Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
02:39 (GMT +7)

Bao giờ có thị trường chuyên nghiệp cho mỹ thuật Việt Nam?

VNTN - Trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030", mỹ thuật được quy hoạch là một trong những ngành trọng điểm. Ngày 30/7/2015, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”. Nhưng để có một thị trường thật sự chuyên nghiệp, thì mỹ thuật Việt Nam dường như vẫn chưa sẵn sàng.


15 Tham luận trong hội thảo được trình bày, đưa ra một số vấn đề như: Đòi hỏi bức thiết của việc xây dựng thị trường mỹ thuật Việt Nam (VN); Nguyên nhân khiến các chính sách đầu tư cho mỹ thuật còn lúng túng; Giải pháp phát triển Bảo tàng Mỹ thuật thành nơi đi đầu trong các hoạt động sưu tầm, mua bán tác phẩm mỹ thuật; Sưu tầm nghệ thuật tư nhân qua kinh nghiệm thành công của một số nước... Nhưng làm thế nào để có được một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp ở VN thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Chưa có “chợ nghệ thuật”

Thống kê của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MT-NA-TL): Qua khảo sát hiện nay 40% dân số VN có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật bằng loại hình ca nhạc; 20% có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật bằng nghệ thuật điện ảnh; 20% có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật văn học; 10% có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật bằng các loại hình nghệ thuật sân khấu; trong khi đó, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân trong 3 loại hình mỹ thuật, nhiếp ảnh và múa chỉ chiếm 10%.

Việc mua bán tác phẩm mỹ thuật VN, có thể bắt đầu từ việc sưu tầm gắn với việc khảo cổ, nghiên cứu của người Pháp với các sưu  tập của Viện Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội, Sài Gòn và Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, cũng như việc mua hay thu các tác phẩm nghệ thuật mang về Pháp (sưu tập Bảo tàng Guimet). Lớp nhà giàu thành phố và các ông chủ Tây thực dân là những người đầu tiên treo tranh, đặt tượng trong nhà. Cho đến 1975, ở miền Nam cũng như miền Bắc, vẫn chỉ có duy nhất một nhà sưu tập - người mua tranh là ông Đức Minh ở Hà Nội. Hoàn toàn không có các gallery thương mại nghệ thuật. Tuy có một vài người yêu nghệ thuật, thân quen với nghệ sỹ và lưu giữ được một số tác phẩm của họ bằng nhiều con đường khác nhau nhưng không phải bằng mua bán, như  “Cà phê Lâm”, Ông giáo Đạm, Ông Trường, Ông Bổng hay Bảo Khánh sau này.

Giai điệu, (lụa) - Mai Trung Thứ

Năm 1990, triển lãm Uncorked Soul bày tranh tượng VN lần đầu tiên ở Gallery Plum Blossom Hongkong là thành công thương mại bất ngờ. Thị trường và người yêu nghệ thuật, giới sưu tầm nước ngoài bất ngờ phát hiện ra mỹ thuật VN. Sau đó, gần như có sự bùng nổ hàng trăm gallery nghệ thuật ở Hà Nội, TP.HCM… Khách nước ngoài đổ xô vào mua tác phẩm nghệ thuật trong một thời gian ngắn khiến cho nhiều họa sỹ VN có thể sống bằng nghề hoặc tạo vận may của mình ở thị trường mỹ thuật. Nhưng đó chỉ là một sự tự phát trong phút chốc, không bài bản và bền vững, các gallery hình thành không có “nền” của người chơi và “nền” của giáo dục mỹ thuật nên thị trường đổ sụp. Bởi người chơi thì đi nhặt nhạnh chứ ít sưu tập đúng nghĩa. Cho dù đến năm 2015, số gallery bán các tác phẩm mỹ thuật VN có thể lên đến con số hàng chục ngàn trong cả nước, nhưng như ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MT-NA-TL nhận xét: “Các Gallery ở VN hoạt động không theo một quy luật nào cũng như không có một sự liên kết nào, mạnh ai nấy làm, không có sự trao đổi thông tin cũng như bảo vệ quyền lợi cho nhau”.

Ngay cả những hoạt động nhằm giới thiệu tác phẩm mỹ thuật Việt ra  nước ngoài vẫn theo kiểu tự phát, phụ thuộc vào các mối quan hệ cá nhân của họa sĩ hoặc gallery chứ chưa được tổ chức bài bản, chưa giới thiệu, quảng bá một cách chuyên nghiệp, dài hơi, có kế hoạch để ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng trong nước, đồng thời thâm nhập, chinh phục những thị trường trong khu vực.

Vài chục năm trước, người chơi tranh quốc tế rất thích tranh của các họa sĩ VN. Họ thấy bỏ ra rất ít tiền để mua tranh, với hy vọng sau 15- 20 năm giá trị đó sẽ tăng lên và đó là khoản đầu tư từ buổi sơ khai ở thị trường VN. Nhưng nhiều năm họ không thấy giá trị gì tăng lên mà còn đi xuống, đã không còn quan tâm thị trường mỹ thuật Việt nữa. Đó là một trong nhiều lý do khiến thị trường mỹ thuật VN mãi chưa có một “chợ nghệ thuật” thật sự.

Giá trị tác phẩm mỹ thuật Việt Nam 

Bà Xuân Phượng, chủ gallery Lotus nổi tiếng ở quận 1,TP.HCM cho biết phổ giá tranh đương đại hiện không quá 10.000 USD/bức nếu là họa sĩ đã thành danh, còn bình quân chỉ khoảng 1.000-3.000 USD/bức, là các tranh “được” giá của các họa sĩ có chút tên tuổi, được một số gallery danh tiếng giới thiệu, bán. Còn 90% các gallery bán tác phẩm mỹ thuật VN là “hàng chợ”, giá rất thấp, thậm chí giá “xôn”chỉ có 2-5 USD/bức.

Một thực tế, những người trong ngành mỹ thuật Việt có trình độ chuyên môn cao đều nhận thấy là giá trị nghệ thuật của tác phẩm mỹ thuật Việt không hề kém, nhưng hầu như giá bán trong khu vực và trên trường quốc tế còn khá khiêm tốn. Năm 1990, bức sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí được mua với giá tương đương 100.000 USD (600 triệu đồng) gây xôn xao dư luận, nhưng ít ai biết, một nhà sưu tập người Bỉ đã ngỏ ý mua lại bức tranh này với giá 1 triệu USD! Nhiều quốc gia trên thế giới ngỏ ý muốn thuê “Vườn xuân Trung Nam Bắc” để triển lãm mà không được. Mới đây, tại phiên đấu giá do Christie's International tổ chức ở Hồng Kông (Trung Quốc), bức tranh lụa “Người bán gạo” của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã được bán với giá kỷ lục hơn 8 tỷ đồng, khẳng định giá trị tranh Việt trên trường quốc tế. Nhưng đó là các họa sĩ bậc thầy, xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, còn các họa sĩ trẻ đương đại tạo ấn tượng với thị trường mỹ thuật quốc tế hầu như không đáng kể.

Hàng năm có từ 100 đến 200 nghìn tác phẩm nghệ thuật được bán trong các phiên đấu giá trên toàn thế giới dưới mức 10.000 euros và khoảng 80% trong số đó được bán với giá dưới 5000 euro. Không chỉ là các tác phẩm nguyên bản, các tác phẩm phái sinh cũng bán rất chạy. Nhưng tác phẩm mỹ thuật của VN gần như vắng bóng ngay cả trong các phiên đấu giá này, chỉ lác đác đơn lẻ vài tác phẩm trong vài phiên và thường có giá rất thấp.

Năm năm trước, theo đề xuất của Cục MT-NA-TL, “Trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm” đã được thành lập tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Đây chính là tiền đề để thị trường mỹ thuật phát triển chuyên nghiệp. “Thế nhưng đơn vị này gần như không hoạt động được vì nhu cầu xã hội không đến với họ. Có lẽ do người ta chưa nhận thức được sự cần thiết của nó” - Cục trưởng Vi Kiến Thành nói.

Những “cánh cửa” cần mở để dựng “chợ nghệ thuật” Việt

Có thể gọi thị trường mỹ thuật là một hình thức “chợ nghệ thuật”, không có chợ thì không có thị trường. Không có thị trường trong nước thì không thể liên thông với thị trường nước ngoài. Đặc biệt với các cam kết trong WTO, AFTA, TTP thì các doanh nghiệp nước ngoài trong mọi lĩnh vực kể cả kinh doanh nghệ thuật sẽ tới VN, lúc đó, các doanh nghiệp trong nước cũng không có cơ hội cạnh tranh với họ.

Cái “khó” của thị trường mỹ thuật VN thì nhiều nhưng nói chung đều xuất phát từ nhận thức. Điều này chi phối nhu cầu mua bán, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, quyết định việc đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ thị trường mỹ thuật, dựng “chợ nghệ thuật” mang tính chuyên nghiệp…

Cần chuyên nghiệp hóa các nghề liên quan tới mỹ thuật (từ đào tạo đến thực hành nghề) và có công nhận trong danh mục ngành nghề. Trong đó bổ sung những nghề như: Chuyên gia kiểm định (chất liệu, độ xác thực, niên đại); Chuyên gia lịch sử mỹ thuật; Nhà phê bình; Giám tuyển (curator); Môi giới nghệ thuật; Người điều hành đấu giá… để những người hoạt động trong lĩnh vực này được pháp luật công nhận. Kết quả thẩm định của họ có thể được các ngân hàng, các cơ sở định giá và pháp luật công nhận có giá trị.

Cơ quan quản lý cần đưa ra chính sách cụ thể về miễn, giảm, giảm trừ thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà bảo trợ văn hóa, cho người mua các tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm nghệ thuật cũng là một sản phẩm, vì thế cũng cần có các quy định về người sản xuất, chứng nhận lý lịch tác phẩm, số lượng, từ đó xác định mức thuế thặng dư từ các sản phẩm này. Có chế tài xử phạt hàng giả, hàng nhái, ăn cắp bản quyền, kể cả những người làm giả, làm nhái của chính mình. Có các quy định cụ thể về bảo hiểm dành cho các tác phẩm nghệ thuật. Tổ chức festival nghệ thuật đương đại VN có sự kết nối với các gallery trong và ngoài nước, chuyên gia nghệ thuật, nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước, đồng thời phối hợp giúp nghệ sỹ VN đưa tác phẩm tham dự các festival, hội chợ nghệ thuật khu vực và thế giới. Xây dựng mô hình nhà đấu giá nghệ thuật tại VN với các ưu đãi trong nhiều năm nhằm tạo tiền đề cho hoạt động này phát triển. Thành lập trung tâm dữ liệu về nghệ sỹ, tác phẩm nghệ thuật, thị trường nghệ thuật bằng nhiều ngôn ngữ. Hàng năm có các báo cáo về biến động trong năm, dự đoán xu hướng, kết nối với các chuyên gia, nhà sưu tập, nhà đầu tư nước ngoài…

Có tiền không đồng nghĩa với một sự giáo dục đầy đủ về hội họa và thẩm mỹ nghệ thuật. Muốn có thị trường mỹ thuật trong tương lai thì ngay từ bây giờ phải tạo cho được một thế hệ biết, hiểu và yêu mỹ thuật thông qua giáo dục từ các bậc học phổ thông. Bảo tàng Mỹ thuật VN có thể có những chương trình thường kỳ nói chuyện mỹ thuật trong nhà trường như một phần hoạt động của Bảo tàng. Ngoài chuyện dạy trong trường phổ thông, cần có một bảo tàng mỹ thuật đương đại dành cho những thế hệ đổi mới - thế hệ ra đời sau 1975, đủ tầm cỡ để  tổ chức các workshop cần thiết khai trí về mỹ thuật. Ngoài ra vai trò cầu nối giữa nghệ sĩ với các nhà sưu tập và người yêu tranh, các gallery cần phải được đầu tư đúng mức, hoạt động thật sự chuyên nghiệp. Không chỉ trưng bày và kinh doanh tranh, gallery còn là nơi cung cấp thông tin, kiến thức về tác phẩm, tác giả, về mỹ thuật để kích thích người xem, vun đắp tình yêu nghệ thuật. Chỉ khi hiểu rõ giá trị của tác phẩm và yêu nó thì người ta mới mong muốn được sở hữu tác phẩm ấy.

Một tín hiệu lạc quan cho thị trường mỹ thuật VN, vừa rồi Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành một Nghị định về mỹ thuật do Cục MT-NA-TL thiết kế, quy định tất cả công sở nhà nước khi xây dựng công trình văn hóa, công sở, công trình công cộng phải có đầu tư một tỉ lệ nhất định làm đẹp cho công trình bằng tác phẩm mỹ thuật... Và đây có thể bắt đầu cho một thị trường mỹ thuật nhộn nhịp với những phiên “chợ nghệ thuật” trong tương lai.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy