Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:05 (GMT +7)

Bán đấu giá bức tranh “Chân dung mẹ tôi” của Nguyễn Nam Sơn ở Paris

Sau 91 năm “ẩn dật”, bức tranh “Chân dung mẹ tôi” của Họa sỹ Nguyễn Nam Sơn lại có cơ hội xuất hiện trước công chúng trong dịp bán đấu giá tại Paris.

Bức tranh “Chân dung mẹ tôi” 

Đây là bức tranh sơn dầu, kích thước 103,5 x 170cm. Đó là chân dung một người phụ nữ trung tuổi, trang phục giản dị. Hàng chữ “Chân dung mẹ tôi” nằm ở phía trên bên phải được viết bằng chữ Hán. Phía dưới bên trái có thêm dòng chữ Hán “Con trai Nguyễn Văn Thọ cung kính”. Phía sau bức tranh vẫn còn nhãn hiệu triển lãm của Salon Các nghệ sỹ Pháp năm 1932, trên đó ghi địa chỉ của Nguyễn Nam Sơn ở Hà Nội (4 rue de la Citadelle, Hanoi, Tonkin) và địa chỉ của Victor Tardieu (3 rue Chaptal à Paris).

Cuộc bán đấu giá đã được hãng Art Research Paris tổ chức, tại phòng triển lãm sang trọng ở số 174, phố Faubourg Saint-Honoré, quận 8, Paris, Pháp. Đây là một hãng chuyên bán đấu giá các đồ nghệ thuật cổ. Cuộc bán đấu giá kết thúc vào lúc 15h30, giờ Paris ngày 30/3/2023. Giá bán cuối cùng là 200.000 euro, tương đương hơn 5 tỷ đồng Việt Nam.

Bức tranh “Chân dung mẹ tôi” được họa sỹ Nguyễn Nam Sơn thực hiện năm 1930 tại Hà Nội. Bức tranh đã được đưa sang Pháp tham gia triển lãm lần đầu tiên tại Paris trong cuộc Triển lãm Thuộc địa năm 1931. Cùng năm 1931, còn có một họa sỹ Việt Nam khác tham gia triển lãm, đó là Lê Phổ, với bức “Tuổi Vui”. Nhưng bức tranh của Nam Sơn đã rất thu hút giới yêu thích nghệ thuật Paris và khiến họ đặc biệt chú ý.

Lúc đó Yvonne Pierre Laurens (1882 - 1974), một họa sỹ và nhà điêu khắc nổi tiếng của Pháp, thành viên của hội Salon Các nghệ sỹ Pháp đã rất xúc động trước bức tranh nên đã viết cho họa sĩ Nam Sơn: “Bức tranh gây ấn tượng bởi vẻ uy nghiêm, màu sắc và các đường nét thanh tao hết sức cân đối. Một tuyệt tác nghệ thuật thực sự”.

Cảnh đấu giá tranh

Tạp chí “Nghệ thuật và các nghệ sỹ” xuất bản tháng 3/1932 đã nêu: “Ở đây tập hợp những bức tranh của các học trò thuộc trường Nghệ thuật Hà Nội, nhưng nổi bật và đáng chú nhất là bức chân dung “Chân dung mẹ tôi”, sâu sắc như một Đức Mẹ, đầy thần thái và một tay nghề vững chắc nghiêm túc của Nguyễn Nam Sơn”.

Và lần triển lãm thứ hai diễn ra vào năm 1932 tại Salon Các nghệ sỹ Pháp (Cung điện lớn), trong lần triển lãm này, bức tranh “Chân dung mẹ tôi” đã đoạt Huy chương Bạc và đồng thời cũng được ông Henri Sambuc, một luật sư người Pháp tại Tòa thượng thẩm mua. Năm 1944, ông Henri Sambuc qua đời và bức tranh cũng như các đồ vật nghệ thuật châu Á trong bộ sưu tập cá nhân của ông đã được ông Jean Yves Bureau, một nhà công nghiệp và sưu tập nghệ thuật Paris, mua lại và kể từ đó đến nay bức tranh được gia đình ông sở hữu và bảo quản.

Họa sỹ Nguyễn Nam Sơn, tên thật là Nguyễn Văn Thọ, sinh năm 1890 và mất năm 1973, quê gốc ở Vĩnh Yên, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình thuộc dòng dõi khoa bảng. Cha mất sớm, khi ông mới lên 4 tuổi, nhưng mẹ ông vẫn tiếp tục cho ông đi học. Ông đã theo Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi) ở Hà Nội.

Về hội họa, thoạt đầu ông thường viết thư pháp và vẽ tranh trên lụa. Ông đã vẽ minh họa cho nhiều tờ báo và tạp chí, và chính vì thế duyên may đã cho phép ông gặp họa sĩ Victor Tardieu người Pháp. Và có thể nói, ông Tardieu đã trở thành người cố vấn, đỡ đầu cho Nam Sơn trong sự nghiệp hội họa và đã giúp ông trở thành một trong những họa sĩ Việt Nam hàng đầu, của nền hội họa đương đại.

Theo các tư liệu Pháp, ông đã cùng họa sĩ Victor Tardieu đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương và trực tiếp giảng dạy, phụ trách môn Đồ họa và Trang trí. Ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được giao quản lý Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương với cương vị, trọng trách là quyền Hiệu trưởng, từ tháng 3 năm 1945 đến cuối năm 1945, tức giai đoạn sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương.

Tác giả và ông Romain Monteaux-Sarmiento bên bức tranh

Ông Romain Monteaux- Sarmiento, Giám đốc phụ trách truyền thông và tiếp thị của hãng rất xúc động cho biết: Tại Pháp, chúng tôi rất may mắn có dịp khám phá rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam, vì có sự gần gũi thân cận giữa hai nền văn hóa, nhờ sự trao đổi qua lại từ những năm đầu của thế kỷ 20. Thế nên ngay khi chúng tôi được thấy những tác phẩm nghệ thuật này thì ngay lập tức chúng tôi bị ấn tượng bởi thẩm mỹ, bởi tài điêu luyện về kỹ thuật, bởi sự pha trộn giữa hai văn hóa. Và vào năm 2023 không phải ai cũng được chứng kiến sự sáng tạo và thời khắc sống giữa các nghệ sỹ Việt Nam và một số nhà cố vấn Pháp như Victor Tardieu, và một số nghệ sỹ nổi tiếng Pháp khác đã tham gia thành lập và giảng dạy tại trường Mỹ thuật Hà Nội.

Với chúng tôi, quả là hết sức tuyệt vời khi khám phá được những họa sỹ này, đặc biệt là Lê Phổ và Nam Sơn. Với chúng tôi, khi được thấy những tác phẩm này, thì đã như bị một cơn sốc nghệ thuật, cảm xúc dâng trào nhưng đó cũng là phù hợp với nghề của chúng tôi. Đó là một nghề chuyển tải lịch sử nghệ thuật, chuyển từ những nhà sưu tập nghệ thuật này sang nhà sưu tập nghệ thuật khác. Đây là những thời khắc duy nhất trong sự nghiệp được khám phá chất lượng của nghệ sỹ bậc thầy này, vốn được đề cập rất nhiều trong giới. Đây là những thời khắc tuyệt vời với chúng tôi khi có được những tác phẩm này trong phòng triển lãm của mình nhưng cũng còn cả với công chúng yêu nghệ thuật.

Hãng Art Research Paris mới thành lập nhưng các chuyên gia đã có thâm niên hàng chục năm từng làm việc cho các hãng nghệ thuật lớn. Mới đây, hãng này cũng đã thành công bán đấu giá bức tranh “Cậu bé và con chim vàng” của Lê Phổ với giá 156 ngàn euro và bức “Làng Quê” của Nguyễn Văn Bình với giá 65 ngàn euro.

Việc tái khám phá ở Pháp kiệt tác hội họa này của Việt Nam mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật Pháp cũng như trên toàn thế giới những yếu tố để khám phá và hiểu biết thêm về tranh của Nam Sơn nói riêng và các nghệ sỹ Việt Nam nói chung.

Hiệu Constant (từ Paris)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy