Nét làng ở bản Trung Sơn
Không cần hô hào khẩu hiệu, cũng chẳng phải cưỡng cầu, những giá trị văn hóa mang tính truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở Trung Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên tồn tại từ đời này sang đời khác theo một lẽ tự nhiên.
Những ngôi nhà san sát nằm ở trung tâm xóm Trung Sơn
Thần Sa - vùng đất mới chỉ nghe tên thôi đã đủ sức gợi cho những ai say mê khám phá. Nó vừa mang đến cảm giác huyền bí, vừa xa xôi, vừa hấp dẫn như chào mời. Từ trung tâm TP. Thái Nguyên, ngược phía Bắc, đến La Hiên rẽ vào Cúc Đường rồi thẳng tiến tới Thần Sa. Với địa hình có những dãy đá vôi dày đặc nằm trong hệ Bắc Sơn và những dải thung lũng hẹp chạy dọc theo hai bờ sông Thần Sa. Thời điểm này, đến Thần Sa vào buổi sớm sẽ được thỏa sức ngắm nhìn những thung mây mà không cần phải đi xa đến các địa danh như Tà Xùa, Mù Cang Chải… ở mãi cuối trời Tây Bắc.
Những thung mây trong những ngày chớm Đông không chỉ ngoan ngoãn nằm nép mình trong khe núi mà tràn xuống, đậu trên mái nhà, đôi khi còn dung dăng “rủ nhau” trườn xuống ngang tầm phóng mắt của người đi đường. Giữa bốn bên là núi và cây rừng, những đám mây trắng như những nét điểm xuyết cho bức tranh miền sơn cước càng trở nên đẹp đến ngỡ ngàng, trong mắt những người yêu thiên nhiên và ưa thích khám phá.
Lần nào đến đây tôi cũng miên man suy nghĩ, đằng sau những lớp mây lẫn sương mù kia, bên trong các hang động phần cuối của dãy núi Bắc Sơn, cuộc sống của loài người cổ xưa đã đã diễn ra như thế nào? Vì tại đây, các nhà khảo cổ học nước ta đã phát hiện được một loạt các di chỉ khảo cổ có niên đại từ trung kỳ đồ đá cũ đến sơ kỳ đồ đá mới từ khoảng 30.000 năm đến 10.000 năm cách ngày nay. Một vùng đất quá giàu có về văn hóa, truyền thống và tiềm năng có thể khai thác du lịch!
Nhưng những suy nghĩ chẳng dễ gì tìm được câu trả lời đầy đủ ấy sẽ ngay lập tức bị cắt ngang khi xe vừa đi qua trung tâm xã. Những ngôi nhà sàn san sát sẽ hiện ra đầy mê hoặc. Đó là lúc đặt chân đến Trung Sơn, một trong những xóm trung tâm của xã Thần Sa. Dưới mỗi mái nhà, vài ánh mắt ngây thơ có phần dò xét của những cô, cậu bé lén nhìn những người khách lạ từ ô cửa sổ nhỏ trên cao. Những bắp ngô vàng ruộm treo dưới hiên nhà mang nét đẹp đặc trưng của những ngôi nhà miền núi. Những mái ngói nhuốm màu thời gian trầm mặc ngay lối đầu tiên rẽ vào xóm như một lời giới thiệu với những người khách lạ rằng, ở đây đầy ắp sự thanh bình, yên ả.
Chúng tôi đến tìm ông Đồng Văn Lan, người có uy tín trong cộng đồng xóm Trung Sơn. Ông Lan nguyên là lãnh đạo chủ chốt của xã đã về hưu, cũng là người tham gia viết cuốn lịch sử đảng bộ xã. Với nhiều người dân ở đây, ông Lan tựa như pho sử sống của làng. Giọng ông chậm rãi, rủ rỉ như người ta đếm dãy số tự nhiên 1, 2, 3… từng số, từng số một.
Mời nước khách trên ngôi nhà sàn của gia đình, ông tự hào giới thiệu về những nét văn hóa mà người Tày ở Trung Sơn đã tiếp nối, trao truyền. Xóm Trung Sơn hiện có hơn 100 hộ dân tộc Tày. Là một trong những dân tộc luôn quý trọng và có ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa mà ông cha để lại nên dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi so với trước kia, nhưng nhiều phong tục, tập quán và tín ngưỡng của bà con ở Trung Sơn thì vẫn luôn được gìn giữ. Ví như vật liệu để làm những ngôi nhà sàn sau này đã có nhiều thay đổi, song 100% các gia đình trong xóm vẫn lựa chọn mô hình làm nhà sàn để ở như khi xưa tổ tiên của họ đã làm. Là người say mê cảnh sắc núi rừng và nếp sống của đồng bào dân tộc thiểu số nên hầu hết các bản làng, các vùng đất trong tỉnh tôi đều đã đến một hoặc rất nhiều lần, những nơi cả xóm chỉ có nhà sàn như ở Trung Sơn có lẽ cũng là “của hiếm”.
Theo thời gian, hầu hết các ngôi nhà đều phải qua sửa chữa, gia cố và nâng cấp để đảm bảo an toàn và tiện nghi cho nhu cầu sử dụng của gia chủ. Thế nhưng, vẫn còn không ít gia đình sau nhiều lần sửa chữa, vẫn giữ được nếp nhà xưa gần như nguyên vẹn. Theo lời giới thiệu của ông Lan, đối với những ngôi nhà sàn cổ xưa, phần áp mái chạy dọc theo chiều dài ngôi nhà thường được thiết kế những cái “hiên” (giống phần gác lửng của những ngôi nhà hiện đại ngày nay), để cất đồ đạc trong nhà. Nhất là khi nhà có cỗ, toàn bộ đồ đạc sẽ được cất tạm lên hiên, để sàn nhà trống lấy chỗ bày cỗ và mời khách ngồi ăn.
Một trong những vị trí quan trọng nhất trong nhà là nơi đặt bàn thờ gia tiên, thần linh. Cùng là đồng bào dân tộc Tày nhưng mỗi nơi có một quan niệm khác nhau. Ở Trung Sơn, bàn thờ tuy được làm khá đơn giản nhưng luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà, theo hướng thẳng ra cửa chính. Ở khu vực đặt bếp lại có một bát hương nhỏ khác để thờ riêng thần bếp. Bát hương thờ thần bếp mỗi khi lên hương luôn được thắp 3 nén kèm theo 3 chiếc chén. Cuộc sống hiện đại, nhiều nhà đã dùng bếp ga, nồi cơm điện thay cho bếp củi nhưng việc thờ cúng ở góc bếp vẫn luôn được chú trọng và giữ nguyên nếp của người xưa truyền lại.
Nhiều gia đình vẫn giữ bếp lửa trong nhà cho dù đã có thêm nhiều vật dụng mới như nếp ga, nồi cơm điện
Tìm hiểu về việc dựng nhà của người Tày ở đây cũng có nhiều điểm khá thú vị. Theo ông Đồng Văn Lan, ngoài việc chọn vị trí làm nhà, hướng nhà theo tuổi của gia chủ, người Tày ở Trung Sơn còn phải xét thêm hướng được cho là đại lợi của năm đó để quyết định hướng nhà. Làm nhà bao nhiêu cột, to hay nhỏ còn phụ thuộc vào nhu cầu và điều kiện kinh tế của từng gia đình, nhưng có một điều người Tày Trung Sơn đặc biệt kiêng kỵ trong lúc dựng nhà, đó là đầu chiếc kèo nóc của nhà này không được hướng thẳng vào cửa nhà người khác. Với những chòm xóm bà con ở san sát, dày đặc như trung tâm xóm Trung Sơn thì điều này không dễ. Dù thế, người làm nhà sau vẫn phải tuyệt đối tránh phạm điều kỵ này. Bởi theo các cụ xưa truyền lại, nếu nhà nào bị đầu kèo của nhà khác đâm thẳng hướng cửa chính nhà mình thì trong nhà chắc chắn có người sẽ bị bệnh về mắt, nặng có thể dẫn đến mù lòa.
Người dân ở Trung Sơn đến nay cũng không biết điều đó linh ứng ra sao, nhưng nó đã thấm sâu vào nếp nghĩ của mỗi người và họ đều coi đó là một điều răn cần thực hiện. Theo người trong làng kể lại, cách đây vài năm, một gia đình khi cất nhà do không để ý đã phạm vào điều trên, khiến cho chủ nhà bị đòn nóc của hàng xóm gióng thẳng cửa bị đau mắt kéo dài, mắt bị mờ dần mà chạy chữa khắp nơi không khỏi. Đến khi phát hiện ra, chiếc đòn nóc của nhà hàng xóm được điều chỉnh lệch đi một chút thì mắt của anh tự khắc lành…
Trong ngôi nhà của người Tày ở đây, hầu hết các vật dụng đều là số lẻ. Theo nghiên cứu và tìm hiểu của ông Lan, người Tày quan niệm con số 9 là con số tâm linh. Quan niệm ấy xuất phát từ việc người phụ nữ phải vất vả mang thai 9 tháng 10 ngày mới sinh nở. Đó là việc thiêng liêng nên con số 9 tượng trưng cho sự tốt đẹp. Vì thế, nếu các đồ vật gắn liền với ngôi nhà như bậc thang, chấn song cửa sổ… không thể làm 9 thì cũng sẽ là một con số lẻ khác chứ không bao giờ là một con số chẵn.
Để giúp chúng tôi có cái hình dung đầy đủ hơn về ngôi nhà sàn cổ của ông cha mình, ông Lan đưa chúng tôi đến thăm ngôi nhà của gia đình ông Đồng Văn Chung và bà Lương Thị Nga. Đó là một ngôi nhà đã được dựng cách đây hơn 40 năm và gần như còn giữ được nguyên vẹn mọi chi tiết so với ngôi nhà truyền thống của ông cha nhiều đời trước. Ngôi nhà của vợ chồng ông Chung nằm khá biệt lập với trung tâm xóm. Lối vào nhà là con đường mòn nhỏ hẹp. Ngồi bên bếp lửa giữa nhà đun ấm nước, bà Nga cho biết: Xưa, vợ chồng bà cũng ở trung tâm xóm, nhưng ruộng ở xa, nên để tiện việc đồng áng vợ chồng bà đã quyết định chuyển vào đây ở.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, dưới gầm các ngôi nhà sàn, bà con dùng để chứa phương tiện đi lại và máy móc nông cụ chứ không nuôi nhốt gia súc nữa
Ông Chung thêm vào câu chuyện. Lúc chúng tôi mới lên đây dựng nhà, chỗ này còn là rừng rậm rạp, vẫn còn cả hổ. Cũng đã vài người nhìn thấy, hổ vào chuồng cắn lợn, rồi thoắt cái nó hất con lợn lên và nhảy ra khỏi bờ rào, mang theo con lợn mất hút vào rừng. Ai trông thấy cũng chỉ biết ngồi im quan sát chứ không thể làm được gì. Giờ nghĩ lại mới thấy, đúng là chúng tôi sống sót được là nhờ nhà sàn. Ở nhà sàn cao, hổ đến là biết nên có thể chủ động phòng tránh được nó…
Giờ nơi vợ chồng ông Chung ở tuy chưa đông đúc nhưng cũng có thêm đôi ba nóc nhà được cất lên, đồng bãi quang đãng, không còn vẻ hoang vu, buồn bã như trước nữa. Và, bên dưới mỗi nếp nhà ấy, những tập quán của ông cha truyền lại vẫn được người dân lưu giữ và thực hành.
Người dân ở Trung Sơn vẫn duy trì 6 cái Tết một năm. Đó là Tết tháng Ba, Tết tháng Năm, Tết tháng Bảy, Tết tháng Tám, Tết tháng Mười và tết Nguyên đán. Gọi là Tết nhưng để không lãng phí tiền bạc và thời gian nên bà con không ăn uống linh đình, cũng không kéo dài từ ngày này qua ngày khác mà chú trọng yếu tố tinh thần là chủ yếu. Tết được từng gia đình làm phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình mình. Mỗi ngày Tết mang một ý nghĩa khác nhau.
Tết tháng Ba là Tết tảo mộ, là dịp để con cháu đang sống sửa soạn, săn sóc nơi yên nghỉ cho người đã khuất. Vào dịp này, thường bà con sẽ làm bánh lá ngải để dâng lên tổ tiên. Tết tháng Năm, loại bánh đặc trưng là bánh bò chấm mật. Cũng giống như người Kinh và đồng bào nhiều dân tộc khác, đây là cái Tết với quan niệm “diệt trừ sâu bọ” để người người được mát mẻ, cây cối được tốt tươi. Tết tháng Bảy là Tết cầu cho mùa màng được thuận lợi. Ngoài mâm cúng tại nhà, đây là dịp người dân dâng lễ tại miếu, đình làng, gửi lời cầu nguyện các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, diệt trừ địch họa và những điều không may mắn để mùa màng được tươi tốt. Loại bánh không thể thiếu trong dịp này là bánh chưng được gói tròn, dài. Tết tháng Tám là Tết cơm mới. Đây là dịp những thửa ruộng cấy sớm đã bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi nhà cài lên giường thờ và các cây cột trong nhà mỗi chỗ một bông lúa chín ngụ ý báo cáo với các vị thần linh về một vụ cơm mới. Tết tháng Mười là cái Tết mừng mùa màng đã thu hoạch xong. Các gia đình trong xóm sẽ làm mâm cơm tươm tất để liên hoan mừng thóc lúa đã đầy bồ. Anh em, chòm xóm thân thiết cũng có thể trao đổi làm so le ngày để đến nhà nhau cùng ăn bữa cơm cho thêm tình đoàn kết. Còn Tết Nguyên đán, người Tày ở Trung Sơn cùng hòa chung với không khí ngày Tết của toàn dân tộc Việt Nam.
Việc hiếu, hỷ của bà con người Tày Trung Sơn cũng không có quá nhiều khác biệt so với các nơi khác. Nhưng có một nghi lễ trong đám hiếu thì tự nó vẫn tồn tại và bà con nơi đây coi đó là một nghi thức quan trọng họ muốn giữ gìn. Đó là, nếu trong nhà có con gái đi lấy chồng thì khi cha, mẹ qua đời không thể thiếu phần lễ rước. Đó là nghi lễ thể hiện lòng biết ơn của con gái, con rể với đấng sinh thành. Lễ rước gồm một con lợn, một con gà, bánh kẹo, hoa quả và hương vàng. Đi trước giá lễ là thầy cúng với đầy đủ áo dài, kèn, trống để hành lễ.
Bà con nơi đây cũng có cách tưởng nhớ người thân đã khuất theo một cách rất riêng. Vào ngày mà người thân mất hàng năm, các thành viên trong nhà sẽ không đóng mới chuồng trại, không gieo cấy hay trồng trọt. Nếu buộc ngày hôm đó họ phải làm công việc có tính chất khởi đầu cho một sự sống mới, một niềm vui mới thì nhất định bà con sẽ chọn thời điểm bắt đầu là ngày hôm trước. Ví dụ như, vào ngày giỗ người thân, những người thợ cấy bố trí được thời gian để cấy cho đám ruộng của gia đình thì gia chủ sẽ tự xuống đồng, cấy một vài hàng lúa từ ngày hôm trước, đánh dấu cho thời điểm khởi đầu…
Trải qua bao thế hệ, bên bếp lửa hồng ở nhà sàn những câu chuyện của bản làng khi xưa và xóm thôn hôm nay vẫn được thế hệ trước kể lại cho thế hệ sau nghe. Cũng trong những ngôi nhà sàn, ông truyền cho cha, cha lại truyền cho con những lời răn dạy, để lòng tự hào, ý thức giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc được bồi đắp không ngừng và trường tồn mãi mãi. Nhờ đó đã làm nên một đời sống tinh thần vô cùng phong phú, dung dị mà đặc sắc của bản người Tày ở Trung Sơn.
Ký - Kim Ngân
2 đã tặng
0
2
0
0
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...