Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:21 (GMT +7)

Ai cho phép cán bộ thôn bán đất công?

VNTN - Khi chuyển chợ Cầu Gô (xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên) sang vị trí mới để khỏi ảnh hưởng tới giao thông nông thôn thì đất chợ cũ trở thành đất công của xã. Ngày 3/4/2014, UBND xã Tiên Phong đã họp, có đủ thành phần: Đại diện Đảng ủy, UBND, HĐND, cán bộ địa chính xã và cấp ủy thôn Xuân Trù cùng Ban quản lý của ba xóm: Đông Đoài, Trong và Đồng Xuân để giải quyết chỗ đất công trên. Hội nghị đã thống nhất “Giao thửa đất số 2215 (thửa chỉnh lý), tờ bản đồ 32, diện tích 142,5m2 và thửa 2216 (thửa chỉnh lý) diện tích 106m2. (Tổng diện tích 248,5m2) cho cấp ủy, chính quyền thôn Xuân Trù quản lý và sử dụng đúng mục đích, theo mốc giới được bàn giao tại thực địa”. Việc bàn giao có biên bản rõ ràng với đầy đủ chữ ký của những người dự họp và có đủ 3 con dấu: Đảng ủy, HĐND và UBND xã Tiên Phong.

Những việc làm không đúng thẩm quyền

Không hiểu có ai “bật đèn xanh” hay do thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật mà sau đó, Chi ủy thôn Xuân Trù và 3 trưởng xóm trong thôn đã giao (thực chất là bán) số đất trên cho 5 gia đình và “dám” ghi rõ vào biên bản, giấy giao đất cho các hộ được hưởng “quyền sử dụng đất lâu dài…” kể từ ngày giao. Cụ thể là:

1/ Ngày 13/12/2014, tại nhà bà Nguyễn Thị Mỹ - Bí thư chi bộ, ông Hà Văn Đỉnh ở xóm Đồng Xuân lấy 78m2, đã nộp cho thôn 240 triệu 800 ngàn đồng (ông Đỉnh nói). Sau đó, do mắc mớ giữa một số gia đình nên ông Đỉnh đã phải lấy lại tiền, và số đất trên đã chuyển sang cho bà Hoàng Thị Bằng. Bà Bằng đã phải nộp 130 triệu đồng.

2/ Ngày 18/12/2014, tại nhà ông Hà Văn Đại. Gia đình ông Hoàng Văn Hữu được giao 142,5m2 đất, đã phải nộp 72 triệu đồng. Gia đình ông Hoàng Hồng Phúc được nhận 93m2, đã nộp 186 triệu đồng.

Có hai gia đình chỉ nhận đất để làm đường đi, là: Nguyễn Văn Thư nhận 23,2m2, phải nộp 9 triệu đồng. Ngô Văn Tấn nhận 10m2, đã nộp 5 triệu đồng. Tổng cộng số tiền 5 gia đình đã phải nộp cho thôn là 402 triệu đồng.

Vậy, quyền hạn của cán bộ thôn lớn đến đâu mà được phép giao đất cho dân “sử dụng đất lâu dài”? Người dân đã nộp tiền, lại có “giấy phép- QSDĐ” để họ làm nhà, xây quán. Thế là vô tình, cán bộ thôn đã tạo điều kiện cho công dân làm sai chính sách, pháp luật. Những băn khoăn trên của người dân Xuân Trù không phải là không có cơ sở.

Theo giải trình của cấp ủy Chi bộ thôn Xuân Trù, do bà Nguyễn Thị Mỹ làm bí thư và 3 ông trưởng xóm: Ông Đào Chung Dũng- trưởng xóm Đồng Xuân, làm kế toán; ông Hà Văn Thuyết- trưởng xóm Trong làm thủ quỹ và ông Đào Tiến Mỹ- trưởng xóm Đông Đoài, thì thôn đã chi như sau: Làm mương chùa Cả, hết 111.580.000 đồng; Làm đường bê tông cầu Cong, hết 200.800.000 đồng; Làm đường bê tông xóm Trong, hết 27.960.000 đồng; Làm nội thất nhà Văn hóa, hết 24.590.000 đồng; Chi tiếp các khoản, như: Quà phong bì cho cán bộ môi trường 1,8 triệu; Làm hố vệ sinh tại nhà văn hóa hết 5.350.000 đồng; Hỗ trợ làm đường… hết 47.370.000 đồng. Tổng cộng chi 5 khoản trên là 412 triệu 300 ngàn đồng. Báo cáo còn ghi rõ là “Hết tiền chợ Cầu Gô cũ” và hết cả 10.300.000 đồng thu của nhân dân (tổng cộng hết đúng 412.300.000 đồng). Ở mỗi hạng mục chi còn có bản kê chi tiết, như tiền mua gạch, mua xi măng, mua cát…

Nhìn vào bản kê, ta thấy có vẻ cụ thể. Đúng là “Tiền có đồng, cá có con”.

Nhưng vấn đề ở đây là có nhiều việc làm thiếu minh bạch nên đã gây bức xúc trong nhân dân. Ông giáo Liên, một đảng viên 50 tuổi Đảng, cho biết: - Suốt hai năm (2015- 2016), lãnh đạo thôn và xóm không báo cáo thật minh bạch về thu chi các công trình xây dựng nông thôn mới cho bà con biết. Mãi đến ngày 25 - 26/7/2017, thấy nhân dân đòi hỏi quá nhiều, lãnh đạo thôn mới báo cáo qua loa cho dân nghe. Dân chất vấn thì cán bộ không trả lời rõ ràng. Đến cuộc họp trù bị cho Đại hội Chi bộ thôn Xuân Trù (28/7/2017), nhiều đảng viên thắc mắc về việc chi tiêu của Ban xây dựng Nông thôn mới trong hai năm rưỡi (2015 đến tháng 6/2017), có nhiều điều mờ ám. Lãnh đạo thôn đã không giải trình được cụ thể, minh bạch; ngược lại còn có lời đe dọa những người dám đấu tranh thẳng thắn trong cuộc họp.

 Con đường Cầu Cong đã có sẵn lề đường

Đảng viên Hoàng Văn Hải, thiếu tá công an nghỉ hưu, cho biết: - Có một số công trình chi tiêu ít, lại khai nhiều. Ví dụ: Tuyến đường cầu Cong dài 300m, rộng 3m. Thực tế con đường này đã có sẵn lề đường, một bên là bờ mương đã xây; một bên giáp ruộng, dài khoảng 200m; chiều cao phải xây ở chỗ cao nhất khoảng 1,6m… Ban kiến thiết nêu trong báo cáo là đã làm hết 69.280 viên gạch; 11 tấn xi măng; mua 50 xe cát; đổ hết 130 xe đất phụ cho mặt đường. Trong khi đó, ông Hải Hào và bà Trọng Vụ là người giám sát, cũng như ông Nghị Xuân, ông Phương, ông Thanh là thợ xây nói là chúng tôi chỉ làm hết 48.500 viên, 4,7 tấn xi măng, đổ 60 xe đất. Nhà thầu nhận xây công trình này, họ đã lấy 35 triệu đồng của tập thể, rồi đem phần cát, sỏi đến để làm công trình, chứ tập thể không phải mua cát. Đó là chưa kể công trình đường cầu Cong được đầu tư 300m, nhưng chỉ làm 275 m, vậy số xi măng thừa thì để đi đâu? Còn nữa, Ban xây dựng NTM của thôn chi tiêu hết số tiền bán đất chợ Cầu Gô, vậy còn số tiền (vật tư) Nhà nước hỗ trợ xây dựng nông thôn mới thì có còn không? Ông Nguyễn Văn Tiến ở xóm Đông Đoài đã cho thôn chặt bờ tre và nhiều cây bạch đàn, lại cho thôn đất để làm mương từ Cầu Gò đến bờ hồ Đình, còn không tiếc, thế mà khi xây dựng họ lại làm ít khai nhiều. Ngay như cái “hố đái” ở sau Nhà Văn hóa, họ làm thật bôi bác, chỉ hết độ hai triệu là cùng, nhưng đã khai lên 5.350.000 đồng… Tóm lại, việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn Xuân Trù hơn hai năm qua có nhiều điều mờ ám.

Con mương xây trên đất nhà ông giáo Liên hiến tặng 

Tức nước vỡ bờ. Ngày 1/8/2017, một bộ phận nhân dân thôn Xuân Trù (có cả đảng viên) đã  làm đơn tố cáo gửi lãnh đạo, các ban ngành và các cơ quan thông tin đại chúng.

Sau khi nhận được đơn thư của công dân, Thường trực Đảng ủy xã Tiên Phong đã vào cuộc một cách tích cực, chỉ đạo chặt chẽ, khẩn trương để giải quyết những tiêu cực ở thôn Xuân Trù. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Giáp - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để đạt được mục tiêu cán đích Nông thôn mới một cách vững chắc, lãnh đạo Đảng, Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc xã Tiên Phong đang “vào cuộc” để giải quyết dứt điểm tình trạng lộng quyền; chi tiêu thiếu minh bạch trong xây dựng một số công trình hạ tầng ở thôn Xuân Trù. Chúng tôi đang khẩn trương làm rõ đúng, sai để lấy lại niềm tin cho nhân dân. Sẽ “không có vùng cấm”, nếu như ở thôn Xuân Trù xảy ra tiêu cực. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW 4/ khóa XII là việc phải làm ngay để nông thôn mới vững mạnh thật sự.

Quyết tâm là thế, tuy nhiên sự việc cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm…

“Công trình vệ sinh” sau Nhà Văn hóa,

trị giá 5.350.000 đồng

Tiền hậu bất nhất

Khi có ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong về việc chống tiêu cực một cách quyết liệt thì ở thôn Xuân Trù đã xảy ra việc thay đổi số liệu, hợp pháp hóa hồ sơ. Một văn bản dài trên 4 trang, có tiêu đề: “Báo cáo kết quả kiểm tra theo đơn đề nghị của công dân thôn Xuân Trù” được ra đời, cuối văn bản có ghi:“Trên đây là các nội dung UBND xã Tiên Phong đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn làm rõ theo kiến nghị của các công dân thôn Xuân Trù”. Khi nghiên cứu kĩ văn bản này, ta thấy có nhiều điều trái với những chứng cứ của công dân gửi tố cáo, trước khi bản giải trình này ra đời. Ví dụ: Việc UBND xã “Yêu cầu cấp ủy, chính quyền thôn Xuân Trù trả lại số tiền đã thu của các hộ”và thực tế đã trả lại số tiền cho ông Hà Văn Đỉnh là 241 800 000đ”. Nhưng không phải như vậy, mà nguyên nhân là do khúc mắc trong việc mua bán giữa các hộ với lãnh đạo thôn nên ông Đỉnh buộc phải nhận lại tiền.

Báo cáo ghi: “các hộ ông Hoàng Xuân Phúc, bà Hoàng Thị Bằng và ông Hoàng Văn Hữu tự nguyện hiến số tiền đã nộp cho Cấp ủy, chính quyền Xuân Trù để xây dựng các công trình công cộng của địa phương”. Thực tế không phải vậy. Ở thôn này, ai cũng biết vận động mỗi hộ đóng góp một vài trăm ngàn đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng còn chật vật, thế mà bà Bằng bỏ ra 130 triệu, ông Phúc bỏ ra 186 triệu và ông Hữu bỏ ra 72 triệu để ủng hộ Thôn, liệu có đúng không? Ông Hữu cho biết: Cán bộ thôn bảo “gọi là ủng hộ để cho nó hợp pháp hóa”, chứ thực tình là chúng tôi mua. Lấy đâu ra tiền mà ủng hộ nhiều thế.

Trước đó, báo cáo của cán bộ thôn ghi: Chi bồi dưỡng tiếp cho cán bộ môi trường kiểm tra đất ở chợ Cầu Gô 1.000.000đ; lần nữa, chi phong bì cho cán bộ môi trường 800.000đ…; thì nay lại ghi: chi cho công nhân môi trường đi lấy rác ở chợ Cầu Gô 1,8 triệu (theo báo cáo của UBND xã).

Ngày 6/5/2016, phòng Quản lý Đô thị thị xã Phổ Yên có công văn số 272/ BC-UBND, yêu cầu “UBND xã Tiên Phong kiểm tra làm rõ việc thu, chi tiền sử dụng tiền SDĐ ở thôn Xuân Trù… Làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan trong việc thu tiền sử dụng đất trái quy định của Nhà nước”. Ngày 5/8/2016, UBND xã Tiên Phong đã có công văn số 632 BC- UBND  “Báo cáo kết quả giải quyết đất chợ Cầu Gô cũ” - do Chủ tịch Ngô Văn Quân ký, rằng sự việc đã được giải quyết từ ngày 25/12/2015. Xin hỏi: Ngày 6/5/2016, mới có ý kiến chỉ đạo của phòng Quản lý Đô thị về việc làm sai trái của cán bộ thôn Xuân Trù; ngày 27/12/2015, xã nhận được báo cáo của thôn Xuân Trù về việc các gia đình tự nguyện hiến tiền đã nộp… Thế mà ngày 25/12/2015, xã đã giải quyết thì có hợp lí không?

Lại nữa, báo cáo số 03/UBND, ngày 4/1/2016 còn nêu: “tháng 4/2015, cấp ủy chi bộ, trưởng xóm Xuân Trù đã giao đất có thu tiền cho 5 hộ… tổng số tiền là 402.000.000đ”; trong khi đó, biên bản của lãnh đạo thôn Xuân Trù giao đất lâu dài cho các hộ dân lại ghi rõ: Giao cho các hộ được quyền sử dụng đất lâu dài và đã nộp tiền từ ngày 13/12/2014 và 18/12/2014. Vậy, số tiền 402 triệu trong vòng 4 tháng nằm ở đâu?

Có phải cán bộ thôn Xuân Trù cố tình vi phạm pháp luật?

Rõ ràng, các việc làm trên của cán bộ thôn Xuân Trù là vi phạm pháp luật và đã được cơ quan chức năng nhắc nhở, yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Vậy mà cho đến nay, cán bộ thôn Xuân Trù vẫn không chấp hành và không nhận thức rằng đó là vi phạm. Mới đây, ngày 29/8/2017, UBND xã Tiên Phong đã mời cấp ủy và các trưởng xóm ở thôn Xuân Trù và những người có đơn tố cáo về xã để “hòa giải”. Dự kiến, nếu phía cán bộ thôn nhận rõ khuyết điểm, đồng ý về thôn xin lỗi dân thì bên nguyên đơn sẽ đồng ý rút đơn… Không ngờ, số cán bộ thôn Xuân Trù lại cho rằng làm việc chung cho dân nên không có gì sai phạm. Hơn nữa, ông Hải cho biết thêm: trước cuộc họp, một trưởng xóm còn đe dọa trắng trợn: - “Cẩn thận, nay mai nếu gia đình ông Hải (người đứng tên trong đơn) có người chết, thì xóm có đánh bục trống cũng không có người đến chôn!”.

Phải chăng, nơi đây vẫn tồn tại một kiểu luật pháp “Phép vua thua lệ làng”? Dư luận đang rất mong các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc và giải quyết dứt điểm vụ việc này, để trả lại công bằng xã hội, lấy lại niềm tin cho nhân dân.

Văn Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước