Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:45 (GMT +7)

Ánh trăng đầu ngõ

Truyện ngắn dự thi. Lục Lam

VNTN - Muốn ốm chẳng dễ chút nào mày ạ. - Thằng Quân nhai nhóp nhép miếng kẹo cao su, ra vẻ người lớn thở dài cái thượt.

- Hâm à? Sao lại muốn ốm? - Con Thùy ngạc nhiên.

- Được ốm thích lắm. Mày không biết à? - Thằng Quân trợn mắt nói. - Thấy con Vi nhà ở đầu ngõ không? Ốm được nghỉ học này, được mọi người xúm lại quan tâm, chăm sóc này. Hơn hết còn được ăn bao nhiêu là đồ ngon. Mày không biết đó thôi. Nó thích ăn gì được cái đó, lại còn được phục vụ tận nơi. Tao đi qua từng nhìn thấy rồi. Cái đống bánh kẹo của nó phải xếp đầy cả một giường ấy.

- Ừ. Nghe cũng thấy sướng thật. - Con Thùy phụ họa theo.

Đó là những ngày đầu tháng chín. Năm học mới đã bắt đầu. Và với dư âm của đợt nghỉ hè vẫn còn đậm nét, chẳng đứa trẻ con nào ở cái ngõ nhỏ ấy muốn phải đi học cả. Tưởng tượng như thể đang được bay nhảy tự do, tự nhiên đùng một cái đã phải ăn chậu ở lồng, giờ giấc phải theo quy định.

Cái Vi, hay như lũ trẻ đôi khi còn gọi là “Vi mèo hen”, nhỏ hơn Quân một tuổi, là đứa ở bên cạnh nhà thằng Quân. Con nhóc dăm bữa nửa tháng lại ốm. Nhà có điều kiện, lại là con một, Vi được cưng chiều như một cô công chúa.

Công chúa sống ở ngôi nhà bốn tầng to tướng, cao ngất đầu ngõ. Bao quanh “hoàng cung” ấy là hàng rào sắt uốn cao vút, những tán cây xum xuê che phủ. Nghe nói “phụ hoàng và mẫu hậu” của công chúa hay đi công tác. Nhà thường xuyên chỉ có Vi và bà Sáu ở. Thằng Quân từng tự hỏi sao bà của cái Vi lại hiền thế, cái gì cũng cưng chiều nó, làm tất cả mọi việc cho nó, Vi thích ăn gì là sẽ tìm mua thứ đó. Thật chẳng giống bà nhà thằng Quân tẹo nào. Sau này thằng Quân mới biết, bà Sáu hiền từ như bà tiên hóa ra là bà giúp việc.

Nhà thằng Quân có tận sáu người. Bà nội, bố, mẹ, Quân và hai đứa em gái. Là anh cả, Quân nghiễm nhiên phải luôn làm gương cho các em. Không được nghịch phá, không được tranh giành, cái gì cũng phải nhường các em trước. Các em khóc Quân sẽ bị lôi ra hỏi tội đầu tiên, có tranh chấp gì, Quân cũng phải chịu trách nhiệm trước.

Bà đã già, bố mẹ lại đi làm theo ca nên việc nhà hầu hết do Quân đảm nhiệm. Nó lại được trời phú cho sức khỏe tốt. Nói dân dã là kiểu mình đồng gan cóc, quanh năm chả biết ốm đau là gì.

Sáng nay Quân đã lén bôi dầu gió đầy người, giả vờ đau đầu nhức mỏi, mẹ gọi mãi vẫn cố nhắm mắt không dậy. Mẹ nó ngọt nhạt, dỗ dành đủ kiểu nhưng nó nhất quyết vẫn diễn cho chót. Ai dè, vừa nghe tiếng bố nó đi lấy roi, thằng nhóc đã quên béng, giật mình bật dậy như cái lò xo. Khuyến mãi theo đó là vài con lươn to tướng.

Con Vi lại ốm rồi. Thằng Quân biết thế khi nhìn cái dáng bà Sáu tất tả xách cái cặp lồng ra đầu ngõ.

Thằng Quân xoa mông, nhớ lại mấy cái cán chổi bố đã “tặng” nó hồi sáng. Con Vi từng nói, bà Sáu bảo người ốm ăn phở dễ nuốt hơn, cũng dễ khỏi bệnh. Quân chép miệng, chắc cũng chỉ có con Vi mới ngây thơ nghĩ đó là thật.

- Tóm lại. Được ốm hẳn là thích lắm. - Thằng Quân ca thán.

- Mày giả vờ ốm thì không được đâu. Sao không hỏi cái Vi làm sao nó lại ốm được? - Con Thùy chen vào.

- Tao hỏi rồi. Nó nói nó đi ngoài nắng chơi một lúc, ngấm nước mưa một chút, ăn cái gì đó là lạ là đã ốm ngay. Chẳng hiểu làm kiểu gì mà tài vậy. Tao thử theo mà mãi không được nên mới đành giả vờ.

***

Nhà con Thùy ở tít trong ngõ. Căn nhà ống nhỏ xíu hầu như lúc nào cũng khép cửa. Bố mẹ Thùy đi làm ăn xa, gửi nó ở nhà người bác. Bác Thùy bán hàng ngoài chợ, đi sớm về muộn, đầu tắt mặt tối, hầu như chẳng có mấy thời gian để ý đến nó.

Thành phố thật kì lạ. Đường phố thì lúc nào cũng tấp nập, dòng người hối hả giữa đường phố quanh co. Còn trong những ngõ nhỏ như thế này, chẳng hiểu sao lại chẳng có được sự đông vui ấy. Cứ lúc sáng sớm, mọi người lại vội vã ra đường. Những cánh cổng đóng kín. Chỉ còn chừa lại vài đứa trẻ chơi đùa tha thẩn.

Con Thùy hay chơi đồ hàng. Nhưng nó thích nhất là chơi trò gia đình. Trải mấy cái túi bóng lớn ra. Thùy đóng vai mẹ, thằng Quân đóng vai bố, mấy con búp bê thì là các con. Rồi bố mẹ ở nhà chăm các con, nấu ăn, bón cơm, cặp nhiệt độ nếu con bị ốm. Nhưng chơi trò đó thì không được lâu lắm. Vì chỉ chốc chốc thằng Quân lại bị bà nó gọi về.

Hôm nay cũng vậy, thằng Quân phải ở nhà chép phạt vì bị điểm kém. Thế là con Thùy lại chơi một mình.

Nắng tháng chín rọi xuống cái ngõ nhỏ. Nhà con Thùy ở trong cùng, trước cửa nhà nhìn thẳng ra con đường bê tông xám xịt dài thượt. Không có ai chơi cùng cũng chán. Mà ở chỗ hiên nhà này càng tĩnh mịch đến lạ lùng. Con Thùy thu xếp mấy món đồ chơi vào túi bóng, đi ra đầu ngõ, nơi đó gần con đường chính hơn.

Đầu ngõ nhà cái Vi đầy những gốc cây lâu năm xòe bóng mát. Có cả một cây trứng cá rõ to, tán lá xòe ra che bóng mát cả một khoảng rộng bên ngoài hàng rào. Con Thùy để túi đồ chơi xuống, ngước mắt nhìn lên cây trứng cá, quả đỏ len lỏi giữa tầng lá xanh như những đốm lửa nhỏ xíu. Con Thùy không với lên được, cũng không có que để chọc. Nó ngẫm nghĩ, tháo dép ra ném lên tán cây. Tàng cây rung rinh, xốn xao. Quả nhỏ nên khó ném trúng, một lúc lâu con Thùy mới làm rụng được một nhúm quả.

- Chị ơi. Chị làm gì thế?

Tiếng nói nhỏ nhẹ vang lên làm con Thùy giật mình, nó quay người lại nhìn. Là cái Vi ở bên kia hàng rào, con nhỏ mở đôi mắt ra tò mò. Nhìn mấy quả trong tay Thùy.

- Chị nhặt mấy quả đấy làm gì?

- Để ăn chứ để làm gì. Sao mày hỏi ngốc thế. - Con Thùy nhìn con búp bê tóc vàng lấp lánh trên tay cái Vi, trả lời.

- Quả đấy ăn được ạ? Em chưa ăn bao giờ. Chị cho em một quả với.

Con Thùy nhìn mấy quả trứng cá lấm bụi trên tay mình, hơi ngần ngừ. Rồi nó lấy vài quả, lau nhẹ vào tà áo cho sạch, để vào bàn tay đang xòe rộng của cái Vi. Vi ngắm nhìn quả trứng cá như thứ gì đó đẹp đẽ lắm rồi mới ăn.

- Ôi ngọt thế. Nhà có cây ngon thế này sao em lại không biết  nhỉ? - Vi xuýt xoa.

Con Thùy không nói gì. Nó xỏ dép vào, quay lại chỗ túi đồ chơi.

- Chị chơi gì thế? Em chơi với! - Cái Vi lại nói.

Con Thùy không thích cái Vi lắm. Còn cái Vi không hiểu sao lại rất thích nói chuyện với con Thùy.

- Mày có ra được ngoài đâu. Làm sao mà chơi được. - Con Thùy nói.

- Em với chị chơi bán hàng cũng được mà. Cho em chơi với chị nhé. Đi mà chị…

- Vi ơi. Làm gì ngoài đó thế con? Vào nhà mau lên, không lại ốm bây giờ. - Đúng lúc này thì tiếng bà Sáu vang lên.

- Dạ. Con vào đây. - Cái Vi trả lời. Nó quay sang con Thùy, nói cố. - Em phải vào rồi. Mai em xin bà Sáu ra ngoài chơi với chị nhé?

Con Thùy ngần ngừ gật đầu. Nó nhìn bóng cái Vi mất hút dần sau tán cây rậm rạp. Thu xếp lại túi đồ, nó ra khỏi tán cây, tìm chỗ khác để chơi. Màu nắng dần đậm, chẳng hiểu sao con Thùy lại chọn chỗ nắng nhất mà ngồi chơi. Nó cứ tha thẩn chơi cả buổi chiều.

Hôm sau, con Thùy ốm thật. Bác nó mua thuốc cho nó, phần lại phần cơm trên bàn, dặn dò nó vài việc, rồi cũng tất bật cho buổi chợ sớm. Con Thùy nằm một mình trong nhà. Quay mặt vào tường, nghĩ miên man gì đó rồi ngủ thiếp đi mất.

Tiếng đập cửa nhè nhẹ làm con Thùy tỉnh giấc.

- Thùy ơi! Thùy ơi! - Là tiếng thằng Quân.

- Cửa khép đấy. Vào đi. - Con Thùy thều thào trả lời.

Thằng Quân bước vào nhà, trên tay là một cái túi nhỏ. Nó bước lại giường, nhìn con Thùy hỏi han.

- Mày đỡ chưa?

- Đỡ rồi. Tao chỉ bị sốt nhẹ thôi.

- Tao có quà cho mày đây. - Thằng Quân hồ hởi, lấy từ trong túi ra mấy gói bim bim. - Cái Vi cũng gửi quà cho mày nữa. - Thằng Quân chép miệng, lấy từ túi ra một gói phở ăn liền. - Để tao nấu cho mày.

Con Thùy nhận lấy bát phở từ tay thằng Quân. Món phở với nước chưa đủ nóng, dai nhách, nước cũng nhạt thếch.

- Con Vi bảo không giống lắm, nhưng chắc cũng có tác dụng như nhau. - Thằng Quân nói.

- Ừ, ngon lắm. - Con Thùy nói.

Thằng Quân cười toe. Còn con Thùy, không hiểu sao lại như muốn khóc.

***

Trung thu năm nay Vi được bố mẹ mua cho rất nhiều quà. Lồng đèn, bánh kẹo, lại cả một đống đồ chơi mới cứng. Vi vui lắm. Nhưng trước hôm Trung thu, bố mẹ phải đi công tác, Vi lại bị sổ mũi. Bà Sáu theo lời bố mẹ, nhất định không cho Vi ra đường rước đèn cùng các bạn.

Tiếng đám rước ngoài đường vọng vào làm Vi sốt ruột. Len lén bà Sáu ra ngoài ban công, nhìn đoàn rước đèn, múa lân đánh trống ầm ĩ đang nối đuôi nhau đi ngoài đường. Tiếng người nói ồn ã, vui lắm. Vi cứ nhìn mãi cho đến khi họ đi xa dần, lòng cứ ngẩn ngơ.

- Vi ơi, vào ăn bánh này con. - Bà Sáu lại gần gọi Vi.

Vi tiu nghỉu, đi vào phòng khách cùng bà Sáu. Trên bàn nhiều đồ ăn, toàn những món đắt tiền mà mẹ Vi đã chọn lựa kĩ càng. Bà Sáu đưa Vi một miếng bánh trung thu. Vi cầm lấy nhưng không ăn, lại để nó vào đĩa. Trong ti vi người ta đang ca hát rất vui, ngoài đường cũng tíu tít tiếng trẻ con.

Đã muộn. Bà Sáu giục Vi đi ngủ sớm, mai còn đi học.

Tiếng chuông cửa vang lên. Bà Sáu đi ra ngoài, dặn Vi đánh răng trước khi đi ngủ. Vi nghe tiếng cười nói ngoài đường đã thưa hơn, chán nản đi lên phòng mình.

- Vi ơi, ra có bạn gửi quà này con. Bà Sáu đi vào nhà, gọi Vi.

Vi quay lại, thấy trên tay bà Sáu là một túi bánh kẹo nhỏ, là quà mọi người phát cho trẻ con ở nhà văn hóa.

- Ai gửi cháu thế hả bà? - Vi hỏi, vui mừng nhận lấy túi quà ngắm nghía.

- Là bạn Quân ở ngõ mình. Bà nghe nó nói Thùy đã dặn nó nhất định phải nhận quà cho Vi đấy.

Vi mỉm cười, ôm túi quà vào lòng.

Vầng trăng mùa thu tròn vành vạnh trên trời, tỏa sáng dịu dàng khắp ngõ nhỏ.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước