Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
09:51 (GMT +7)

Ấm áp nghĩa đồng bào

VNTN - Hơn 4 tháng đã trôi qua, con số bệnh nhân mắc và tử vong về COVID-19 không ngừng gia tăng. Nhiều câu chuyện cảm động và cả những nỗi đau đến thắt lòng trong những ngày dịch căng thẳng ở khu vực phía Nam cứ dồn dập như những con sóng giữa triều cường. Vẫn giữ vững thành trì là vùng xanh an toàn, người Thái Nguyên trân trọng sự bình yên ấy bao nhiêu, càng khắc khoải hướng về đồng bào mình ở nơi tâm dịch bấy nhiêu.


Quyết liệt và vì dân

Thành trì vùng xanh của Thái Nguyên cho đến hôm nay cũng không phải tự nhiên mà có. Nhìn lại từ đầu đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay, cũng đã không ít lần người Thái Nguyên phải thót tim, nín thở khi có những ca F0 xuất hiện. Trong đó, có cả những ca bệnh phát tán thành chùm ca bệnh cho nhiều người khác. Có thể kể đến như trường hợp bệnh nhân V.K.N, thường trú tại tỉnh Hậu Giang, đến xã Tân Khánh (Phú Bình) và được xác định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 27/7. Hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho 7 người khác và cả chục nghìn người phải thực hiện cách ly, phong tỏa. Hay như trường hợp của bệnh nhân N.T.H.N trở về quê nhà tại xóm Đầm Đanh (xã Thành Công, TX. Phổ Yên) trong ngày 17/5. Dù có yếu tố dịch tễ ở Bắc Ninh (khi đó là tâm dịch) nhưng vẫn đi làm việc tại Công ty New One Vina và Công ty Handanbi tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, huyện Phú Bình khiến hàng trăm người khác trở thành F1, F2…

Kể từ đầu năm đến nay (thời điểm 1/9), trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 27 ca mắc Covid, trong đó có 14 ca ghi nhận tại cộng đồng, còn lại là các ca bệnh ghi nhận trong khu cách ly tập trung, người nhập cảnh và các ca tái dương tính sau công bố khỏi bệnh tại các tỉnh trở về. Đặt trong bối cảnh chung, số lượng ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong nước chỉ tính từ ngày 27/4/2021 đến ngày 1/9 đã là gần 458 nghìn ca. Mới biết, để có thể vẫn là vùng xanh an toàn như Thái Nguyên hiện nay là cả một sự nỗ lực lớn từ phía chính quyền và người dân.

Các văn bản chỉ đạo, điều hành liên tục được ban hành theo từng diễn biến dịch; các phương án phòng, chống dịch cũng liên tục được thiết lập để phù hợp với tình hình thực tế. Các cuộc họp thâu đêm từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp thôn xóm bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến diễn ra, nhằm tìm giải pháp ngăn chặn và dập dịch ngay khi có các ca bệnh mới xuất hiện trên địa bàn; các lực lượng truy vết và lấy mẫu trong nhiều thời điểm chẳng còn khái niệm phân biệt ngày hay đêm, thời gian một ngày làm việc thường xuyên tính bằng 2 con số… Tính từ ngày 1/1 đến 1/9, tổng số mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn là 109.911 mẫu. Trên thực tế, những “cú đánh bồi” của dịch bệnh đã làm “sức đề kháng” của không ít doanh nghiệp suy yếu, nhiều lao động tự do mất việc, mất đi thu nhập… Một “cơ thể” không thể khỏe mạnh khi có các “tế bào” yếu ớt. Bởi vậy, bên cạnh việc nỗ lực giữ vững nhịp độ sản xuất thì việc hỗ trợ, chăm lo cho các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ đó càng làm cho khối đoàn kết phòng, chống dịch thêm bền chắc.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (áo đen, đứng giữa) và đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (đứng bên trái, hàng đầu) thăm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh.

Theo con số thống kê của các cơ quan chức năng, đến nay đã có 287 doanh nghiệp giảm từ 15% trở lên số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, với 780 người lao động bị ảnh hưởng; 1.357 người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 1.000 người lao động bị ngừng việc; 2.024 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng; 585 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách lao đao. Hơn 3.000 giáo viên mầm non, phổ thông và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn thuộc diện thuê khoán công việc phải chật vật. Ngoài ra, còn có 8.550 lao động mất việc hoặc bị gián đoạn công việc…

Nỗ lực để “không ai bị bỏ lại phía sau”, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 3.015 đơn vị, 164.421 người lao động. Dự kiến số tiền giảm đóng tổng 12 tháng là 57,86 tỷ đồng. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phê duyệt để 01 doanh nghiệp vay vốn trả lương cho 260 lao động và phục hồi sản xuất kinh doanh, với số tiền trên 3.057 triệu đồng; Phê duyệt cho 01 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho 23 lao động để khôi phục sản xuất kinh doanh, với số tiền 90,16 triệu đồng. Các sở, ngành, UBND cấp huyện đã tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt danh sách hỗ trợ đối với 801 đối tượng (trong đó: 27 hộ kinh doanh), tổng số kinh phí được hỗ trợ trên 1.875 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 27/8, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, hỗ trợ 1 lần. Thái Nguyên cũng là một trong số ít tỉnh cho đến thời điểm này ban hành được chính sách đặc thù hỗ trợ người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Chế độ bồi dưỡng là 150.000 đồng/người/ngày…

Mặc dù vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh theo phân bổ của Bộ Y tế chưa được nhiều, song tỉnh đã dành một lượng lớn cho các nhà máy trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiêm phòng cho công nhân.

Mặc dù vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh theo phân bổ của Bộ Y tế chưa được nhiều, song tỉnh đã dành một lượng lớn cho các nhà máy trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiêm phòng cho công nhân.

“Một miếng khi đói”…

Trong thời điểm dịch Covid diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều người dân, nhất là người dân ở khu vực các tỉnh, thành phía Nam, tỉnh đã sớm có chủ trương, kế hoạch triển khai hỗ trợ cho công dân của tỉnh đang tạm trú tại 22 tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với quan điểm “Nhanh chóng, thiết thực”, nghĩa cử nhân văn của Thái Nguyên không chỉ giúp bà con xa quê đỡ cơn đói lòng mà còn giúp bà con có thêm niềm tin vào công cuộc chống dịch. Kinh phí hỗ trợ trích từ Quỹ cứu trợ tỉnh do Ủy ban MTTQ tỉnh quản lý.

Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, một hệ thống hỗ trợ công dân trực tuyến đã ra đời. Đây là nhiệm vụ lần đầu tiên thực hiện nên không tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên với sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cùng sự chia sẻ, đúng 16 giờ ngày 22/8, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên chính thức hoạt động với nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Để nhận được hỗ trợ, người dân chỉ cần làm hồ sơ đăng ký tại địa chỉ: https://hotrocongdan.thainguyen.gov.vn hoặc tại mục “Hỗ trợ đồng hương vùng dịch MN” trên ứng dụng di động C-ThaiNguyen.

Ông Nguyễn Anh Chiến, Phó Trưởng phòng Giám sát, vận hành - Trung tâm IOC chia sẻ: Để đáp ứng được nhiệm vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã bố trí tăng cường nhân lực và tăng thời gian làm việc tại Trung tâm. Cố gắng để không quá 2 ngày sau khi đăng ký, các hồ sơ của người dân trên hệ thống sẽ được xem xét, xử lý. Đồng thời có hướng hỗ trợ đối với những hồ sơ không đáp ứng được theo yêu cầu, điều kiện của tỉnh.

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký của người dân Thái Nguyên đang sinh sống, làm việc gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký của người dân Thái Nguyên đang sinh sống, làm việc gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

UBND tỉnh cũng đã giao Sở Ngoại vụ thành lập Tổ công tác liên ngành chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện; tăng cường thẩm tra, xác minh thông tin dựa trên các giấy tờ chứng minh của người đề nghị là người Thái Nguyên và đang tạm trú tại các tỉnh, thành phố phía Nam để đảm bảo tính chính xác từng khâu, từng bộ phận, tránh để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Ông Trần Tùng, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên thông tin: Chúng tôi bố trí 8 cán bộ của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên) trực tại IOC và 10 cán bộ của Sở Ngoại vụ trao đổi trực tiếp với công dân có thắc mắc về thủ tục qua điện thoại đường dây nóng từ 7h30 đến 22h00 hàng ngày, kể cả ngày nghỉ. Trường hợp thiếu hoặc sai sót về hồ sơ, chúng tôi cũng liên hệ trực tiếp để xác minh, yêu cầu bổ sung cho đầy đủ; không để ai nằm trong quy định, có nhu cầu mà không được hỗ trợ. Cùng với đó là hàng trăm cán bộ của toàn hệ thống từ tỉnh đến xã, phường đang hết sức nỗ lực, khẩn trương để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho công dân sớm nhận được kinh phí…

Kết nối điện thoại với chúng tôi, anh Phạm Mạnh Hùng là người Thái Nguyên hiện đang sống tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh xúc động chia sẻ: Chống chọi với dịch bệnh một thời gian dài đã khiến chúng tôi vô cùng mệt mỏi, khó khăn cũng chồng chất. Sự hỗ trợ của tỉnh nhà đến với chúng tôi rất đúng lúc. 2 triệu đồng đó có thể giúp chúng tôi mua đồ ăn duy trì cuộc sống trong ít nhất 1 tháng. Dù biết thông tin, quê nhà đang nỗ lực để hỗ trợ những người xa xứ như chúng tôi nhưng tôi không ngờ lại nhận được hỗ trợ nhanh đến thế. Dù tôi có sống ở đâu thì quê hương vẫn là điều thiêng liêng trong trái tim mình. Xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cảm ơn tình cảm của bà con ở quê hương.

Xúc động là trạng thái chung của nhiều người khi nhận được hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Lý, hiện đang làm việc tại TP. Biên Hòa tỉnh Đồng Nai nghẹn giọng: Thấy tài khoản báo đã nhận tiền hỗ trợ, tôi không sao ngăn được nước mắt rơi. Nhớ nhà, nhớ quê da diết, chỉ mong dịch mau qua để được về. Hôm tôi đăng ký và gửi hồ sơ đi, chỉ khoảng 10 phút sau tôi đã nhận được tin nhắn của UBND tỉnh thông báo đã tiếp nhận hồ sơ của tôi và chưa đầy 3 ngày tôi đã nhận được tiền. Dù chúng tôi rời quê đã lâu, nhưng quê hương vẫn không quên chúng tôi lúc gian khổ nhất… Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, tính đến 18 giờ ngày 1/9, tỉnh đã hỗ trợ được cho 5.002 người, với số tiền 10.004 triệu đồng.

Cùng với sự hỗ trợ đó, hàng trăm cán bộ y tế, sinh viên y khoa của Thái Nguyên đã gác lại niềm riêng lên đường vào miền Nam chống dịch. Thái Nguyên cũng đã chi viện vào miền Nam nhiều trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc men. Hàng trăm tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm các loại cũng đã được các tổ chức, cá nhân chuyển vào T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam khác hỗ trợ người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Trường hợp của điều dưỡng Nguyễn Đình Hùng, Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Trung ương đang thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại tỉnh Long An nhận tin bố đột ngột qua đời tại quê nhà (xã Phú Tiến, huyện Định Hóa) như một nốt ngân dài trong những nốt ngân của khúc hùng ca đất nước. Là con duy nhất trong gia đình nhưng vì nhiệm vụ, anh không thể về nhìn mặt bố lần cuối, chỉ có thể vái vọng tiễn biệt đấng sinh thành. Tri ân và chia sẻ nỗi mất mát to lớn này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã gửi vòng hoa và những lời động viên, chia buồn đến gia đình anh; Lãnh đạo Bộ Y tế, Công đoàn ngành Y tế, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng gửi lễ viếng, trực tiếp đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình.

Đó là những nghĩa cử đẹp, là tinh thần sẵn sàng hy sinh, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết của các lực lượng chống dịch ở tuyến đầu; là sự tri ân, biết ơn và sự khẳng định luôn là hậu phương vững chắc ở tuyến sau của người Thái Nguyên trong cuộc chiến với kẻ thù giấu mặt này.

Linh Trà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy