Bấp bênh nghề nuôi lợn
VNTN - Có anh bạn đồng nghiệp hỏi tôi, giá lợn đang lên, người chăn nuôi được giải cứu rồi sao ông vẫn đặt cái tít với hai từ “bấp bênh” là sao? Nghe chẳng vui chút nào. Tôi liền phân tích thế này: Khi giá lợn tăng thì người người đổ xô vào chăn nuôi, tăng đàn, mở rộng trang trại. Nhưng không ai lường được rằng thị trường tiêu thụ lợn hơi của chúng ta gần như phụ thuộc chính vào thương lái Trung Quốc, lại xuất qua đường tiểu ngạch, nên khi họ đóng cửa, thế là giá lợn lại chạm đáy, nhà nhà, người người hô hào giải cứu lợn. Rồi thì các trang trại lớn bỏ đàn nái, giảm đàn thịt khiến thị trường liên tục chao đảo. Vòng luẩn quẩn ấy sẽ diễn đi diễn lại nếu chúng ta không có chiến lược chăn nuôi khoa học, hợp lý và dài hạn. Đấy, thử hỏi nghề nuôi lợn có “bấp bênh” không?
Lỗ tiền tỉ như chơi
Theo lời giới thiệu của cán bộ UBND xã Tân Đức, huyện Phú Bình, tôi đến thăm trang trại nuôi lợn của ông Dương Văn Dậu, xóm Ngoài. Trang trại của ông Dậu tuy không lớn, quy mô khoảng 200 lợn thịt và 20 lợn nái, nhưng đợt xuống giá vừa qua cũng đủ khiến gia đình ông điêu đứng. Ông Dậu ngao ngán: Tôi buộc phải xuất chuồng khi giá lợn thịt chỉ còn 18 nghìn đồng/kg và lợn giống chỉ còn 150 nghìn đồng/con. Như vậy là trung bình mỗi con lợn thịt tôi bị lỗ 1,7 triệu đồng, nhân lên cũng là một khoản lớn với gia đình. Trước đó, tôi đã đi vay 500 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp huyện để tăng đàn, ai dè giá xuống quá trời, không biết bao giờ mới trả hết nợ? Rơi vào tình cảnh tương tự như gia đình ông Dương Văn Dậu là hàng trăm trang trại nuôi lợn lớn nhỏ khác ở Phú Bình. Địa phương này đang được coi là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của tỉnh với 230 trang trại.
Cũng tại đây, nhiều người kháo nhau rằng trang trại nuôi lợn lớn như Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Non Tranh, xã Tân Thành cũng phải lỗ nhiều tỷ sau đợt rớt giá vừa rồi. Đây là đơn vị sở hữu tới trên 10 nghìn con lợn thịt và hơn 1 nghìn con lợn nái các loại. Theo Giám đốc HTX này, dù đã vận dụng hết các cách giải cứu nhưng vẫn lỗ trên chục tỷ đồng. Do lượng vay lãi ngân hàng lớn nên phương án trả theo định kỳ càng trở nên khó thực hiện. Người chăn nuôi trong Hợp tác xã bị một phen mất ăn, mất ngủ, nơm nớp nỗi lo phá sản. Rất may, giá lợn đã tăng, song vẫn không đủ bù lỗ cho những tháng ngày giảm mạnh vừa qua.
Gia đình ông Nguyễn Văn Kiên, xóm Ngò, xã Tân Đức, huyện Phú Bình hiện đã ổn định chăn nuôi nhưng vẫn canh cánh nỗi lo giá bấp bênh
Theo Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh, cùng với Phú Bình, các địa phương có lượng trang trại nuôi lợn lớn khác là thành phố Thái Nguyên (206 trang trại), thị xã Phổ Yên (105 trang trại)… đều chung cảnh ngộ. Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y, ông Nguyễn Ngọc Lân thông tin, người chăn nuôi đã phải chi phí khoảng 38 đến 40 nghìn đồng cho 1kg lợn, nhưng giá bán ra thị trường ở thời điểm thấp chỉ từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg. Như vậy, khi xuất chuồng trung bình người chăn nuôi lỗ từ 1,8 đến 2 triệu đồng/con lợn (khoảng 100kg). Với những trang trại chăn nuôi quy mô từ 1.000 con trở lên sẽ chịu khoản lỗ tương ứng từ 1,8 đến 2 tỷ đồng. Và ở tỉnh ta, đang có tới hàng chục trang trại quy mô như thế.
Giá tăng vẫn chưa hết lo
Những ngày tháng 7 vừa qua, diễn biến tình hình giá cả thịt lợn hơi tăng lên được các hộ chăn nuôi, các chủ trang trại theo dõi, cập nhật từng ngày, từng giờ. Trên khuôn mặt hốc hác vì nợ nần, thua lỗ của những người nông dân mà chúng tôi gặp đã bắt đầu nhen nhóm lên niềm hy vọng. Tuy nhiên, trong thẳm sâu suy tư của họ là chồng chất những nỗi lo. Tại sao vậy?
Ông Đỗ Vương Năng, chủ một hộ chăn nuôi lợn quy mô vừa ở xóm Nam Thái, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên cho rằng, thị trường của chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, đã thế lại theo đường tiểu ngạch nên giá lợn nay tuy tăng nhưng chưa biết chừng mai lại sụt. Người chăn nuôi chúng tôi không có sức để theo nổi sự bấp bênh của thị trường. Còn ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng xóm Kha Bình Lâm, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, cũng là một chủ nuôi lợn quy mô khoảng 100 lợn thịt/lứa của xóm tâm tư: Hơn 20 năm chăn nuôi chưa bao giờ tôi thấy giá lợn thất thường kéo dài như trong thời gian qua. Thời điểm này, với giá lợn hơi từ 34 đến 35 nghìn đồng/1kg, coi như gần hòa vốn. Trưởng xóm Kha Bình Lâm cho biết thêm, khi giá lợn bắt đầu tăng, một số hộ chăn nuôi trong xóm bảo nhau tái đàn trở lại, tuy nhiên không nhiều, chỉ đạt khoảng 30% so với quy mô nuôi ban đầu. Nguyên nhân là do giá lợn trên thị trường không ổn định, người dân vẫn lo lắng, chăn nuôi ở mức cầm chừng. Nhiều hộ chỉ giữ lại khoảng 2 đến 5 con lợn nái và không nhập lợn thịt một phần do thiếu kinh phí một phần vì không biết thị trường biến động ra sao.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, người dân lo lắng là có lý dù giá lợn đã tăng trở lại. Từ cuối năm 2016 đến tháng 6 năm 2017, giá lợn giảm sâu khiến nhiều hộ phải bỏ trống chuồng. Đối với các hộ nuôi lợn nái cũng cắt giảm đàn tối đa, một số trang trại chuyên nái đã giảm từ 20% đến 40%, một số khác lại chuyển sang nuôi lợn thịt. Như vậy, nguy cơ tới đây lợn giống sẽ khan hiếm, giá sẽ tăng đột biến khiến người chăn nuôi tiếp tục hứng chịu khó khăn. Mặt khác, sau một thời gian bán tống bán tháo để cắt lỗ, giờ lượng lợn thịt tồn đọng trong dân không còn nhiều. Nguồn cung lợn cũng giảm so với trước đây vì một số hộ dân, doanh nghiệp đã cạn vốn và không tái đàn. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại bắt đầu nhập khẩu lợn qua đường tiểu ngạch để bù lại sản lượng thiếu hụt do một số tỉnh là “vựa lợn” của nước này vừa chịu ảnh hưởng của thiên tai. Các chuyên gia nhận định, khi đã cân bằng được thị trường cung cầu thịt lợn sau thiên tai, nhiều khả năng Trung Quốc lại dừng nhập thịt lợn từ chúng ta. Bởi vậy, nếu giờ đây khi giá tăng, người chăn nuôi lại ồ ạt tái đàn thì tình cảnh thua lỗ như thời gian vừa qua nhiều khả năng lại tái diễn. Với sự bấp bênh của thị trường như vậy, thử hỏi làm sao người chăn nuôi không lo lắng.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT khuyến cáo: Giá lợn tuy đã nhích lên nhưng thị trường còn biến động khó lường, các hộ chăn nuôi nên thận trọng chưa vội vàng tái đàn, tăng đàn ngay.
Chỉ hô hào “giải cứu” thôi chưa đủ
Qua đợt rớt giá lợn thảm hại vừa qua, nhiều người chăn nuôi rút ra bài học rằng, hãy tự cứu mình trước, không thể hoàn toàn thụ động trông chờ giúp sức từ bên ngoài. Bởi thực tế, các chương trình hô hào “giải cứu lợn” không mang lại nhiều kết quả thiết thực. Ở thời điểm khó khăn nhất, giá thức ăn gia súc, gia cầm không những không giảm mà còn tăng nhẹ. Các đại lý thức ăn chăn nuôi dừng các chương trình bán trả chậm, khiến nhiều chủ trang trại điêu đứng phải cậy cục ngân hàng nhờ bảo lãnh nợ tiền thức ăn cho lợn. Cùng với đó, nhiều ngân hàng cũng lo không thu hồi vốn nên tạm dừng cho vay đối với hộ chăn nuôi lợn. Trong khi đó, giá điện, chi phí nhân công tăng do thời gian chăn nuôi kéo dài. Các chủ chăn nuôi tính được rằng, chi phí tiền điện chiếm tới 4% giá thành của mỗi con lợn do người chăn nuôi bị áp mức giá sản xuất. Ông Nguyễn Văn Kiên, chủ một trang trại lợn tại xóm Ngò, xã Tân Đức, huyện Phú Bình chua xót: Lúc khó khăn nhất, cần sự giúp đỡ thì gần như các cánh cửa đều đóng lại với người chăn nuôi.
Qua theo dõi của chúng tôi, hưởng ứng kêu gọi của tỉnh, một số đơn vị, doanh nghiệp tỏ ra sốt sắng, chung tay cùng lo toan nhưng thực chất chỉ là để ghi điểm với lãnh đạo, đánh bóng thương hiệu và tìm kiếm lợi ích. Ví dụ như trường hợp của Công ty CP Chế biến nông sản Thái Nguyên (Thái Cương) chẳng hạn. Doanh nghiệp này xây dựng hẳn kế hoạch đồng hành cùng người chăn nuôi, trong đó thông báo rộng rãi rằng sẽ mở 11 điểm bán thịt lợn an toàn tại các địa phương, các khu công nghiệp; bao tiêu thịt lợn cho người dân với mức cao hơn 5 giá so với thị trường để cung cấp cho 10 bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn. Tuy nhiên, kế hoạch đó vẫn chỉ là kế hoạch. Lại có trường hợp địa phương nọ cụ thể hóa việc hô hào giải cứu lợn bằng cách cho các xóm, xã đăng ký số lợn cần giải cứu, song cuối cùng vận động lên, vận động xuống mới có một cơ sở đứng ra nhận tiêu thụ cho hẳn…10 con lợn.
Người chăn nuôi trong tỉnh thận trọng tái đàn vì thị trường vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, xuất qua đường tiểu ngạch
Trên đây mới nói đến việc hô hào giải cứu lợn khi rớt giá còn điều quan trọng nhất là giải cứu người chăn nuôi và nghề chăn nuôi thì lại ít được nhắc tới. Tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh vừa qua, đại biểu Ngô Quảng Bá, thuộc Tổ đại biểu thành phố Sông Công đã thẳng thắn: Cơ quan chuyên môn của tỉnh chưa dự báo được nhu cầu thị trường để định hướng người chăn nuôi. Mặt khác, khi chăn nuôi ổn định thì tung hô, ca ngợi nhưng khi gặp khó khăn thì không có giải pháp thiết thực. Theo các chuyên gia, để nghề chăn nuôi luôn ổn định cần phải có chiến lược phát triển lâu dài, bài bản chứ không thể phát triển tự phát như hiện nay. Theo đó, cần rà soát lại quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh, gắn với thị trường chung, phù hợp với thế mạnh từng vùng. Có chiến lược thay đổi cơ cấu giống trên cơ sở tăng giống cao sản, tránh rủi ro. Cần xây dựng hệ thống quản lý thông tin về chăn nuôi, giá cả, thị trường để dự tính, dự báo cho người chăn nuôi; tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu các sản phẩm chăn nuôi…
Minh Quân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...