Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:35 (GMT +7)

Ảnh báo chí trong tư thế độc lập

Khái niệm “độc lập” trong bài viết này không có nghĩa gì khác, ngoài việc khẳng định vị trí đặc thù riêng biệt - không thể thay thế của nhiếp ảnh trong việc truyền tải thông tin ở thời đại bùng nổ công nghệ kỹ thuật số. Vậy để ảnh báo chí thực hiện được đúng vai trò tác động đến thái độ của độc giả, thì những nhà quản lý và các phóng viên cần có cái nhìn thấu suốt, nhằm khai thác triệt để lợi thế của nhiếp ảnh trên mỗi trang báo của mình.

Hãy công bằng với nhiếp ảnh

Bản thân người viết bài này, đã không chỉ một lần từng nghe cô biên tập viên của tạp chí nọ, gọi điện đặt vấn đề muốn dùng bức ảnh x, y… của mình để minh hoạ cho một bài thơ nào đó sắp đăng trên tạp chí. Cô ấy chắc không hề biết, rằng bức ảnh kia đã có vị thế riêng biệt, bởi nó từng đoạt giải tại một cuộc thi ảnh nghệ thuật. Rồi thử hỏi có gì khiên cưỡng không, khi đem một tác phẩm nhiếp ảnh có phần thưởng tới cả chục triệu đồng - để minh hoạ cho một bài thơ chưa được thẩm thấu qua thời gian, mà tạp chí có cố lắm, cũng chỉ chi trả nhuận bút vài trăm ngàn đồng cho bài thơ đó? Suy xét như vậy, có thể bị coi là cường điệu, hoặc là đã quá đề cao nhiếp ảnh. Nhưng thực tế nếu chọn một cô phù dâu sắc sảo, lại có cá tính lấn lướt cả nhân vật chính trong ngày cưới, thì không những là việc làm thiếu tinh tế, mà biết đâu còn khiến cho đôi tân hôn mất vui vì tủi phận.

Ảnh báo chí trong tư thế độc lập
Tác phẩm đoạt giải Ảnh Báo chí thế giới năm 2022, Giải Khu vực (Châu Âu) - Hạng mục Ảnh đơn: "Cháy rừng ở đảo Evia". Tác giả: Konstantinos TsakalidisTsakalidis (Hy Lạp)

Trong mỗi số báo hiện nay, diện tích mà nhiếp ảnh chiếm bao nhiêu phần trăm trên một trang? Người đọc mua báo, đồng nghĩa với việc họ đã thanh toán cả cái mảng phần mà nhiếp ảnh được trình bày đó. Nên độc giả có quyền đòi hỏi bài và ảnh, phải làm sao xứng tầm với đồng tiền mà họ chi ra.

Nhìn vào biên chế của một toà báo những năm gần đây, phóng viên chuyên về nhiếp ảnh hầu như đã bị cắt giảm và các phóng viên viết bài mặc nhiên phải kiêm nhiệm thêm phần chụp ảnh. Công việc mà bản thân họ thiếu được đào tạo chu đáo, hoặc có thể chưa yêu thích, chưa kể họ còn vướng quá nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật chụp, thứ mà không phải chỉ một sớm, một chiều người ta có thể chế ngự được. Phàm nỗi bất kể những gì được đầu tư thời gian và vật chất còn hời hợt, thì kết quả cuối cùng may mắn lắm, cũng chỉ được coi là tàm tạm. Ấy vậy nhưng nhiếp ảnh báo chí thời nào cũng luôn đòi hỏi phải được phô diễn những góc nhìn mới, lại tinh tế, tính thời sự nóng bỏng, sức lan toả rộng và khả năng phê phán cao độ…

Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 1955 tại Hà Lan, người ta sáng lập ra Giải Ảnh Báo chí Thế giới do Hội Tương tế Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo Foundation). Tiêu chí được đặt lên hàng đầu trong quá trình chấm giải là tính chất thông tin của các tấm ảnh và sự dấn thân của các nhiếp ảnh gia, không ngại gian khổ, nguy hiểm, hy sinh máu xương để có thể chụp được những tấm ảnh đó.

Tại Việt Nam, hầu như năm nào cũng đã tổ chức các cuộc thi ảnh báo chí, nhằm hướng tới: “Tinh thần dấn thân và nhân văn của những nhà báo tận tâm, tinh tế và trách nhiệm với nghề” (Nhà báo và Công luận). Giá trị tinh thần đem lại cho một nhà báo đoạt giải rất lớn và trị giá về vật chất cũng đã xứng tầm cho một giải thưởng quốc gia.

Thực tế, đại đa số các bức ảnh mà nhờ nó, những nhà nhiếp ảnh của Việt Nam đã được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh như: Bộ ảnh về nạn đói ở Việt Nam những năm 1945 của Võ An Ninh; “Mẹ con ngày gặp mặt”, “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” của Lâm Hồng Long; “Từ thần sấm xuống xe trâu” của Văn Bảo; “Nụ cười bên thành cổ” của Đoàn Công Tính; hay gần đây là “Hai người lính” của Chu Chí Thành… đều là những tác phẩm ảnh báo chí.

Từ một cuộc thi ảnh trên báo

Bạn đọc có thể dễ dàng nhận ra, mảng báo viết so với mảng báo ảnh trên các báo (nhất là báo các tỉnh) lâu nay đã hình thành nên một khoảng giãn cách khá xa. Nhiều phóng sự có chất lượng rất cao, nhưng hình ảnh theo bài thường chưa đạt. Thực tế đã chứng minh, một cái tít bài dù hay mấy, cũng không có sức lôi kéo, dẫn dụ người đọc bằng một hình ảnh ấn tượng hoặc “gây sốc” ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Ban biên tập của các báo những năm gần đây đã rất quan tâm đến vai trò quan trọng của ảnh báo chí, nên những năm qua một số báo cũng đã có tổ chức các cuộc thi ảnh nhằm “tôn vinh những tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc, nhà nhiếp ảnh tiêu biểu; thúc đẩy hoạt động nghiệp vụ, chuyển tải những góc nhìn ấn tượng, sâu sắc về các vấn đề của đời sống xã hội…”.

Để đạt được kết quả trên trước khi diễn ra những cuộc thi ảnh báo chí, các tờ báo thường hay mời những nhà nhiếp ảnh báo chí có kinh nghiệm lên bổ túc cho các phóng viên và cộng tác viên của mình. Kết quả thật đáng mừng, sau các lần tập huấn đã có sự chuyển biến về chất và lượng (thông qua những ảnh đơn và ảnh bộ tham gia dự thi). Nhiều nhóm ảnh được Ban tổ chức đánh giá cao và trao giải.

Ảnh báo chí trong tư thế độc lập
Từ “thần sấm" xuống xe trâu. Ảnh: Văn Bảo

Đại đa số phóng viên của các báo đều xuất phát từ sinh viên tốt nghiệp các Trường báo chí hoặc Xã hội nhân văn... Trong xu thế giảm mạnh biên chế của các tòa báo như hiện nay, thì các phóng viên bắt buộc phải tác nghiệp bằng hai tay (một tay cầm bút và tay kia cầm máy ảnh). Thời gian ban đầu ai cũng thấy đó là một thử thách khó khăn. Nhưng với nền tảng kiến thức tốt (ít nhất đã tốt nghiệp đại học) chắc chắn họ sẽ nhanh chóng làm chủ được công việc. Người viết bài này thường hay theo dõi về mảng ảnh báo chí của các báo, đặc biệt có một vài lần được tham gia làm giám khảo cuộc thi của báo Đảng tỉnh, đã nhận thấy: Nhiều bộ ảnh mà các phóng viên lựa chọn để theo đuổi có những chủ đề rất độc đáo, muốn thực hiện được thì người phóng viên đó phải rất tinh nhạy trong nghề báo, đầu tư không ít thời gian để theo đuổi và cả khả năng làm chủ thiết bị ghi hình… Sự quan tâm, cùng mức đầu tư cho ảnh báo chí của các phóng viên, cộng tác viên của tờ báo kia đã phần nào có dấu hiệu lạc quan và chắc chắn sẽ còn thay đổi nhiều trong những năm tới.

Những bộn bề trong nghiệp vụ ảnh báo chí

Mỗi sáng thức dậy, ta được đón một ngày mới đến - mỗi tối chìm vào giấc ngủ trong đêm khuya, ta đã rút bớt một ngày của đời mình. Thái cực giữa sự đón đợi với buông bỏ trong vòng 24 giờ của một người lao động, được đánh dấu bằng kết quả công việc mà người ta để lại. Cuộc sống tạo ra áp lực đặc biệt rõ nét, khi mỗi vị trí trong xã hội đều phải chịu sự cạnh tranh. Anh công nhân trong dây chuyền công nghệ không thể đùn đẩy công việc cho ai, bởi anh là cái chốt trong một mắt của dây xích. Cô phóng viên không còn thời gian để ngồi gọt móng tay, khi báo ngày mai vẫn đang trống mục tin bài mà mình phụ trách. Ngay cái nhiệm kỳ của một người lãnh đạo có thể bị xén bớt, nếu công việc của cơ quan không được tiến triển tích cực… vì vậy công việc của mỗi phóng viên hoạt động báo chí hiện nay thực sự ngày càng khó khăn, vất vả, cần phải không ngừng học tập nâng cao nhất là với chuyên môn ảnh.

Tôi xin đưa ra đây những điều, còn hạn chế của mảng ảnh báo chí ở một số báo và tạp chí, cần hết sức lưu ý để khắc phục. Các phóng viên hoặc phóng viên ảnh vẫn chưa thường trực tự nhắc mình rằng: nhiếp ảnh là một công việc nghiêm túc; còn để lộ rõ dấu vết của tư tưởng dễ dãi khi gửi ảnh đăng báo. Các phóng viên nên tâm niệm rằng một bài báo viết, có thể chỉ 20% số người cầm tờ báo đọc hết. Trong khi một bức ảnh đã in trên báo, thì 100% số người có báo đã xem! Nếu khi viết bài đã luôn biết trau chuốt cho câu văn hay và dễ hiểu, dám xóa đi - viết lại không chỉ một lần trước khi gửi bài cho ban biên tập, thì tương tự, đối với những bức ảnh cũng phải biết xoay sở góc chụp cho mỗi khuôn hình có được chủ đề chính - phụ rõ ràng, và có những góc nhìn mới lạ. Phải biết chọn ra một tấm hình đắc địa nhất, trong cả mớ file ảnh mình thâu vào ống kính ngoài hiện trường. Mỗi bức ảnh sau khi được biên tập, là cả một câu chuyện bằng hình có kết cấu chặt chẽ, cần đơn giản để người xem dễ hiểu và phải bắt mắt để lôi kéo cái nhìn của bạn đọc.

Ảnh báo chí trong tư thế độc lập
Người đói phải ăn cả thịt chuột - Nạn đói ở Việt Nam những năm 1945. Ảnh: Võ An Ninh

Ý tưởng nảy sinh lúc ban đầu là sản phẩm tinh tuý của những phóng viên năng động, nó khiến tờ báo hấp dẫn, cuốn hút được đông đảo bạn đọc. Nhưng thật đáng tiếc, nhiều bộ ảnh dự thi còn thể hiện quá sơ sài, chưa theo tới tận cùng sự kiện. Để hoài phí mất sáng kiến của cá nhân rồi để câu chuyện trôi qua đi, là đồng nghĩa với tuột mất cơ duyên mà cuộc đời ban tặng.

 Người phóng viên ảnh không được để thất lạc tư liệu gốc, và cũng không nên sa đà vào sự cám dỗ của những phần mềm chỉnh sửa ảnh bởi tính trung thực đặc trưng của báo chí đã quy định. Tòa báo và Ban tổ chức những cuộc thi ảnh trong tương lai, phải có một kho lưu trữ những file ảnh thô của các phóng viên và cộng tác viên. Nó không chỉ là sự ràng buộc trách nhiệm, mà còn là điều khẳng định một nơi chốn luôn rõ ràng, minh bạch.

Nhiếp ảnh không phải là một thực thể tự nhiên như con chim trên trời hay con cá dưới nước. Nó là thứ thành quả mà trí tuệ của loài người tạo ra, nên nó thay đổi dị kỳ, thiếu thuỷ chung và cũng tham vọng như chính con người của hôm qua, hôm nay và ngày mai (còn là ẩn số) nên… chưa biết thế nào! Còn với sản phẩm ảnh báo chí thì trước sau vẫn chỉ tôn vinh những gì mang thuộc tính tự nhiên. Để nhìn vào ảnh thấy rộn lên cảm xúc của tình yêu, khơi gợi nỗi buồn, tạo sự căm phẫn hay khiến người ta sợ hãi… Ảnh báo chí đồng nghĩa với sự thật, nó ở khoảnh khắc hiện tại và hàm chứa giá trị lịch sử. Ảnh báo chí còn phản ảnh rõ nhãn quan nhân sinh của người làm báo.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy