Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:25 (GMT +7)

Bao giờ Sấng cọ lại ngân nga?

VNTN - Giống như hát Then của dân tộc Tày, hát Páo dung của dân tộc Dao…, Sấng cọ là điệu hát đặc trưng và gắn bó với sinh hoạt, đời sống của cộng đồng người dân tộc Sán Chay bao đời nay. Nhưng trải qua thời gian, hiện nó đang bị mai một, thất truyền. Đánh thức và hồi sinh lại Sấng cọ - ấy là những trăn trở và nỗ lực không ngừng của những con người tâm huyết, nặng lòng với điệu hát này.


Một thời... Sấng cọ

Từ sáng sớm, nghe tin chúng tôi sẽ về tìm hiểu điệu hát Sấng cọ, những thành viên chủ chốt của câu lạc bộ (CLB) hát Sấng cọ xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ đã tập trung đông đủ tại căn nhà nhỏ của Chủ nhiệm Hầu Văn Ngôn. Nét hân hoan, mừng vui lộ rõ trên từng gương mặt đã trên dưới bảy mươi tuổi. Dẫu là người Kinh, chẳng biết đến một chút tiếng Sán Chay, ấy thế mà chúng tôi vẫn bị hút hồn khi nghe các ông, các bà - những người tiên phong trong việc khơi dậy lại điệu hát Sấng cọ nơi đây nói về điệu hát trữ tình này: “Hát Sấng cọ dài là vô tận (có thể hát mãi, hát thâu đêm mà chưa dứt), rộng thì bao la (nội dung, đề tài phong phú), lại đa sắc màu, có tựa hoa thơm trái ngọt, nhiều ong bay bướm lượn la đà, câu hát êm đềm, dịu dàng, mặn mà, uyển chuyển, thánh thót rồi ngân ca, lúc trầm lúc bổng, trong sáng lại yêu thương, người hát say sưa, người nghe say đắm, câu ca nồng thắm lay động lòng người. Biết rằng xuân bất tái lai, trai tài tìm vợ, gái ngoan tìm chồng...”.

Hát Sấng cọ hay còn gọi là hát ví Lưu Tam, một làn điệu dân ca truyền thống, có từ đời cổ xa xưa của dân tộc Sán Chay. Bằng lối hát đối đáp nam nữ với những lời thơ thất ngôn trữ tình, giàu tình cảm (chỉ cần 28 từ là trọn nghĩa câu hát), Sấng cọ là tiếng hát giáo dục con người lương thiện, kính già yêu trẻ, có đức, có tài; bày tỏ những tâm tư, tình cảm, ước muốn của đồng bào Sán Chay trong đời sống thường ngày; hay ca ngợi tình yêu nam thanh nữ tú trong sáng...

Tiếp mạch nguồn cảm xúc, ông Ngôn bồi hồi nhớ lại không khí bản làng mình trước đây: “Ngày xưa, hát Sấng cọ gắn liền với đời sống dân tộc người Sán Chay chúng tôi như đói phải ăn, khát phải uống. Đâu đâu, lúc nào cũng vang lên tiếng hát Sấng cọ ngân nga khắp nhà sàn, khắp đồi, khắp bản. Đi đâu mà không có sách thì ngượng lắm, chả dám ra đường, nhỡ gặp người hát đối lại chẳng biết hát đáp ra sao!”. Bởi những bài hát Sấng cọ là những bài hát có bài bản theo sách. Người hát phải thuộc những bài trong sách. Vì hát Sấng cọ là kiểu hát đối đáp. Người hát đối sẽ lấy những câu hát có trong sách ra để đố, người hát đáp phải thuộc sách để tìm đúng câu hát mà đáp lại. Đấy là kiểu hát theo tập (sách, thường rất dài), nhất là trong lễ hội, đám cưới, nhiều khi người hát chẳng thể thuộc hết, thế nên thường có người ở giữa cầm sách nhắc, hát sao cho chuẩn, cho đúng.

“Tài sản vô giá”, ông Ngôn đang lưu giữ.

Nhưng Sấng cọ còn là hát giao duyên, tỏ tình, hát chào hỏi, làm quen khi lần đầu gặp gỡ hay gắn với đời sống sinh hoạt lao động lúc lên nương làm rẫy, hái chè..., thế nên, nếu không thuộc sách, lại chẳng có người nhắc, sẽ có kiểu hát Sấng cọ tự biên, người hát nghĩ ra như thế nào thì hát như thế ấy sao cho hợp tình, hợp cảnh. Bởi vậy mà Sấng cọ trong đời sống người dân tộc Sán Chay từng là “sợi tơ hồng” gắn kết bao đôi lứa. Người ta quen nhau nhờ Sấng cọ, yêu nhau bởi Sấng cọ và nên duyên vợ chồng cũng vì tiếng Sấng cọ ngân nga, dẫn lối.

Dù ông Hầu Văn Ngôn đã 71 tuổi và vợ ông, bà Trần Thị Mười cũng đã bước sang tuổi 68, thế nhưng nghe ông bà hát giao duyên, từng lời ca vẫn nồng thắm như thủa Sấng cọ se duyên cho ông bà nên vợ nên chồng. Ông Ngôn bồi hồi: “Có những đêm, thanh niên trai gái chúng tôi ngồi hát bên bếp lửa tới sáng. Tiếng Sấng cọ theo khói bếp bay qua nóc nhà sàn, bay đi khắp bản làng. Để rồi sau những đêm ấy, cả bản làng lại được uống rượu mừng, tiếng Sấng cọ lại được vang lên, ấy là Sấng cọ trong lễ cưới mừng vui!”. Những lời tâm sự của ông Ngôn như tiếng Sấng cọ bay khắp căn nhà nhỏ, ngập tràn trong ánh mắt từng người như khiến họ được sống lại ngày xưa...

Để Sấng cọ lại vang lên

Sấng cọ đối với đồng bào dân tộc Sán Chay xã Phú Thịnh đã từng một thời gắn bó như hơi thở, miếng ăn. Nhưng khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu vào những ngày cam go, đồng bào nơi đây cùng với cả dân tộc phải dồn sức người, sức của cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước thì hát Sấng cọ bị tạm gác lại. Rồi cuộc sống sau ngày hòa bình đầy khốn khó, lại phải tập trung vào sản xuất khôi phục kinh tế. Rồi cơ chế thị trường cuốn tất cả vào vòng xoáy của nó... Hát Sấng cọ bị chìm vào quên lãng.

Mãi đến năm 2014, nhận thấy các dân tộc khác đều nghe theo đường lối, chính sách của Đảng mà bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình, một vài người cao tuổi như ông Hầu Văn Ngôn, bà Trần Thị Mười, bà Âu Thị Nhơn (66 tuổi), bà Trần Thị Chấn (69 tuổi), bà Âu Thị Điệp (69 tuổi) đã bảo nhau phục dựng lại điệu hát Sấng cọ của đồng bào Sán Chay xã Phú Thịnh quê mình. Nghe tin, ông Lâm Công Bình (71 tuổi) ở xã Phú Xuyên, vốn cũng mang trong mình niềm đam mê, say đắm với điệu hát cổ truyền của dân tộc nên đã tìm gặp xin được “góp gạo thổi cơm chung”.

Ông Bình “trình bày” với chúng tôi lí do đến với CLB ngay từ những ngày đầu: “Từ nhỏ, tôi đã được nghe hát Sấng cọ từ ông bà, cha mẹ. Bao điều hay lẽ đẹp, bao đạo lý làm người, ông bà cha mẹ tôi gửi cả vào Sấng cọ mà giáo dục con cháu. Sấng cọ như lúa gạo nuôi tôi khôn lớn, dạy tôi thành người. Lớn lên, thành thanh niên trai tráng (17 tuổi), tôi lại đem chính những lời hát Sấng cọ học được từ ông bà cha mẹ mà đi hát giao duyên, đối đáp. Đến năm 1968, tôi đi lính; 1976 trở về quê hương, thì tiếng hát Sấng cọ đã dừng lại từ lâu, có lẽ ngay sau những ngày thanh niên chúng tôi lên đường nhập ngũ. Đến năm 2014, biết xã bên (xã Phú Thịnh) mọi người có ý định khơi dậy lại hát Sấng cọ, dù không cùng xã nhưng tôi vẫn cứ sang xin gia nhập...”. Giờ, ông Bình chính là một trong sáu người tiên phong phục dựng lại điệu hát Sấng cọ ở xã Phú Thịnh.

Thế là, nhờ 6 ông già bà cả ngày nào cũng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tìm kiếm, tập hợp những người biết hát Sấng cọ trên khắp địa bàn xã, gồm 5 xóm: Làng Thượng, Đồng Chằm, Kim Tào, Tân Quang, Gò Chò, để rồi ngày 15/11/2015, CLB hát Sấng cọ được thành lập, mang niềm vui đến cho đồng bào dân tộc Sán Chay xã Phú Thịnh, thỏa lòng mong mỏi của những người tiên phong. Cứ vào mùng 1, hôm rằm hàng tháng, CLB lại tổ chức sinh hoạt tại nhà văn hóa xã. Mỗi buổi gặp mặt định kì như là một ngày hội với các thành viên. Ai nấy đều diện trang phục truyền thống của dân tộc, giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc mình và cùng nhau tập luyện, cất lên điệu hát cổ truyền của dân tộc. Họ như được sống với đúng bản sắc của người Sán Chay và càng thêm yêu, thêm muốn gìn giữ làn điệu Sấng cọ - vốn văn hóa quý của dân tộc mình. Không chỉ dừng lại ở những buổi sinh hoạt tại xã, CLB còn thường xuyên tham gia giao lưu với các xã, huyện, tỉnh bạn nhằm học hỏi, làm giàu thêm vốn hát Sấng cọ của quê hương Phú Thịnh.

Nhẹ nhàng và cẩn thận, ông Ngôn đưa cho chúng tôi xem những tập sách viết bằng chữ Nho trên giấy dó xưa, hầu hết đã sờn rách, nhiều tập phần đầu, cuối rách nát cả, chỉ còn mỗi đoạn giữa. Ấy thế mà với ông Ngôn, đó là những tài sản vô giá, giúp ông và CLB “đánh thức” lại điệu hát dân tộc đã “ngủ quên” gần nửa thế kỷ. Ông Ngôn kể: “Ngay từ ngày có ý định khôi phục lại điệu hát Sấng cọ, chúng tôi đã lặn lội khắp xã, vừa tập hợp thành viên, vừa đi tìm, sưu tầm lại các tập sách có ghi chép những bài hát Sấng cọ lời cổ do Lưu Tam sáng tác. Lưu truyền là có 12 tập sách, nhưng đến nay, chúng tôi mới tìm được 6 tập, do các ông Hầu Văn Vượng, Lý Văn Thọ, Hầu Ngọc Thiết... ghi chép từ những năm 30”. Hễ nghe ở đâu (dù ở tận các huyện, tỉnh xa) còn lưu giữ những tập sách ghi chép các bài hát Sấng cọ, có điều kiện thì đi vài người, không thì một mình, ông Ngôn, ông Bình cũng “tay nải”, tiền túi tự túc lên đường tìm sách những mong sưu tầm đủ 12 tập sách quý của Lưu Tam truyền lại. Nhưng bao nhiêu lần đi, là bấy nhiêu lần đều về tay không. Mệt mỏi, vất vả, nhưng các ông chưa một lần nản lòng, chỉ cần nghe phong thanh ở đâu còn lưu giữ được sách, là các ông lại hân hoan mang theo niềm hy vọng mà lên đường.

Bản thân hiểu được việc đi tìm sách quý vất vả, lại là Chủ nhiệm CLB, được giao trọng trách lưu giữ và dịch sách, nên có thời gian là ông Ngôn lại đem những tập sách quý ra dịch thành chữ viết quốc ngữ nhưng tiếng hát vẫn là của dân tộc Sán Chay mình, để có thể truyền lại cho mọi người. Nhiều hôm vừa buông đũa bát xuống ông Ngôn đã lại ngồi vào bàn, cần mẫn, tỉ mỉ dịch sách. Phải mất cả tháng trời, ông Ngôn mới có thể dịch xong một tập sách. Dịch được tập nào lại đem phô tô thành nhiều bản, phát cho cả CLB, để cùng nhau tập luyện. Tiếng Sấng cọ càng ngân nga, cao vút, mọi người ai nấy càng thêm trân trọng công lao của những người sưu tầm và dịch sách.

Những thành viên chủ chốt của CLB hát Sấng cọ xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ

Cũng có người nói rằng, ông Ngôn cùng những thành viên chủ chốt của CLB là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bởi làm những công việc này không có lương, phụ cấp gì mà còn phải bỏ công sức, tiền túi mình ra. Nhưng với ông Ngôn và những thành viên hết lòng vì CLB, vì Sấng cọ Phú Thịnh thì tiền bạc và công sức bỏ ra chẳng thể sánh nổi với sự hồi sinh của điệu hát cổ truyền của dân tộc và nhất là có thể truyền lại được cho thế hệ sau.

Vẫn còn đau đáu nỗi niềm

CLB thành lập đến nay đã được gần 2 năm, nhưng số thành viên vẫn chỉ dừng lại ở con số 23 “ông già bà cả” có từ ngày đầu ra mắt. Người lớn tuổi nhất đã 78, người trẻ tuổi nhất cũng đã 51. Ngẫm cả CLB toàn những người cao tuổi, chẳng có nổi một gương mặt người trẻ nào, ông Bình ngậm ngùi: “Chúng tôi già rồi, muốn khôi phục Sấng cọ để truyền dạy cho lớp trẻ, bởi nếu không, hết đời chúng tôi thì Sấng cọ sẽ chẳng còn ai biết hát nữa”. “Nhưng giờ tụi trẻ hầu hết là nói tiếng phổ thông, chúng chẳng chịu nói tiếng dân tộc”, bà Nhơn ngồi kế bên tiếp lời. “Mình nói tiếng dân tộc ra, lại bị chúng nó bảo “Nói tiếng Kinh xem nào, để bọn cháu còn hiểu”! Không chịu nói thì làm sao biết hát? Tiếng dân tộc cùng với Sấng cọ sẽ mất dần mất!”, giọng bà Nhơn nghe như có gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng.

Nhấp ngụm trà đã nguội vì mải chuyện, ông Ngôn chia sẻ cái khó của CLB: “Nếu sinh hoạt vào buổi tối, thì có những người ở xa tới 3 cây số, đường xa lại có tuổi rồi, sẽ chẳng đi đêm được, vậy thì phải đổi lịch vào ban ngày. Nhưng ngặt một nỗi, ban ngày, bọn trẻ còn phải đi học, đi làm, chúng làm sao tham gia được”. Ông Bình tiếp lời Chủ nhiệm: “Chúng tôi đang bàn nhau phải cải tiến, sắp xếp lại lịch sinh hoạt cho hợp lí. Giờ điều quan trọng nhất là phải truyền dạy được Sấng cọ cho lớp trẻ. Sẽ thành lập từng nhóm, gần đâu sẽ sinh hoạt ở đó. Đặc biệt, chúng tôi sẽ bắt đầu từ chính con cháu mình!”.

“Phải bắt đầu từ chính con cháu mình”, chính là nỗ lực thiết thực nhất mà CLB hát Sấng cọ xã Phú Thịnh cần làm để bảo tồn làn điệu dân ca truyền thống, bảo tồn vốn văn hóa quý giá của dân tộc. Đó là những buổi ra đồng trồng lúa, lên đồi hái chè; những lúc rảnh rỗi gia đình ngồi quây quần bên nhau... họ có thể hát vừa là niềm vui cho bản thân, vừa qua đó truyền dạy cho con cháu. Như lời bà Âu Thị Điệp: “Lúc nào ở nhà tôi cũng tự mình hát vui, vừa để con cháu nghe, vừa qua đó mà dạy chúng. Tôi tin mưa dầm thấm lâu, chẳng mấy mà con cháu tôi cũng biết hát Sấng cọ như mẹ, như bà nó ngày xưa!”.

Ngoài trăn trở trong việc làm thế nào để thu hút lớp trẻ tham gia, CLB còn một nỗi lo về tài chính. Kể từ ngày thành lập, CLB mới chỉ nhận được 3 triệu đồng tiền hỗ trợ của xã cho buổi ra mắt CLB, còn trong quá trình hoạt động, sinh hoạt, hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền đóng góp của các thành viên. Ông Ngôn chia sẻ: “Các thành viên CLB đều mang trong mình tinh thần nhiệt tình, lòng nhiệt huyết khơi dậy lại điệu hát Sấng cọ của dân tộc. Nhưng hầu hết đều già cả, phụ thuộc vào kinh tế các con, nên để có khoản đóng góp duy trì CLB thực lòng là còn eo hẹp, nhiều khi muốn hoạt động, tổ chức giao lưu đều rất khó khăn. Mong sao, CLB có được một khoản ngân sách cấp ổn định từ chính quyền địa phương, có như vậy chúng tôi sẽ có thêm động lực để làm “sống lại” điệu hát Sấng cọ của dân tộc mình”.

Chia tay chúng tôi bằng những câu hát Sấng cọ, họ say sưa gửi hồn mình vào đó, những câu hát ngân nga, lưu luyến như chẳng muốn rời. Chúng tôi nắm chặt tay những con người tiên phong, mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết mà bảo: “Lần sau về, chúng cháu muốn được nghe cả nhà các bác, con cháu, dâu rể ngồi hát đấy ạ!”. “Một vài tháng thì không dám chắc, nhưng một vài năm thì nhất định!”, câu nói khẳng khái, đầy quyết tâm ấy như tiếng hát Sấng cọ ấm áp tiễn chân chúng tôi rời Phú Thịnh với lòng khấp khởi, những mong ngày trở lại.

 

Anh Thắng  - Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước