Bầu ơi… thương lấy bí cùng
Theo Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, trước khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra, cộng đồng người Việt tại Ukraine có gần 7.000 người sinh sống, làm việc và học tập. Phần lớn Việt kiều sống tập trung tại một số thành phố lớn như Kiev với khoảng 800 người, Odessa khoảng 3.000 người, Kharkiv khoảng 3.000 người và một số thành phố khác như Kherson, Donetsk, Lviv...
Tính đến hôm nay, sau hơn hai tháng cuộc đụng độ quân sự Nga - Ukraine, hầu hết Việt kiều đã di tản khỏi vùng chiến địa, trong đó có hơn 1.700 Việt kiều hồi hương và khoảng 5.200 người đã lánh nạn sang các nước trong khối châu Âu. Trong tổng số 5.200 người lánh nạn, rất đông trong số họ đã chọn các nước láng giềng cận kề biên giới với lãnh thổ Ukraine như Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia… và một số lượng nhỏ tìm đến những nước xa xôi hơn như Pháp, Phần Lan, Đan Mạch… Họ ra đi với hai bàn tay trắng, không tiền bạc, không đồ đạc, những thứ họ gây dựng được ở xứ người đã để lại cùng bom đạn. Tất cả những thứ họ có thể mang theo là những đứa trẻ và một vài bộ quần áo. Họ không biết mình đi đâu và sẽ sống tiếp như thế nào. Họ chỉ có một mục đích duy nhất lúc này là bảo toàn mạng sống của bản thân và của gia đình dù không thể biết điều gì đang đợi họ ở phía trước.
Những tiếng kêu cứu đầu tiên
72 giờ sau khi quả bom đầu tiên nổ, nhìn những hình ảnh đau thương của những con người vật lộn giữa sự hoang mang chưa hiểu điều gì đang xảy ra và những mạng người đầu tiên ngã xuống, tiếng những đứa trẻ thơ gào xé tiếng bom trong vài giây của đoạn video rồi im bặt, tại Pháp, tôi đã bàn với chồng sẽ cưu mang những người đồng hương Việt Nam của mình nếu họ thoát ra khỏi vùng lửa đạn. Thực ra lúc suy nghĩ xuất hiện tôi cũng chưa rõ có bao nhiêu người gốc Việt đang sinh sống tại Ukraine và tôi cũng không biết làm như thế nào để giúp họ. Cuối cùng tôi chọn đăng tin trên mạng xã hội rằng gia đình chúng tôi sẵn sàng trợ giúp những người di cư đến Pháp. Và điều tôi cũng không ngờ, thông tin rất đơn giản nhưng đã tạo ra cơn bão nhỏ.
Chỉ vài giờ khi thông tin được đăng lên ở Việt Nam, trong khi nước Pháp đang chìm trong giấc ngủ ban đêm, tôi đã nhận được hàng chục tin nhắn đầu tiên “Em ơi cứu chồng con chị với, họ đang mắc ở Kiev”. Những người phụ nữ đang nuôi con nhỏ như tôi, chắc hẳn không ai không quặn lòng khi nghe tiếng kêu cứu của một người mẹ, người vợ.
Một ngày sau khi dòng tin được đăng, những lời cầu cứu ngày một nhiều lên, sự sợ hãi, hoang mang cũng tăng, thậm chí có cả những tin nhắn gián tiếp, một người anh trai từ Việt Nam nhắn sang “Chị ơi cứu gia đình em trai em với, nó bị kẹt ở Kiev, bom nổ rất gần nhà nó”. Họ vẫn ý thức được đó là những tiếng kêu cứu tuyệt vọng vì trong tin đăng tôi có nói rõ tôi đang ở Pháp nên dù rất muốn cứu họ tôi cũng không thể làm gì ngoài việc cân nhắc từng từ để nói chuyện với họ, giúp họ giữ vững tâm lý và tiếp thêm hi vọng về cuộc sống cho họ.
Bữa ăn ở một gia đình Việt kiều cùng người lánh nạn Ukcraine tại Pháp
72 giờ sau khi đăng tin, gia đình đầu tiên đăng ký đến nhà tôi bị mất liên lạc. Lần cuối cùng họ nhắn tôi, chúng em đã lên tàu để sang Pháp và từ đó là im lặng hoàn toàn. Những thông tin về đạn pháo mỗi lúc một cam go. Ai biết được điều gì?
Buổi chiều khi đang nhắn tin hỏi “Các bạn ở đâu rồi? Đến hay không chọn đến Pháp nữa thì cũng nhắn tin cho mình nhé”. Im lặng. Lúc này cuộc đàm phán lần thứ nhất giữa Chính phủ Nga và Chính phủ Ukraine đã thất bại từ một ngày trước, cơn mưa bom không ngừng trên bầu trời Kiev. Lần đầu tiên tôi chắp tay lên khẩn cẩu dù chẳng biết ai để cầu khẩn. Vừa lúc đó có tin nhắn, đó là hội các bạn tình nguyện viên ở Đức muốn tổ chức tất cả các tình nguyện viên các nước để tiện bề thông tin và giúp đỡ nhau khi có thắc mắc cần câu trả lời. Vậy là chúng tôi không còn hành động độc lập, chúng tôi có một tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm.
2 giờ sau tin nhắn gửi đi thì có câu trả lời “chúng em bị hết pin điện thoại, khi nào sạc được em sẽ liên lạc với chị”. Ôi cảm giác như vừa đặt xuống đất gánh nặng hàng tạ. Ít nhất họ vẫn ở trong vùng an toàn.
Bài báo về chuyến hàng cứu trợ từ Pháp đến biên giới Balan
Trong cơn bĩ cực
Theo ước tính của cộng đồng người Việt tại Đức, những người ngay từ đầu đã tập hợp thành một tổ chức trên toàn nước Đức để tiếp nhận người tị nạn, hiện có khoảng hơn 4.000 Việt kiều đã sang Đức lánh nạn. Một con số khổng lồ cho một cộng đồng nhỏ vừa đón nhận vừa giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần và thủ tục hành chính trong một thời gian rất ngắn, điều này đòi hỏi cộng đồng người Việt tại Đức không những phải đoàn kết để không bỏ sót bất cứ một trường hợp nào mà còn phải cố gắng hết sức để có thể giúp từng trường hợp với những hoàn cảnh cụ thể bởi không phải Việt kiều lánh nạn nào cũng có đủ giấy tờ hợp lệ để chứng minh đủ điều kiện xin lánh nạn, vì thế họ rất cần những tình nguyện viên, những người nói thông thạo tiếng bản địa. Thật bất ngờ, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, một mạng lưới Facebook phủ kín khắp nước Đức với những tình nguyện viên sẵn sàng bỏ thời gian và tiền bạc để giúp những người chạy nạn từ lo chỗ ăn, chỗ ngủ, thủ tục giấy tờ. Một vài ngày sau khi làn sóng di cư đầu tiên xuất hiện, một vài lớp dạy tiếng Đức bắt đầu được hình thành giúp người lánh nạn phương tiện để hòa nhập cộng đồng. Rất nhiều Việt kiều Đức sẵn sàng tuyển dụng những đồng hương, chỉ với yêu cầu là họ có thể nói được tiếng Việt.
Một đoạn tin nhắn của tình nguyện viên
Không chỉ ở Đức, ở bất cứ nước nào có người lánh nạn, cộng đồng Việt kiều cũng sẵn sàng tương trợ. Ở Pháp, trong vòng vài ngày sau khi tôi lập nên group “Chung tay trợ giúp người Việt tại Ukraine – Cộng đồng Việt Nam tại Pháp”, tôi đã nhận được không ít những lời đề nghị của những Việt kiều Pháp giúp đỡ nhà ở, giúp làm giấy tờ, thậm chí có bạn còn sẵn sàng tuyển dụng tạo công ăn việc làm cho những người lánh nạn. Trong bối cảnh châu Âu vừa bước qua giai đoạn khó khăn hậu COVID-19 thì đây là những lời đề nghị thật đáng trân trọng.
Nhưng không phải ai cũng có tấm lòng tương ái.
Trưa thứ Năm ngày 21/4, tôi nhận được cuộc gọi kêu cứu của một Việt kiều Ukraine đã di cư lánh nạn sang Pháp từ hôm 11/3 và hiện đang ở một thành phố cách chỗ tôi hơn 650km, họ đang rơi vào tay những người đang tìm cách lợi dụng hoàn cảnh lánh nạn của họ. Họ bị lợi dụng sức lao động, thậm chí cả tiền bạc (thông qua việc cho thuê nhà ở). Trong vòng 15 phút của cuộc trò chuyện, tôi hiểu ra họ đang bị những kẻ nhân danh “trợ giúp” cưỡng bức. Tệ hại hơn, cho đến hôm nay, sau gần hai tháng đến Pháp, họ vẫn chưa được trợ giúp làm giấy tờ, điều này đồng nghĩa với việc họ đang định cư bất hợp pháp trên lãnh thổ của nước Pháp. Họ rất cần sự trợ giúp trước khi mọi chuyện trở lên tồi tệ hơn.
Kết hợp với người trong hội Việt kiều tại Pháp, những người sống và am hiểu luật pháp của Pháp, chúng tôi đưa ra cho họ rất nhiều lời khuyên để giúp họ hiểu đúng hoàn cảnh của bản thân đồng thời tìm những người sẵn sàng trợ giúp họ một chỗ ăn ở mới và hoàn thành thủ tục giấy tờ.
Hai mươi tư giờ sau cuộc gọi cầu cứu, điều kỳ diệu đã đến, sức mạnh của tình đồng hương đã có tác dụng. Chúng tôi tìm được những tấm lòng nhân ái có thể giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh bĩ cực, sẵn sàng cưu mang và giúp họ hoàn thành thủ tục xin lánh nạn.
Địa điểm nhận hàng cứu trợ
Chung tay góp sức
Cho đến hiện tại, theo ước tính thì số người Việt ở Ukraine đã di tản gần hết chỉ còn một số ít chọn cách ở lại vùng chiến sự vì thế sự trợ giúp ban đầu dành cho Việt kiều Ukraine cũng theo đó mà bớt căng thẳng. Tuy nhiên làn sóng di cư lánh nạn của các công dân Ukraine vẫn rất cấp bách, đó là lý do mà các tình nguyện viên không chỉ dừng ở cộng đồng người Việt. Những kiều bào ở nước ngoài tìm cách kết hợp với tất cả những công dân các nước bản địa tìm cách trợ giúp cho những người dân Ukraine đi lánh nạn, giúp họ sớm tìm được nơi ở và hoàn thiện thủ tục giấy tờ. Họ không thờ ơ với bất cứ một người nào. Rất nhiều người trong số họ, những ngày vừa qua, cơm không ăn tròn bữa, ngủ không trọn giấc, cứ có điện thoại là họ lái xe đi, không cần biết người phải đón tiếp là ai, họ sẵn sàng giúp đến cùng những con người khốn khó. Thậm chí có những người sẵn sàng bỏ lại công việc, gia đình để đi đến tận vùng giáp ranh với vùng chiến sự mang theo những vật phẩm cứu trợ và đón người lánh nạn.
Buổi đón tiếp những người Ukraine lánh nạn tại một làng nhỏ ở nước Pháp - Ảnh do tình nguyện viên Ngọc Nguyễn chụp
Chỉ riêng hội “Chung tay trợ giúp người Việt tại Ukraine – Cộng đồng Việt Nam tại Pháp” tuy rất nhỏ nhưng chúng tôi có rất nhiều câu chuyện xúc động để kể. Đầu tháng tư, tôi nhận được tin nhắn của một bạn Việt kiều trong nhóm, em bảo “Chồng em cùng những người bạn sắp tới tổ chức mang hàng cứu trợ đến tận biên giới Ba Lan, họ đi ba xe nên khi quay về sẽ có thể chở được 20 người”. Ôi chao, tôi mừng đến rơi nước mắt vì mới vài phút trước đó, một nhóm người gồm 6 người (2 trẻ và 4 người lớn) hiện đang bị kẹt phía bên kia Ukraine gọi điện cho tôi cầu cứu. Họ đã di chuyển được hai tuần nhưng hiện tại đang bị kiệt sức nên phải ở lại chờ khi khỏe hơn sẽ sang biên giới. Tôi muốn nhờ chồng em ấy chở họ về.
Buổi tối, tôi gọi cho họ. Dù đây là cuộc hội thoại đầu tiên, giữa chúng tôi không hề có chút ngại ngần nào vì tất cả đều chung mục tiêu trợ giúp những người lánh nạn. Tôi hỏi họ “Tại sao anh lại có ý tưởng làm việc này?” (Phải giải thích thêm, để chuẩn bị cho chuyến đi, họ đã phải đóng cửa cửa hàng nơi tạo ra nguồn thu nhập của cả gia đình để quyên góp nhu yếu phẩm, tìm đủ ba chiếc xe bán tải và tiền đường để đi từ nhà họ sang đến biên giới Ba Lan mà cả đi về hơn 4.000km cùng những thủ tục pháp nhân để lên đường với tư cách cá nhân đi thực hiện cứu trợ...). Họ trả lời tôi “Từ đời ông bà tôi đã che giấu những người lính chống phát xít, cha mẹ tôi đã giúp những người nhập cư thì tôi làm sao có sự lựa chọn nào khác (Anh ấy không nói là tôi không thể làm khác mà dùng từ lựa chọn)”. Tôi thật sự nín lặng trước câu trả lời đơn giản nhưng rất đỗi nhân văn bởi cho đến hôm nay dù rất sẵn sàng trợ giúp, tôi mới chỉ nghĩ đến việc giúp cộng đồng nhỏ của tôi, những đồng hương Việt Nam mà vẫn chưa nghĩ đến còn bao nhiêu triệu dân Ukraine đang cần lắm một bàn tay. Họ đã giúp tôi nhìn xa hơn để hành động sâu rộng hơn.
Hơn hai tháng sau khi cuộc đụng độ quân sự diễn ra, cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dòng người lánh nạn vẫn không dừng tăng lên, điều an ủi lớn nhất lúc này chính là dù chúng tôi đang ở Pháp, ở Đức, hễ chúng tôi bắt gặp một tín hiệu của một ai đó đang ở trong sự khốn cùng của cuộc chạy loạn, chúng tôi sẽ làm hết sức, kết nối mọi đầu cầu tìm sự giúp đỡ chung để không ai hay một hoàn cảnh nào bị bỏ rơi. Ngay lúc này đây, khi ngồi viết những dòng chữ này, chúng tôi vẫn nhận được những tin nhắn xin trợ giúp thông qua các mạng xã hội khác nhau. Mỗi người một tay, ai ở gần thì giúp trực tiếp, ai ở xa vẫn có thể chung tay trợ giúp dù chỉ là lời động viên, nhưng đó là những lời nói hết sức có giá trị vào lúc khó khăn này. Phải ở vào hoàn cảnh đặc biệt mới nhận ra được những giá trị của tình đoàn kết.
Quyên GAVOYE
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...