Bác Hồ với đội Thanh niên xung phong 36
VNTN - Những năm chống Mỹ cứu nước, Đội Thanh niên xung phong 91 của tỉnh Thái Nguyên đã lập lên những chiến công hiển hách, góp một phần quan trọng cho chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Danh tiếng của Đội TNXP 91 không còn xa lạ với những người quan tâm đến lịch sử tỉnh nhà. Nhưng có một đội TNXP mà có thể nhiều người chưa biết rõ cũng đã từng có những đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến chống Pháp trên suốt dải đất thuộc ATK của tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Đó là Đội TNXP 36. Cho đến hôm nay, nhiều câu chuyện do các cựu TNXP kể lại vẫn còn lưu truyền trong sách báo và trong dân gian. Dưới đây là hai mẩu chuyện về những lần được gặp Bác Hồ của đồng chí Lê Hùng Ca, C phó C270 và đồng chí Lam Hồng C266, thuộc Đội TNXP 36.
Bác Hồ thăm C270 đội 36
Khoảng 9 giờ ngày 07 tháng 4 năm 1954 - nguyên C phó 270 Lê Hùng Ca nhớ lại, lúc đó toàn đơn vị đang làm trên mặt đường đoạn Đèo Muồng gần tới Keo Náng sang bên kia Tuyên Quang. Ở lán dưới sâu trong rừng chỉ còn 3 anh em bị ốm và 6 anh nuôi ở nhà làm nhiệm vụ hậu cần. C phó Lê Hùng Ca đang chỉ huy sửa lại lán trại sau trận mưa to đầu mùa đêm qua, bỗng phát hiện phía ngoài có mấy người lạ đang đi lại. Anh nói nhỏ bảo cậu Diệc nuôi quân cùng 4 tay súng ra ngoài đó canh chừng.
Mấy người lạ tiếp tục đi dọc phía ngoài khu vệ sinh của từng B. Một cụ già đi trước, tay cầm gậy, quần áo nâu, khăn khoác vai, đội mũ cát, dáng vẻ rất nhanh nhẹn. Ca đờ người: “Thôi chết rồi! Bác Hồ! Bác! Đúng Bác rồi!”. Anh cố nén cảm xúc, không để lộ ra trước anh em. Ca chưa kịp định thần thì một người “lạ” đã đến ngay trước mặt Ca, nói to:
- Bác Hồ đến thăm, các đồng chí ra chào Bác đi!
Trời đất! Tất cả mấy anh em đều không tin vào mắt mình nữa! Từ ngày ra Việt Bắc, ai cũng mơ ước được gặp Bác, dù chỉ được thấy Bác từ xa cũng mãn nguyện một đời... Bây giờ Bác đang ở kia. Bác ơi! Bác giản dị quá... Chưa ai kịp trấn tĩnh, như có phép lạ, Bác đã đứng trước mặt anh em. Nhìn vào lán trại, Bác hỏi, giọng trầm ấm thân mật như ông cháu trong nhà chuyện trò với nhau:
- Các cháu ở đâu về đây? Đơn vị đi đâu cả?
- Dạ thưa Bác, anh em ra mặt đường cả, chúng cháu từ Thanh Hóa ra đây đã gần nửa năm...
- Các cháu cho Bác biết anh em ăn uống thế nào, có đủ no không, đã quen nếp sống, sinh hoạt tập thể chưa, có bị ốm đau nhiều không?
- Dạ, no đủ lắm ạ! Sinh hoạt văn nghệ, ca hát vui lắm ạ. Hiện tại chỉ có 3 người ốm thôi ạ!
- À, cháu giỏi!
Hình như thấy Ca hơi đỏ mặt, bác tươi cười:
- Bác nói vui thôi! Cháu giỏi là giỏi nói dối...
Lúc này mọi người trong lán đã ra cả đây, đứng thành một khối. Bác nhìn anh em, cái nhìn thân thương trìu mến. Bác hỏi:
- Các cháu có đồng ý với Bác không nào? Các cháu đang sức ăn sức lớn, lao động cực nhọc, chưa thể gọi là “no đủ lắm” được. Đúng không? Nhân dân ta còn nghèo, rất nghèo, lại đang phải dốc sức người, sức của cho tiền tuyến. Bác cháu ta được ăn no, ăn đủ là tốt lắm rồi. Chứ nói như cháu vừa rồi: Đã no, đủ, lại còn “lắm” nữa thì chưa phải! Ai trong lúc dân ăn chưa no mà đã “no đủ lắm rồi” là có tội với dân. Tội càng nặng, nếu do đục khoét của dân mà no đủ...
Anh em ai cũng thấm vào đầu óc từng câu, từng chữ của Bác. Riêng Ca thấy thật ân hận sao lại lỡ lời để bác phiền lòng. Mà rồi biết nói sao với anh em?
Bác lại chỉ vào Ca hỏi:
- Cháu tên gì? Có phải chỉ huy không?
- Dạ, cháu là Ca ạ! Đại đội phó ạ!
-Tốt. Cháu nói dối nhưng vì động cơ không phải cho cá nhân mình thì không có lỗi. Cháu nói với ý muốn để Bác vui lòng phải không? Bác biết cuộc sống các cháu còn nhiều khó khăn thiếu thốn chứ đã no đủ gì đâu.
Bỗng từ phía sau, cậu Tiệp cấp dưỡng tiếp luôn:
- Dạ thưa Bác, đúng ạ! Cả đơn vị chúng cháu gần 200 người, dành dụm hôm qua mổ được con lợn liên hoan. Còn một nửa để dành, định hôm nay ướp muối nấu canh ăn dần. Thịt treo dưới bếp, anh em ngủ có chuẩn bị súng ống đàng hoàng mà đêm hổ vào quắp đi lúc nào không biết! Tiếc lắm ạ!...
Có tiếng cười, lại có người giật tay Tiệp nói nhỏ:
- Sao lại nói chuyện đó với Bác?
Nhưng Bác đã nghe rõ câu chuyện. Người hiền từ nhìn các cháu khắp lượt rồi nói:
- Cháu này nói thế là tốt. Thôi được, Bác sẽ đề nghị trên Đội, trên Đoàn cố gắng bù cho các cháu số thịt “ông ba mươi” đêm hôm qua đã lẻn vào ăn trộm tiêu chuẩn của anh em. Các cháu có đồng ý không?
- Có ạ! Thưa Bác, vâng ạ!
Bác nói tiếp:
- Đơn vị các cháu phải bám đường theo tiến độ thi công nên di chuyển luôn. Nhưng vẫn phải cố gắng tăng gia, chăn nuôi, nhất là trồng rau ven suối, giảm bớt chặt phá măng rừng. Đi chưa kịp thu hái thì để lại cho dân cũng tốt. Tiện hôm nay Bác rẽ qua đây, các cháu có nhiệm vụ truyền đạt lại ý Bác tới toàn đơn vị. Bác mong các cháu ra sức thi đua sao cho không chỉ tăng năng suất trên mặt đường, mà luôn nâng cao đời sống tinh thần, văn nghệ, học văn hóa, tăng gia, chăn nuôi cải thiện đời sống. Các cháu có thay mặt đơn vị hứa với Bác được không? - Có ạ! Thưa Bác, chúng cháu xin hứa ạ!
Suốt cả buổi trưa hôm ấy không ai chợp được mắt. Tiếng chuyện trò rì rầm khắp các lán. Ban chỉ huy quyết định tập hợp toàn đại đội trước khi ra hiện trường 45 phút để C phó Lê Hùng Ca kể lại chuyện được Bác đến thăm và C trưởng Trịnh Văn Trợ phát động đợt thi đua mới lập thành tích kỷ niệm ngày sinh của Bác 19/5 sắp tới.
5 ngày sau, C270 càng rất phấn khởi nhận được một thùng mỡ Bác gửi, một quà tặng không chỉ là vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần thật to lớn. Cuộc gặp Bác lần ấy toàn đơn vị không thể nào quên.
Bác Hồ gửi tặng lưỡi câu và dây cước câu cá
Đồng chí Lam Hồng, C266 thuộc Đội 36 đã kể lại một câu chuyện cảm động về một lần gặp Bác.
Mùa thu năm 1954, sau khi làm xong cơ bản đường đèo Muồng, nối ATK Tuyên Quang với chợ Chu - Thái Nguyên, tiểu đội được giao nhiệm vụ tách khỏi đơn vị ra phụ trách bến phà qua sông Đáy trên đường đèo Cóc ra đèo Muồng đi Thái Nguyên. Phà được kéo bằng dây cáp bắc qua sông, chiều rộng chỉ trên 30m, nhưng ngày mưa lũ thì nước chảy rất ác liệt. Tiểu đội tôi đóng quân ở dãy lán dưới chân đèo Muồng có cây rừng rậm rạp che phủ, chỉ cách bến phà vài chục mét.
Vào một buổi chiều giữa tháng 7, có một chiếc xe con từ đèo Cóc đi ra, bóp còi. Chúng tôi chạy nhanh xuống phà, dùng các thanh gỗ có ngoàm móc vào cáp kéo phà sang sông để đón xe. Trên xe có 3 người: một lái xe, một trung niên và một cụ già mặc quần áo gụ, bịt khăn. Mấy anh em tôi bán tín bán nghi, nói nhỏ với nhau: "Hình như cụ già ngồi trong xe là Bác". Phà qua sông được già nửa, đồng chí Phiệt người Nghi Lộc mạnh dạn đến sát cụ già, cất tiếng: “Chúng cháu chào Bác ạ!”. “Cụ già” liền lấy khăn vắt lên vai, ân cần hỏi: “Các cháu ra đây lâu chưa?”. Nghe Bác đáp lời, mấy anh em liền ùa đến. Đồng chí A trưởng chạy lên trước, thưa với Bác: “Thưa Bác, chúng cháu vừa nhận nhiệm vụ ở bến phà này độ gần một tháng”. Bác hỏi tiếp: “Các cháu ở đơn vị nào?". Đồng chí A trưởng báo cáo: “Chúng cháu ở C266 thuộc Đội đồng chí Tạ Quang Chiến ạ”. Phà vào bến, Bác bước xuống, vui vẻ nói: “Thế thì tốt, Bác sẽ đến thăm chỗ ở của các cháu”. Đồng chí A trưởng chạy lên trước, mời Bác lên dãy lán của tiểu đội. Chúng tôi xúm quanh Bác. Bác quan sát một lượt và hỏi: “Các cháu có tổ chức tăng gia chăn nuôi, lấy măng, câu cá để cải thiện không?”. Đồng chí A phó vội đáp: "Chúng cháu mới ra ở đây có nuôi được chục con gà, lấy được nhiều măng, còn câu cá thì ở đây suối sâu có nhiều cá nhưng không có lưỡi câu, dây cước nên chưa câu được cá ạ!”. Bác ân cần hỏi thăm quê quán các đồng chí trong tiểu đội, rồi tươi cười nói: "Thế là Bác cháu ta đồng hương rồi". Trước khi ra về, Bác ân cần căn dặn: "Các cháu đảm bảo bến phà thông suốt cũng là nhiệm vụ quan trọng của cách mạng, cố gắng lập thành tích, Bác sẽ có quà". Bác ra xe. Chúng tôi chạy theo, lưu luyến tiễn Bác cho đến khi xe đi khuất mới quay trở lại bến phà, trong lòng mỗi người vẫn còn giữ nguyên nỗi xúc động khó tả.
Hai tuần sau một đồng chí cán bộ đi qua phà nói với chúng tôi: "Bác có quà cho các đồng chí đấy!". Anh em hăm hở chạy tới. Đồng chí A phó nhận gói quà, mở ra và thật cảm động, Bác gửi cho 12 lưỡi câu và 20m dây cước. Cả tiểu đội hoan hô vang dội, một đồng chí nói to: Từ nay tha hồ có cá ăn rồi. Chúng tôi vui phát khóc trước tình thương của Bác và nhờ đồng chí cán bộ đưa quà về báo cáo với Bác: "Tiểu đội Thanh niên xung phong bến phà Cóc rất phấn khởi đã nhận được quà của Bác và hứa sẽ thực hiện đúng lời Bác dạy hôm trước".
Từ đó, hàng ngày chúng tôi thay nhau câu cá và ngày nào cũng có cá ăn, hôm thì cá kho, hôm thì cá nấu canh chua. Đời sống được cải thiện rõ rệt.
Đã nhiều năm trôi qua, câu chuyện được gặp Bác Hồ và được Bác gửi cho dây cước, lưỡi câu để câu cá mãi mãi là dấu ấn sâu sắc không bao giờ phai mờ trong ký ức tiểu đội Thanh niên xung phong C266 ở bến phà Cóc của chúng tôi.
Lê Huy Lanh - Cựu TNXP (Sưu tầm và giới thiệu)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...