Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
08:28 (GMT +7)

Ai làm Chủ nhiệm Việt Minh trong Tỉnh ủy lâm thời năm 1945?

1. Trong tình hình khẩn trương: Phát xít Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô; Nhật chuẩn bị chiến tranh Thái Bình Dương; Nhân dân Việt Nam rên xiết dưới 2 tầng áp bức Nhật - Pháp, ngày 10/5/1941 tại Pác Bó (Cao Bằng), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám. Kết thúc Hội nghị (19/5/1941), Trung ương quyết định thành lập tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) bao gồm các tổ chức quần chúng lấy tên là Hội Cứu quốc (Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc,…).

Chủ trương của Việt Minh là liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở và đoàn kết với các nước Đông Dương cùng đánh đổ kẻ thù chung.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thái Nguyên sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 gặp lại nhau năm 1976 ở Hà Nội (từ trái sang: Ngô Nhị Quý, Đào An Thái, Hoàng Thế Thiện, Hoàng Bá Sơn, Lê Trung Đình). Ảnh do Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, thành phố Hồ Chí Minh cung cấp.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thái Nguyên sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 gặp lại nhau năm 1976 ở Hà Nội (từ trái sang: Ngô Nhị Quý, Đào An Thái, Hoàng Thế Thiện, Hoàng Bá Sơn, Lê Trung Đình). Ảnh do Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, thành phố Hồ Chí Minh cung cấp.

Như vậy, ngay từ khi ra đời, Việt Minh do Đảng ta thành lập và lãnh đạo. Ở Thái Nguyên, cùng với việc phát triển tổ chức Đảng thì tổ chức Việt Minh và các Hội Cứu quốc cũng được hình thành từ các địa phương trong tỉnh để tổ chức nên lực lượng cách mạng hùng hậu. Tuy nhiên, cho đến trước ngày 19/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời chưa được thành lập, tổ chức Việt Minh cũng chưa được lập ở cấp tỉnh.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên Tập I (1936 - 1965), “Tối ngày 19 tháng 8 năm 1945, Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng triệu tập một cuộc họp chung với cán bộ lãnh đạo tỉnh để thống nhất lực lượng và hoạt động chung “Khởi nghĩa giải phóng thị xã Thái Nguyên”, Ban Tỉnh ủy lâm thời Thái Nguyên cũng được thành lập gồm các đồng chí Nhị Quý, Trung Đình, Hoàng Thế Thiện, Đào An Thái, Nguyễn Thị Tâm”. Tỉnh ủy lâm thời tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trước mắt, như bao vây, khống chế quân Nhật; thành lập bộ máy lãnh đạo chính quyền tỉnh.

Cũng theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tập I, khoảng giữa tháng 9/1945, một hội nghị cán bộ toàn tỉnh được tổ chức tại xóm Trường Xô (xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương). Hội nghị đã công bố Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ (do đồng chí Trần Quốc Hoàn, Thường vụ Xứ ủy ký) chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, gồm 8 đồng chí: Ngô Nhị Quý (Bí thư); Lê Trung Đình (Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân lâm thời tỉnh); Hoàng Bá Sơn (Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh); Hoàng Thế Thiện (Ủy viên, phụ trách công tác tuyên truyền và thanh niên); Đào An Thái (Ủy viên, phụ trách huyện Võ Nhai); Vũ Thị Bảo Ngọc (Ủy viên, phụ trách công tác phụ nữ); Vũ Hưng (Ủy viên, phụ trách huyện Định Hóa) và Nguyễn Bá Cương (Ủy viên, phụ trách Nông hội). Như vậy, theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh đầu tiên là đồng chí Hoàng Bá Sơn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy đảm nhiệm.

Cũng trong cuốn sách này, ở phần chú giải cho biết về sự biến động của một số chức danh, trong đó có Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh. Chú thích nêu: Theo tài liệu của đồng chí Đào An Thái cung cấp ngày 15/6/1964, sau Hội nghị Trường Xô, cấp trên điều động đồng chí Bá Sơn đi công tác nơi khác; phân công đồng chí Đào An Thái sang phụ trách Mặt trận Việt Minh. Khoảng nửa tháng sau, đồng chí Đào An Thái lại được cấp trên điều sang phụ trách Trường Quân chính; đồng chí Bảo Ngọc chuyển sang phụ trách Tỉnh bộ Việt Minh. Được một tháng, Trường Quân chính chuyển về thị xã Thái Nguyên, đồng chí Đào An Thái được phân công vừa phụ trách Trường, vừa phụ trách Tỉnh bộ Việt Minh.

2. Khi tra cứu lại các bản hồi ký của cán bộ lão thành (lưu tại Kho lưu trữ Tỉnh ủy Thái Nguyên) cho thấy, đồng chí Đào An Thái có 2 bản ghi cùng về sự kiện trên. Cả bản ghi lần thứ nhất (15/6/1964) và bản ghi lần thứ hai (20/2/1965) sửa lại bản ghi trước, các nội dung nêu trên không thay đổi, đúng như sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh đã dẫn.

Bút tích  của đồng chí Nhị Quý, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên xác nhận: Tỉnh uỷ lâm thời có
Bút tích  của đồng chí Nhị Quý, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên xác nhận: Tỉnh uỷ lâm thời có "tổng số 7 đồng chí" và đồng chí Hoàng Thế Thiện là Uỷ viên Thường vụ, Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh.

Tuy nhiên, khi xem một số tài liệu lưu trữ khác, có những thông tin “vênh” với hồi ký Đào An Thái và sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh.

Theo Sơ yếu lý lịch của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện lưu tại Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thời điểm khai đến tháng 6/1955, nghĩa là chỉ 10 năm sau khi lập Tỉnh ủy Thái Nguyên lâm thời, có ghi: (Thời gian) 8/1945; (Chức vụ chính quyền) Chủ nhiệm Việt Minh; (Chức vụ Đảng) Tỉnh ủy viên; (Cấp bậc) Thường vụ; (Địa phương) Thái Nguyên.

Còn trong Lý lịch Đảng viên của đồng chí Hoàng Thế Thiện lưu tại Ban Tổ chức Thành ủy Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, khai năm 1976 (thực hiện theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20/4/1974 của Ban Bí thư Trung ương), ghi: “Tháng 8-45 đến tháng 3-47: Tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tỉnh Thái Nguyên, được chỉ định vào Tỉnh ủy. Được cử vào Ban Thường vụ, giữ chức Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh Thái Nguyên rồi Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên”.

Theo Hồi ký Nhị Quý lưu tại Kho lưu trữ Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết: Khi thành lập Tỉnh ủy Thái Nguyên lâm thời, đồng chí Nhị Quý làm Bí thư; Lê Trung Đình và Hoàng Thế Thiện làm Thường vụ. Sau này, trong bản viết tay của đồng chí Nhị Quý, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên năm 1945 xác nhận “Một số nét về đồng chí Hoàng Thế Thiện khi ở Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên tháng 8/1945 đến tháng 12/1946”, viết ngày 1/10/1999 (bản gốc viết tay hiện lưu tại Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, số 2/47 đường Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh), ghi: “Cuối tháng 9 năm 1945, Xứ ủy Bắc Kỳ ra Nghị quyết thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Nhị Quý - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trung Đình và Hoàng Thế Thiện là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các đồng chí: Thái Bảo, Lê Thị Ngọc, Nguyễn Thị Minh Tâm là Tỉnh ủy viên. Đồng chí Đào An Thái là Tỉnh ủy viên. Tổng số 7 đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời. Đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Chủ nhiệm Việt Minh. Đồng chí Trung Đình làm Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh. Đồng chí Thiện và Thái (Đào An Thái) cùng phụ trách thị xã Thái Nguyên”.

Trong tài liệu “Những người vượt ngục Chợ Chu” (Kho lưu trữ Tỉnh ủy Thái Nguyên), ghi: “Sau giải phóng thị xã Thái Nguyên, chưa kịp lập Ban Tỉnh ủy lâm thời. Việc điều hành công tác chính quyền do Ủy ban Giải phóng lâm thời Tỉnh phụ trách. Từng mặt công tác được phân công như sau: Đồng chí Hoàng Bá Sơn phụ trách công tác Mặt trận Việt Nam (công tác Việt Minh - tác giả chú thích) và các Đoàn thể, đồng chí Vũ Thị Ngọc phụ trách thường trực… Tháng 10/1945, Thường vụ Xứ ủy đã ra nghị quyết thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy ký. Tỉnh ủy lâm thời có đồng chí Nhị Quý làm Bí thư, Trung Đình và Hoàng Thế Thiện là Ủy viên Thường vụ. Lê Thị Ngọc (San), chị Thái Bảo (Thuận), chị Tâm, Đào An Thái là Tỉnh ủy viên”. Như vậy, tài liệu này nói rõ không có tên đồng chí Hoàng Bá Sơn trong Tỉnh ủy lâm thời, nhưng ghi nhận đồng chí Sơn được phân công làm Chủ nhiệm Việt Minh (đầu tiên) của tỉnh cho đến khi có Tỉnh ủy lâm thời.

Đồng chí Hoàng Bá Sơn không nằm trong Tỉnh ủy Thái Nguyên lâm thời tháng 10/1945, không phải là “Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh” như sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tập I đã dẫn là có căn cứ. Vấn đề này phù hợp với Hồi ký Nhị Quý (Kho lưu trữ Tỉnh ủy Thái Nguyên): “Trước khi có Tỉnh ủy lâm thời thì anh Sơn được trên chỉ định về hoạt động như Tỉnh ủy. Khi có Nghị quyết thành lập Tỉnh ủy lâm thời thì lúc bàn giao lại cho tôi (tức Nhị Quý) còn nếu có Tỉnh ủy lâm thời cũng có thể là do anh Giáp tạm thời chỉ định vì lúc ấy anh Giáp phụ trách từ Phú Bình trở lên do đó anh Văn (tức Võ Nguyên Giáp - người viết chú thích) trực tiếp ký Nghị quyết thì tôi không được biết”. Thêm một minh chứng nữa, ngày 17/3/2002 đồng chí Hoàng Bá Sơn mất, Báo Nhân Dân có đăng “Tin buồn”, ghi: “Đồng chí Nguyễn Quang Lộc (tức Hoàng Bá Sơn), sinh ngày 20/5/1914, tại thôn Lũ Phong, xã Yên Ninh (Ý Yên, Nam Định); trú tại 12 - 14 phố Hàng Hành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cán bộ Lão thành cách mạng hoạt động năm 1939; nguyên Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch tỉnh Sơn Tây - Hà Giang,…”. Có thể thấy: đồng chí Nguyễn Bá Sơn là cán bộ cấp cao (Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp), do vậy nội dung thông tin nêu trên ắt phải trích ra từ lý lịch đảng viên hoặc lý lịch cán bộ, nên độ tin cậy rất cao.

Những tài liệu nêu trên tuy có những điểm khác nhau, song đều ghi nhận: sau khi thành lập Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Nguyên.

3. Một số nhà nghiên cứu lịch sử của tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Trong năm 1945, với điều kiện lịch sử đầy biến động như vậy, có thể nhiều người thay nhau làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh. Khi biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tập I, chưa sưu tầm được những tài liệu như hiện nay. Vì vậy, các nhân vật, sự kiện được phản ánh tuy đã cố gắng ở mức độ sát thực nhất, nhưng chưa thể khẳng định là tuyệt đối chính xác.

Nhằm tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án số 04 (ngày 10/10/2016), theo đó nghiên cứu, bổ sung, biên soạn, xuất bản một số cuốn sách lịch sử, trong đó có cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”. Hy vọng, cuốn sách sẽ làm rõ những thông tin chưa thống nhất, thậm chí bị “vênh nhau” giữa các tư liệu lịch sử như hiện nay để chỉnh sửa, đảm bảo tính khoa học sau khi xuất bản.

Ông Hoàng Anh Thi, con trai Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, hiện đang sống ở TP. Hồ Chí Minh là người đã nhiều năm đau đáu với nỗi niềm “minh oan” cho bố mình về chức vụ của đồng chí Hoàng Thế Thiện khi hoạt động ở Thái Nguyên. Ông đã nhiều lần gửi đơn đề nghị chỉnh sửa và cung cấp tài liệu cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để chứng minh.

Theo ông Hoàng Anh Thi, đối chiếu giữa các tài liệu lịch sử đang “vênh nhau”, thì tài liệu mà ông cung cấp là tương đối phong phú, độ tin cậy cao hơn, bao gồm cả lý lịch Đảng khai đến năm 1955, xác nhận của đồng chí Nhị Quý - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời,… trong khi sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tập I chủ yếu dẫn theo Hồi ký Đào An Thái ghi lại năm 1964. Gia đình ông Thi hiện nay cũng đang lưu trữ cuốn băng cát séc ghi âm (năm 2000) lời xác nhận của đồng chí Nhị Quý, nội dung thống nhất với bản viết tay nêu trên, khẳng định đồng chí Hoàng Thế Thiện là Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh từ tháng 9/1945.

Đến nay, cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (tái bản, có chỉnh sửa, bổ sung) vẫn đang trong quá trình biên tập. Vấn đề đồng chí Hoàng Thế Thiện có làm Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh từ trong năm 1945 hay không cũng như một số nội dung khác đang còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa được kết luận.

Mong rằng câu hỏi: Ai làm Chủ nhiệm Việt Minh trong Tỉnh ủy lâm thời năm 1945? Đồng chí Hoàng Thế Thiện có làm Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh từ tháng 9/1945 hay không?... sẽ được các nhà nghiên cứu lịch sử tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng Chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)” trả lời thấu đáo.

Lịch sử diễn ra một lần nhưng viết sử phải viết nhiều lần. Đây là điều mà các nhà sử học đều thuộc nằm lòng. Việc bổ sung tư liệu, chỉnh sửa các cuốn sách lịch sử cho chuẩn xác hơn là việc làm hoàn toàn đúng đắn và khoa học. Đó cũng là mong muốn của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, và cũng đang trông đợi vào các nhà khoa học và các cấp lãnh đạo.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tên thật là Lưu Văn Thi, sinh ngày 20/10/1922 tại TP. Hải Phòng; được kết nạp vào Đảng vào tháng 4/1945, giữ nhiều vị trí lãnh đạo như: Chính ủy Cục Không quân, Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 4, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;...

Tháng 12/1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 10/1987 và mất ngày 5/9/1995. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trần Thép

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy