Bán bảo hiểm
VNTN - Cuối ngày, tôi rẽ vào tiệm tóc nhỏ gần nhà gội đầu. Trong lúc chờ ủ tóc, tôi tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi. Vừa thiu thiu đã bị đánh thức bởi giọng nói oang oang của một chị khách mới đến. Dù chẳng mở mắt, nhưng tiếng của chị khách vẫn thúc vào tai tôi không sót từ nào. Có lẽ chị là khách quen, nên cách nói chuyện với em chủ tiệm khá thoải mái. - Thế nào, đã suy nghĩ chuyện tham gia bảo hiểm chưa? - Chị khách hỏi. - Em làm gì có tiền mà tham gia chị. - Em chủ tiệm tóc vừa xả nước gội đầu cho chị khách vừa trả lời. - Chẳng hiểu vợ chồng em làm ăn kiểu gì? Chả lẽ mỗi tháng không bỏ ra nổi hơn triệu bạc à? - Chị xem, tiệm em nhỏ thế này, mỗi ngày kiếm được bao. Tiền vay mở tiệm em còn chưa trả hết nữa là. - Thế chồng không làm cái gì à? Hai vợ chồng mà bám cả vào cái chỗ tin hin này! - Chồng em cũng đi làm, nhưng lương có vài triệu. Nhà lại hai con nhỏ, lo bốn miệng ăn chật vật lắm chị. - Đấy, kinh tế gia đình khó khăn thế mà không biết lo tích lũy, nghĩ về lâu về dài. Không tham gia bảo hiểm nhỡ ra đường tai nạn, giờ ung thư nhiều như lợn con, dính phải thì đào đâu ra tiền mà lo? Trong khi đó bảo hiểm nó đền cho một cục, chồng con đỡ khổ không. Lại như cái ông hôm trước nói chuyện, kêu ốm đau chữa được thì đã có bệnh viện, không chữa được thì làm liều thuốc chuột là xong. Chị thấy đúng là bất hạnh cho những đứa con có bố mẹ suy nghĩ thiển cận như thế... Nói chán chê nhưng em chủ tiệm chẳng còn mặn mà tiếp chuyện nữa, chị khách liền chuyển hướng. Chị đưa tay khều khều người tôi: - Em ơi, em thấy chị nói có đúng không? - Kìa, chị ấy đang ngủ mà chị! - Tiếng em chủ tiệm ngăn lại. Tôi lặng im, vờ như đã ngủ say. Chị khách ra về, em chủ tiệm quay sang xả tóc cho tôi, giọng không giấu nổi bực mình: - Nãy chị nghe có thấy ức chế không? Người đâu mà rõ vô duyên. Lần nào đến gội đầu cũng mời em mua bảo hiểm nhân thọ. Em đã nói là không có tiền tham gia rồi mà vẫn dai như đỉa, bữa nay lại còn nói chuyện kiểu như muốn trù ẻo người ta tai nạn với ung thư vậy… Bán bảo hiểm mà cứ như bố đời, dạy dỗ người ta phải thế này, thế kia, chung quy là cứ phải mua bảo hiểm mới tốt, mới hay. Mà gặp ai cũng mời chào! Khách đến đây cũng như chị đấy, muốn gội đầu thư giãn, nhưng cứ bắt chuyện, nói liến thoắng bên tai, ra rả mời mua bảo hiểm. Người ta từ chối thì lại giở giọng chê bôi nào là ấu trĩ, thiển cận,... Khách nhà em mấy người bực mình đã nói vào mặt cho rồi, thế mà không chừa chị à. Em cũng bực lắm, nhưng vì khách quen nên cứ phải bấm bụng nhịn… Chuyện của chị khách làm tôi nhớ tới bác dâu. Trước kia, bác vốn luôn được mọi người nể trọng từ lời ăn đến tiếng nói. Nhưng từ hồi nghỉ hưu tham gia bán bảo hiểm nhân thọ, bác như thay đổi thành một người khác. Gặp ai cũng mời mua bảo hiểm; dòng họ có cỗ bàn gì, anh em họ mạc lâu ngày gặp gỡ, nói câu trước câu sau bác lại quay về mời mua bảo hiểm. Mọi người ngán ngẩm, thành ra cứ thấy bác là tránh. Bảo hiểm nhân thọ là loại hình kinh doanh hợp pháp, thiết nghĩ ai có điều kiện tham gia cũng là điều tốt. Nhưng sẽ không có gì đáng trách nếu những người bán bảo hiểm thực sự làm tốt vai trò của một người tư vấn, hay một người bán hàng có văn hóa thay vì kiểu mời mua hàng “bất chấp”, chèo kéo, gây khó chịu cho người khác như vậy.
Bích Hồng0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...