Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
06:59 (GMT +7)

Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng Dá Hai ở tỉnh Cao Bằng

 

 Cao Bằng là một tỉnh miền núi, có đường biên giới trên bộ dài trên 333 km tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, nơi đây từ xa xưa là một vùng đất trọng yếu do các tộc trưởng người địa phương thay nhau nắm giữ và được coi là vùng trung tâm của nền văn hóa Tày với câu chuyện “Chín chúa tranh vua”  nước Nam Cương do Thục Chế cai quản sau đó truyền ngôi cho con là Thục Phán – thống nhất với vùng đất Tây Âu và Lạc Việt lập ra nước Âu Lạc và xưng hiệu là An Dương Vương, lấy Cổ Loa làm kinh đô. Không chỉ là phên giậu của tổ quốc, miền biên viễn xa xôi Cao Bằng đóng vai trò là “màng lọc văn hóa” của đất Việt. Cao Bằng được xem là miền văn hóa rất đậm nét, đa dạng, giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số, quê hương của những lễ hội văn hóa truyền thống, mà trong đó dân ca là một loại hình nghệ thuật truyền thống bắt nguồn từ đời sống lao động của nhân dân. Theo các nhà dân tộc học thì Cao Bằng có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống (với khoảng 26 ngành, sắc tộc) phân chia thành từng khu vực khác nhau theo địa hình vùng cư trú, tập quán canh tác. Hằng năm, Cao Bằng có hàng trăm lễ hội văn hóa truyền thống lớn nhỏ. Ở Cao Bằng, người  Tày – Nùng là các dân tộc được coi là có mặt sớm nhất trên vùng đất này, với tín ngưỡng dân gian thờ thần “vạn vật hữu linh” và tôn thờ các vị thành hoàng, thánh nhân, anh hùng dân tộc đã có công khai khẩn đất hoang mở làng, lập bản, bảo vệ nhân dân trước thiên tai địch họa. Mỗi dân tộc đều có một phong tục, tập quán và nét văn hóa đặc trưng từ đó hình thành một vùng văn hóa đa dạng, phong phú trong thống nhất. Từ những phong tục tập quán và văn hóa đã hình thành lên những điệu hát dân ca dân tộc để ca ngợi quê hương, ca ngợi cuộc sống lao động, cầu cho mưa gió thuận hòa mùa mang bội thu đặc biệt là thể hiện tình cảm của con người với con người, con người với thiên nhiên… Từ những điệu hát Then – đàn Tính của người Tày, các điệu Lượn, Sli của người Nùng đến các điệu hát Páo Dung của người Dao, từ những điệu Khèn và Gầu tào của người HMông, các điệu Nàng ới, Pụt lằn, Xà xá của người Nùng đến các điệu hát Lượn, múa trống đồng người Lô Lô … đều là những di sản văn hóa phi vật thể hết sức quý báu, nó đã tạo nên miền văn hóa “Non nước Cao Bằng” trong quá trình phát triển của nền văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên bên cạnh những làn điệu dân ca được hình thành từ đời sống, do quá trình giao thao văn hóa và những biến cố của lịch sử thì nhiều làn điệu dân ca đã đi từ dân gian đến nghệ thuật (Cung đình) diễn xướng chuyên nghiệp (Bác học), điển hình là nghệ thuật hát Then từ dân gian phục vụ cho tín ngưỡng, nghi lễ của các thầy phù thủy (ông Giàng, bà Pựt) đến đời nhà Mạc (thế kỷ XVI – XVII) đã được các quản nhạc nâng tầm phát triển lên thành một nghệ thuật diễn xướng trong cung đình. Điều đó chứng tỏ các loại nghệ thuật đã có sự phát triển và giao thoa đặc biệt là sự tác động của lịch sử qua các thời kỳ, những cuộc khởi nghĩa, tranh giành đất đai làm cho có những cuộc di cư của một cộng đồng dân tộc, đặc biệt ở khu vực biên giới. Chính từ những sự dịch chuyển đó cũng kéo theo những phong tục, tập quán của các dân tộc mang sắc thái riêng như trang phục, tiếng nói, chữ viết đặc biệt là những làn điệu dân ca. Sau khi đến các vùng đất mới chung sống với người địa phương, những nét văn hóa đã có sự giao thoa và phát triển. Một trong những nét văn hóa bản địa được lưu giữ và phát triển đó là nghệ thuật hát Tuồng Dá Hai. Một điều khá lý thú, sau khi điều tra, nghiên cứu khảo sát thì ngược lại với hát Then từ tín ngưỡng dân gian đến nghệ thuật cung đình thì Dá Hai lại từ nghệ thuật Hý kịch sân khấu, trò diễn đã hòa nhập và trở thành nghệ thuật dân gian truyền thống.

Theo điều tra, khảo sát, điền dã tìm hiểu tại một số địa phương khu vực miền Đông của tỉnh Cao Bằng - nơi được xem là vùng đất của loại hình nghệ thuật hát Dá Hai, mà phố Thông Huề, xã Đoài Dương được xem như là “trung tâm”. Theo như các sử liệu, các cụ cao niên và các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết thì hát Dá Hai bắt nguồn từ nghệ thuật "Mộc Thầu Hý" - một loại kịch, trò múa rối bằng hình người gỗ cổ xưa của Trung Quốc vừa hát, vừa điều khiển rối gỗ với 5 sợi dây treo. Vậy Dá Hai lại chỉ du nhập vào khu vực một số huyện miền Đông sát biên giới của tỉnh Cao Bằng mà lại không phải là những khu vực khác? Tại sao Dá Hai lại chủ yếu tập trung ở các thị tứ, thị trấn khu vực đông dân cư và có đời sống kinh tế giao thông sầm uất? Tại sao nghệ thuật hát Dá Hai lại không giữ nguyên lối hát truyền thống phụ họa cho các kịch rối gỗ, rối que… Đó là những câu hỏi trong khuôn khổ đề tài “Phục hồi, bảo tồn di sản văn hóa Dá Hai Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng” cần làm rõ và đề cập tới.

1. Hoàn cảnh lịch sử và xuất xứ của nghệ thuật Tuồng Dá Hai ở Việt Nam

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hùng cho biết thì dân tộc Nùng có nguồn gốc từ khu vực biên giới Việt Nam tiếp giáp với các huyện khu vực khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Do các cuộc chiến tranh trong lịch sử phong kiến giữa phương Bắc và Đại Việt thì người Nùng cũng phải di cư sang Việt Nam để sinh sống, lánh nạn binh đao (theo ghi chép thì có thể có 3 đến 4 cuộc di cư lớn của các tộc người Hán sang phía Nam).

Khác với nhiều thành phần dân tộc cư trú trên đất nước Việt Nam, cộng đồng người Hán (Hoa) là một thành phần dân tộc “phi nguyên trú”, họ di cư từ các tỉnh phía Nam Trung Hoa sang. Có thể nói do đặc điểm địa lý, so với các nước trong khu vực, người Hoa đến Việt Nam khá sớm. Theo nguồn thư tịch cổ Việt Nam, họ đến đây từ thế kỷ thứ III trước công nguyên. Không kể binh lính và các đội quân xâm lược, người Hán (Trung Hoa)  di cư vào Việt Nam rồi định cư ở đây thường diễn ra phổ biến từ sau các cuộc nội chiến ở Trung Quốc. Đó là: 2 thời kỳ cuối thời nhà Đường - đầu Tống (960 - 1279); cuối Tống - đầu Nguyên (1279 - 1368); cuối Nguyên - đầu Minh 1368 - 1644); cuối Minh - đầu Thanh (1644 - 1911). Theo dòng lịch sử cùng với sự biến động của lịch sử Trung Quốc, số lượng người Hán đến Việt Nam ngày càng tăng dần. Theo đó khi đến định cư sinh sống tại Việt Nam họ đem theo những nét văn hóa, phong tục quê hương bản quán do đó hình thành nhiều nghệ thuật truyền thống tại địa phương như làm giấy Bản, hương thắp, rèn, đan lát, làm ngói máng, làm đậu phụ, tương, thêu thùa, dệt vải…  Cũng theo đó thời kỳ nhà Thanh thế kỷ XIX cuộc chiến giữa Thái Bình Thiên Quốc và nhà Mãn Thanh kéo dài dai dẳng trong hơn một thập kỷ. Lực lượng quân sự của nhà Thanh với các vũ khí tiên tiến từ các nước phương Tây đã dần chiếm ưu thế. Cùng trong thời gian đó nội bộ lãnh đạo của Thái Bình Thiên Quốc cũng bắt đầu có mâu thuẫn, xung đột tranh giành quyền lực. Bản thân bộ máy quản lý nhà nước của Thái Bình Thiên Quốc cũng không được vận hành tốt do thiếu nhân lực có trình độ, dẫn tới việc nhà nước thực chất chỉ quản lý được các đô thị trên những vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát. Trong sức ép của chiến tranh và sự quản lý nhà nước yếu kém, Thái Bình Thiên Quốc dần dần suy tàn. Năm 1864, Thái Bình Thiên Quốc tan rã, chấm dứt 15 năm tồn tại của một nhà nước độc lập trong lòng Trung Hoa. Để tránh các cuộc thanh trừng trả thù của nhà Mãn Thanh nhiều người của Thái Bình Thiên Quốc đã di cư lánh nạn sang Việt Nam, họ mang theo cả gia đình, dòng tộc, cộng đồng, chủ yếu là các cư dân ở khu vực thành thị nơi làm ăn buôn bán, do đó khi di cư họ cũng tập trung ở những nơi có điều kiện buôn bán làm ăn, dần dần hình thành các khu phố thương mại sầm uất nhất của nước Việt Nam. Tại khu vực các huyện miền Đông của tỉnh Cao Bằng nơi có điều kiện địa lý khá thuận lợi cho việc đi lại giao thương, địa hình bằng phẳng có nhiều sông suối đường thủy (hai hệ thống giao thông cơ bản thời phong kiến đó là đường bộ và đường thủy) đồng thời kinh tế xã hội ở những khu vực này phát triển mạnh hơn so với các huyện khu vực miền Tây. Đây là điều kiện hết sức lý tưởng cho cư dân đến làm ăn buôn bán tại khu vực các huyện miền Đông – tập trung chủ yếu là người Tày – Nùng có những nét tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán và có hệ thống sông suối, đường bộ thuận tiện…

Do khi đến đây sinh sống người Hoa giao lưu gắn kết thân hữu và có mối quan hệ gia đình (lấy vợ chồng với người bản địa) và tạo nên một sự giao thao về huyết thống cũng như văn hóa, nghề kinh doanh buôn bán cũng phát triển tại các khu vực thị trấn, trung tâm buôn bán thương mại, tập trung đông dân cư…

Mặc dù đã có mối quan hệ huyết thống và giao lưu văn hóa song người Trung Quốc vẫn có tính cộng đồng rất cao, họ đem Đạo giáo (đạo Khổng, Nho giáo…) du nhập, đồng thời xây dựng chùa, miếu, cơ sở thờ tự tại các khu vực buôn bán sinh sống và giao thoa ảnh hưởng tới tín ngưỡng dân gian của người Tày. Từ những cửa hàng buôn bán của người Hoa, những người bán hàng diễn trò để mua vui thu hút khách hàng. Tuy nhiên nghệ thuật Dá Hai khi du nhập vào Việt Nam đã có sự giao thoa, chuyển thể thành ca tuồng Dá Hai của người Nùng. Không chỉ giữ nguyên mẫu của loại hình hát phục vụ cho trò kịch rối, sau khi được duy trì, cộng đồng người Nùng, Tày ở khu vực các huyện miền Đông (trước hết là các nghệ nhân) thấy cần phải được nâng tầm lên thành nghệ thuật sân khấu mang tính chuyên nghiệp hơn và thay vào các con rối là những nghệ nhân hát theo những vở Tuồng (Việt Nam) và biểu diễn tại các sân khấu và hình thành các soạn giả chuyển thể các tích truyền dân gian thành kịch hát và thành lập các đội tuống Dá Hai. Hầu hết ở các huyện miền Đông của Cao Bằng như Trà Lĩnh, Án Lại, Đống Đa, Ngọc Động, Hạ Lang… đặc biệt là phố Thông Huề (xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh) chính là mảnh đất màu mỡ, cái nôi bảo tồn và phát triển loại hình ca kịch tuồng truyền thống của người Nùng - Dá Hai.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì: “Dá Hai là nghệ thuật sân khấu có sự tích, có kịch bản, kể về các tích, các sự tích, thế nhưng đồng thời cùng với đó là nghệ thuật tuồng, từ nghệ thuật trang trí, nghệ thuật diễn xướng cộng với nghệ thuật âm nhạc, khi biểu diễn thì nó trở thành tinh hoa”.

2. Quá trình phát triển của nghệ thuật Tuồng Dá Hai ở Cao Bằng

Theo như điều tra, khảo sát thì Dá Hai thâm nhập vào khoảng đầu thế kỷ XX, nhưng sau khi được cải tiến nâng cao thành nghệ thuật tuồng do các nghệ nhân diễn xuất thì Dá Hai thực sự phát triển mạnh mẽ vào khoảng năm 1930 - 1945. Khi công việc kinh doanh, buôn bán của các thương nhân người Hoa có nhiều thuận lợi, nhu cầu hưởng thụ văn hóa cao hơn, nhiều đội tuồng Dá Hai được thành lập và tổ chức đi biểu diễn, giao lưu ở nhiều nơi. Đồng thời sau khi giành chính quyền năm 1945 phong trào văn hóa văn nghệ phát triển mạnh, nhà nước cho phép các đội văn nghệ trong đó có Tuồng Dá Hai (hoạt động như loại hình tổ đổi công hợp tác xã) được lưu diễn và bán vé để trang trải hoạt động tổ chức tập luyện các vở mới. Không chỉ là những trích đoạn của các tích cổ Trung Quốc mà nhiều vở mới đã được sáng tác và nâng tầm nghệ thuật Dá Hai thành biểu diễn sân khâu chuyên nghiệp. Đặc biệt là từ khi Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đề ra đường lối chiến lược cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn lịch sử mới. Trong thời điểm có ý nghĩa lịch sử này, ngày 23 tháng 01 năm 1961, Ủy ban Hành chính tỉnh ra quyết định thành lập Đoàn Văn công tỉnh (nay là Đoàn Nghệ thuật) Cao Bằng, hầu hết các anh chị em diễn viên được gọi về tập trung từ các cơ sở, nòng cốt là Đội tuồng xã Nam Tuấn (Hòa An) và một số hạt nhân văn nghệ của các xã Đào Ngạn, Phù Ngọc (Hà Quảng), Thông Huề (Trùng Khánh). Ngay từ khi mới thành lập, mặc dù điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ biểu diễn còn hết sức thô sơ và thiếu thốn, phương tiện vận chuyển chỉ là đôi vai của các diễn viên, ánh sáng sân khấu được phát ra từ những chiếc đèn Măng-xông. Nhưng vượt lên tất cả những khó khăn, thiếu thốn đó là bầu nhiệt huyết và lòng say mê nghệ thuật của tập thể nghệ nhân, diễn viên trong đoàn. Những năm tháng đó, đoàn đã đi biểu diễn nhiều đợt, chủ yếu phục vụ các địa phương vùng cao hẻo lánh với những tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc địa phương, được đông đảo quần chúng nhân dân yêu thích. Việc xây dựng chương trình, tiết mục đều do nhóm nghệ nhân tài ba, giàu kinh nhiệm trong Đoàn, đã sáng tác và tự dàn dựng, dựa trên những chất liệu dân ca, dân vũ cổ truyền của các dân tộc như các làn điệu: Hát Lượn, Phong Slư, Nàng ới, Pựt Lằn, Xà Xá, Dá Hai (nòng cốt là các tiết mục Tuồng Dá Hai) Đặc biệt là những vở kịch, ca cảnh “Cô gái mèo, vở Bài ca nghĩa vụ đã gắn với tên tuổi Nghệ sỹ Nông Đình Tuấn, Bế Đôn, Nông Ngọc Bút, Hoàng Thị Quỳnh Nha. Với lòng nhiệt huyết và ý thức tự lực tự cường, đoàn đã nhanh chóng ổn định và phát triển nghệ thuật đúng hướng trên cả hai phương diện: Sáng tạo nghệ thuật và biểu diễn phục vụ góp phần phát huy bản sắc dân gian Cao Bằng, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân về nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ.

Trích báo cáo khảo sát:Phần lớn số người đều cho rằng Dá Hai bắt nguồn từ Mộc Thầu Hý của Trung Quốc. Theo chúng tôi nhận định trên hoàn toàn hợp lý. Bởi trong quá trình giao thương giữa cư dân biên giới như: buôn bán, tụ tập, hình thành nên những khu vui chơi giải trí phục vụ những đoàn thương gia từ bên kia biên giới sang. Từ đó, văn hóa phố chợ dần dần được hình thành.

Ban đầu, sân khấu múa rối que, còn gọi là “xướng bất lạp” (Mộc Thầu Hý) của người Nùng di cư vào nước Đại Việt thế kỷ XVIII, khoảng năm 1730. Những người Nùng đầu tiên đến sinh sống mang theo hát múa, diễn xướng dân gian, múa rối  Mộc Thầu Hý. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Mộc Thầu Hý sống theo các nghệ nhân dân gian diễn mua vui hội làng, là nghệ thuật múa rối que, rối dây, thậm trí phát triển rối tay, do một số nghệ nhân vẽ mực lên đầu ngón tay làm trò. Diễn rối dây làm con rối nhỏ, chỉ to bằng ngón tay cái, điều khiển đánh kiếm, đao, kích, múa gậy… diễn trò vặt ở phố chợ, thị trấn huyện lỵ, tập trung trẻ em, người lớn để bán đồ chơi, con rối, bán thuốc lá rừng. Còn diễn ở hội làng, sòng bạc bằng con rối lớn, rối que. Con rối thường là các nhân vật diễn tích tuồng Tầu: Quan Công, Trương Phi, Tôn Ngộ Không… mặc trang phục lộng lẫy như các nhân vật cổ Kinh kịch,Việt kịch. Thời phong kiến thuộc Pháp, Mộc Thầu Hý diễn nhiều ở nhà quan, các sòng bạc… Vào năm 1930, Mộc Thầu Hý phát triển hầu hết các huyện giáp biên, một số huyện có đội Mộc Thầu Hý diễn trích đoạn, hoặc vở múa rối.

Giai đoạn 1930 - 1945, diễn nhiều ở Cao Bằng do các đội ở địa phương và những nghệ nhân bên kia sang biểu diễn, bán thuốc ở phố chợ và các sòng bạc, Dá Hai bắt đầu manh nha hình thành. Cho đến những năm 1962 - 1965, Dá Hai  phát triển mạnh, riêng huyện Trùng Khánh 07 đội Dá Hai, đồng loạt một số xã giáp biên cũng thành lập đội sân khấu không chuyên diễn Dá Hai)

(BIỂU) CÁC ĐỘI TUỒNG DÁ HAI 1962 - 1965

STT

Tên Đội tuồng

Địa điểm

1

Thông Huề

Đoài Dương

2

Pác Đông

Trùng Khánh

3

Co Sầu (Thị trấn)

Trùng Khánh

4

Phong Nậm

Trùng Khánh

5

Phia Hoong (Phia Hồng)

Khâm Thành

6

Giảng Gà (Sảng Gà)

Trùng Khánh

7

Háng Thoong

Ngọc Động, Quảng Hòa

8

Háng Gà

Quảng Uyên, Quảng Hòa

9

Phố Hạ Lang

Thị trấn Thanh Nhật, Hạ Lang

10

Pò Tập

Phục Hòa, huyện Quảng Hòa

11

Nam Tuấn

Hòa An

12

Phố chợ Trà Lĩnh

Trà Lĩnh, huyện Trùng khánh

 

Trải qua các giai đoạn lịch sử, cho đến nay Tuồng Dá Hai chỉ còn lưu giữ được một phần “ca tuồng” chứ không còn lưu giữ được nguyên bản như thời kỳ hưng thịnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến loại hình Tuồng Dá Hai hiện nay bị hạn chế, có nguy cơ bị mai một và thất truyền.

Nguyên nhân là do những biến cố của lịch sử mà cụ thể là chiến sự biên giới 1979, tình hình Trung Quốc – Việt Nam căng thẳng dẫn đến những vấn đề văn hóa văn nghệ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc không được khuyến khích và sử dụng nhiều trong các phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương; một số nghệ nhân đã cao tuổi (đã mất) không duy trì và truyền lại cho con cháu, một số đã di cư đi các tỉnh miền nam do đó nghệ thuật Tuồng Dá Hai dần bị mai một và nhiều điệu hát Dá Hai “Tam sao thất bản” và bị quên lãng. Mặt khác vào những thập niên 80, 90 (thế kỷ XX)  tình hình kinh tế xã hội cũng có nhiều biến động, nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp không còn phù hợp với xu thế, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, nhà nước không còn đủ sức bao cấp, duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ hoạt động rời rạc, cầm chừng. Không có đủ tiền để trang trải cho hoạt động văn nghệ (kể cả các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp), đứng trên bờ vực giải tán… trong khi đó thị trường âm nhạc cũng đã có nhiều thay đổi, sự du nhập của các loại hình âm nhạc phương Tây (Pop; Rock) vào Việt Nam … làm cho giới trẻ chạy theo xu hướng âm nhạc mới, không mặn mà với loại hình âm nhạc truyền thống nói chung, trong đó có Tuồng Dá Hai, đánh dấu bước thăng trầm của loại hình nghệ thuật này.

3. Bảo tồn nghệ thuật hát Dá Hai ở tỉnh Cao Bằng

Đứng trước nguy cơ bị mai một và thất truyền của loại hình nghệ thuật Dá Hai khu vực miền Đông và tâm điểm là xã Thông Huề (nay là Đoài Dương) huyện Trùng Khánh, ngành văn hóa cũng đã có phương án để bảo tồn và giữ gìn các nghệ thuật truyền thống độc đáo này. Khoảng năm 1999 - 2000 ngành văn hóa đã phối hợp cùng viện âm nhạc thực hiện đề án “Bảo tồn nghệ thuật hát Dá Hai ở Thông Huề, Trùng Khánh Cao Bằng”. Đề án đã sưu tầm và khôi phục lại một số trích đoạn Tuồng Dá Hai truyền thống, hỗ trợ kinh phí đầu tư trang phục và tổ chức tập luyện. Đây cũng là lần đầu tiên ngành văn hóa tổ chức một đề tài nghiên cứu khá công phu về nghệ thuật hát Dá Hai, tuy nhiên do thời gian triển khai gấp, nguồn kinh phí hạn hẹp và thành viên nhóm nghiên cứu chủ yếu ở Hà Nội, điều kiện đi lại khó khăn nên việc điền dã, thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đi sâu vào khai thác giá trị nghệ thuật và tìm hiều nguồn gốc xuất xứ một cách sâu sắc, chủ yếu vẫn là phục dựng lại các trích đoạn tuồng đã được biểu diễn, chủ yếu về ghi chép âm nhạc.

Nhận thấy, Dá Hai là loại hình dân ca dân tộc Nùng “có một không hai” trong cả nước; là di  sản vô giá của ông, cha chúng ta để lại, được phân bố tại một số huyện miền Đông của tỉnh Cao Bằng, sau bao thăng trầm thời gian Dá Hai đang bị mai một, cần được lưu giữ bảo tồn. Đầu năm 2017, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã trao đổi với Ủy ban nhân dân huyện Trùng Khánh, xây dựng đề tài nghiên cứu Dá Hai, đề xuất với tỉnh để thực hiện. Ngày 5 tháng 3 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định số 305/QĐ-UBND, về việc phê duyệt đề tài: “Phục hồi, bảo tồn di sản văn hóa Dá Hai Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”.

Mục tiêu trọng tâm của đề tài là nghiên cứu, sưu tầm có hệ thống về dân ca Dá Hai tại nơi được coi là trung tâm “phát sáng” Dá Hai trong toàn tỉnh; kiểm kê đầy đủ, nhận biết chính xác từng làn điệu và nghệ thuật trình diễn đặc sắc của Dá Hai để bảo tồn và phát huy. Phục hồi đội Tuồng Dá Hai thành đội Văn nghệ Dá Hai phù hợp với tình hình hiện nay gắn với du lịch cộng đồng.

Công tác điều tra khảo sát được nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài bắt đầu thực hiện từ ngày 7/5/2020 và kết thúc vào tháng 10 năm 2020. Các thành viên nhóm nghiên cứu mở rộng đối tượng khảo sát là các anh chị thanh niên, các cụ già, quan tâm khai thác ở các bà con sinh sống trên địa bàn xã Đoài Dương, một số xã trên địa bàn huyện Trùng Khánh và một số cụ còn biết hát Dá Hai ở một số vùng lân cận như: Quảng Hòa, Hòa An, Trà Lĩnh... Bởi họ là cư dân bản địa nên rất am hiểu về nền văn hoá truyền thống cũng như các làn điệu dân ca của dân tộc. Hơn nữa, chủ nhiệm đề tài và một số thành viên thực hiện đề tài nghiên cứu này từ nhỏ đã được nghe và tiếp xúc với các làn điệu Dá Hai và còn là một người chuyên nghiên cứu về văn hóa, đó là điều vô cùng thuận lợi cho việc điều tra, thu thập các tài liệu liên quan đến Dá Hai.

Trên cơ sở tổng hợp, thống kê, phân tích kết quả của phiếu điều tra cho thấy: Nhiều thông tin được cung cấp chưa chuẩn xác, thông tin cung cấp vẫn còn nhiều “sạn”; “sỏi”, ngay như tên của các làn điệu Dá Hai người điền phiếu cũng nhớ không rõ và ghi không chính xác. Qua đó, càng minh chứng rằng Dá Hai đang đứng trước nguy cơ bị mai một và ngày càng xa dần với nhận thức của nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, chúng ta có một nguồn tư liệu mang tính đại diện cho xã hội về những thông tin của dân ca Dá Hai trên phạm vi toàn xã Đoài Dương nói riêng và một số vùng lân cận trên địa bàn huyện Trùng Khánh và một số huyện khác như: Quảng Hòa; Trà lĩnh; Hòa An nói chung. Từ sau năm 1976 cho đến nay, không gian trình diễn các loại hình dân ca đang bị thu hẹp dần, đã ít nghe thấy những bài hát dân ca cất lên trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày và lao động sản xuất nhằm xua tan nỗi vất vả cực nhọc, lấy lại tinh thần lạc quan yêu đời, hồn nhiên trong cuộc sống. Vắng bóng các làn điệu dân ca khi xưa được hát tại các chợ phiên, hội chợ “Háng Tán”, mà chủ yếu xuất hiện trên các hoạt động văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ lớn, chào mừng các sự kiện chính trị quan trọng của dân tộc, của đất nước, của tỉnh nhà hằng năm và lễ hội văn hóa các dân tộc, tại các cuộc đại hội, hội nghị, các cuộc hội thảo; trong các cuộc thi hát dân ca do các đơn vị xã, thị trấn tổ chức; và trong hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; Lễ hội chùa, đền, lễ hội xuân hàng năm chủ yếu do các đội thông tin lưu động của huyện và các đội văn nghệ quần chúng địa phương biểu diễn. Ở một số đám cưới, mừng nhà mới, mừng thọ... cũng có người thể hiện các làn điệu dân ca Dá Hai.

Theo  điều tra, khảo sát, toàn xã Đoài Dương và một số xã trên địa bàn huyện Trùng Khánh; huyện Quảng Hòa… hiện có 26 nghệ nhân, trong đó có: 07 nam, 19 nữ. Nghệ nhân dân ca đa số là người dân tộc Tày, Nùng.

Như vậy, hiện nay số người cao tuổi thành thục về Tuồng Dá Hai chiếm một tỷ lệ vô cùng khiêm tốn. Ngay ở Thông Huề - nơi được coi là “cái nôi” Dá Hai cũng chỉ còn lại vài ba người. Còn những diễn viên lớp trẻ đã được truyền dạy cũng chiếm một tỷ lệ vô cùng khiêm tốn, và đa số những diễn viên nữ lớn lên đều theo chồng làm ăn nơi khác, do vậy việc khôi phục lại đội Tuồng Dá Hai là cấp thiết.

Sự vận động và phát triển của xã hội hiện đại ngày nay đặt ra cho mỗi người những cơ hội và cả những áp lực, thách thức không nhỏ: sự bộn bề của công việc, sự bươn trải tạo dựng tương lai, gánh vác trách nhiệm với gia đình và xã hội.

4. Một số ý kiến, đề xuất

Qua Hội thảo này tôi đưa ra một số kiến nghị, đề xuất việc lưu giữ, bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật hát Dá Hai như sau:

1. Cần quan tâm đầu tư và thành lập các nhóm, câu lạc bộ truyền dạy nghệ thuật Dá Hai.

2. Cần có kế hoạch thu băng, ghi hình số hóa các làn điệu Dá Hai để lưu giữ.

3. Địa phương quan tâm tổ chức các cuộc thi trình diễn dân ca, dân tộc nói chung và nghệ thuật Dá Hai nói riêng.

4. Nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác các vở ca kịch tiểu phẩm phù hợp với xu thế và vấn đề xã hội đang quan tâm.

5. Có kế hoạch đưa Dá Hai trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Cao Bằng nói chung và huyện Trùng Khánh nói riêng. Vừa bảo tồn văn hóa và góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

 

Nguyễn Việt Hùng

(Hội VHNT tỉnh Cao Bằng)

2 đã tặng

0

0

0

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy