Bạo lực gia đình khắc khoải những nỗi đau
VNTN - Gia đình vốn được coi là tổ ấm, là nơi mỗi người tìm được sự chia sẻ và yêu thương. Nhưng khi bạo lực gia đình xuất hiện thì tổ ấm ấy không còn bình lặng. Đáng lo ngại hơn là những mâu thuẫn gia đình hiện nay không chỉ dừng lại ở các cuộc cãi vã, giận hờn mà còn mang dáng dấp của bạo lực, thậm chí vợ, chồng đoạt mạng nhau khiến xã hội bất an, lo lắng.
Lạnh người những cơn cuồng nộ
Trải qua cuộc phẫu thuật nâng xương sọ bị lún tại Khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh viện C Thái Nguyên đã hơn nửa năm nay, vết thương trên đầu dần liền sẹo nhưng vết thương trong lòng của chị Trần Thị Yến, sinh năm 1981, trú tại xóm Xuân Minh, xã Tân Khánh (Phú Bình) khó mà có thể lành lại được. Nắm chặt chiếc khăn mùi xoa trong tay, nước mắt chị vẫn rơi lã chã sau từng câu kể việc bị chồng là Vũ Hữu Quỳnh dùng búa đinh đánh vào người, khiến bất cứ ai cũng không khỏi quặn thắt xót xa. Mái tóc đen, dày ngày nào giờ còn chưa đủ một chét tay, bởi tóc ở nửa đầu phía trước của chị đã buộc phải cắt bỏ để điều trị vết thương.
Người phụ nữ sinh năm 1981 này có ngờ đâu sau 8 năm bôn ba đi xuất khẩu lao động, chắt chiu dành dụm tiền gửi về cho chồng con sắm sanh nhà cửa, đến ngày trở về lại không thể vào chính ngôi nhà của mình. Chị Yến nghẹn ngào: Tôi đi xuất khẩu lao động được vài năm thì về bảo lãnh cho chồng sang. Cùng nhau ở bên đó được 9 tháng thì công ty tôi đóng cửa, tôi phải về nước. Ở nhà được 3 tháng, tôi lại làm thủ tục quay sang đó. Nhưng lần sang này, chồng tôi đã thay đổi, không còn quan tâm gì đến vợ. Hai vợ chồng thường xuyên cãi cọ, rồi anh ta bỏ về nước. Tôi ở lại thêm 2 năm thì bị bệnh cũng phải về nước chữa trị. Về đến nơi, chồng không cho vào nhà. Tôi phải ở nhà nhà bố mẹ đẻ. Trong thời gian này, qua gia đình, hàng xóm và con tôi kể, tôi được biết anh ta đã có người mới. Người ta còn kể với tôi rằng, gia đình anh ta đã làm mấy mâm cơm để “con dâu mới” ra mắt. Cay đắng nhưng tôi không làm gì được. Về được hơn 1 tháng thì trời trở rét, tôi đòi về qua nhà lấy quần áo nhưng chồng tôi không đưa chìa khóa mà bảo có giỏi thì đập cửa mà vào. Tôi lấy khúc gỗ đập khóa nhưng không được nên về lấy búa đinh để phá cửa cổng, lúc đó anh ta cũng ở trong nhà. Tôi tìm nhưng không thấy quần áo của mình đâu, nhưng lại thấy một túi quần áo phụ nữ khác. Giận quá tôi định mang ra vườn vứt. Đi được đến sân thì anh ta đuổi theo giữ lại và lấy búa đinh đánh vào đầu, vào chân tôi... Chồng tôi bảo muốn ly hôn nhưng bắt tôi phải là người viết đơn, nhưng tôi không muốn bỏ chồng.
Bao nhiêu ai oán trong lòng trào dâng khiến chị khóc lặng, nghẹn lời.
Bà Nguyễn Thị Thời (mẹ đẻ chị Yến) tiếp lời con gái: 60 tuổi đầu, lần đầu tiên tôi chứng kiến hành động vô nhân tính như của con rể tôi. Còn chưa ra tòa mà nó ăn ở với người khác như vợ chồng, rồi còn ra tay đánh đập như cố tình muốn cướp đi mạng sống của con gái tôi thế này. Bà chìa chiếc điện thoại có hình con gái máu chảy đầy mặt khi mới được đưa vào bệnh viện. Cơn giận khiến cho những nét khắc khổ trên gương mặt sạm nắng của bà càng hiển hiện rõ hơn. Nỗi xót xa dành cho đứa con gái đong đầy khóe mắt người mẹ.
Sự việc chị Yến kể hoàn toàn trùng khớp với biên bản hiện trường của Công an huyện Phú Bình. Người gây ra những vết thương trên người chị chính là người chồng Vũ Hữu Quỳnh, sinh năm 1979. Hồ sơ bệnh án của chị Yến tại Khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh viện C ghi rõ: Chị Yến nhập viện với vết thương ở vùng đầu và cẳng chân. Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh việc C Thái Nguyên cho biết: Bệnh nhân này bị lún vỡ xương sọ, những tổn thương dạng này chúng tôi gọi chung là chấn thương sọ não, mà đã chấn thương sọ não thì không có trường hợp nào là nhẹ hết. Tuy bệnh nhân đã được đưa đến bệnh viện sớm, cấp cứu kịp thời nhưng chúng tôi không thể khẳng định sức khỏe bệnh nhân về sau không có vấn đề gì. Trên thực tế, với những tổn thương như thế này có bệnh nhân sau phẫu thuật về nhà sẽ ổn định, nhưng có người vẫn bị di chứng như đau đầu, lên cơn động kinh và nhiều vấn đề về bệnh tật khác. Theo kinh nghiệm chuyên môn của chúng tôi, với trường hợp của bệnh nhân Yến bị chồng đánh thì vấn đề tâm lý ảnh hưởng về sau sẽ còn rất nặng nề chứ không thể hết trong ngày một ngày hai được.
Trước đó, vụ việc cũng từng gây rúng động dư luận hồi đầu năm 2015 khi Đồng Tiến Dũng, sinh năm 1991, xóm La Giang, xã Bá Xuyên (thành phố Sông Công) đánh em vợ 11 tuổi bị ngất rồi thả xuống giếng. Tiếp đó, hắn dùng dao phay chém liên tiếp vào đầu, vào vai vợ là chị Nguyễn Kiều Trang, sinh năm 1995 và con gái là Đồng Thị Kiều My, sinh năm 2013. Hậu quả để lại, vết thương sọ não khiến chị Trang bị di chứng liệt ½ người trái, thương tổn cơ thể do thương tích gây nên là 80% và cơ thể cháu My giờ không hoàn chỉnh, yếu ớt, mất 56% sức khỏe, đang chờ phẫu thuật ghép xương đầu. Nhắc lại chuyện của con gái và cháu ngoại, trên gương mặt ông Nguyễn Văn Long, tổ dân phố 1, phường Phố Cò, thành phố Sông Công (bố đẻ chị Trang) vẫn lộ rõ vẻ hốt hoảng: Sự việc cứ như diễn ra ngày hôm qua vậy. Hình ảnh con và cháu nằm trên vũng máu giữa sân chắc không bao giờ tôi quên được. Rồi cả thằng em cậu nó nữa, đến tận bây giờ vẫn không dám bước chân ra cổng vào buổi tối. Có khi cả đời này chúng nó vẫn sẽ còn bị ám ảnh. Hai mắt ông dần đỏ hoe. Trước mặt khách, chúng tôi biết dù ông đã cố nén nước mắt vào trong nhưng từng giọt, từng giọt vẫn nối nhau lăn xuống 2 gò má sạm đen của người cha xót xa cho con cháu: Đẻ con ra lành lặn, cho ăn học đàng hoàng nhưng cứ đòi lấy chồng sớm, lỡ dở hết cả. Giờ nhìn nó trở thành tàn phế, đến cái áo cũng phải có mẹ mặc giúp, não của cháu tôi thì cứ phập phồng như quả bóng bay lúc căng lúc xẹp phụ thuộc theo thời tiết. Vợ tôi từ ngày đó chỉ ở nhà phục vụ mẹ con nó. Nay mai tôi già yếu không đi làm kiếm tiền được nữa, không biết mẹ con nó sẽ sống thế nào. Tiếng thở dài của ông cứ như dấu hỏi chấm lơ lửng về cuộc đời của hai con người là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Ngay trong tháng 6 vừa qua, dư luận không khỏi bàng hoàng khi liên tiếp trong một tuần xảy ra 2 vụ chồng bạo hành vợ dã man. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 22/6 tại xóm Khe Quân, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Buổi sáng, người chồng tên Triệu Văn Ngân (25 tuổi) đi ra khỏi nhà đến chiều mới về và lăn ra ngủ. Khoảng hơn 20 giờ, chị Hoàng Thị Vinh, 21 tuổi (vợ Ngân) có hỏi thì bị Ngân chửi bới. Hai vợ chồng xảy ra tranh cãi. Ngân đe dọa sẽ bắn chết chị Vinh thì gặp phải sự thách thức của vợ. Tức giận Ngân đã dùng súng kíp tự chế treo ở cột nhà bắn vào vợ. May mắn được bà con đưa đi cấp cứu kịp thời, chị Vinh đã thoát chết sau khi được các bác sỹ lấy ra gần 20 mảnh kim loại trên người.
Chị Nguyễn Kiều Trang và con gái Đồng Thị Kiều My, nạn nhân của bạo hành gia đình, hiện phải về tá túc tại nhà bố mẹ đẻ.
Vụ thứ hai xảy ra vào ngày 26/6. Đối tượng gây án là Đặng Văn Khang, sinh năm 1962, trú tại tại tổ 12, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên. Khoảng 22 giờ 30 phút hôm đó, sau khi đi uống bia với bạn bè, Đặng Văn Khang đi về nhà. Chị Đặng Lan Hương, sinh năm 1964 (là vợ Đặng Văn Khang) thấy chồng có biểu hiện say xỉn đã có lời nói trách mắng, dẫn đến việc Khang đẩy ngã chị Hương xuống giường trong phòng ngủ tại tầng 1 của gia đình và dùng tay bóp cổ chị Hương cho tới khi thấy chị bất tỉnh. Chị Hương đã tử vong sau đó.
Đây chỉ là 4 trong số rất rất nhiều vụ bạo lực gia đình diễn ra thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Nạn nhân trong cuộc, người còn, người mất. Những người còn ở lại, cho dù những vết thương trên cơ thể có được chữa lành nhưng vết thương tinh thần thì mãi mãi không bao giờ lành được.
Đến những lời ru buồn
Gia đình, nơi vẫn được coi là nơi nương náu bình yên nhất của mỗi người nhưng khi ở đó có bạo lực thì sự bình yên đó sẽ không còn nữa. Đáng tiếc là tình trạng này vẫn đang diễn ra như những con sóng ngầm trong lòng nhiều gia đình. Với tâm lý không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, nhiều người cam chịu bị hành hạ, ngược đãi, thậm chí đánh đập mà không tố giác hành vi vi phạm pháp luật này để giữ hình ảnh gia đình. Chỉ khi sự việc đi quá xa họ mới thảng thốt nhận ra sự nghiêm trọng của nó, nhưng đôi khi đã là quá muộn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa cho biết thêm: Ở Khoa tôi, mỗi năm tiếp nhận không dưới 10 trường hợp bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình, do chồng hành hung. Trường hợp nặng thì chấn thương bụng, vỡ nách, trường hợp nặng nữa như chấn thương sọ não, chảy máu trong đầu, nhẹ là những trường hợp chấn thương phần mềm, bầm tím hai mắt, mặt và trên người.
Đồng chí Trần Việt Long, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Phú Bình chia sẻ: Qua theo dõi địa bàn, chúng tôi cho rằng rượu, bia là nguyên nhân chính dẫn đến bạo hành trong gia đình. Khi sử dụng chất kích thích, nhiều người có hành vi và ứng xử không còn đúng mực. Nguyên nhân thứ hai là do kiến thức về pháp luật của một số người còn hạn chế. So với trước đây, tính chất của các vụ bạo lực gia đình hiện nay phức tạp hơn dẫn tới tội danh cố ý gây thương tích trong các vụ bạo hành gia đình thời gian qua gia tăng.
Mặc dù không có thống kê chính xác đã xảy ra bao nhiêu vụ bạo lực gia đình trên địa bàn, nhưng 3 năm trở lại đây đã có hàng trăm phụ nữ tìm đến các địa chỉ tin cậy của Hội Phụ nữ các cấp để xin được tư vấn, hỗ trợ. Bà Đỗ Thị Tuyết Ngân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng: Những vụ việc bạo lực gia đình được tố giác, phát hiện cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, còn phần chìm lại rất lớn. Bởi vì một lý do rất đơn giản, nhiều người còn nặng tư tưởng không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Họ giấu kín mâu thuẫn vợ chồng để giữ thể diện cho gia đình. Nạn nhân của bạo lực gia đình không chỉ là phụ nữ. Nhưng phụ nữ và trẻ em vẫn là nạn nhân chính trong các vụ bạo hành. Ngoài công tác truyền thông, chúng tôi đã thành lập hơn 900 địa chỉ tin cậy cho chị em phụ nữ gửi gắm và nương tựa. Bà cũng đưa ra lời khuyên: Với chị em phụ nữ khi bị bạo hành không được giấu, phải lên tiếng. Được can thiệp kịp thời chắc chắn hậu quả của các vụ việc mâu thuẫn gia đình sẽ bớt nặng nề hơn.
Không khó để lý giải tại sao những nạn nhân của bạo lực gia đình lại có tâm lý không muốn để người khác biết, bởi “xấu chàng hổ ai”. Nhiều người đành âm thầm chịu đựng. Cũng chính vì thế mà “con virut” có tên bạo hành càng có môi trường ký sinh và phát triển. Nó từng ngày, từng giờ phá hủy “tế bào” hạnh phúc của nhiều gia đình. Nhiều người không khỏi băn khoăn tại sao chị Yến không chịu “bỏ quách” người chồng bội bạc. Có nghe chị giãi bày mới thấu hiểu hơn nỗi lòng người mẹ: Vợ chồng tôi mới có một cháu trai sinh năm 2001. Vì gia đình, tôi đã phải đi làm ăn xa từng ấy năm. Giờ nếu bỏ nhau, cháu chỉ có thể sống với bố mà không có mẹ hoặc có mẹ mà không có bố. Tôi biết sống sao nếu không có con bên cạnh.
Cũng nghĩ về tương lai của con, chị Nguyễn Kiều Trang nức nở: Giá như em nghe lời bố mẹ không vội vàng bỏ học lấy chồng. Giá như ... nhưng giờ có nói gì cũng là quá muộn, em thì thành tàn phế, bố cháu ngồi tù. Cứ nghĩ đến việc con em lớn hơn chút nữa sẽ hỏi: Mẹ ơi, đầu con làm sao thế này? Sao tay mẹ lại không duỗi thẳng ra được nữa... là em như muốn đứt từng khúc ruột. 21 tuổi, Trang còn quá trẻ để phải sống nốt quãng đời đầy khó khăn này.
Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, án hôn nhân và gia đình đã, đang chiếm gần 40% tổng số vụ việc mà Toà án Nhân dân thành phố thụ lý giải quyết hàng năm. Đặc biệt có trên 46% các cặp vợ chồng ly hôn ở độ tuổi từ 18 đến 30 và 86% cặp vợ chồng ly hôn khi con vẫn ở tuổi vị thành niên. Trong 5 năm gần đây, số vụ ly hôn trên địa bàn thành phố liên tục gia tăng ở mức trên 10% mỗi năm (8 tháng năm 2016 đã có 655 cặp vợ chồng ly hôn, cao hơn 77 vụ so với cùng kỳ năm trước). Trong số các cặp đôi phải đưa nhau ra tòa, hầu hết họ đều từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Điều đáng buồn hơn cả đằng sau những con số này là thân phận của hàng nghìn trẻ em không được hưởng niềm hạnh phúc của một gia đình trọn vẹn.
Chị Trần Thị Yến khi còn điều trị tại Bệnh viện C Thái Nguyên với vết thương trên đầu do bị chồng đánh bằng búa đinh.
Trên thực tế, bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng dù là hình thức nào thì hành vi này cũng cần bị lên án. Những nạn nhân của bạo lực gia đình, đặc biệt là chị em phụ nữ cần phải trang bị cho mình những kỹ năng, nhất là kỹ năng ứng xử trong gia đình để bảo vệ tính mạng sức khỏe của chính mình và người thân. Sẽ không có nỗi đau nào sánh được khi chính cha bắt con phải đeo vành tang trắng từ biệt mẹ, rồi lại hoảng hốt vì tiếng cửa sắt nhà giam mỗi khi đến thăm cha…
Phải dừng ngay bạo lực gia đình, bài toán này dành cho toàn xã hội.
Sa Mộc - Hải Bình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...