Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
12:26 (GMT +7)

70 năm lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng: Người xưa của ta nay

VNTN - “Tôi đã được giải nhất về học tập. Anh Ngô Tùng (Tổng biên tập báo Lao động) được nhận giải Đoàn kết, hai giải Cây bút có triển vọng thì trao cho anh Nông Việt Liêm và chị Phương Lâm. Tuy học có ba tháng, song qua khóa học, tôi đã thực sự vững vàng. Khóa học đã giúp tôi rất nhiều trong chuyên môn nghiệp vụ và vững tin hơn trong công việc làm báo sau này”. Đó là những chia sẻ của nhà báo Trần Kiên, một trong số hiếm những học viên lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng.

Lớp viết báo đầu tiên

Nhà báo Trần Kiên, tên thật là Phạm Văn Thái, sinh năm 1927, tại xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tháng 8/1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Hải Phòng, rồi vào bộ đội Nam tiến, làm Chính trị viên Tiểu đoàn, chiến đấu ở Đà Lạt, Phan Rang. Tháng 5/1946, ông bị bắt và giam tại nhà tù Nha Trang. Năm 1947 đến năm 1951 làm Thư ký Tòa soạn báo Độc lập. Từ tháng 10/1954, ông công tác ở báo Nhân dân, Bí thư Đảng ủy báo Nhân dân (1969), Phó Tổng biên tập (1988).

Học viên lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng (1949), từ trái sang phải: Thanh Huyên, Trần Kiên, Mai Hồ, Trần Vũ, An Châu, Vương Như Chiêm, Hải Như. Tư liệu KMS

Khi lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời, Trần Kiên lúc này mang bí danh Hoàng Kiên Trung, được cử làm lớp trưởng. Tròn 70 năm đã trôi qua, nhà báo Trần Kiên nhớ lại: “Đây là lớp đào tạo viết báo đầu tiên của nước ta. Lớp học có tên “Lớp đào tạo cán bộ viết báo Huỳnh Thúc Kháng” hay còn gọi là “Trường báo chí Huỳnh Thúc Kháng” do Tổng bộ Việt Minh tổ chức”.

Lớp đào tạo cán bộ báo chí Huỳnh Thúc Kháng được mở ra “nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tuyên truyền báo chí trong giai đoạn tổng phản công và tổng phản công thắng lợi”. Ban Giám đốc gồm 5 người: Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Độc Lập, làm Giám đốc; Xuân Thủy, Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc, làm Phó Giám đốc; Như Phong, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc Liên khu X, Ủy viên Thường trực; Đồ Phồn, nhà văn, nhà báo, Ủy viên giám thị; Tú Mỡ, nhà thơ, nhà báo, Ủy viên đôn đốc; giao cho tòa soạn báo Cứu Quốc lo xây dựng trường sở, tổ chức đời sống vật chất.

Địa điểm mở lớp đặt tại ngọn đồi bên ngoài thôn Bờ Rạ, gần dòng sông Công, thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Lớp khai giảng ngày 4/4/1949, vì tình hình chiến sự, chương trình học phải rút gọn, lớp làm lễ bế giảng ngày 6/7/1949. Chương trình học có 3 phần: phần lý thuyết, phần chuyên môn và phần thực hành.

Phần lý thuyết giải đáp các nội dung: Báo chí là gì? Lịch sử báo chí thế giới và nước ta ra sao? Người viết báo phải có những điều kiện cần thiết thế nào về kiến thức phổ thông, về lập trường chính trị… Phần chuyên môn, học viên được học các thể loại báo chí như phóng sự, điều tra, cách cấu tạo một tờ báo, cách tổ chức tòa soạn, nhà in, trị sự… Khi thực hành thì cùng nhau thi đua phỏng vấn, điều tra, đưa bài đến nhà in sớm, biên tập, in bài…

Ông Trần Kiên chia sẻ: “Thời gian học kéo dài ba tháng nhưng phụ trách trực tiếp là anh Xuân Thủy. Các giảng viên rất đông, hơn 30 giảng viên bao gồm cán bộ lãnh đạo chính trị và cả các nhà hoạt động văn học nghệ thuật tham gia giảng dạy như các anh Như Phong, Tú Mỡ, Đồ Phồn. Học sinh thì chỉ có hơn 40 học viên. Chúng tôi được học rất nhiều môn, kể cả hội họa và sân khấu. Và học đến đâu được thực hành ngay đến đó từ viết bình luận, xã luận cho đến phóng sự, sau khi làm bài xong thì được các giảng viên cho điểm và nhận xét ngay”.

Còn nhà thơ Hải Như, học viên của lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng, trước khi qua đời cũng kể lại:

“Lớp học chỉ mở 3 tháng mà tình cảm giữa Ban Giám hiệu điều hành lớp học với học viên giữa rừng Việt Bắc năm đầu chống Pháp ấy, nói theo nhà thơ Thế Lữ “Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên”. Sau giờ lên lớp, bác Tú - nhà thơ Tú Mỡ - sẵn sàng cầm chiếc quạt giấy múa chèo cho học viên xem để các nhà báo tương lai đừng quên văn hóa dân tộc. Nhà văn Như Phong, Đỗ Đức Dục pha cà phê không uống một mình mà thường gọi bọn tôi vào vừa uống cà phê vừa trao đổi chuyện trò về nghề báo. Những giờ “ngoại khóa”, các anh giảng cho bọn tôi về báo chí Pháp, báo chí Nga, giới thiệu tờ Humanité, Europe các anh vừa được nhận, để mở rộng chân trời báo chí phương Tây.

Ba cô viết báo

Đó là 3 học viên nữ: Lý Thị Trung, Phạm Thị Mai Cương và Phương Lâm. Nhà văn, nhà báo Lý Thị Trung, sinh năm 1930, kể: “Ngày tôi học lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng ở Việt Bắc, Bác đã gửi thư cho lớp học, trong đó có câu tôi nhớ mãi: “Nghe nói trong lớp có 3 cô. Phụ nữ nước ta viết báo còn rất hiếm. Các cô phải cố gắng”.

“Ba cô” đó là học viên Phương Lâm đến từ cơ quan Phụ nữ Cứu quốc Liên khu X, kết thúc khóa học về công tác tại báo Phụ nữ Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, bà Phương Lâm mất khi Pháp ném bom Tuyên Quang. Học viên nữ thứ hai là Phạm Thị Mai Cương, về công tác ở báo Lao động, trước khi nghỉ hưu là Thứ trưởng Bộ Tài chính. Học viên nữ thứ ba là Lý Thị Trung, đến từ cơ quan phụ nữ tỉnh Hưng Yên. Khi đó, Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Trung ương là bà Hoàng Ngân đọc trên báo truyện ngắn “Chú Tiểu Bình” của Lý Thị Trung, nhận thấy cây bút có triển vọng, khi được ông Xuân Thủy cho biết thông tin sắp mở lớp viết báo ở Việt Bắc, bà Hoàng Ngân đã cử Lý Thị Trung đi học.

Sau lễ bế giảng, Lý Thị Trung về công tác tại báo Chiến sĩ (Liên khu IV). Thủ đô giải phóng, bà về làm việc tại báo Thủ đô (nay là báo Hà Nội mới). Ở tuổi 56, bà còn tham gia sáng lập báo Phụ nữ Thủ đô cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội.

Nhà báo Lý Thị Trung ghi nhớ mãi kỷ niệm về bà Hoàng Ngân. Đồng thời, những kỷ niệm về người thầy trong nghề báo là Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được bà trân trọng chia sẻ.

Đại hội Hội Nhà báo họp tại Câu lạc bộ Đoàn kết (Hà Nội). Bà Trung ở trong đoàn đại biểu báo Thủ đô (nay là báo Hà Nội mới). Khi Bác Hồ tới, nói chuyện thân mật với Đại hội, Bác khen các báo làm đúng chức năng tuyên truyền giáo dục nhưng vẫn còn sai sót.

“Nói có sách, mách có chứng”, Bác đưa ra những số báo in sai để làm dẫn chứng. Trong đó, có tờ báo Cứu Quốc, ngay trang một có ảnh cô gái quỳ một gối bên đống phế liệu gì đó. Bác hỏi: “Bức ảnh này định nói lên điều gì các cô, các chú?”

Lúc này, nhà báo Lý Thị Trung đã đứng sát bàn của Bác nên đón tờ báo. Bà thấy có chữ Bác ghi bằng mực đỏ: “Cô em làm zì đấy?”. Đúng là chữ Z, lối viết quen thuộc của Bác. Ý của Bác muốn nhắc nhở người viết báo: Bức ảnh này ngay cả Bác cũng còn không hiểu, vậy thì quần chúng bạn đọc làm sao hiểu? Rồi Bác nhắc nhở: “Ảnh chụp phải rõ ràng, có nội dung và phải đẹp”.

Những học viên của lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Thật đúng là người xưa của ta nay. Tròn 70 năm, cảnh vật cũng đã đổi thay. Địa điểm lớp học xưa cũng nằm dưới lòng hồ Núi Cốc. Năm 1994, sau 45 năm trở lại thăm lớp học, nhìn mặt nước mênh mông, nhà văn Lý Thị Trung thổn thức: “Trường viết báo đầu tiên/ Dựng trên đồi Bờ Rạ/ Lớp học xưa đâu nhỉ/ Chìm giữa hồ mênh mông”. Người nữ học viên lại bồi hồi nhớ đến tên các thầy giảng bài, các bạn học trong lớp, nhớ cả tờ báo “Bút mới” được lập ra trong ba tháng học. Tất cả cứ lùi dần vào ký vãng chạng vạng. “Bờ Rạ, ơi Bờ Rạ/ Bản đồ không còn tên/ Nhưng trong tim vẹn nguyên/ Kỷ niệm về Bờ Rạ/ Bờ Rạ, ơi Bờ Rạ!”.

Kiều Mai Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy