Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:05 (GMT +7)

Âm vọng hòa bình

VNTN - 1. Năm 1975 đã trở thành một cái mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc, là con dân Việt, không ai không thể biết ngày ấy.

Những ngày ấy, gia đình tôi đang ở Thanh Hóa. Về quê là ước mơ cháy bỏng của ba tôi dù mẹ tôi có vẻ không tin lắm. Trong lúc ba thì sôi sục với cái radio lúc nào cũng gắn vào tai, luôn luôn giải thích cho các bạn trong tổ hưu nhưng là người miền Bắc là hôm nay quân giải phóng đến đâu rồi, nơi ấy là chỗ nào, cách Thanh Hóa bao xa, thì mẹ tôi thi thoảng kín đáo thở dài. Phía ấy mịt mù thế, nào biết điều gì phía trước. Phụ nữ luôn muốn lấy sự yên ổn, bình lặng làm đầu. Nhưng rồi, như vệt dầu loang, tin chiến sự hôm nay tỉnh này mai tỉnh kia khiến mẹ tôi phấn chấn theo...

Về quê. Tôi được mẹ tin tưởng cử hộ tống ba vào chuyến thứ 2 trước khi mẹ chính thức quyết định vào hay không vào. Chuyến thứ nhất ông đi một mình, theo một đoàn xe quân sự, mặc quần áo sĩ quan khi qua cầu Hiền Lương, và khi ấy rất nhiều tin đồn là các ông cán bộ tập kết đa phần đã có vợ trong ấy, giờ thả các ông ấy về là thả hổ về rừng.

Mà cũng có khá nhiều bác như thế thật. Chiến tranh mà, hồi ấy, năm 1954 ấy, ai cũng nghĩ là chỉ đi 2 năm sẽ về, ai mà ngờ từ 2 năm nó thành dằng dặc hơn hai chục năm. Và các bác tập kết bèn làm một chuyện chẳng đặng đừng để giúp nhau là: chứng nhận nhau chưa có vợ để lấy vợ trên đất Bắc. Hồi ấy chỉ cần một bác đồng hương ký chứng nhận độc thân là có thể đăng ký kết hôn, và trước khi đăng ký kết hôn thì “trình” với người yêu và gia đình người yêu.

Tôi về thì chứng kiến là ba tôi cũng đã từng... có vợ ở quê, nhưng khác là ba tôi đã ly dị trước khi tập kết, và bác gái kia cũng đã có chồng và 2 người con trai lớn hơn anh em tôi. Chú ruột tôi cũng có cô người yêu cũ, không chồng chờ chú dù cô đã có con. Sau một chút ngập ngừng thì tất cả vồ vập quấn quýt mừng tủi đúng như những người... hơn hai mươi năm gặp lại.

Chuyện ấy rồi cũng xử lý được, dù khá nhiều bác nan giải. Chuyện thứ 2 có vẻ phức tạp hơn: hầu như trong nhà ai tập kết trở về cũng có 2 sắc lính. Các em con cô tôi, bằng hoặc lớn tuổi hơn tôi đều từng là lính hoặc sĩ quan chế độ cũ. Khi ấy chưa có chế độ đi học tập hoặc cải tạo, mới chỉ trình diện rồi về, sau mới tính. Mấy anh em tôi chiều hấp cá nục tươi chén kễnh bụng rồi tối cởi trần nằm gác chân lên nhau nói chuyện rôm rả. Đủ chuyện, tôi thì kể chuyện chủ nghĩa xã hội tươi đẹp, các ông em thì kể về sự “phồn vinh giả tạo” của chế độ cũ, rồi lấy ảnh ra khoe. Nhận xét đầu tiên của tôi: Nước ảnh trong này đẹp hơn rất nhiều ảnh ngoài Bắc dù cùng là ảnh đen trắng.

Có một cô em con cô ruột tôi, chồng là lính địa phương quân, bị quân giải phóng bắn chết trong một trận đánh nhau. 2 đứa con, sau 75 rất khổ, làm một cái nhà như túp lều ngay sau nhà cô tôi. Gọi là nhà chứ chỉ có 4 cái cọc tre, xung quanh và trên mái lợp tranh. Nền nhà đầy cát. Ba tôi cứ băn khoăn: rồi con sống bằng gì. Ngay cậu mợ đây, cán bộ nhà nước, có tem phiếu mà còn chật vật, đằng này một mẹ 2 con nhỏ, lâu nay sống bằng lương chồng, giờ làm sao?

Đang vạ vật thế thì có một ông cán bộ tập kết, bạn ba tôi nhưng trẻ hơn, vợ chết, gọi ba tôi bằng anh, về quê, và... chuyển sang gọi ba tôi bằng cậu. Thế là ghép lại. Ở quê không sống được, díu nhau lên Quảng Đức, giờ là Gia Nghĩa, Đăk Nông. Trằn ra khai hoang, mở đất, làm vườn, đẻ thêm mấy đứa con. Giờ đứa nào cũng có ô tô riêng, có đứa đến 2 chiếc. Và cái chỗ đất khai hoang ngày xưa ấy, giờ nó là thành phố. Ông mất cách đây hơn chục năm. Trên bàn thờ nhà cô em tôi ấy, giờ có ảnh của 2 ông, mặc quân phục khác nhau, điểm chung đều là chồng của em tôi, và đều được các cháu con em tôi gọi bằng ba. Ngày giỗ đều tổ chức như nhau, giỗ ông này ông kia cùng xơi cỗ, ngày rằm mùng một thắp hương cả 2 ông đều hưởng chung.

2. Tôi giờ sống ở Gia Lai, nơi có con đường 7 nổi tiếng hồi năm 1975. Giờ nó đổi tên là đường 25. Thì phải đổi để thống nhất tên các con đường trên cả nước, nhưng tôi vẫn muốn ngay đầu ngã ba từ đường 14 rẽ vào đường 25 ấy, ở thị trấn Chư Sê ấy, có một cái bia, đề rất to mấy chữ: Đường 7, con đường lịch sử và đẫm máu trong những ngày tháng 3 năm 1975.

Văn chương, may thay, cũng đã có một vài tác phẩm nói về con đường này, trong đấy nổi tiếng nhất là tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc” của nhà văn Khuất Quang Thụy. Đấy là một trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh ngay sau chiến tranh rất nổi tiếng, đưa Khuất Quang Thụy, từ một lính chiến thực thụ của quân đoàn 3 tham gia trận đánh này, gia nhập đội ngũ nhà văn quân đội, trở thành một thế hệ nhà văn đương đại từ chiến tranh và sau chiến tranh, cùng với những Hữu Thỉnh, Thái Bá Lợi, Chu Lai, Thu Bồn, Trung Trung Đỉnh đóng đinh vào nền văn học chiến tranh của nước nhà.

Báo chí, tất nhiên cũng không bỏ qua sự kiện này. Gần đây nhất, chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của chị Thu Uyên làm đến mấy số về số phận của những đứa trẻ bị lạc trên con đường này.

Vâng, bị lạc.

Trong cuộc tháo chạy tán loạn của hàng chục vạn người và xe trên con đường 7 vào năm 1975 và bị đánh chặn ấy, đã có hàng trăm đứa trẻ bị lạc ở những ngôi làng bên đường, trong rừng, những cánh rừng hồi ấy còn thăm thẳm và mênh mông lắm chứ không xác xơ như bây giờ.

Nhớ năm nào đó, ông bạn vong niên, một người khá nổi tiếng ở Pleiku dù ông chỉ là chủ quán cà phê, ông Giáp Kim Liên, chở tôi đi giới thiệu cho một gia đình ở Trà Bá là ông Lục Văn Tiên và bà Nguyễn Thị Khiêm. Gia đình này năm 1975, theo trào lưu chung, cũng chạy cả nhà, chục người chất lên một cái xe lam, hồi ấy có xe lam là cũng thuộc dạng “có điều kiện”, theo đường 7 chạy xuống Tuy Hòa. Nhưng rồi chỉ đến chân đèo Tô Na giờ thuộc huyện Krông Pa thì lạc mất đứa con gái tên là Lục Thị Hoa, khi ấy vừa 7 tuổi.

Bỏ dở cuộc di tản, họ ở lại tìm con. Họ tìm trong đau đớn, tuyệt vọng, trong xa xót, ân hận. Và... không thấy.

Tiếp tục những tháng ngày sau đấy, rất nhiều lần cả gia đình cứ lang thang xuống các làng người Jrai ven đường 7 để tìm con. Tìm công khai có, đi vào làng bán kem hoặc buôn bán để tranh thủ tìm cũng có. Té ra Hoa chạy lạc trong đêm và đã được một gia đình người Jrai ở xã Ia Rsươm huyện Krông Pa “nhặt” được và nuôi nấng. Cô bé vẫn nhớ tên mình là Hoa nhưng đã là một người Jrai thứ thiệt. Bố mẹ Hoa nhận ra con nhờ cái bớt trên má. Lúc này Hoa đã lấy chồng, một thanh niên Jrai. Lại biết bao nhiêu là nước mắt, bao nhiêu lần lên xuống thăm hỏi... bố mẹ nuôi mới đồng ý cho bố mẹ đẻ nhận con.

Nhưng ban đầu Hoa không nhận bố mẹ. Lại đằng đẵng nước mắt trôi theo thời gian. Mấy năm sau đấy người đàn bà Jrai gốc Kinh này mới đưa chồng con về thăm bố mẹ đẻ ở phường Trà Bá, thành phố Pleiku. Ông bà Tiên đã mua cho vợ chồng Hoa một căn nhà ngay bên cạnh nhà mình. Ngày chúng tôi đến tìm, Hoa đã có ba đứa con là Rlan Lục Ma Chinh, Rlan Lục Mỹ Hạnh và Rlan Lục Lai Đức. Đứa con lớn đã học đại học, đứa thứ hai học 11 và đứa thứ 3 học lớp 9.

Và, Hoa vẫn thích về làng sống hơn, không thích ở thành phố. Thôi thì đất không chịu trời thì trời đành chịu đất, ông bà phải để con về làng sống, lâu lâu xuống thăm. Mà hồi ấy mỗi lần xuống Ayun Pa là phải mất cả ngày, chứ không như giờ chỉ tiếng rưỡi đồng hồ là tới.

Mà chuyện ấy không phải là cá biệt. Ngay trong chương trình của chị Thu Uyên thì cũng đã có hàng chục trường hợp đang nhờ chương trình tìm con thất lạc hồi ấy.

Cũng có trường hợp lạc... ngược. Anh Y D hiện là cán bộ một cơ quan ở Pleiku là người Jrai, chạy lạc sao đó lại được một gia đình người Kinh ở thành phố Pleiku đón về nuôi. Giờ anh trưởng thành, có vợ con, công ăn việc làm ổn định, và coi cả 2 gia đình bố mẹ đều là... bố mẹ, chạy lên chạy về cả 2 nơi, thăm hỏi cả 2, nếu tính gia đình vợ nữa thì là 3. Nếu không nói ra, ít người biết anh là người Jrai.

3. Năm 2007 nhà thơ Hương Đình bạn tôi in bài thơ “Tiếng vọng từ hai nghĩa trang” ở tạp chí Văn nghệ Quân đội và được tạp chí danh tiếng này trao tặng thưởng tác phẩm hay trong năm. Bài thơ có tứ rất mới thời ấy, và tạp chí Văn nghệ Quân đội in và trao thưởng cũng là mạnh dạn. Nó là 2 người lính từ hai nghĩa trang nửa đêm nói chuyện với nhau. Tất nhiên họ từng là người của hai chiến tuyến, từng chĩa súng vào nhau, có thể họ không trực tiếp bắn vào nhau nhưng giờ họ đều là những linh hồn. Nhưng họ lại hết sức thông cảm và bỏ qua cho nhau, bởi họ có chung quê hương, có chung mẹ. Những câu thơ như khơi khơi nhưng quặn thắt:

“Hồi ấy/ Có lúc mình choảng nhau té lửa ấy nhỉ/ Làm sao mà quên được những phiên gác đêm/ Miệng hùm gan sứa nhớ nhà thót ruột/ Nhìn hỏa châu rơi/ Tả tơi nhạc Trịnh.

Ừ hồi ấy/ Đã là lính thì làm gì có sướng/ Nhưng chúng tôi vui chao chát những cung đường/ Thơ bác Phạm Tiến Duật chúng tôi đọc vèo vèo trên đỉnh Trường Sơn.

Anh này/ Ta không chọn được ngày và nơi để sinh ra/ Nhưng vì một ngày mai/ Có thể ta cùng giờ xanh cỏ/ Ta khác nhau đến từng viên đạn lẻ/ Nhưng không thể không giống nhau khi yêu và nhớ mẹ.

Anh nói đúng/ Đêm từng đêm mũi súng ngược về nhau/ Ngày về đất mình xuôi cùng một hướng/ Ấy là nơi mẹ ta thường ra ngóng/ Người yêu ta bật khóc trước sân chùa/ Nằm buồn nhớ mẹ ta xưa/ Nón mê cui cút chiều mưa tiếng gà”.

Tôi định viết một câu kết thúc bài báo này, nhưng thấy cái câu thơ của Hương Đình “Đêm từng đêm mũi súng ngược về nhau/ Ngày về đất mình xuôi cùng một hướng” nó hay quá rồi. Bây giờ, chả cần phải về đất mới xuôi nữa, cả dân tộc này đang một khối, cùng đi...

Văn Công Hùng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước