Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:34 (GMT +7)

Bao giờ liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt được báo tử?

VNTN - Bên mộ chí liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt, ông Tám ngồi như hóa đá. Ông đã ngồi như thế rất lâu, cho đến lúc ánh hoàng hôn rực tím choàng xuống nghĩa trang Điện Biên Phủ. Ông thì thầm những gì đó với người nằm dưới mộ. Không ai nghe rõ. Chỉ có khói hương phảng phất bay, quyện vào nức nở mơ hồ không rõ hình hài. Ông giật mình khi một người bạn đập nhẹ bàn tay vào bờ vai, cùng tiếng gọi nhỏ, đủ cho 2 người: Anh Tám, về thôi. Chiều đã muộn lắm rồi.

 

Ông Nguyễn Văn Tám bên mộ phần liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ.

Ông Tám - họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tám, trú tại tổ 3, phường Túc Duyên thành phố Thái Nguyên. Ông Tám là cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt. Ông được gia đình, dòng họ ủy thác việc thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt, nhưng suốt mấy mươi năm liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt yên nghỉ ở Nghĩa trang Điện Biên Phủ, thì suốt chừng ấy năm, thân nhân của liệt sĩ đã đến các cơ quan chức năng Nhà nước xin được cấp Giấy báo tử theo quy định, mà chưa được.

Trở lại câu chuyện ở Nghĩa trang Điện Biên Phủ, ông Tám không giấu nổi sự ấm ức: Gia đình tôi tốn rất nhiều công sức đến cơ quan chức năng xin xác nhận cho chú tôi là liệt sĩ, hoặc mất tích, hoặc xác nhận như thế nào cũng được, đây là danh dự của gia đình, dòng họ chúng tôi. Thế nhưng đến nay, danh sách các liệt sĩ tại địa phương không có tên ai là Nguyễn Văn Đạt. Lẽ nào chú Đạt đi bộ đội từ hồi đánh trận Điện Biên Phủ cho đến nay vẫn chưa xuất ngũ? Nhiều đêm không ngủ được, tôi trằn trọc, mong cụ còn sống trở về. Và nếu còn sống, năm 2019 này cụ đại thọ ở tuổi chín mươi nhăm.

Tiếc là chuyện hy hữu ấy không xảy ra. Vì sự thực thì cụ Đạt đang nằm ở Nghĩa trang Điện Biên Phủ… Một số phận, một con người không may mắn, đến cả khi chết rồi cũng không được yên ổn. Câu chuyện về người lính ấy được bắt đầu từ tháng 8 năm 1947, khi đó anh Đạt là một chàng trai 17 tuổi, hồn nhiên, lãng mạn, giấu bố mẹ viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Không một lá thư gửi về, chỉ nhắn nhủ qua người quen gặp trên đường hành quân, vẻn vẹn mấy lời: Bảo bố mẹ tao đừng lo, tao khỏe nhờ ăn cơm bộ đội. Ở rừng Tây Bắc, tao cùng anh em trong đơn vị đánh phỉ, đánh thực dân Pháp xâm lược, sướng hơn ở nhà đi cày… Nếu không mất gáo (không chết), sau này về tao kể chuyện đánh trận cho các cụ nghe luôn thể.

 

Giấy xác nhận của Quân Đoàn I về trường hợp liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt

Nhưng ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, anh Đạt không về. Sư đoàn 308, Quân Đoàn I, đơn vị của anh Đạt xác nhận: Đồng chí Nguyễn Văn Đạt, 24 tuổi, Tiểu đội Phó, C261, D18 đã anh dũng hy sinh năm 1954 trên đường truy kích địch, tại Cung Gip, Thượng Lào. Song có một sự lạ là sau chiến dịch, những người sống đều đã trở về thăm gia đình. Còn những người hy sinh, thân nhân đều nhận được Giấy báo tử. Vậy mà gia đình không hề nhận được bất cứ thông tin nào về Đạt. Chính vì vậy mà niềm hy vọng lóe lên trong suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ đẻ của anh Đạt: Có lẽ vì nhiệm vụ đặc biệt, nên đơn vị chỉ “phao tin” như vậy để con mình tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc.

Mong, nghĩ như thế, nhưng có một linh cảm đặc biệt hiện hữu trong giấc ngủ của người mẹ. Anh Đạt về báo mộng: Con hy sinh trong một trận đánh ác liệt, nhiều đồng đội của con cũng không về được... Sau nhiều lần con trai về báo mộng, bà Hoa hoang mang, gác việc ruộng, vườn, tìm đến nhà những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có gặp gỡ con trai mình để hỏi thăm tình hình, trong số đó có các ông: Nguyễn Văn Thủ, Đỗ Quốc Phong, Hà Vịnh và Nguyễn Bảy… Dù không trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của anh Đạt, nhưng là đồng hương Thái Nguyên, nên mọi người luôn quan tâm, hỏi thăm nhau và biết rất rõ tình hình mặt trận. Vì thế khi được hỏi, ông Thủ, ông Vịnh, ông Phong và ông Bảy đều nói một câu “Anh Đạt đã hy sinh, được đơn vị mai táng ở Nghĩa trang Điện Biên Phủ là thật”.

Gạt nước mắt thương con, bà Hoa đau đớn tìm đến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để xin Giấy báo tử của đứa con mà đau dứt ruột. Song hết lần này đến lần khác, bà Hoa tay không trở về cùng lời hẹn: Khi nào Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có Giấy báo tử, cán bộ văn thư sẽ chuyển đến cho gia đình qua đường bưu điện.

Thời gian trôi nặng nề, nỗi buồn khổ cũng càng lớn hơn vì phải chờ đợi một thông tin không mong muốn. Mái tóc bà Hoa đổ trắng vì nghĩ ngợi. Bà xa xót cho người con bạc mệnh. “Người ta” lại bảo anh Đạt còn sống, và đang đánh nhau với giặc ở một mặt trận rất xa… Sau nhiều lần bà đến Ban Chỉ huy quân sự tỉnh “đòi tin” con, đến cuối năm 1972, lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đành thoái lui với bà bằng một câu trả lời mơ hồ, không hết trách nhiệm: Bao giờ giải phóng miền Nam, chúng cháu mới được báo tin của anh Đạt cho gia đình.

Cách trả lời “úp, mở” ấy gieo cho mẹ niềm tin rằng: Con của mẹ đang làm một nhiệm vụ cực kỳ đặc biệt là thật, nên cần được bí mật. Mẹ phấn chấn trở về nhà. Và nhờ câu nói ấy làm mẹ khỏe ra. Mẹ hy vọng vào một ngày đất nước thống nhất, con của mẹ sẽ trở về trong hân hoan chiến thắng… Và mẹ đã không đợi được ngày ấy. Trước lúc lâm chung, mẹ nắm lấy bàn tay ông Nguyễn Văn Sáng, anh trai ruột của liệt sĩ, bảo: Nếu em Đạt còn sống, về đoàn tụ cùng gia đình thì con bảo mẹ giận nó lắm. Nhưng mẹ tha thứ hết. Còn trong trường hợp em Đạt hy sinh, con phải tìm thấy mộ em, và phải lấy được Giấy báo tử để các con, cháu biết đường hương khói. Vì đến bây giờ, em Đạt vẫn chưa lập gia đình.

Chợt từ đâu đó có làn gió nhẹ lướt qua làm tôi sởn da gà. Cái lạnh ớn gờn gợn gợi nhớ người thiên cổ làm ông Tám giật mình, ông đi đến ban thờ thắp nén nhang cho liệt sĩ. Giây lát nghĩ suy, ông Tám òa lên vì hết chịu đựng nổi những cảm xúc dồn nén: Bà nội tôi đã không thể chờ đợi được. Bố tôi là cụ Nguyễn Văn Sáng cũng không đợi được ngày chú Đạt trở về như mong muốn. Những ngày cuối đời, cụ khóc nhiều vì thương người em không biết đang sống ở đâu, hay đã chết như thế nào. Cụ trăng trối: Chú cũng như cha, chú đã vì nước, vì dân mà chịu nhiều thiệt thòi, con phải tìm được chú bằng mọi giá.

Ông Nguyễn Văn Tám chán nản khi kể chuyện người chú ruột hy sinh nhưng gia đình không nhận được Giấy báo tử.

Vâng! Thời gian trôi nhanh, mới đó đã 65 năm chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi; 44 năm ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Đất nước thống nhất, non sông Việt Nam liền một dải, không còn bị chia cách, những người thân không phải chịu cảnh chia ly vì chiến tranh. Vậy mà vẫn còn đó bên phố nhỏ, thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt vẫn mỏi mòn chờ mong ngày đoàn tụ, dù không phải bằng hình hài của một người lính, mà bằng tấm Giấy báo tử. Song tất cả đều vô vọng, vì cơ quan chức năng không làm hết trách nhiệm, nên khiến 3 thế hệ thân nhân liệt sĩ trong một gia đình phải lần lượt đi tìm thông tin về người thân qua tấm Giấy báo tử.

Theo nhiều cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thì việc cơ quan chức năng Nhà nước công nhận trường hợp đồng chí Nguyễn Văn Đạt là liệt sĩ không khó. Nhưng không hiểu tại làm sao, đã sau 65 năm ngày mất, mà tấm giấy báo tử vẫn không đến được với gia đình, thân nhân liệt sĩ.

Ông Tám thở dài, nói: Sau bà nội tôi là bố tôi, rồi đến tôi đi tìm danh dự cho chú Đạt và cho gia đình, dòng họ. Tôi đã tìm đến ngôi mộ mang dòng tên của chú Đạt ở Nghĩa trang Điện Biên Phủ. Gia đình tôi đã được các cựu chiến binh từng một thời chiến đấu chung chiến hào xác nhận là cụ đã hy sinh. Tôi đã được đơn vị cụ chiến đấu ngày xưa xác nhận rất rõ ràng: Đồng chí Nguyễn Văn Đạt đã anh dũng hy sinh năm 1954, tại Cung Gip, Thượng Lào. Mọi việc đều rõ như ban ngày, nhưng gia đình tôi vẫn phải chờ đợi. Chờ chán thì lại đến các cơ quan chức năng gõ cửa. Tôi đi nhiều đến mức quen mặt, nhớ tiếng, thậm chí biết được sở thích của cán bộ giải quyết công việc chế độ chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với nước. Nhưng tôi cũng không biết đến bao giờ gia đình tôi mới nhận được Giấy báo tử của chú tôi.

Câu chuyện của anh Tám khiến cho chúng tôi không khỏi suy nghĩ. Nhiều năm gần đây, công cuộc cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ và hoan nghênh, vậy tại sao việc của nhà ông Tám mãi không đi đến hồi kết? Có điều gì khuất lấp ở đây không? Gia đình đang rất cần một câu trả lời rõ ràng, nếu không việc này sẽ tạo dư luận không tốt về cơ quan, đơn vị liên quan. Tôi không nói cán bộ tại các cơ quan, đơn vị này có biểu hiện nhiễu nhương, vòi vĩnh vặt. Nhưng cách làm việc theo kiểu “còn hạn chế về năng lực chuyên môn”, hoặc “làm việc chưa hết trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ đã đẩy ông Tám, thương binh chống Tàu hạng 2/4 cứ phải tập tễnh trong vô vọng trên hành trình đi tìm danh dự cho người chú ruột.

Chẳng có lẽ nào, liệt sĩ Nguyễn Văn Đạt đã anh dũng hy sinh, hiện đang nằm ở Nghĩa trang Điện Biên Phủ, lại không phải là liệt sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam?

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước