Bà Nguyễn Thị Kim Ngân ba lần dẫn đầu số phiếu tín nhiệm cao
VNTN - Chiều nay 25/10/2018, Quốc hội đã thực hiện xong hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng: lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đặc biệt quan trọng là thông điệp được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh khi nhắc đến việc lấy phiếu tín nhiệm, trong phát biểu khai mạc kỳ họp đang diễn ra của Quốc hội.
Vẫn theo phát biểu của Chủ tịch thì hoạt động giám sát đó thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là người hai lần dẫn đầu về số phiếu "tín nhiệm cao" khi lấy phiếu tại nhiệm kỳ trước của Quốc hội. Lúc đó bà đang ở cương vị Phó chủ tịch Quốc hội.
Lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được 437 phiếu tín nhiệm cao, dẫn đầu về tỷ lệ này. Chủ tịch Quốc hội được 34 phiếu tín nhiệm và 4 phiếu tín nhiệm thấp.
Như vậy, cả ba lần lấy phiếu, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều dẫn đầu về số phiếu tín nhiệm cao.
Người đứng đầu Chính phủ cũng là người được tỷ lệ tín nhiệm cao cao nhất khối này: 393 phiếu. 68 vị đại biểu dành cho Thủ tướng mức tín nhiệm còn 14 vị tín nhiệm thấp.
Dẫn đầu về số phiếu tín nhiệm thấp là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ, 137 phiếu (140 phiếu tín nhiệm cao và 194 phiếu tín nhiệm).
Sát vị trí Bộ trưởng Nhạ về tỷ lệ tín nhiệm thấp là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể với 107 phiếu (142 tín nhiệm cao và 221 tín nhiệm).
Tỷ lệ tín nhiệm rất khác nhau, song cả 48 vị không có ai rơi vào trường hợp phải chuyển sang để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định tại nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn: có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp".
Cũng không có vị nào rơi vào trường hợp quy định tại điều 10 của nghị quyết này: "Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “không tín nhiệm” thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó".
Kết quả lấy tín nhiệm lần này so với hai lần lấy phiếu tín nhiệm ở nhiệm kỳ trước cho thấy, cho dù người đứng đầu là cũ hay mới thì giáo dục, y tế vẫn là những lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Việc chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm lần này, theo đánh giá của một số vị đại biểu tái cử, những người có điều kiện để so sánh với hai lần trước thì ngoài việc báo cáo của những người được lấy phiếu được gửi sớm hơn một chút thì không có gì mới.
Đại biểu Dương Trung Quốc, người có số ghế liên tiếp bốn nhiệm kỳ của Quốc hội băn khoăn rằng khi tất cả thông tin đến đại biểu chỉ là những bản báo cáo ngắn không có kiểm định thì liệu rằng đánh giá của đại biểu có phải tiếng nói của cử tri hay không? Tuy nhiên, theo "ông nghị" Dương Trung Quốc thì "đương nhiên làm còn hơn không làm".
KẾT QUẢ CHI TIẾT:
[embeddoc url="https://vannghethainguyen.vn/uploads/2018/10/NghiQuyet-25.10.2018.doc" download="all" viewer="microsoft"]
Trúc Bạch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...