Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
10:59 (GMT +7)

Bất cập trong việc xét phong chức danh giáo sư, phó giáo sư

VNTN - Theo thông báo của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ngày 5/3/2018, năm 2017, chúng ta có thêm 1.131 Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS). Con số này ít hơn danh sách ban đầu gần 100 người - kết quả của sự rà soát sau phản ứng không mấy dễ chịu của dư luận và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, những bất cập của việc xét phong vẫn còn đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng - trước hết là Bộ GD&ĐT - phải có những đổi thay mạnh mẽ trong thời gian tới.

Biểu đồ số phó giáo sư, giáo sư đạt tiêu chuẩn tăng vọt trong năm 2017. Nguồn Internet

Phó giáo sư xét phong Giáo sư

Bất cập lớn nhất trong việc xét phong chức danh GS, PGS hiện nay là việc tồn tại tới 3 cấp hội đồng: Hội đồng GS cơ sở, Hội đồng GS ngành - liên ngành và Hội đồng Chức danh GS Nhà nước. Cả 3 hội đồng đều làm nhiệm vụ thẩm định hồ sơ và bỏ phiếu về ứng viên. Nếu ứng viên đạt một tỷ lệ phiếu nhất định (thường phải trên 75%) thì được chuyển từ hội đồng dưới lên hội đồng trên. Qua 3 hội đồng như thế, ứng viên không gặp trục trặc gì, sẽ được công nhận đạt chuẩn GS, PGS và chờ bổ nhiệm. Xưa nay, học giới ở ta vẫn quan niệm, Hội đồng GS cơ sở là nơi thể hiện sự giao lưu, “đối ngoại” của ứng viên; Hội đồng GS ngành - liên ngành là nơi ứng viên xác lập uy tín học thuật cá nhân… còn Hội đồng Chức danh GS Nhà nước là “chốt chặn” về tư cách, đạo đức - ai đến vòng này mà bị kiện cáo thì “coi như xong”. Ấy thế nhưng, ngay cả Hội đồng GS ngành - liên ngành và Hội đồng Chức danh GS Nhà nước cũng không làm dư luận và học giới yên tâm bởi sự cồng kềnh và ôm đồm không giống ai.

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có 28 Hội đồng GS ngành - liên ngành. Mỗi Hội đồng này thường có 11-13 thành viên, ít nhất cũng 9 thành viên như các ngành Dược, Khoa học Quân sự, Tâm lý học… nhiều có thể lên đến 21 thành viên như ngành Y. Điều đáng nói là trừ một số Hội đồng đã “100% GS” như: Y học, Toán học, Luật học, Kinh tế học… thì rất nhiều Hội đồng còn lại có sự tham gia của không ít… PGS. Gọi là Hội đồng GS ngành - liên ngành mà có một tỷ lệ đáng kể các PGS - những người được quyền sát hạch, xét phong GS cho các ứng viên - thì thật kỳ lạ. Hãy xem, Hội đồng GS ngành Dược chỉ 9 người thì tới 3/9 thành viên (trên 33,3%) mới có chức danh PGS gồm các ông: Nguyễn Đăng Hòa, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Trọng Thông. Tương tự, Hội đồng GS ngành Tâm lý học cũng có 3/9 thành viên là PGS: Nguyễn Thị Mai Lan, Phùng Đình Mẫn, Lã Thị Thu Thủy. Các Hội đồng GS ngành Khoa học Quân sự, Văn học, Ngôn ngữ học hay liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học… đều có từ 2-3 thành viên chưa… GS (ngành Khoa học Quân sự: PGS Nguyễn Đình Minh, PGS Nguyễn Kim Thành; ngành Văn học: PGS Bùi Mạnh Nhị, PGS Hồ Thế Hà, PGS Phan Trọng Thưởng; ngành Ngôn ngữ học: PGS Trần Văn Phước, PGS Trịnh Sâm, PGS Phạm Hùng Việt; liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học: PGS Trần Đức Cường, PGS Tống Trung Tín).

Ngoài chuyện nhiều thành viên Hội đồng GS ngành - liên ngành chưa… GS thì việc bỏ phiếu cho ứng viên ở các Hội đồng này cũng có nhiều điều đáng bàn. Ai cũng biết, tiếng là Hội đồng GS ngành (chưa nói tới liên ngành) nhưng chắc chắn không một GS nào dám khẳng định mình am hiểu tất cả các lĩnh vực của ngành mình. Như ngành Dân tộc học, mỗi GS giỏi lắm chỉ được thừa nhận là chuyên gia về một dân tộc hay một cộng đồng người cụ thể, thậm chí chỉ là một nhóm người của một dân tộc, trong khi nước ta có tới 54 dân tộc anh em với bao nhóm, ngành (dân tộc Mường có Mường Trong, Mường Ngoài; dân tộc Thái có Thái Đen, Thái Trắng; dân tộc Dao có Dao Đỏ, Dao Trắng, Dao Áo Dài, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y; dân tộc Mông có Mông Hoa, Mông Xanh, Mông Đen, Mông Trắng)… Vậy mà ứng viên có nghiên cứu về một dân tộc hay cộng đồng người nào khác với chuyên môn của GS trong Hội đồng thì GS vẫn được quyền bỏ phiếu. Khi là phiếu không xuất phát từ chuyên môn thì thường mang nặng cảm tính, yêu ghét. Thế nên mới có chuyện không ít ứng viên GS, PGS quá xứng đáng, được đào tạo ở nước ngoài, giỏi chuyên môn và ngoại ngữ hẳn hoi vẫn không đủ tỷ lệ phiếu bầu cần thiết; ngược lại, nhiều ứng viên trình độ thuộc loại “thường thường bậc trung”, “làng nhàng”, nhất là ở các Đại học địa phương nhưng “biết thân biết phận”, biết cách “cư xử” với các GS trong Hội đồng thì dẫu có mang “trọng tội” đạo văn như nhiều Tiến sĩ ở trường Hồng Đức mà báo chí đề cập trong thời gian qua vẫn được cho qua, vẫn được coi như “không có vấn đề gì”…

Cần có những đổi thay mạnh mẽ

Không còn nghi ngờ gì nữa, để các chức danh GS, PGS thực chất và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ GD&ĐT cần sớm có lộ trình trả việc xét phong này về các trường ĐH. Bởi như nhiều chuyên gia đã lên tiếng, GS, PGS là các chức danh khoa học gắn với một cơ sở đào tạo nhất định. Thế giới không có cái gọi là GS chung cho cả quốc gia hay GS làm công tác quản lý, không giảng dạy. Điều này có nghĩa: nên sớm giải tán Hội đồng Chức danh GS Nhà nước - một Hội đồng hiện gồm hơn 30 thành viên thì 28 người trong số đó thuộc những ngành hoàn toàn khác nhau, làm sao có thể bỏ phiếu cho những ứng viên mà mình không hề biết gì về chuyên môn?

Với Hội đồng GS ngành - liên ngành, chúng ta cần giữ lại nhưng khâu bỏ phiếu đã không còn phù hợp. Thay vì bỏ phiếu, chúng ta nên làm chặt chẽ việc thẩm định hồ sơ ứng viên: cử người cùng hay gần chuyên môn hẹp thẩm định. Nếu ứng viên đáp ứng tốt các yêu cầu, ngay lập tức được công nhận mà không phải trải qua vòng bỏ phiếu. Trường hợp Hội đồng GS ngành - liên ngành không có ai thực sự cùng hay gần gũi về mặt chuyên môn hẹp với ứng viên, chúng ta có thể mời các GS ngoài Hội đồng, thậm chí ngoài nước thẩm định (nhất là với các ngành Khoa học Tự nhiên - Công nghệ). Mặt khác, cần công khai toàn bộ hồ sơ khoa học của ứng viên, bài thuyết trình về năng lực - dự định khoa học và kết quả kiểm tra ngoại ngữ (giống chúng ta đã công khai nội dung các luận án Tiến sĩ) để công luận cùng theo dõi và giám sát kết quả làm việc của Hội đồng. Các thành viên hội đồng cũng phải “100% GS”, đáp ứng các yêu cầu cao hơn ứng viên. Như vậy, chúng ta mới có những Hội đồng hoàn toàn “sạch”, có những GS, PGS hoàn toàn xứng đáng!

Trong thời buổi ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì việc yêu cầu ứng viên chức danh GS, PGS phải thông thạo, giao tiếp được bằng ngoại ngữ, có các công bố quốc tế trên những tạp chí thuộc danh mục SCOPUS/ISI là vô cùng cần thiết. Song bên cạnh đó, chúng ta cũng cần “tuyên chiến”, quyết không dung thứ hành vi đạo văn của bất kỳ ứng viên nào. Bởi hội nhập quốc tế, hướng đến những chuẩn mực chung của nhân loại về học thuật mà không mạnh tay với đạo văn là hội nhập nửa vời. Hơn nữa, chúng ta không thể phong chức danh GS, PGS cho những vị đầu bếp tồi - chỉ biết vài món xào, luộc và… cá chép om dưa!

Phạm Võ Thanh Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy