Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
10:22 (GMT +7)

Những bàn tay che chở nắng mưa

Qua nhiều ngách rẽ quanh co, tôi tìm đến nhà chị Vi Thị Cúc, một cựu thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Đại đội 912, Đội 91. Trông dáng người dong dỏng cao, vẫn giữ được vẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn và nhất là còn lưu lại những nét duyên trên gương mặt phúc hậu, không ai nghĩ chị đã bước sang tuổi 77. Sau lời giới thiệu và biết mục đích chuyến viếng thăm của tôi, mắt chị rơm rớm, xúc động, làm tôi cũng bùi ngùi.

Trước khi đến gặp chị, một người bạn của tôi cũng là một cựu TNXP đã cho tôi biết sơ qua về chị. Quê gốc tận nơi heo hút thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, năm 10 tuổi chị theo gia đình chuyển về sinh sống ở xóm Núi Hột, xã Linh Sơn, Thái Nguyên này.

Chị Cúc vui vẻ mời tôi vào phòng khách. Hình ảnh đập vào mắt tôi đầu tiên là khuôn hình cô gái mặc quân phục TNXP trẻ trung tươi tắn, mái tóc dài, đôi mắt đẹp mơ màng nhìn xa xăm vời vợi, được treo ở nơi trang trọng nhất. Chị bảo, tấm ảnh ấy chính là dấu ấn rực rỡ và vinh quang nhất thời thanh xuân của chị. Ngay cạnh tấm ảnh là hai tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của hai vợ chồng chị. Nhìn căn nhà gọn gàng, ngăn nắp, tôi hiểu “chất” bộ đội Cụ Hồ hơn nửa thế kỷ vẫn nguyên vẹn trong cách sống và tâm hồn của anh chị.

Với tôi, hôm nay hẳn sẽ là một ngày rất vui vì sẽ được nghe chị kể lại về những ngày tháng hào hùng chống Mỹ cứu nước của Đội 91 TNXP tỉnh nhà, trong đó có Đại đội 912 mà chị là Đại đội phó…

Tác giả (đeo kính) cùng nhân vật

Chị Vi Thị Cúc bắt đầu câu chuyện với tôi rất thân thiện:

- Chắc em cũng biết, nhiệm vụ chung của TNXP các chị ngày ấy là lấp hố bom, sửa đường, giữ gìn thông suốt mạch máu giao thông và bốc hàng hóa, vũ khí để chở ra chiến trường… Khoảng ngót chục năm nay, báo chí trong tỉnh và trung ương cũng đã viết nhiều về TNXP, đặc biệt về sự hy sinh của Đại đội 915…

- Vâng, em biết, nhưng em gặp chị hôm nay là muốn tìm hiểu thêm về Đại đội 912 do chị làm Đại đội phó. Đêm Noel năm ấy, sau khi bốc hàng ở ga Lưu Xá, 60 đội viên Đại đội 915, Đội 91 đã hy sinh. Cùng bốc hàng hôm ấy với Đại đội 915 còn có 40 đội viên Đại đội 912 của chị. Hình như sự kiện này chưa có người đề cập đến.

Chị Cúc gật đầu:

- Đúng như thế em ạ. Chị Cúc bắt đầu kể bằng giọng bồi hồi nhưng lưu loát. Chứng tỏ mọi sự việc dù đã nửa thế kỷ nhưng vẫn hằn sâu trong ký ức chị:

- Những năm tháng ấy khí thế sôi nổi lắm em ạ. “Tuổi mười bảy bẻ gẫy sừng trâu” mà. Đội viên Đại đội 912 của chị tuổi từ 17 đến 25, hầu hết chưa xây dựng gia đình. Rất nhiều đội viên là người dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu từ các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì, Võ Nhai, Phú Lương… đến, có người nói tiếng Kinh chưa sõi. Hồi đầu, Đại đội 912 đóng quân ở núi Hột, xã Linh Sơn, xóm Bến Đò, sau chuyển về khu Tê Ba Nhất (phía sau Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp ngày nay). Đại đội 912 của chị chia thành 9 tiểu đội. Mỗi tiểu đội được phân công công việc rất cụ thể như sửa đường, san lấp hố bom, hướng dẫn xe qua cầu trên đường 1B, trực chiến khu vực cầu ngầm Sơn Cẩm, bốc dỡ hàng hóa ở các ga tàu… Có những đêm trời tối đen như mực, rét căm căm, các chị phải xắn quần lội suối, đứng cách nhau chừng 3m giăng thành hàng, hai tay xách hai chai đom đóm làm đèn để lái xe căn đường, cách một tiếng lại thay người vào hầm sưởi ấm. Có lúc Đại đội của chị làm mố cầu giả cách cây cầu thật một đoạn xa để nghi binh. Nhưng công việc gian nan nhất của bọn chị, em có biết là gì không? Đó là tham gia phá bom nổ chậm. Đây là việc cực kỳ nguy hiểm, vừa đòi hỏi khéo léo, nhanh nhạy vừa đòi hỏi lòng dũng cảm, mà phải nói là cảm tử thì đúng hơn.

Bà Vi Thị Cúc - cựu thanh niên xung phong thuộc Đại đội 912, Đội 91 Bắc Thái

Uống hết chén trà, chị hào hứng kể tiếp:

- Đơn vị chị ngày ấy phải đảm bảo đoạn đường từ Gốc Vối lên đến cây số 15 dốc Ông Sư, quốc lộ 1B. Đoạn đường này bị đánh phá ác liệt nhất vì có kho vũ khí 382 của quân đội. Hôm chúng ném bom Tổng kho 382, bọn chị phải chuyển hàng nghìn phuy xăng ra khỏi nơi nguy hiểm. Trong lúc kho xăng vẫn cháy ngùn ngụt đơn vị đã tập trung lấp hố bom. Chị chỉ huy đơn vị tham gia ứng cứu, giải phóng đường, bốc vác chuyển vũ khí sơ tán vào hang đá.

Giọng chị trở nên nghẹn ngào:

- Đó là vào ngày 24/12/1972, Đại đội 912 của chị có 40 người tham gia bốc vác lương thực cùng Đại đội 915 do Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường trực tiếp chỉ huy. Nhiệm vụ là tham gia giải tỏa 20 ngàn tấn hàng hóa, vũ khí đạn dược, nhu yếu phẩm ở ga Lưu Xá để phục vụ chiến trường miền Nam. Chập tối, sau khi đã tạm ổn mọi việc, 40 đội viên của Đại đội 912 trở về nơi tập kết ở khu Tê Ba Nhất (sau trường Đại học Cơ điện) an toàn. Còn Đại đội 915 thì chưa kịp ăn cơm, máy bay Mỹ đã ập đến ném bom. Tiếng bom rung chuyển cách nơi các chị nghỉ chân không xa. Chị chết lặng người vì linh cảm thấy điều không hay. Và đúng thế, sau đó, chị nhận tin dữ: 59 đội viên Đại đội 915 cùng anh Cường Đội phó hy sinh.

Giọng chị như tắc lại:

- Một ngày đau buồn như xé từng khúc ruột em ạ. Những đồng đội vừa nói cười vui vẻ bỗng chốc vĩnh viễn rời xa mình, có một số thi thể chẳng còn nguyên vẹn…

Chị khóc nấc khiến tôi cũng ứa nước mắt. Thế mới biết, dù nỗi đau đã trôi qua nửa thế kỷ nhưng vẫn có thể trở về cào xé trái tim con người bất cứ lúc nào. Giọt nước mắt của năm mươi năm sau vẫn chát mặn và đau đớn đến thế.

Muốn dứt chị ra khỏi dòng cảm xúc đau thương, tôi hướng chị sang câu chuyện khác:

- Em nghe nói chị và các cựu TNXP Đại đội 912 thành lập Ban liên lạc Cựu TNXP Đại đội 912?

Đã tĩnh tâm trở lại, chị Cúc hồ hởi:

- Đúng vậy em ạ. Để có điều kiện ôn lại cái thời oanh liệt ấy các chị đã tổ chức ra Ban liên lạc để hội tụ các đội viên TNXP. Cái tên thì như thế nhưng không chỉ của Đại đội 912 mà mở rộng ra nhiều đại đội khác thuộc Đội 91. Dù đời sống của nhiều anh chị em còn khó khăn, có người vẫn bị những vết thương cũ hành hạ, nhưng mỗi lần hội tụ thì tinh thần TNXP năm xưa được sống lại, bao buồn phiền tan hết. Tự hào và thư thái lắm em ạ. Để tiện sinh hoạt, gia đình chị đã cho Ban liên lạc mượn 300 mét vuông đất và phụ thêm sáu mươi triệu đồng góp cùng quỹ của Ban để xây dựng hội trường, có khu ăn, nghỉ khép kín dành cho những đồng đội ở xa nghỉ ngơi, chờ họp mặt.

Tôi thấy hơi lạ, vì với một quy mô như thế, để có thể duy trì lâu dài, sẽ phải bỏ ra không ít tiền. Chừng như đoán được ý nghĩ của tôi, chị Cúc giãi bày:

- Các chị kinh doanh thêm để gây quỹ em ạ. Hơn nữa, từ khi làm được nhà, anh chị em đỡ phải đóng góp nhiều, thậm chí còn dư tiền để giúp đỡ những đội viên kinh tế khó khăn. Năm 2013 các chị thành lập Công ty nghỉ dưỡng do cựu TNXP Nguyễn Minh Lương làm giám đốc. Tất cả các cựu TNXP về nghỉ dưỡng tại đây đều được hưởng giá ưu đãi, nhiều trường hợp hoàn toàn miễn phí. Các chị Lương Thị Hội, Liêu Thị Ly, Hoàng Thị Mới là những người của Đại đội 915 sống sót trong trận bom đêm Noel năm 1972 đã từng được công ty mời nghỉ dưỡng miễn phí 10 ngày. Ngoài ra, mỗi dịp lễ tết, những cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn đều được Ban liên lạc tặng một suất quà trị giá 500.000đ. Các gia đình làm nhà được hỗ trợ 1.000.000đ và quà như phích nước, quạt máy…

Tôi xuýt xoa:

- Thật khó có tổ chức dân sự nào mà chu đáo như thế.

Như để chứng minh cho những lời mình vừa nói, chị Cúc dẫn tôi ra thăm vườn cây ăn quả, vườn thuốc nam chữa bệnh. Hơn 3.000 mét vuông đất được phân khu gọn gàng, sạch đẹp. Chị và tôi căng lồng ngực hít thở trong những cơn gió từ phía sông lồng lộng thổi về. Phía trước mặt, những chùm hoa phượng đầu mùa hoe đỏ, lấp ló dưới tán lá, vẽ lên bầu trời trong xanh một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, soi bóng lung linh xuống mặt sông êm ả.

Chị Cúc khoát rộng cánh tay như muốn ôm cả khu vườn thuốc nam vào lòng:

- Vườn thuốc nam này không những cứu chữa cho người trong gia đình chị mà còn giúp rất nhiều người trong đó có cựu TNXP. Ví như anh Nguyễn Văn Chuẩn xóm Đồng Nội, xã Phúc Trìu bị rò xương, đi các bệnh viện không khỏi, nhờ vườn thuốc cây nhà lá vườn này mà lành bệnh. Hay anh Cao Văn Hùng bệnh viện chỉ định phải tháo khớp nhưng kiên trì chữa chạy bằng thuốc nam trong vườn này mà nay đã đi lại bình thường. Và còn nhiều trường hợp khác không kể hết ra đây. Điều đáng nói nhất, nếu bệnh nhân là TNXP thì đều được chữa miễn phí.

Chị Cúc mở khóa cánh cửa “ngôi nhà” của Ban liên lạc. Trên tường treo đầy bằng khen, giấy khen của Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Chủ tịch Hội - Hà Nhân Thăng ký cùng những tấm ảnh lưu niệm. Chị chỉ vào tấm pa-nô gắn trên tường ghi lần sinh hoạt gần đây nhất của các chị vào ngày 24/12/2020, luyến tiếc:

- Vì dịch Covid nên các chị phải tạm ngừng sinh hoạt gần hai năm nay. Nhưng sắp có cơ hội tiếp tục rồi. Vui lắm em ạ.

Niềm vui của chị tràn sang tôi. Mấy năm nay, đọc trên báo chí và từng gặp nhiều đội viên TNXP Đội 91, tôi thấy đa số họ còn sống trong hoàn cảnh thiếu thốn hoặc phải chịu đựng nỗi đau do vết thương tái phát. Những gia đình có được cuộc sống vừa dồi dào về vật chất vừa thoải mái về tinh thần, hạnh phúc sóng đôi, viên mãn như gia đình chị Cúc khá hiếm hoi.

Tôi bày tỏ ý nghĩ ấy, chị Cúc khẽ lắc đầu:

- Cũng không hẳn vậy em ạ. Có được ngày hôm nay, chị và anh ấy đã phải vượt nhiều sóng gió. Chồng chị trông vậy thôi nhưng mang chất độc da cam trong người. Có những năm tháng anh chị phải gắng gượng vượt qua đói nghèo, bệnh tật mới xây dựng nổi cái cơ ngơi như ngày nay. Điều làm chị vui và tự hào nhất là ban đầu cái vườn thuốc nam này chỉ định dùng cho gia đình, nhưng bây giờ đã có thể cứu chữa cho rất nhiều người, đặc biệt là các cựu TNXP. Không có nó, anh chị làm sao đủ sức khỏe để tham gia mọi công tác xã hội đến tận bây giờ. Hiện anh vẫn là cán bộ nòng cốt của các hội chất độc da cam, cựu chiến binh ở địa phương.

Trước khi về, tôi cùng chị Cúc dạo quanh khu vườn một lần nữa. Tán cây xập xòe như những chiếc ô xanh rợp mát khổng lồ. Và trước mắt chúng tôi, những hoa, những lá trong vườn thuốc nam xòe nở dịu hiền như vô vàn bàn tay thân thiện. Tôi chợt suy nghĩ, cuộc đời này đang rất cần những bàn tay chở che mưa nắng, chở che bão giông, chở che cho những thân phận không nhiều may mắn.

Ban liên lạc Cựu TNXP 912 Đại đội 912 cùng gia đình chị Cúc là một trong những bàn tay như thế.

Bút ký. Cồ Thị Thơm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 23 giờ trước