Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
22:50 (GMT +7)

Ăn lộc quê,rồi trả lộc cho quê

VNTN - Trước mắt tôi là quang cảnh nông thôn mới, làm nên bởi người nông dân mới - những xã viên hợp tác xã, những công dân vùng chè - những người ăn lộc quê và đang trả lộc cho quê.

1- Rắp tâm lần này phải ngồi “nấu cháo” thật lâu với Hảo nên tôi nhắn tin, gọi điện hẹn hò rất kỹ.“Vâng, chị vào đi ạ, em ở nhà thôi mà” - Hảo hồ hởi nhận lời.

Ấy vậy mà tôi không sao “len” được vào công việc của Hảo, bởi toàn người phải tiếp, câu hỏi phải được “bà Hảo” trả lời, những thứ có vẻ quan trọng hơn cuộc gặp của tôi.

Ngồi cạnh tôi là chị Tình, nhà ở xóm Nam Sơn (xã Tân Cương).Chị Tình đang nhờ Hảo tư vấn cách dùng màng phủ nông nghiệp lên luống chè. “Người ta bảo có gì không hiểu cứ đến hỏi bà Hảo là ra”. Thế là Hảo biến thành kỹ sư khuyến nông, trồng cây cách cây, hàng cách hàng ra sao, căng phủ thế nào, lợi ích của nó là gì??? “Tôi nhìn bãi chè của nhà bà mê quá. Cùng xuống cây như nhà tôi mà nhà bà đã cho hái, cây cao trên một mét, tiết kiệm thời gian hàng năm chứ ít đâu”. Chị Tình vui ra mặt khi được Hảo để lại cho 3 cuộn màng phủ. Chằng buộc vào xe kỹ càng, chị bảo: 3 cuộn này phủ được 3 sào chè đấy. Lợi đơn lợi kép. Vừa giữ ẩm tốt, tránh cỏ mọc, sâu bệnh, tiết kiệm phân, cây lớn nhanh hơn thổi. Đầu tư một lần dùng 3 năm, tính ra rẻ hơn nhiều so với thuê người tưới, làm cỏ, bón phân.

Người nông dân Tân Cương tính toán giỏi thật. Họ nhìn thấy lợi ích lâu dài và bắt tay nhau cùng phát triển. Bà Kim, tổ trưởngTổ hợp tác xã chè Kim Phúc ngồi trước mặt tôi là ví dụ. Bà đưa bạn là chủ một cửa hàng buôn chè có tiếng ở Thái Nguyên đến lấy chè đinh của Hảo. “Nhà tôi không làm loại này. Ai có nhu cầu thì tôi giới thiệu đến chỗ tin cậy. Tôi ở đây nên biết rõ lắm. Nhà ai chè hoa ngon, nhà ai chè mộc ngon. Không chỉ ngon mà còn phải sạch, tôi mới đưa khách đến”.

Bên ấm trà mới tinh khôi, trong không gian ướp đẫm hương chè cốm là câu chuyện nhỏ nhẹ về cánh, nước, màu… những yêu cầu không thể thiếu của trà. Ông khách ngoài Thành phố vào cân nhắc khá lâu loại chè, mẫu hộp, túi đựng để chuẩn bị quà biếu tết các thầy giáo của con ở Hà Nội. Một nông dân trong làng ra thanh toán tiền chè tươi… Hảo cứ quay trong đám công việc ấy dù sự sốt ruột hiện rõ trên mặt tôi.

2- Tất nhiên, không chịu ngồi “suông”chờ đợi, tôi sà vào đám các chị đang tíu tít làm việc ở khu vực chè khô. Chị Bẩy đang dùng sàng mắt vuông lắc cho chè xuống đều, cánh nào to mắc lại thì lấy tay xoa nhẹ cho kích thước vừa vặn. Sàng xong, số chè đều cánh tăm tắp này sẽ được đưa vào máy đánh mốc, lấy hương. Ba chiếc lò quay đốt bằng khí ga, hẹn giờ sẵn sàng. Hơn chục người ở bộ phận chè khô đều là “con nhà nòi”, tay nghề lão luyện. Chè lấy hương xong, đổ ra sàn, đợi nguội, chuyển sang đóng gói, hút chân không, xếp vào thùng giấy. Ô tô to nhỏ đến khuân hàng tơi tới.

Rời “núi” chè khô ngồn ngộn, tôi “thị sát” công trình mới hoàn thành của Hảo có tên “Không gian văn hóa chè”. Thế giới dành cho chè là căn nhà gỗ 5 gian giản dị đặt giữa vườn chè mênh mông, ngàn ngạt búp chè xanh, lấp ló vô vàn chùm hoa chè trắng muốt. Trong nhà, ba chiếc bàn gỗ óng vàng, ấm chén sạch sẽ, nước sôi sẵn sàng, nghênh đón những ai muốn dừng chân ngắm làng chè hoặc trao đổi chuyện đời. Vuông hình thước thợ với “Không gian văn hóa chè” là khu trải nghiệm sao chè. 5 chiếc chảo gang liền khối với lò đất, hệ thống ga dẫn vào từng chảo. Những chiếc thạ, mẹt, chổi, sàng… là dụng cụ truyền thống gắn bó máu thịt với người làm chè Tân Cương được treo gọn ghẽ trên tường, giúp du khách hiểu vòng đời của chè. Khoảnh sân lát gạch đỏ đượm nét quê là nơi trẻ chơi đùa. Dòng suối nhân tạo chảy quanh quanh, đàn cá vàng trăm con tung tăng vui mắt. Công trình 1,4 tỷ này, như Hảo nói là để tưởng nhớ cụ Nguyễn Đình Tuân, cụ Đội Năm, ông bà, cha mẹ…, những người làm nên vùng chè Tân Cương. Chắc hẳn, các cụ thích thưởng trà trong khung cảnh làng quê bình dị và nên thơ như thế.

3- Cuối cùng thì Hảo cũng “dứt” đượcviệc để ngồi riêng với tôi. Đã là giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt có tiếng, mỗi năm lợi nhuận thu về vài tỷ đồng, nhưng tôi vẫn thấy ở Hảo hình bóng cô gái nông thôn tần tảo, toát nên ở dáng vẻ nền nã, giọng nói dịu dàng.

Cơ nghiệp hôm nay của cặp vợ chồng nông dân Hảo và Đạt được đắp bồi từ vài chục năm trước. Từ khi Hảo đứng thấp hơn cây chè, với tay mới hái được búp chè. Lớn lên, lấy chồng cùng làng, như bao người nông dân Tân Cương khác, vợ chồng Hảo thức khuya dậy sớm, héo tay héo mặt bên chiếc chảo gang nóng bỏng. Vào mùa cao điểm như thời gian cận tết, vợ chồng ham việc sao chè thâu đêm, chân đứng lâu xuống máu chật căng ống quần. Hảo biết, mình có một thứ vô giá ông bà cha mẹ để cho, chính là những khoảnh chè trên đất quý Tân Cương. Cái tên làm tăng giá trị cho chè, nếu biết tính toán, trân quý thì mỗi búp chè ở đây sẽ biến thành vàng. Cũng từ những đêm hơ mặt trên chảo nóng, Hảo bật ra ý nghĩ: Không thể để búp chè Tân Cương bị coi rẻ, bị đưa đi nơi khác hoặc trở thành sản phẩm kém chất lượng. Nhen nhóm quyết tâm như vậy, nhưng làm được khó lắm. Muốn trở thành đầu mối thu mua nguyên liệu thì phải có đầu ra. “Em cứ nói thật, làm thật; làm trước nói sau; người mua một lạng em cũng quý như người mua hàng tấn; trưa không quản ngại, tối không quản khó…”. Mỗi ngày, mỗi tháng, người đến mua chè khô nhiều lên, người mang chè tươi đến bán nhiều lên. Lòng tin của khách được bồi đắp dần, tiếng lành chè Hảo Đạt lan xa dần. Từ hộ sản xuất buôn bán chè, Hảo thành lập Tổ hợp tác xã năm 2009 và 7 năm sau, mô hình lớn thành Hợp tác xã chè Hảo Đạt như bây giờ.

Nhưng hôm nay gặp Hảo, tôi không muốn hỏi chuyện “xưa”, mà muốn giải đáp thắc mắc của mình về một chuyện “nay”.

Số là, mấy hôm trước, tôi nhận được giấy mời của HTX Chè Hảo Đạt, mời tôi đến dự Lễ thành lập công đoàn cơ sở và Lễ hội thi hái chè, sao chè thủ công. Tôi khá tò mò bởi lần đầu thấy một HTX nông nghiệp tổ chức chương trình có vẻ ôm đồm và ít ăn nhập giữa phần “lễ” và phần “hội”. Chính vì tò mò mà tôi đến sớm, chứng kiến bà con xóm Nam Tân, bà con Tân Cương và các vùng lân cận kéo đến nườm nượp. Hai bên đường vào khu tổ chức là những tấm poster quảng bá chè Hảo Đạt, chè Thái Nguyên; gần trăm lẵng hoa tươi; những tiểu cảnh xinh đẹp chiều lòng những ai thích chụp ảnh “nuôi phây”. Khu vực dự tiệc mặn 500 suất ăn quây bằng lụa trắng, những chiếc bàn tròn phủ khăn trắng, ghế gỗ trắng, nổi tinh khôi trên vùng chè xanh mướt.

 

Ngạc nhiên hơn là các tiết mục văn nghệ. Học sinh trường Tiểu học Tân Cương, các thiếu nữ, các bà trung tuổi là những nông dân Tân Cương, múa hát điệu nghệ và chuyên nghiệp. Phần “kính thưa, kính gửi” gọn, lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã trao quyết định thành lập tổ chức công đoàn; lãnh đạo xã, tỉnh phát biểu ngắn và tâm huyết. Và Hảo, thủ thỉ như thường ngày, nói lời tri ân đến bà con vùng chè, những người bao năm nay gắn bó thủy chung, trở thành thân yêu như ruột thịt. Mộc đấy mà khéo đấy. Tôi thấy nụ cười, ánh mắt hài lòng của người dự. Ngoài bãi, tiếng trống thì thùng động viên 5 đội thi hái chè. Mùi chè lên hương khiến chiều thêm mênh mông. Đèn pha bật lên, khung cảnh làng quê lung linh thơ mộng. Kết quả thi được ban giám khảo công bố. Hoa tươi và phần thưởng. Người dự đông đến phút cuối. Niềm vui râm ran như chè ngon ngọt hậu.

- Em chuẩn bị cho sự kiện hôm ấy như thế nào? Tôi vào chuyện ngay.

- Tất cả gói trong một chữ “khớp” chị ạ. Trước đó, em đã xin ý kiến của xã, tỉnh, các cơ quan liên quan, mọi người đều OK hết. Cộng với công trình “Không gian văn hóa chè” hoàn thành, búp chè vừa đến kỳ hái. Thế là em làm. Thú thực em lo lắm. Lo cỗ không có người ăn. Lo đến phút cuối mọi người về hết. Em nói với bà con thế này: “Thịt cá thì nhà các bác ngày nào cũng ăn, nhưng hôm nay em mời các bác mấy món rất đặc biệt làm từ lá chè quê mình…”. Thế là mọi người ở lại ăn cơm với em.

Hảo cứ thủ thỉ thế, bao quát việc to, quan tâm việc nhỏ. Cẩn thận đến chi tiết ấm chén phải luôn sạch và gọn; hoa chè cắm bát bày bàn; trà nóng và kẹo lạc trà matcha trong nhà cho người lớn, trà đá ngọt ngoài vườn cho trẻ nhỏ; may quần áo các dân tộc cho trẻ nhỏ mặc chạy nhảy tung tăng…

-Cũng có người hỏi em nhờ ai lên maket chương trình hôm ấy? Không chị ạ. Em dự nhiều cuộc nên cũng học họ. Sự kiện ở vùng chè thì phải đậm sắc chè, “khớp” với con người, làng quê. Tân Cương chúng em nhiều tiềm năng lắm, em vui vì được mọi người giúp nhiệt tình.

Rồi Hảo kể tôi nghe chuyện “hậu trường”: Chị biết không, hôm sau, 5 gói chè thi của các đội em bày ra mẹt, mời mọi người nghỉ tay, ngồi xung quanh uống trà. Em đổ 5 gói chè ra đĩa, cùng mọi người phân tích màu “mốc”, mùi hương, vị nước. Mọi người gật gù “tâm phục khẩu phục”. Chị có biết chuyện gì xảy ra tiếp không? Mọi người giữ chặt tay em, đeo vào ngón tay em cái nhẫn vàng này. Họ bảo, cái nhẫn này phải luôn trên tay em, gắn bó như tình cảm của mọi người với em…

4- Chuyện của chúng tôi đến đấy thì Hảo lại có khách. Tốp bạn trẻ ở nơi khác đến, định mở đại lý chè. Hảo nhiệt thành bày kinh nghiệm. Là người quen hay không, tên tuổi thế nào, ở đâu đến… không quan trọng. Miễn chung một mối quan tâm là chè.

Khoác tay tôi đi trong hương chè ngan ngát, Hảo chỉ vùng đất mênh mông, bằng phẳng nói: Trước, khoảnh ruộng này nước không tới, cấy hái không được, mọi người gọi bán cho em. Dần dần HTX mua được 3ha đất, người lao động góp thêm 2ha, cộng với hàng chục ha liên kết với các hộ trồng chè, em yên tâm về vùng nguyên liệu. Làm chè cao cấp không ỷ hết vào máy móc được chị ạ. Ví như chuyện đốn chè, em yêu cầu mọi người đốn bằng tay, khum vát theo cây chè, ngọn mới ra nhiều và đều. Các khâu sao, sấy, lấy hương cũng thế, hiện đại mấy cũng không bỏ được cái gốc cổ truyền…, đó là bàn tay, cái mũi, đôi mắt của người làng chè chúng em.

Ngắm những hộp chè đẹp đẽ, đủ loại chất liệu trong khu trưng bày sang trọng của HTX, tôi thấy tâm đắc câu nói của ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, khi ông phát biểu tại sự kiện hôm đó: “HTX chè Hảo Đạt đã làm nên điều kỳ diệu, tạo sung lực phát triển nông thôn mới. Tôi trân trọng, tự hào cách làm sáng tạo, linh hoạt của HTX, của những người nông dân Tân Cương”.

Mà phải. Trước mắt tôi chính là quang cảnh nông thôn mới, làm nên bởi người nông dân mới - những xã viên hợp tác xã, những công dân vùng chè háo hức, những người ăn lộc quê và đang trả lộc cho quê.

Lòng tôi hơi chùng lại khi nhớ câu Hảo nói lúc chia tay: “Mong muốn của HTX là sản phẩm được xuất khẩu ra thế giới, nhưng điều này ngoài khả năng của chúng em”. Tôi đã nghe những lời như thế ở nhiều nơi, nhiều người và từ nhiều năm nay.

Tiếc rằng, câu chuyện về chè vẫn dừng ở đó.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước