúc mới đạp xe, họ chọn đường bằng phẳng, dễ và ngắn. Khi đã quen dần, họ bắt đầu thử sức ở những con đường dốc, khó và dài hơn. Đi không tham nhanh hay nhiều, mà cốt ở chỗ phải phân phối thể lực hợp lí. Quan trọng nhất có lẽ là ở kĩ thuật thở. Muốn bền sức, phải thở đều và sâu bằng hơi bụng, không thở nhanh thở dốc bằng hơi ngực. Luôn nhớ, phải duy trì uống nước đều đặn trên đường. Vài thanh kẹo lạc, vài quả trứng luộc, đôi ba quả chuối, hay một nắm xôi, nó sẽ đảm bảo dinh dưỡng và năng lượng trên đường, đồng thời giúp bạn bổ sung kali để chống chuột rút. Đừng dại mà dừng lại ăn cơm hay phở, nó sẽ khiến bạn tức bụng, chưa kể kéo theo là rất mất thời gian cho việc ăn uống, nghỉ ngơi. Đặc biệt là rượu bia thì càng tuyệt đối tránh. Các đoàn đua thì còn có y tế cứu trợ, chứ đã đạp xe thể dục tự túc là phải đề phòng và phải sẵn sàng tự giải quyết trước những sự cố luôn rình rập. Nghe thì đơn giản vậy, nhưng sơ sểnh một chút thôi là chuyến đi có thể bất thành. Ông nhớ lại chuyến chinh phục tứ đại đỉnh đèo tháng 9/2017, vừa vui vừa tiếc. Có người đã kinh nghiệm sành sỏi, từng đạp xe xuyên Việt, vậy mà chỉ vì chủ quan, ăn uống không giữ gìn, đau bụng nên đành bỏ cuộc giữa chừng. Bản thân ông, chẳng may uống nước có đá, viêm họng, phải dừng cuộc chơi khi đã vượt qua được hai đèo, đạp được hơn 600km. Đúng là, nghề chơi cũng lắm công phu mà…
Tôi vừa băn khoăn vừa có phần ái ngại, rằng với những người đã có tuổi tác và lại còn đau bệnh như ông, đạp xe như thế có quá sức không? Ông cười, lấy sổ khám sức khỏe mới nhất ra khoe. Lượng đường huyết trong mức giới hạn, tim mạch chuẩn và ổn định, gối chân không sưng không đau. Thì ra đạp xe khiến các khớp các cơ được vận động đều đặn, hít thở giúp hệ tuần hoàn hoạt động tốt, uống nước nhiều rồi toát mồ hôi giúp cơ thể thải độc hằng ngày, về nhà ăn ngon ngủ dễ, tinh thần sảng khoái, sức khỏe dẻo dai. Còn gì bằng nữa?
Đấy là chưa kể, đạp xe có thể coi là hình thức du lịch giá rẻ mà vẫn vui, vừa tiện giao lưu bầu bạn, vừa được thăm thú cảnh quan nhiều nơi một cách tự do, chủ động. Qua mỗi chuyến đi, thấy mình biết thêm một cái gì đó, làm thêm được một việc gì đó, thú lắm, ý nghĩa lắm. Sau mỗi lần chinh phục thành công mục tiêu, cảm giác như không thể tin nổi vào bản thân, nghĩ bụng chắc Phạm Tuân lên vũ trụ cũng… sướng đến thế là cùng. Có lẽ, những cảm giác ấy, không phải người trong cuộc, không thể hình dung. Nó là món quà chỉ dành cho người chấp nhận trải nghiệm.
25 000 km và “món quà ta tự tặng cho mình”
Đến Việt Nam công tác, yêu miền quê chè Thái Nguyên và bén duyên với cô sinh viên nơi đây, Péter đã cưới Linh rồi đưa vợ về Hungary sinh sống. Chồng đang đi làm, vợ đang học thạc sĩ, nhưng luôn nung nấu cho một chuyến đi lớn nên họ đã sẵn sàng gác lại tất cả. Chuyện là, một ngày đẹp trời, họ nhận được tấm bưu thiếp của Zita và Árpi (cặp vợ chồng lữ hành vĩ đại đã đạp xe vòng quanh thế giới suốt bốn năm để hưởng tuần trăng mật) với dòng chữ đầy thôi thúc: Hãy làm điều đó ngay bây giờ. Vì ai dám chắc ngày mai sẽ ra sao. - Wayne Dyer.
Hai vợ chồng Péter và Linh dừng chân ở Iran
Trong khi Péter là một người sống khá khép kín, thì Linh cũng chưa bao giờ làm điều gì ngoài vùng an toàn của mình. Cả hai vợ chồng vì vậy gặp nhau ở mong muốn tìm kiếm một sự trải nghiệm thực sự để hiểu hơn bản thân mình cũng như hiểu hơn thế giới. Họ quyết định đạp xe, không phải để chinh phục hay ghi danh kỉ lục, mà để có một chuyến đi tự do tuyệt đối, không chịu một sự sắp xếp trong khuôn khổ nào. Trong hình dung của họ có những con đường mới lạ, những bầu trời nắng ấm, những người lạ thân quen. Và tất nhiên, còn có cả những nỗi lo về sức khỏe, thời tiết, địa hình, chỗ ngủ, chuyện ăn uống. Rồi khoảng cách ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa nữa. Mà nếu gặp cướp thì sao nhỉ? Chưa kể tình hình chính trị an ninh một số nước Trung Đông và Nam Á đang khá bất ổn, nếu gặp sự cố hoặc bị mắc kẹt lại thì phải làm thế nào? Hoặc đơn giản hơn là đến một ngày bỗng hết động lực và hứng thú để đi tiếp thì thật tệ. Một loạt những hào hứng xen lẫn những câu hỏi kéo đến. Cuối cùng thì họ cất hết tất cả chúng đi và chỉ nghĩ về những chiếc xe đạp thôi.
Mất 3 năm lên ý tưởng, họ dành 6 tháng để thu xếp chuyện công việc và nhà cửa, 1 tháng để tập dượt và chuẩn bị, 1 tuần đạp xe qua bốn nước châu Âu để thử sức, 3 ngày để nói lời tạm biệt gia đình và đất nước Hungary. Ngày 14/8/2016, để kỉ niệm một năm ngày cưới, hai vợ chồng bắt đầu hành trình đạp xe về Việt Nam, đạp 11.114km trong 357 ngày, di chuyển qua hơn 25.000km và về đến “nhà ngoại” ở T.P Thái Nguyên vào 5/8/2017, tức là gần đúng một năm sau ngày khởi hành. Họ đã gặp không biết bao nhiêu câu chuyện vui buồn đáng nhớ khi được đi qua 13 nước: Hungary, Croatia, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Albania, Hy Lạp, Iran, Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Họ đã đạp xe trong cái nắng đổ lửa, trong cái lạnh thấu xương, trên những con dốc đứng, dưới những ngày mưa tầm tã. Có khi là những cánh đồng hoa hướng dương, bí ngô, lúa mì tuyệt đẹp, nhưng cũng có lúc là những cảnh tượng hoang tàn buồn tẻ. Cũng có lúc Linh than thở và đòi bỏ cuộc, nhưng rồi được chồng chia sẻ nên lại tiếp tục. Đôi khi có những niềm vui bất ngờ, ấy là khi có bạn mới đạp xe đồng hành trong quãng ngắn, khi gặp chủ nhà tốt bụng và thân thiện, lo cho ăn ngủ, cùng trao đổi những câu chuyện đầy chiêm nghiệm và lắng đọng về cuộc sống. Croatia đã thiết đãi họ những món ăn ngon, chào đón và cổ vũ họ bằng những tiếng còi xe và tiếng vỗ tay trên đường phố. Bosnia đã chăm sóc họ khi Péter bị mất nước nghiêm trọng rồi phải nằm viện. Hi Lạp đã khiến họ lo lắng và thất vọng khi không được người dân ở đây chào đón, chưa kể việc mưa gió, rồi bị nhiễm khuẩn đường ruột, kinh khủng nhất là bị đàn chó hoang tấn công. Tới Iran, họ phải tuân thủ theo quy định trang phục ở đây, phải đạp xe vượt sa mạc, phải đi trên độ cao 1.500m so với mực nước biển. Ấn Độ khiến họ thú vị nhưng cũng rất ngạc nhiên về sự đa dạng của ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa nơi đây, về sự hỗn loạn giao thông và sự tò mò khủng khiếp của người dân nước này. Bù lại, họ cũng được thăm nhiều chùa chiền, đọc nhiều kinh phật, tìm hiểu nhiều giáo lí, tham gia các buổi thiền rồi ngộ ra được rất nhiều điều. Đến Nepal, họ trở thành những thầy cô giáo và những nhà diễn thuyết bất đắc dĩ khi gặp gỡ trò chuyện và dạy tiếng Anh cho các em nhỏ ở những ngôi làng nghèo khó. Vô cùng thích thú khi được phiêu lưu cùng những danh thắng, những địa chỉ văn hóa, những vùng chè nổi tiếng của Trung Quốc, nhưng họ cũng rất khó hiểu trước sự chấp nhận của người dân nước này trước sự kiểm soát và độc quyền thông tin từ phía chính quyền. Cứ thế, chuyến đi đem đến cho hai vợ chồng những trải nghiệm vô cùng ấn tượng, những thứ mà như Péter chia sẻ là sẽ đi theo họ đến suốt cuộc đời. Mọi thứ thật tuyệt vời, không chỉ bởi những điều đáng ngạc nhiên và ngoài sức tưởng tượng, mà còn bởi cả những điều bình dị chân thật một cách trọn vẹn của đời sống.
Hai vợ chồng hoàn thành chuyến đi lớn, và trở về trong một tâm thế mới. Không còn kĩ tính và đòi hỏi, họ sẵn sàng chấp nhận và thích nghi trước những thực tế không như mong muốn, mỉm cười thống nhất với nhau rằng tối nay đang ngủ khách sạn 5 sao thì vẫn phải chuẩn bị cho việc ngủ ngoài đường ngày mai. Không còn là những người sống khép kín, an toàn, họ thấy mình gần gũi với tất cả những người xa lạ. Họ cũng không còn bất ngờ với mọi thứ, không còn hỏi đi hỏi lại “tại sao, tại sao” trước những việc khó tin, để tin rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra. Có lẽ đây cũng là lí do để họ tiếp tục có dự định mới, sau này sẽ cùng con đạp xe du lịch. Một kế hoạch thật đáng mong chờ.
Sau mỗi cuộc gặp, mỗi điểm đến, mỗi ngày đạp xe, hai vợ chồng lại viết nhật kí. Tự tay họ ghi lại những trải nghiệm của mình, viết ra câu chuyện của mình, theo đúng nghĩa đen. Theo dự định, cuốn nhật kí sẽ được xuất bản thành sách. Nếu điều đó thành sự thật, tôi tin đó sẽ là một cuốn sách có sức truyền cảm hứng. Đó sẽ là câu chuyện có sức kích thích người khác đi tìm câu chuyện của chính mình. Đó sẽ là món quà kích thích chúng ta tìm cách tự tặng cho mình món quà nào đó.
Tôi không chắc là mình có thích đạp xe hay không. Nhưng tôi tin cuộc sống luôn có những món quà, vấn đề là ta phải biết tự tặng cho mình mà thôi.
Phạm Văn Vũ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...