Ảnh nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên 2018: Không chỉ “đẹp” mà còn cần phải “hay”
VNTN - Mỗi khoảnh khắc lọt vào ống kính máy ảnh, như một cách thức ghi chép hiện thực đời sống chân thật, sinh động. Song việc thể hiện cái đẹp theo cách nhìn đơn thuần là “đẹp” thôi thì chưa đủ. Chúng ta có thể mong muốn nhiều hơn về những tác phẩm “đẹp” và “hay”, tại sao không?
Với chủ đề “Ảnh đẹp du lịch Thái Nguyên”, Cuộc thi sáng tác và triển lãm ảnh nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2018 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã tạo được sức hút khá mạnh mẽ. Sau hơn 5 tháng phát động, đã có gần 1.000 tác phẩm của 40 tác giả gửi tham gia dự thi. Ban Giám khảo đã chấm chọn ra 150 tác phẩm triển lãm, chọn bộ giải gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Ngày 11/12 vừa qua, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ban Tổ chức (BTC) đã tiến hành trao thưởng và triển lãm tác phẩm, trưng bày phục vụ thưởng lãm đến hết ngày 15/12/2018.
Giải Nhất: Mời trà Công nương Malaysia (Minh Lập)
Năm nay, cuộc thi có điểm mới so với các năm trước, đó là có chủ đề riêng, chuyên về ảnh du lịch. Đơn vị tổ chức mong muốn xây dựng ngân hàng dữ liệu ảnh đẹp về du lịch Thái Nguyên phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh; thu hút du khách trong nước và quốc tế khám phá những phong cảnh, văn hóa truyền thống, con người Thái Nguyên… Bám sát chủ đề này, các tác giả đã tập trung giới thiệu những hình ảnh đẹp về danh lam thắng cảnh; các di tích văn hóa lịch sử, lễ hội, văn hóa ẩm thực; các điểm đến du lịch, hình ảnh con người Thái Nguyên thân thiện, luôn sẵn lòng chào đón và phục vụ khách bốn phương; đồng thời phản ánh những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế - giáo dục, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, tiến trình xây dựng nông thôn mới,… của tỉnh Thái Nguyên trong những năm đổi mới…
Xét về cả chất và lượng, theo đánh giá từ BTC cuộc thi thì năm nay hơn hẳn các năm trước. Tác phẩm ảnh phong cảnh chiếm ưu thế vượt trội. Theo quan sát (PV), thì có khoảng trên 50% số ảnh được chọn trưng bày là ảnh phong cảnh. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi phong cảnh là thể loại sát thực nhất, dễ diễn đạt nhất với chủ đề du lịch. Các điểm đến như Hồ Núi Cốc, thác Mưa Rơi, đồi chè… được khai thác ở nhiều góc độ. Đặc biệt có nhiều tác phẩm chụp bằng Flycam tạo được những góc nhìn rất mới và độc đáo, có thể kể đến như: “Đảo nhỏ trong nắng chiều”; “Bình minh thác Mưa Rơi” (Trần Đoàn Huy); “Bức họa đồng quê” (Trần Văn Minh)…
Giải Ba: Dưới làn mây trắng (Trần Văn Minh)
Thái Nguyên được biết đến là quê hương Đệ nhất danh trà, vì thế, mảng sáng tác về chè rất phong phú và đa dạng. Không chỉ có các tác giả đã quen tên trong giới nhiếp ảnh Thái Nguyên với những tác phẩm chụp về chè ghi dấu ấn trong tỉnh, trong khu vực như NSNA Đồng Đăng, Đỗ Anh Tuấn, cuộc thi có sự xuất hiện của những người trẻ như Dương Hoài Vũ, Trần Văn Minh, Trần Đoàn Huy, Nguyễn Tiến Phong…; với tư duy mới mẻ, họ đã tạo ra những khoảnh khắc phong cảnh chụp về chè khiến người xem mãn nhãn. Không chỉ thể hiện cảnh đẹp của những đồi/vạt chè mướt mát, các tác giả còn khai thác khía cạnh văn hóa và đời sống trà Thái Nguyên; với những tác phẩm chụp về chế biến chè, mời trà, trà nương, đưa sản phẩm trà đến bạn bè quốc tế,… tiêu biểu như: “Đóng gói chè” (Vũ Kim Khoa); “Thưởng trà” (Âu Ninh)…
Bám sát nhịp sống đời thường, có các tác phẩm thể hiện về những lễ hội văn hóa dân tộc như Lễ hội Lồng tồng Định Hóa; ngày hội dân tộc Mông…; các làng nghề, đặc sản ẩm thực Thái Nguyên như: “Bánh chưng Bờ Đậu” (Đỗ Anh Tuấn); “Sắc màu làng nghề” mây tre đan (Phan Bảo); “Làm tương thủ công” (Trần Văn Minh)… Tuy nhiên mảng đề tài này lượng ảnh có tỉ lệ khiêm tốn, chưa nổi bật và cũng chưa có những góc nhìn độc đáo…
Một điểm mới nữa của cuộc thi năm nay đó là việc BTC khuyến khích các tác giả dự thi ảnh bộ. Ảnh bộ hiện là xu hướng của nhiếp ảnh đương đại thế giới, song thể loại này tương đối khó và mới mẻ ở Việt Nam. Ở Thái Nguyên cũng ít người theo đuổi săn ảnh bộ, nên chỉ có khoảng 15 bộ ảnh được gửi tham dự. Lọt vào trưng bày có bộ ảnh “Làng nhà sàn Thái Hải” của tác giả Đỗ Anh Tuấn; “Lễ hội trà Thái Nguyên” của Trần Thanh Huyền. Chỉ tiếc là khi sắp xếp trưng bày, các bộ ảnh phân tán, không được treo cùng một khu nên người thưởng lãm khó để xem trọn vẹn.
Giải Nhì: Tuổi thơ núi (Đồng Đăng)
Tác phẩm “Mời trà công nương Malaysia” của tác giả Minh Lập đoạt giải Nhất cuộc thi. Thể hiện khoảnh khắc mời trà và thưởng trà Thái Nguyên của trà nương và công nương Malaysia. Bức ảnh mang ý nghĩa về nội dung, quảng bá hình ảnh trà Thái Nguyên đến bạn bè quốc tế. Tuy vậy, một số ý kiến của người thưởng lãm cho đây là khoảnh khắc không quá khó chụp, bố cục bức ảnh, biểu cảm nhân vật trong ảnh chưa thực sự khiến người xem ấn tượng.
Có thể nói rằng, cuộc thi đã khá thành công khi có được số tác phẩm chọn trưng bày tương đối đồng đều về chất lượng; nổi bật được chủ đề. Tuy nhiên, không khó để người xem nhận ra sự lặp lại, những bức ảnh na ná nhau, thậm chí cùng một cái “Giếng làng” có 2 tác phẩm “gần” nhau của tác giả Phùng Văn Long và Đỗ Anh Tuấn. Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa có 2 bức chụp tương đồng về góc độ, bố cục của tác giả Phương Đông… Nhiều ảnh phong cảnh Hồ Núi Cốc đẹp và được chụp ở các góc chụp khác nhau, nhưng do lựa chọn trưng bày khá nhiều nên không tránh khỏi sự nhàm chán. Hạn chế nữa là dù tác phẩm đẹp, song tác giả chưa thực lưu tâm đến việc đặt tên cho tác phẩm. Ví như ảnh chụp cảnh thành phố Thái Nguyên đã lên đèn nhưng tít ảnh lại là “Ánh điện trong mây”; chụp một góc dân cư vùng Hồ Núi Cốc thì đặt tên là “Tiềm năng du lịch Hồ Núi Cốc”…
Thái Nguyên ngoài những vẻ đẹp của Núi Cốc, của chè xanh, còn rất nhiều tiềm năng, là những Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, Hồ Ghềnh Chè, đặc sản cơm lam Định Hóa, trám đen Hà Châu, na La Hiên, tương nếp Phú Bình, làng hoa Túc Duyên, nghề làm hương,… Quảng bá về du lịch không tách rời các nét văn hóa đậm bản sắc vùng miền. Chính vì thế, những tác phẩm không chỉ cần đẹp, mà cần cái hồn cốt, cần cái “hay” đồng hành nữa. Hi vọng ở những kỳ triển lãm sau, những tiềm năng, giá trị về mảnh đất và con người Thái Nguyên sẽ được các tác giả nhiếp ảnh khai thác sâu rộng hơn, để cống hiến cho công chúng những khoảnh khắc khác mới, tinh sắc hơn trong cách thể hiện vẻ đẹp con người, vùng đất Thái Nguyên.
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...