60 năm, thành phố của tôi…
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thái Nguyên, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, thành phố Thái Nguyên đã có những bước tiến vững chắc, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, luôn xứng tầm là đô thị trung tâm. Cùng nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta lại thêm tự hào về một thành phố giàu tiềm năng với nhiều điều đặc biệt.
Hạ tầng đô thị khu vực phía Tây thành phố. Ảnh: Mạnh Hùng
Nhớ thuở ban đầu
Ngoài tên gọi thành phố Thái Nguyên, thành phố tôi còn có tên gọi khác, rất đỗi thân thương, đó là Thành phố Thép. Ngược dòng lịch sử, ngay sau khi hòa bình lập lại, những năm đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Thái Nguyên được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm điểm xây dựng khu công nghiệp.
Ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên. Chỉ 4 ngày sau (ngày 8/6/1959), Bác Hồ đã đến thăm công trường lần thứ nhất, điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bác dành cho Khu Gang thép Thái Nguyên. Bấy giờ, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng nhờ sự quyết tâm của cán bộ lãnh đạo, công nhân và sự ủng hộ của nhân dân cùng sự tận tình giúp đỡ của chuyên gia, hơn 96.700m2 nhà ở cho hơn 1 vạn công nhân đã được gấp rút thi công; 40 quả đồi và hàng trăm nghìn khối đất, đá được san gạt (Theo: Bác Hồ với Thái Nguyên – Thái Nguyên với Bác Hồ - NXB Thời đại). Cũng từ đây, Thái Nguyên đã đón nhận sự khai sinh của hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện; các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Hằng năm đón hàng vạn con em các dân tộc từ khắp mọi miền của Tổ quốc về công tác và học tập.
Trên cơ sở đó, ngày 19/10/1962, Chính phủ đã ra Quyết định thành lập thành phố Thái Nguyên thuộc tỉnh Thái Nguyên. Thành phố trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế của Tỉnh và là trung tâm Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, với những đóng góp to lớn, thành phố Thái Nguyên đã ghi tên mình trên bản đồ cả nước bằng cái tên đặc biệt “Thành phố Thép”.
Nhưng, không chỉ có vậy, thành phố Thái Nguyên còn được biết tới với tôn xưng “Đệ nhất danh trà”. Vùng chè Tân Cương của Thành phố không chỉ luôn có chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước mà còn “vươn” sang nhiều thị trường nước ngoài “khó tính” khác thông qua việc được bảo hộ ở nước ngoài và giành các giải thưởng danh giá. Với một thành phố - đô thị trung tâm vùng lại “thành danh” ở cả 2 lĩnh vực công – nông nghiệp thì đó cũng là điều đặc biệt.
Không gian văn hóa Trà Tân Cương, một trong những điểm đến lý thú ở TP. Thái Nguyên
Sáu thập kỷ vững vàng tiến bước
Từ những nền móng ban đầu, đến nay, thành phố đã hình thành một số lĩnh vực công nghiệp chủ lực, tạo động lực và sức lan tỏa phát triển như: Sản xuất linh kiện, phụ kiện điện tử, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, công nghiệp điện… Một số dự án sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ cao được triển khai như: Chế biến khoáng sản, xử lý chất thải công nghiệp…
Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp được quan tâm thu hút đầu tư. Các cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1, Sơn Cẩm 2, Sơn Cẩm 3 được tập trung hoàn thiện hạ tầng và khai thác có hiệu quả. Thành phố đang đề xuất bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp mới để thu hút các ngành nghề ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường tại khu vực phía Nam thành phố. Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, nếu như năm 2016 chỉ đạt 5.542 tỷ đồng, thì năm 2020 đã đạt 10.133 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng 13,1%; năm 2021 đạt 11.400 tỷ đồng, dự ước năm 2022 sẽ đạt 12.780 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh với những giống mới có năng suất, chè là cây trồng chủ lực, có thế mạnh của địa phương. Khu vực làng nghề, làng nghề truyền thống cũng được quan tâm phát triển với 43 làng nghề, làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, dần hình thành phương thức liên kết, tiêu thụ nông sản, tạo việc làm mới cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Cùng với đó, thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo từng giai đoạn cũng như quy hoạch vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao tại các xã phía Tây thành phố. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có trên 75 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, diện tích đất trồng chè đạt gần 1.500 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 22.300 tấn, với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng chè kinh doanh hằng năm tăng cao, năm 2022 ước đạt 685 triệu đồng.
Thành phố cũng được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2016, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới. 2 xã là Tân Cương và Đồng Liên của thành phố được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, năm 2021. Những kết quả ấy cho thấy khu vực làm nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã mang một diện mạo hoàn toàn khác, tươi mới và trù phú hơn.
Du khách trải nghiệm tại vùng chè Tân Cương
Xứng tầm là đô thị trung tâm
Cùng với sự phát triển không ngừng của tỉnh và cả nước, thành phố Thái Nguyên hiện nay đã trở thành đô thị loại I, trung tâm tỉnh lỵ và là thành phố đông dân thứ 10 cả nước. Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2020 (ngày 2/8/2016) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã tạo tiền đề, động lực quan trọng để thành phố Thái Nguyên có sự phát triển vượt bậc và đạt được những kết quả quan trọng trong giai đoạn 2016 – 2022. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của thành phố Thái Nguyên trong Cụm đô thị vùng Đông Bắc và Hiệp hội các đô thị Việt Nam.
Các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố thời gian qua được triển khai đồng bộ và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, góp phần hoàn thiện hạ tầng khung đô thị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại như: Dự án Đường Bắc Sơn kéo dài; các Hạng mục công trình Nâng cấp đường Việt Bắc (giai đoạn 2) và Xây dựng Nút giao khác cốt đường Thống Nhất thuộc dự án Phát triển đô thị miền núi phía Bắc; các hạng mục xây dựng đường Huống Thượng - Chùa Hang, đường Bắc Nam và cầu Huống Thượng, cầu Mo Linh 1, cầu Mo Linh 2 thuộc dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực thành phố Thái Nguyên; Dự án khu nhà ở Cao Ngạn; Dự án Khu đô thị Kosy phường Gia Sàng và các dự án khu dân cư, khu đô thị... Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, thành phố đã thực hiện công tác thống kê, kiểm đếm và phê duyệt hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 46 dự án với 525 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, tổng diện tích đất thu hồi trên 27 ha với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 400 tỷ đồng.
Công trình cầu Huống Thượng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023. Ảnh: Mạnh Hùng
Đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư như: Dự án Cầu Quang Vinh 1, Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh và xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên; Dự án cầu vượt đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên (nút giao đường Quang Trung với đường Việt Bắc) đang được tích cực chỉ đạo đẩy nhanh công tác lập và phê duyệt dự án để sớm triển khai thực hiện. Song song với đó, thành phố còn tích cực triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, các dự án chỉnh trang đô thị như: Cải tạo, nâng cấp hệ thống vỉa hè, cây xanh và cải tạo cảnh quan khu vực nút giao Tân Lập; trồng thay thế cây xanh đô thị trên một số tuyến phố Trung tâm thành phố; các dự án chiếu sáng đô thị, xây dựng các vườn hoa, cây xanh… góp phần tạo cảnh quan đô thị thành phố ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Cầu Cao Ngạn được đầu tư xây dựng giúp việc đi lại và giao thương của người dân được thuận tiện. Ảnh: Mạnh Hùng
Có thể thấy, nếu như trước đây, tốc độ đô thị hóa chủ yếu diễn ra ở “vùng lõi” của thành phố thì những năm gần đây đã có sự dịch chuyển dần sang các khu vực lân cận, đặc biệt phía “bên kia” sông Cầu.
Đầu năm 2019, cầu Bến Tượng được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã kéo gần hơn khoảng cách đôi bờ sông Cầu trong niềm hân hoan của người dân thành phố. Đây là cây cầu vòm thép nhồi bê tông đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên và có quy mô lớn nhất tại các tỉnh miền núi phía Bắc tính đến thời điểm công trình được hoàn thành. Cầu Bến Tượng không chỉ góp phần giải tỏa áp lực về giao thông nội thị mà còn tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị của thành phố hai bên sông. Tiếp nối cầu Bến Tượng, những cây cầu Huống Thượng, Quang Vinh 1, Quang Vinh 2, Mo Ling 1, Mo Ling 2 không lâu nữa cũng sẽ hoàn thành để hiện thực hóa cho mục tiêu phát triển.
Là cựu thanh niên xung phong của tỉnh Bắc Thái, bà Trần Thị Kim Quy, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên bày tỏ: Gắn bó với thanh niên xung phong chúng tôi nhất và cũng là một trong những ký ức sâu đậm nhất trong cuộc đời của một công dân thành phố như tôi chính là những con đường và cây cầu trong thành phố này. Thành phố bước vào tuổi 60, phố phường đâu đâu cũng thấy khang trang; cầu và đường ngày càng to, đẹp, cuộc sống của người dân sung túc hơn nhiều. Thành phố hôm nay và cuộc sống này trước đây trong mơ chúng tôi còn chưa dám nghĩ tới.
Là người gắn bó với thành phố Thái Nguyên suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, ông Đinh Quang Ấn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ thành phố, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt hôm nay: 60 năm so với lịch sử không phải quá dài nhưng cũng không phải là chặng đường quá ngắn. Thành phố hôm nay đã đổi thay rõ nét, nhưng tôi tin và kỳ vọng, với năng lực và trình độ của mình, với bản lĩnh và kinh nghiệm được tôi rèn từ thực tiễn, đội ngũ cán bộ của thành phố sẽ kế thừa thành quả của cha anh một cách xứng đáng và đưa thành phố đi lên, tương xứng hơn với tiềm năng đang có.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...