Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
00:42 (GMT +7)

Bác Hồ - Người xây dựng quan hệ Việt - Mỹ

VNTN - Hồ Chủ tịch là người xây dựng quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Ngay từ năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cánh cửa ngoại giao Việt - Mỹ đã được mở ra, nhưng oái oăm của lịch sử, mối quan hệ ấy sau 50 năm sau mới thành hiện thực (ngày 12/7/1995).

Để đến được kết quả đó, lịch sử quan hệ Việt - Mỹ đã phải vượt chặng đường dài đến 200 năm, kể từ khi hai quốc gia Việt Nam và Mỹ biết đến nhau, bắt đầu từ các quan hệ khác chứ chưa phải là quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước.

 

Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp và nhóm tình báo Con Nai (Mỹ) tại Tân Trào (7-1945). Ảnh tư liệu lịch sử.

Trong quan hệ Việt - Mỹ, Bác Hồ không phải là người đầu tiên đến nước Mỹ. Trước Bác đã có Trần Trọng Khiêm (Lê Kim), Bùi Viện… Bác Hồ cũng không phải là người đầu tiên viết về nước Mỹ, bởi viết về nước Mỹ trước Bác là cụ Phan Bội Châu. Và người Mỹ đầu tiên có tác động và ảnh hưởng đến Cụ Phan là Washington. Từ thế kỷ XVII các giáo sĩ phương Tây khi sang các nước Đông Á truyền đạo đã tuyên truyền hình ảnh Washington - Người cha đẻ ra nước Mỹ với tất cả những phẩm tốt đẹp và tài năng uyên bác của vị Tổng thống khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Từ năm 1838 báo chí Trung Quốc đã đăng tải những bài viết ca ngợi Washington. Báo “Đông Tây dương khảo” đã đăng “Giản lược ngôn hành Washington” liên tục trong nhiều tháng, coi Washington như là “Nghiêu Thuấn”. Cụ Phan Bội Châu đến Trung Quốc hoạt động cách mạng đã đọc những số báo này. Trong những trang hồi ký của mình, “Phan Bội Châu niên biểu” cho ta thấy, trong những ảnh hưởng của văn hóa thế giới đối với Cụ, có cả văn hóa Mỹ. Điều này thể hiện rõ nhất ở tác phẩm “Sùng bái giai nhân” được Cụ viết năm 1907. Trong tác phẩm Cụ gọi Washington là giai nhân. Cụ ca ngợi “Ngày nay tất cả các nước trong năm châu đều công nhận, một vĩ nhân đứng vào bậc nhất thế giới, đó là Washington. Anh em chúng ta say mê muốn học tập, chẳng có ai hơn Washington”. Ở tác phẩm này Cụ Phan đã viết lại sự nghiệp và công lao của Tổng thống Mỹ để rồi kêu gọi, thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam “Ôi, tệ thật! Chẳng lẽ đất nước này không có một Washington hay sao?”. Cụ Phan cũng cho ta biết là Cụ đã đọc tác phẩm Washington tự truyện rồi rút ra những bài học thiết thực, nhất là tư tưởng cách mạng của Washington (1).

Năm 1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã đi khắp thế giới. Quá trình hoạt động cách mạng ở Pháp, Bác đã tiếp xúc với lịch sử, văn hóa, chính trị… của nước Mỹ. Thời gian ấy Bác đã đến các nước châu Âu, sang châu Phi và châu Mỹ.

Động lực đã thôi thúc Bác quyết định đến Mỹ là để học hỏi kinh nghiệm tìm ra con đường thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do cho đồng bào mình. Năm 1912 Bác đã đến nước Mỹ. Bác đã sống ở thành phố Boston (bang Masachusetts) là nơi nổ ra cuộc cách mạng Mỹ lật đổ thực dân Anh, giành độc lập cho nước Mỹ. Bác đến đây để nghiên cứu và thấm hơn bản Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", mà sau này Bác đưa vào Tuyên ngôn độc lập của nước ta ngày 2/9/1945.

Người ở lại làm việc ở đây một thời gian. Người làm thuê, bốc dọn hàng rau quả và làm bánh (được gọi là busboy) ở khách sạn Hommi Parker ngay trung tâm thành phố, bên cạnh nghĩa trang Quốc gia, nơi yên nghỉ của các danh nhân và nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Mỹ. Ở đây Bác đã chứng kiến đảng 3K hành hình người da đen hết sức man rợ. Ấn tượng kinh hoàng đó ám ảnh trong tâm trí của Bác, sau này Bác đã kể lại với những chi tiết sinh động trong một bài báo: Hành hình kiểu Linsơ (Báo Dieweltribune ngày 9/10/1924).

Bác cũng đã đến New York, ở đây Bác giúp việc cho một gia đình khá giả với 40 đô la tiền lương một tháng. Ngoài thời gian lao động Bác tham dự các buổi họp của những người hoạt động xã hội là người da đen tổ chức. Bác kể lại những ngày ở New York, bác đã đến ngắm tượng Nữ thần tự do và thấy vòng nguyệt quế trên đầu bà tỏa ánh sáng tự do lên trời cao nhưng cũng thấy bóng đen dưới chân tượng, ấy là nước Mỹ vẫn có bất công, bóc lột. Bác cũng đến khu Manhatan với những tòa nhà chọc trời, đi trên đường phố ngửa mặt nhìn lên cũng không thể thấy bầu trời, và Bác cũng đã đến với người dân sống chui rúc ở khu ổ chuột Harlem chứng kiến cuộc sống nghèo đói lầm than của người Mỹ.

Thời gian ở Mỹ, từ Boston Bác Hồ có gửi bưu thiếp sang Pháp cho Cụ Phan Chu Trinh. Từ New York Bác Hồ có gửi thư cho Toàn quyền Pháp tại Trung Kỳ, thư đề ngày 15 tháng 12 năm 1912. Cả bưu thiếp và thư đều có đóng dấu bưu điện của Mỹ.

Rời nước Mỹ, trở lại châu Âu, Bác đã thành lập Hội người Việt Nam yêu nước ở Pháp, và năm 1919 Người thay mặt Hội gửi đến Hội nghị quốc tế Vécxây Bản Yêu sách 8 điểm đòi Tự do cho Việt Nam. Hội nghị này nhằm phân chia thị trường của phe chiến thắng trong Thế chiến I và người có tiếng nói quan trọng nhất là Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson Bản Yêu sách 8 điểm do Nguyễn Ái Quốc ký tên đã được gửi đến Hội nghị và Tổng thống Mỹ. Người Mỹ đã biết đến Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam từ đó.

Đến năm 1941 Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và lại tiếp tục mối quan hệ với nước Mỹ.

Với nhãn quan chính trị sắc bén và tài tiên tri của mình, Bác đã tiên liệu về kết cục của Chiến tranh Thế giới thứ II với chiến thắng của Quân Đồng minh trước hiểm họa của phát xít Đức, Ý, Nhật. Bác Hồ đã nhận thức được vai trò và ảnh hưởng của Mỹ đối với thế giới và châu Á. Khi bị Nhật đánh tơi bời ở Trân Châu Cảng (1941), quân Mỹ tham chiến ở châu Á, cũng là lúc Bác Hồ tìm mọi cơ hội để liên lạc với Mỹ. Người đã tìm nhiều cách và tranh thủ sự giúp đỡ của Mỹ, muốn họ ủng hộ và công nhận vai trò của tổ chức yêu nước là Mặt trận Việt minh. “Việt Minh ở Nam Bộ đã liên lạc được với nhiều người Mỹ bị bắt giam ở Sài Gòn”. Bác đã cung cấp cho quân đồng minh chống Phát xít những tin tình báo quan trọng của quân đội Nhật ở Đông Dương. Bác cũng chỉ thị cho Việt Minh phải chú ý giúp đỡ những phi công Mỹ bị quân Nhật bắn rơi. Bác còn viết bài báo có tranh minh họa hướng dẫn cách cứu phi công Mỹ và ca dao: “Bộ đội Mỹ là bạn của ta. Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh…”. Đặc biệt là vào tháng 3 năm 1943 khi xảy ra sự kiện một chiếc máy bay của Mỹ do trung uý phi công Wiliams Shaw bị Nhật bắn rơi. Shaw được Việt Minh cứu và đưa đến gặp Bác. Sau đó, chính Bác đã dẫn Shaw sang Côn Minh và tận tay trao lại cho tướng Chennault, Tổng Tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc. Hai bên đã đặt quan hệ hợp tác chống Nhật. “Người Mỹ ở Côn Minh đến gặp Cụ Hồ để cám ơn đã giúp một đồng ngũ của họ và gửi Cụ Hồ thuốc men, tiền bạc để tặng những người Việt Minh đã tham gia vào việc cứu thoát người phi công. Cụ Hồ nhận thuốc nhưng không nhận tiền”(2).

Ngay sau đó, quân đội Mỹ đã cử một đơn vị thuộc lực lượng OSS (Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA) sang Tân Trào với một số trang bị - đơn vị mang tên Con nai đến huấn luyện kỹ thuật vô tuyến điện và quân sự cho 40 du kích của Việt Minh. Tại Tân Trào, cách lán của Hồ Chí Minh vài trăm mét là lán của Đồng minh.

Bác Hồ đã làm cho người Mỹ hiểu hơn về Việt Minh và cuộc chiến đấu giành độc lập của người Việt Nam.

Ngày 29/8/1945, Bác đã mời Archimedes L.A.Patti (Trưởng phòng Đông Dương của cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS ở Hoa Nam) là người nước ngoài duy nhất đến nhà 48 phố Hàng Ngang nghe dự thảo bản Tuyên ngôn Độc Lập và trao đổi một số vấn đề, trong đó có việc tổ chức ngày Lễ tuyên bố Độc lập ngày 2/9/1945. Trong buổi lễ trang trọng này, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu "Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã xác định: “Đối với Mỹ, việc ngoại giao mới có đôi phần kết quả, cần phải nhanh chóng tiến tới để Mỹ chính thức công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và giao hòa với chúng ta”. Người đã tiếp xúc với tướng Gallagher - lúc bấy giờ đang đứng đầu phái bộ quân sự Mỹ tại Hà Nội. Cũng trong năm này Bác đã tiếp đón các nhân vật quan trọng của Chính phủ Mỹ như: Low Moffat, Trưởng ban Đông Nam Á (Bộ Ngoại giao Mỹ) tại Hà Nội. Trong dịp sang thăm nước Pháp và ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, Bác Hồ đã tranh thủ gặp ông George, Bí thư Đại sứ quán Mỹ ở Paris. Trong bản báo cáo của một nhà ngoại giao Mỹ gửi Tổng thống Hoa Kỳ năm 1946, có đoạn: “Hồ Chí Minh là một người cộng sản. Nhưng trước hết ông là nhà yêu nước nhiệt thành, muốn xây dựng một nhà nước Việt Nam có tính dân tộc cao”.

Bác Hồ cũng đã chủ động tiếp xúc, trao đổi với các sĩ quan Mỹ ở Hà Nội như thiếu tá Thomas, thiếu tá Archimedes L.A.Patti… để chuyển thành ý của Chính phủ Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của Tổng thống H. Truman. Ngày 1/11/1945, trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn “gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”. Qua đó cho thấy sự khéo léo và tầm nhìn của Người trong quan hệ với Mỹ.

Đầu năm 1946 Bác Hồ thành lập Việt - Mỹ thân hữu hội, tiền thân của Hội Việt - Mỹ hiện nay. Hội có những lớp dạy tiếng Anh và tổ chức những cuộc nói chuyện về văn hóa Mỹ. Hội cũng có những lớp dạy tiếng Việt cho người Mỹ. Hội giúp đỡ các bạn học sinh Việt Nam muốn sang Mỹ học tập và tổ chức dịch sách Mỹ, Việt để truyền bá văn hóa, phong tục của hai dân tộc Việt - Mỹ.

Chỉ trong năm 1945 và 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thông điệp, thư, điện cho Tổng thống Mỹ H. Truman, gửi 3 thư và điện cho Ngoại trưởng Mỹ James Byrner. Ngoài ra Bác nhiều lần gửi thư cho Liên Hiệp Quốc (thực chất là cho Tổng thống Mỹ, bởi Mỹ là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ). Qua đó cho thấy Bác Hồ đã hết sức quan tâm tìm kiếm và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Mỹ.

Tuy vậy, có lẽ cái duyên chưa tới. Sau đó là cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp do Mỹ ủng hộ và 30 năm chiến tranh xâm lược Việt Nam do Mỹ gây ra (1954- 1975), quan hệ giữa hai quốc gia bị ngưng trệ. Dù vậy, trước khi mất 7 ngày Bác Hồ vẫn gửi thư cho Tổng thống Mỹ R. Nixon, trả lời thư ông gửi Bác ngày 15/7/1969 nêu nguyện vọng muốn đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh. Trong thư Bác Hồ nêu rõ thiện chí của nhân dân Việt Nam trong việc giải quyết cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra và yêu cầu Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược.

(1) Xem Lê Đình Cúc (2005) Một số vấn đề văn hóa Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nxb. KHXH, tr.323-325.

(2) Trần Dân Tiên (2015), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, tr.133.

Lê Thị Hạnh Liên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy