Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
17:16 (GMT +7)

Bao giờ con lớn

Truyện ngắn. Trần Thị Nhung

VNTN - Mẹ là sinh viên khoa múa trường nghệ thuật. Tôi biết vậy khi nghe người dẫn chương trình giới thiệu đến tiết mục mà mẹ biểu diễn nhân dịp 20/11 của trường. Nhưng hình như, mẹ chẳng hề biết đến sự có mặt của tôi thì phải. Có lẽ vì tôi bé quá chăng? Chắc tôi chỉ được vài tuần tuổi. Mẹ cứ say mê múa như một nghệ sĩ điêu luyện trên sân khấu, còn tôi thì phải gắng sức chống đỡ từng phút, từng giây quay cuồng, chao đảo trong bụng mẹ.

Ở trong bể nước ối, tôi chẳng biết lúc nào là ngày hay đêm cả. Tôi cứ thế lớn lên và cũng chưa biết đếm được là bao lâu nữa. Một ngày, tôi mơ thấy tứ chi mình đã bắt đầu mọc ra, và có cái gì đập thật khẽ bên ngực trái. Tôi choàng tỉnh giấc, không phải mơ mà là thật. Tôi say sưa ngắm nghía thân mình. Thật kì diệu! Giá mà khoe được với mẹ thì thích. Nghĩ vậy, tôi tìm cách phản ứng bằng cách cố rướn người lên, áp tai vào thành bụng mẹ. Đúng lúc đó, tôi nghe thấy câu chuyện của mẹ với một người đàn ông nào đó. Giọng mẹ hốt hoảng:

 

- Anh. Em có thai rồi.
- Không thể thế được. Chẳng lẽ thuốc không có tác dụng. Người đàn ông ngạc nhiên.
- Chính xác một trăm phần trăm rồi. Em vừa thử - Mẹ tôi run run.
Tôi cố gắng lắng nghe. Ông ấy là ai mà cất giọng ấm áp thế nhỉ?
- Vậy, em định tính sao?

 Mẹ hỏi lại một cách sốt ruột:

 

- Thế còn anh? Nó là con anh đấy?
Tôi có nghe nhầm không? Tôi là con người đàn ông đó. Có nghĩa, người đàn ông đó là bố tôi. Tôi mừng rối rít.
- Cái này tùy em. Giọng bố tôi chợt tỏ ra lạnh lùng.
- Ý anh là sao? Mẹ tôi nói như muốn khóc.
- Còn sao nữa. Mau mà đi xử lý chứ lại phải hỏi. Bố tôi đổi giọng, gằn lên.
- Anh nói gì, chẳng lẽ mình không có cách nào khác?
- Không có. Ai biết được có phải con tôi không? Còn không nhanh mà đi xử lí, ngồi đấy ôm cái bụng cho phè ra. Bố tôi vùng vằng bỏ đi. Tôi nghe tiếng giày đinh lộp cộp trên sàn nhỏ dần.

- Đồ tồi. Tôi giật bắn khi nghe mẹ hét lên.

Tôi lẩm nhẩm lại lời của bố: “Xử lí. Xử lí cái gì nhỉ?”. Tôi ngẫm nghĩ nhưng rồi cũng chẳng thể nghĩ ra. Mẹ vào phòng, nằm vật ra ở tư thế sấp người khiến tôi khó chịu quá. Tôi chỉ muốn hét lên: “Mẹ đừng nén con thế nữa”. Nhưng phải rất lâu sau mẹ mới lật người lại. Mẹ khóc ư? Tôi nghe tiếng mẹ nấc lên. Nước ối bao quanh tôi đang cạn dần. Tôi khát quá. Mẹ đã không uống thêm nước thì thôi, tại sao mẹ còn xả nước ra từ mắt nữa. Tôi thấy mẹ tu ừng ực và xối vào người tôi một loại nước có vị đắng đắng, cay cay. Không biết là thứ nước gì nữa mà tôi thấy khó xơi quá. Cùng lúc tôi nghe tiếng “choang” đập vào tai mình. Thật là bực bội quá! Tôi không biết mẹ đang uống gì, vừa ném cái gì, hay chuẩn bị xơi những gì tiếp theo. Thế giới của tôi chỉ hạn hẹp với một bể nước ối trong bụng mẹ. Tôi không thể nhìn thấy mẹ, không hình dung ra khuôn mặt, điệu bộ của mẹ, càng không thể ra hiệu cho mẹ biết tôi đang cảm thấy thế nào.

***

Buổi tối, mẹ thú nhận tất cả với cô Ánh cùng phòng về cái bụng mà mẹ đang bọc tôi, về sự khó chịu trong người, về cảm giác ăn uống như nuốt phải kim loại... Tôi thấy cô Ánh hốt hoảng kéo tay mẹ đi. Tôi lại được phen chao đảo.

Mẹ cùng cô Ánh đi khám. Tôi cảm nhận được bà bác sĩ vui mừng trong giọng nói khi thông báo với mẹ:

- Chúc mừng cháu nhé. Cháu có thai rồi. Được gần 8 tuần. Đã có tim thai, nước ối hơi ít. Mầm chi đã phát triển.

À. Tôi đã gần 8 tuần tuổi. Tôi thầm cám ơn bà vì đã nói cho mẹ biết về tôi. Mẹ đưa tay nhẹ nhàng chạm vào bụng, rồi để tay thật lâu trong tư thế ấy. Tôi biết mẹ muốn chạm vào tôi. Tim mẹ đập rộn ràng. Mẹ đang hạnh phúc. Và tôi tưởng tượng thấy nụ cười của mẹ thật đẹp. Nhưng, bất ngờ mẹ ngồi nhỏm dậy khiến tôi bị chới với. Tôi thấy giọng mẹ run run:

 

- Cô làm ơn. Cháu không thể giữ nó được. Cháu phải bỏ nó.
- Không muốn để hả? Nghĩ thật kĩ đi. Việc này ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Cháu ạ. Bà bác sĩ ân cần.

- Cháu chưa đủ khả năng nuôi nó. Bác làm ơn giúp cháu. Phải gắng gượng lắm, mẹ tôi mới cạy cục nói được vài câu.

Mẹ muốn bỏ tôi. Dù chưa định hình được việc mẹ bỏ tôi là như thế nào nhưng tôi bắt đầu lo sợ. Tôi nghiêng tai để nghe cho rõ. Tôi nhận ra mẹ hồi hộp, lo lắng và người mẹ cũng run dần lên. Tim tôi như muốn vỡ vụn khi mẹ ôm bụng và thì thầm:

 

- Xin lỗi con. Là mẹ chẳng ra gì.

 Mẹ đi đến một quyết định là nhanh chóng tống tôi ra khỏi cơ thể mình. Tôi hoang mang quá, tôi chưa có sự chuẩn bị nào cho việc mình sắp phải rời khỏi bụng mẹ. Còn mẹ, mẹ đã chuẩn bị bao lâu cho việc từ bỏ tôi?

 

- Cháu uống vài viên thuốc này nhé. Bác sĩ nhẹ nhàng.
- Vâng ạ. Mẹ tôi sụt sùi.

Tôi nghe tiếng mẹ rót nước mà cứng người lại, tai ù đi:

- Mẹ. Đừng uống? Đừng bỏ con. Mẹ ơi. Tôi co chân định đạp mạnh theo phản xạ nhưng chân tôi còn yếu, tay tôi cũng còn ngắn nên không thể chạm vào thành bụng mẹ. Hình như mẹ nghe được phản ứng của tôi. Vì hồi lâu chưa thấy mẹ uống. Mẹ đang lưỡng lự.

Chưa lúc nào tôi có một ý thức rằng mình phải tự cứu mình như lúc này. Tôi cố gắng đưa mắt tìm lối thoát nhưng mí mắt tôi lúc ấy quá chậm chạp để có thể vận động một cách nhanh chóng theo ý muốn. Giọng tôi cũng như bị ai đó chẹn ở cổ khiến không thể thoát ra được. Tôi đọc được trong đầu mẹ hàng ngàn câu xin lỗi tôi. Còn tôi, thì muốn nói với mẹ hàng ngàn câu: “Đừng bỏ con”, mà sao tôi bất lực quá.

Nhưng rồi, cô Ánh giục, mẹ vơ vội cốc nước. Tôi đã không thể bật lên thành tiếng cho mẹ nghe thấy. Cái gì đến sẽ phải đến. Đôi khi người ta không được phép lựa chọn. Những hình khối tròn vo theo dòng nước chảy xuống, và nhanh chóng tan trong làn nước bọc xung quanh tôi. Tôi khẽ nhắm mắt lại, không dám nhìn. Nhưng, không như tôi nghĩ. Những khối hình tròn vo ấy lại đem đến cho tôi một vị ngọt ngào trong cơ thể. À. Ra xử lý là như thế này. Vậy có gì là ghê gớm đâu mà mẹ phải khóc nhỉ? Tôi ngẫm nghĩ. Rồi tôi bơi trong bể nước ối một cách nhẹ nhàng, say sưa. Chợt tôi thấy mình buồn ngủ quá. Tôi không thể chống nổi mi mắt yếu ớt của mình. Cứ thế tôi thấy mình bồng bềnh, bồng bềnh trong bụng mẹ. Đến khi, người không còn cảm giác gì nữa, cơ thể tôi mềm nhũn ra. Xung quanh tối sầm, những mảng màu xanh đỏ tím vàng lảo đảo trước mắt và tôi trôi tuột đi không còn biết gì nữa.

* * *

Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường, bên cạnh một người phụ nữ gầy gò, ốm yếu. Đó có phải là mẹ tôi không nhỉ? Tôi khẽ cử động thì thấy mình mẩy đau ê ẩm. Tôi nhìn xuống. Ồ! Sao chân tay tôi đỏ hỏn, sứt sát và có những vệt máu thế này? Tôi thều thào:

- Mẹ ơi. Mẹ ơi. Tôi hoảng hốt gọi nhưng mẹ không nghe thấy. Mẹ ngủ say quá. Một giọt nước mắt còn đọng trên khóe mi.

 

Tôi không cố gắng cử động nữa. Tôi nằm ngắm mẹ. Mẹ thật là đẹp, tóc mẹ dài và đen mượt. Mẹ có đôi môi nhỏ, chỉ nhợt nhạt chút thôi. Khuôn mặt mẹ hơi xanh xao. Ồ! Mẹ có bỏ tôi đâu nhỉ? Tôi vẫn được nằm cạnh mẹ đấy thôi. Được ra khỏi bụng mẹ sớm, tôi lại được gặp mẹ sớm, như vậy không phải là việc đáng mừng sao. Cớ gì mẹ phải buồn?

Thật là kì diệu! Tôi có thể nhẹ bẫng lơ lửng bay trên mái nhà mà chẳng phải ai tung lên. Tuy nhiên, khi bay ra ngoài cửa sổ, gió lùa vào vết thương trên người tôi đau buốt. Tôi quay vào nhà, thấy mẹ ngủ mơ:

 

- Mẹ xin lỗi con. Mẹ xin lỗi...

Tôi lại gần ôm chặt mẹ. Nhưng tay tôi cứ trượt hoài trên tấm chăn mỏng tanh. Một người đàn ông đến bên ôm mẹ vào lòng:

- Em phải nghỉ ngơi cho khỏe nhé. Không phải nghĩ nhiều.

Mẹ im lặng không nói, như giận dỗi. Tôi nhìn người đàn ông thật kĩ. Ông ấy thật là đẹp trai, tuy nhiên nốt ruồi ở dưới cằm lại to quá. Tôi sờ cằm mình, cũng có cái gì đó nhí nhí. Người đàn ông đó có phải là bố tôi? Ông ấy ôm mẹ tôi thật lâu. Nhưng mẹ vẫn kiệm lời với bố. Phải nói là việc xử lí của mẹ đâu có tồi tệ đến mức mẹ phải giận bố đến thế nhỉ? Đáng ra mẹ phải mừng cho tôi mới đúng. Nghe nói những đứa trẻ khác phải chờ 9 tháng 10 ngày mới được ra bên ngoài. Thật hạnh phúc vì giờ này tôi được trông thấy cả bố và mẹ, ngay trước mắt tôi, sớm hơn những đứa trẻ khác. Tôi cứ chằm chằm nhìn bố và giật mình khi thấy bố buông mẹ, ra về. Tôi gọi nhưng bố không ngoảnh lại. Tôi chịu đau bay đi theo bố, mặc những làn gió đêm quất vào da thịt. Bố lên xe và đi rất nhanh, phải gắng gượng lắm tôi mới theo kịp.

Tôi bay theo đom đóm, lơ lửng nhìn qua khung cửa sổ. Bố về bên một người phụ nữ khác. Họ ngủ bên nhau, ở giữa là một anh bé. Chẳng nhẽ, bố và mẹ tôi lại không ở chung một nhà. Sao bố lại ngủ với người phụ nữ khác mà không ở lại với mẹ và tôi? Bố hư quá. Nghĩ vậy, tôi lặng lẽ trở về với mẹ.

Mẹ yếu lắm nên tôi cứ bám theo mẹ suốt ngày. Nhưng tôi chỉ nhìn rõ mẹ nhất vào ban đêm mà thôi. Còn ban ngày, tôi không thể nhìn được vì ánh sáng chói quá. Được năm hôm thì mẹ trở lại lớp học. Thầy của mẹ, lại chính là bố đẹp trai của tôi. Tôi theo mẹ tới lớp buổi tối. Mẹ cố gắng múa, nhưng không thể. Điểm số của mẹ rất thấp. Mắt mẹ buồn rượi, mặt mũi tái nhợt, mẹ lê chân ra khỏi lớp mặc cho bố gọi.

Mẹ hay đi một mình và hay ngồi cô đơn trong góc phòng. Tôi không biết làm sao để an ủi mẹ nữa. Có những buổi, mẹ lang thang chạy xe trên đường, rồi có lúc không kiềm chế được, mẹ dừng xe, ôm mặt khóc nức nở. Khi ấy, chẳng có một ai dừng lại dỗ mẹ cả. Tôi cuống cuồng ôm lấy mẹ, nhưng khó quá. Tôi lau nước mắt cho mẹ, nhưng không chạm được, chỉ thấy nước mắt mẹ tuôn nhiều hơn, ướt đầm cả vạt áo. Tôi không biết phải làm sao để mẹ thấy rằng tôi đang ở bên mẹ, tôi thương mẹ biết dường nào.

* * *

Tôi cứ ngủ với mẹ hằng đêm như thế, nhưng sao chẳng bao giờ mẹ biết đến tôi. Lúc nào mẹ cũng là người không nhìn thấy tôi từ khi tôi trong bụng mẹ cho đến khi tôi đã ra thế giới bên ngoài. Tôi bắt đầu cảm thấy biết buồn. Đêm, tôi lang thang ra ngoài hành lang, làm bạn với đom đóm bay lập lòe qua những ô cửa sổ. Tôi say sưa ngắm những cô bé, cậu bé ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ. Những bộ quần áo ngủ thật xinh. Giấc ngủ thật bình yên! Tôi bay qua những bụi cỏ, soi mình vào sương đêm và chạnh lòng nhìn xuống cơ thể mình. Sao mẹ chẳng mua một bộ quần áo đẹp cho tôi mặc diện nhỉ? Sao tôi chẳng thể nào lớn hơn để có một vòng tay rộng ôm lấy cổ mẹ như những cô cậu bé ấy. Tôi muốn vuốt tóc mẹ, muốn hôn lên má mẹ mà không được? Sao giọng nói của tôi chẳng đủ to để mẹ có thể nghe tiếng? Sao tôi cứ mãi bé cỏn con như quả nho thế này? Bao nhiêu câu hỏi cứ xoáy vào đầu tôi? À. Tôi đã nghĩ ra rồi. Tôi sẽ đến nhà hỏi bố? Tai bố to sẽ nghe rõ tiếng của tôi hơn.

Tôi bay đi trong một tâm trạng phấn chấn. Đêm nay trăng đẹp, cơ thể tôi không cảm thấy nhức nhối nhiều. Tôi bay vòng vèo qua cửa sổ nơi bố ngủ. Bố không đóng cửa mà để trăng lọt vào. Tôi lấy hết sức mình, theo đường sáng của trăng rọi xuống mà bay theo. Tôi lay bố dậy. Nhưng bố chẳng dậy. Tôi chui vào tai bố thì thầm với mớ câu hỏi hỗn độn trong đầu. Bố nghe tiếng rồi. Tôi mừng quá, reo to: “Bố ơi! Bố ơi!”. Nhưng sao khi nói với tôi giọng bố cứ run lên:

 

- Bố có lỗi với con. Bố xin lỗi.

Tôi vòng tay ôm cổ bố nhưng bố đẩy tôi ra và giọng như van nài:

 

- Đừng lại gần đây. Đừng, đừng đến gần bố.
 Tôi ngạc nhiên, nói trong nước mắt:

- Con là con của bố mà. Con chỉ muốn đến và hỏi bố là tại sao...?

 

- Bỏ tay ra. Không hỏi gì hết. Bố sắp nghẹt thở rồi. Bố tôi hốt hoảng.
- Vậy bố để cho con ôm bố một chút thôi, có được không? Tôi nhất mực vì tôi thèm bố quá.

- Không được. Cứu tôi với. Cứu tôi với. Bố tôi giằng tay tôi từ cổ và đẩy tôi bay ra.

Rồi bố mở choàng mắt. Người phụ nữ đang nằm cạnh bố cũng choàng dậy, vội vàng lau mồ hôi cho bố và lo lắng hỏi. Còn tôi, bám vào thành cửa sổ, thút thít. Tôi có lỗi gì mà bố đối xử với tôi như thế? Nếu ra ngoài mà bị hắt hủi thế này thì thà mẹ cứ để tôi ở lại trong bụng, có hơn không? Câu hỏi chồng chất câu hỏi, nhưng chẳng một ai chịu trả lời tôi. Tôi đau đầu quá. Giá mà bây giờ, tôi chui lại được vào trong bụng mẹ thì tốt biết mấy. Tôi sẽ thoải mái chỉ ăn với ngủ, để cảm nhận cơ thể mình lớn lên từng ngày, như lúc chưa biết đếm được là bao nhiêu.

Đêm trăng như tấm lụa trải ra rộng mênh mông mà không thể gói những câu hỏi của tôi kín lại. Tôi theo đường trăng bay về ngủ với mẹ. Ước gì, sáng mai thức dậy, tôi thấy mình lớn lên.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước