Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
01:22 (GMT +7)

Bài toán dôi dư giáo viên

VNTN - Nhiều năm nay, câu chuyện thừa - thiếu giáo viên là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, bởi bậc nào thiếu thì cứ thiếu, còn bậc thừa thì ngày càng thừa. Theo Báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 của các Sở Giáo dục - Đào tạo (diễn ra giữa tháng 1/2017), thì tình trạng thiếu giáo viên đang xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học. Nước ta hiện có đến 26.000 cử nhân ngành sư phạm dư dôi ở bậc phổ thông nhưng lại thiếu tới khoảng 32.000 giáo viên bậc mầm non.

Trước thực trạng này, đã có một số tỉnh, thành điều chuyển giáo viên bậc phổ thông xuống dạy mầm non mà chưa qua đào tạo lại, hoặc chỉ sau khóa tập huấn 5, 6 tuần. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, đề nghị dừng việc bồi dưỡng. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được giao nhiệm vụ thiết kế chương trình đào tạo lại văn bằng 2 cho các giáo viên được điều xuống dạy mầm non, nhằm bù đắp sự thiếu hụt ở cấp học này. Tuy nhiên, vấn đề đang gây tranh cãi trong giới chuyên môn và cộng đồng xã hội nhiều ngày qua, là việc bất hợp lý của chương trình đào tạo.

 

Mặc dù nhiều năm nay, 70% các trường dùng chung chương trình đào tạo sư phạm, việc đào tạo văn bằng 2 cho các giáo viên dôi dư cũng đã được Bộ mời chuyên gia vào hội đồng tư vấn để góp ý kỹ lưỡng, sau đó trường Đại học Sư phạm Hà Nội mới ban hành chương trình đào tạo. Tuy nhiên, xét ở tính chất đặc thù ngành sư phạm, thì không phải cứ có trình độ dạy học sinh phổ thông là có thể dạy được trẻ mầm non. Việc thiết kế chương trình cứng 54 tín chỉ đào tạo đã không khiến cộng đồng xã hội an tâm, trái lại họ còn đặt ra nghi vấn, không biết thiết kế này dựa trên căn cứ nào? Bởi nếu theo Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2009, thì chuẩn trình độ giáo viên mầm non chỉ là trình độ trung cấp.

Thực tế cho thấy, hiện nay các giáo viên mầm non có trình độ Trung cấp chuyên nghiệp hoặc cao đẳng làm việc khá tốt. Có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải đào tạo trình độ đại học, vì với bản chất công việc là không cần thiết. Mặt khác, chúng ta còn phải xét đến sự phù hợp là đối tượng những người được điều chỉnh đào tạo văn bằng 2. Là cử nhân sư phạm, tốt nghiệp ở các ngành và chuyên ngành khác nhau (sư phạm văn, toán, sinh...), họ sẽ có năng lực, kinh nghiệm khác nhau. Trong khi đó, bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt. Năng lực dạy cấp học này yêu cầu cao ở người dạy những kỹ năng mềm, năng khiếu ca, thể, mỹ… Liệu rằng những cử nhân bậc học phổ thông có thể “chuyển hóa” tình cảm, rèn luyện sự nhẫn nại, kiên trì với trẻ nhỏ? 54 tín chỉ đào tạo, liệu có thể lấp đầy những thiếu hụt hay cũng chỉ là “lấp miệng thùng rỗng”?

Trước những khúc mắc từ phía dư luận, Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã thông tin cụ thể, đại ý là: sẽ kiểm tra chặt chẽ đầu vào tại các trường được giao nhiệm vụ đào tạo lại này. Ngoài việc các cử nhân tự nguyện đào tạo lại thì cũng cần xét bảo đảm các yêu cầu thực tế. Người không biết múa, hát thì không thể làm giáo viên mầm non. Và mặc dù đây là chính sách nhân văn nhưng không vì thế mà hạ chuẩn. Chỉ những ai đủ điều kiện và tự nguyện tham gia mới đào tạo, chứ không làm bằng mọi giá.

Bài toán 26 nghìn giáo viên dôi dư và những giải pháp còn nhiều điều chưa thể ngã ngũ. Trên diễn đàn mạng xã hội, còn có ý kiến bày tỏ rằng, xem những phóng sự truyền hình, hay những bài viết trên các trang báo về vùng xa, vùng sâu, vẫn thấy nói chuyện thiếu giáo viên ở bản làng. Các cử nhân ngày nay có ý cầu tiến, đa phần muốn ở môi trường tốt, là thành phố, là những nơi thuận lợi. Nếu họ hết mình cống hiến, thì những nơi xa xôi sao lại bỏ qua để rồi lại kêu than thất nghiệp? Đó quả thực là điều khiến chính những cử nhân sư phạm phải nhìn nhận, suy nghĩ.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy