Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
12:42 (GMT +7)

Nghe núi hát lời thổ cẩm

Na Sàng là một xóm nhỏ (bà con địa phương vẫn quen gọi theo tục lệ là bản) gồm 28 hộ người dân tộc Mông và 1 hộ người Nùng, thuộc xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Giữa những dải rừng xanh ngút ngàn bập bềnh sương núi, Na Sàng như chiếc khăn thổ cẩm trên vai người sơn nữ. Những năm gần đây, miền quê núi Na Sàng đã trở mình, bật lên sức sống mãnh liệt và thay da đổi thịt từng ngày.

Mưu sinh trên vùng đất khó

Cách đây hơn chục năm, tôi đã có dịp đến bản Mông Na Sàng. Hôm đó dù đi xe ô tô gầm cao, chúng tôi vẫn phải gửi xe, cuốc bộ gần 1 cây số vì con đường đất vào bản nhỏ hẹp uốn lượn qua đèo dốc, gồ ghề hằn sâu vệt bánh xe tải, lại rất khó có chỗ tránh nếu hai xe ngược chiều.

Bản Na Sàng nằm khuất nẻo, cheo leo bên sườn núi. Theo phong tục tập quán, người Mông thường sống trên các sườn đồi núi cao nên phần lớn diện tích của Na Sàng là rừng, đất đai cằn cỗi bạc màu, ruộng gieo cấy lúa ít, chủ yếu phát rừng làm nương. Các ngôi nhà trong bản chủ yếu là tranh tre vách nứa, thưa thớt vài ngôi nhà vách gỗ, mái ngói đã cũ. Tiện nghi sinh hoạt gia đình và các đồ dùng thiết yếu hầu như chưa có gì. Tài sản lớn nhất của các hộ dân là con trâu, con bò.

Đường về bản Mông

Sức người có hạn không thể cuốc đất gieo trồng và thế đất cũng không bằng phẳng để cày bừa, người Mông ở bản Na Sàng vẫn canh tác theo tập quán cũ, tự sản, tự tiêu. Ruộng nương sau khi phát dọn cỏ và đốt, bà con cuốc hố trồng sắn, hoặc chọc lỗ tra thóc, ngô làm mùa. Bà con chưa ý thức sản xuất hàng hóa đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Sáng sớm trời se lạnh, nhìn mấy em nhỏ đùa nghịch bên đám hoa dại mặt lấm lem bùn đất, áo mặc phong phanh, chúng tôi không khỏi ái ngại khi nghĩ đến chặng đường các em phải đi mỗi buổi tới trường.

Từ ngày về đây tái định cư, cuộc sống của bà con gắn liền với cái cuốc, cái gùi. Khao khát thay đổi cuộc sống, mong muốn thoát khỏi đói nghèo, nhưng cây ngô, cây sắn và nền nếp canh tác ấy không thể giúp đồng bào người Mông ở Na Sàng thoát nghèo.

Miền quê của những sắc màu

Trở lại Na Sàng lần này, tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay của vùng đất nơi đây. Hình bóng của bản Mông nghèo khó với con đường đất lầy lội, những căn nhà xiêu vẹo chỉ còn trong dĩ vãng. Bên những rừng keo, bạch đàn và nương chè xanh mướt, nhiều ngôi nhà khang trang thấp thoáng hiện lên ngời ngợi sáng trong màu nắng non. Hệ thống đường bê tông nối từ tỉnh lộ vào đã chạy suốt dọc bản, len qua từng con ngõ. Điện lưới cũng đã tỏa sáng mỗi căn nhà.

Bên cửa rừng Na Sàng

Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, bà con dân bản đã chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Tận dụng địa hình đồi núi nhiều gia đình trồng keo, kết hợp chăn thả dê. Tuy trồng keo không khó và mất nhiều công sức, tiết Lập xuân là thời điểm thích hợp nhất để trồng, nhưng phải 7 năm cây mới cho thu hoạch. Bởi vậy, bà con phải kết hợp với chăn nuôi, lấy dê làm vật nuôi chủ yếu. Dê là loài ăn tạp các loại cỏ cây nên dễ chăn thả. Trồng rừng và nuôi dê đều là những loại hình nuôi trồng mới đối với đồng bào người Mông. Những năm gần đây, cây chè cũng đã bước đầu được đưa vào trồng tại đây. Giống chè chủ yếu là chè lai F1, Kim Tuyên, TRI 777. Đó là những loại chè có khả năng chống chịu sâu bệnh, cây sinh trưởng khỏe, thân dạng tán, cành nhiều, phát triển cân đối thiên về chiều ngang, mật độ búp dày và mập, thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng. Do cây chè mới phát triển, kĩ thuật chế biến của bà con chưa cao, nên sản lượng chè búp tươi đều bán cho các cơ sở chế biến trong huyện. Cây chè ở bản Mông được trồng chủ yếu trên các sườn đồi và những thửa ruộng cao dưới chân núi. Bóng cây ăn quả trên các nương chè tạo nên hình ảnh sinh động, không thể quên với những ai đã đến miền đất này.

Một em bé Mông thật xinh xắn, đáng yêu!

Tiếp xúc với bà con dân bản, tôi không khỏi nể phục khi nghe bà con kể về những việc làm thiết thực, hết lòng với dân bản của anh Hoàng Văn Nhính, Trưởng bản Na Sàng. Thời điểm trước, đường lên núi chỉ là lối trâu đi ăn cỏ. Bà con muốn lên trồng rừng, khai thác gỗ, kiếm củi, làm nương đều rất khó khăn. Nhính đã bán tất cả 4 con trâu của nhà, dồn toàn bộ số tiền có được nhờ bán lúa, bán ngô, khoai, vay thêm cả ngân hàng làm con đường lên đỉnh núi cho bà con đi lại làm ăn sinh sống. Con đường dài khoảng hơn 2km, rộng 5m chạy vòng vèo lên đỉnh núi được Nhính làm từ tháng 10/2010 và phải mất hơn một năm mới xong. Tuy là đường đất đỏ do tự anh thiết kế, nhưng Nhính đã tìm những chỗ đất an toàn để xe ô tô lên không lo sự cố. Con đường đi qua đất của 4 - 5 hộ dân. Thấy được lợi ích khi có đường, người dân chỉ phải bỏ đất, không phải bỏ tiền mà lại có đường đi lên núi, ai cũng đồng tình ủng hộ…

Nhờ biết học hỏi, người dân bản Mông đã không ngừng khai phá, cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đắp bờ làm ruộng cấy lúa. Hiện bình quân mỗi hộ dân Na Sàng có 2ha rừng, một số gia đình có trên 10ha, giá trị thu hoạch khoảng 100 triệu/ha cho nguồn thu nhập đáng kể. Một số hộ thiếu đất sản xuất cũng đã chủ động tìm đến các vùng lân cận để thuê đất sản xuất. Cây keo, cây chè, lúa, ngô, khoai, sắn và vật nuôi… từng bước làm cho các hộ dân thoát nghèo.

Tư duy sản xuất hàng hóa đã bước đầu hình thành. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại được xóa bỏ. Các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, kiến thức thiết kế mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai của gia đình được mọi người tích cực tham gia.

Trò chuyện với chúng tôi về phong tục tập quán của người Mông ở Na Sàng, ông Hoàng Văn Phụng, năm nay ngoài 70 tuổi cho biết: Người Mông có những phong tục tập quán riêng, nay nhiều tập tục không còn phù hợp đã được bỏ. Ví như trước người Mông thường ăn tết sớm, giờ đây bà con ăn tết cùng với người Kinh và dành thời gian tập trung lao động sản xuất. Người Mông luôn sống gắn bó, hòa thuận, hay giúp đỡ nhau.

Chị Hoàng Thị Quỳnh, người con của Na Sàng tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: Em rất vui vì bản Na Sàng quê em nay đã khác xưa và mang một diện mạo mới. Cũng nhờ người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chọn các loại cây trồng phù hợp như các loại chè lai đem lại năng suất cao. Diện tích rừng rất lớn, người dân đã tận dụng trồng rừng hết diện tích. Những ngôi nhà tranh tre vách nứa ngày xưa nay được thay vào bằng những ngôi nhà đẹp và khang trang, các bạn nhỏ trong bản đã được đến trường học chữ…

Những đồi chè ở Na Sàng đã giúp các hộ dân thoát nghèo

Bất giác tôi muốn nghe tiếng khèn. Trong truyền thuyết của người Mông, thần Núi đã ban tặng cho bà con dân bản và anh em trong một gia đình bí quyết chế tác chiếc khèn có sáu ống nứa dài ngắn khác nhau làm nhạc khí thiêng, giúp họ gửi gắm lời yêu thương. Dù truyền thuyết có những dị bản, nhưng đều phản ánh giá trị cốt lõi của chủ thể văn hóa về lòng hiếu thảo, tình cảm gia đình, sự kết nối cộng đồng. Rất tiếc vì thời gian có hạn, tôi không thể chờ đợi những người đàn ông đi rừng trở về và nghe diễn tấu.

Tiết xuân, chồi lộc non của chè và cỏ cây ánh lên như ngọc. Những tia nắng mặt trời nhảy nhót theo váy áo trẻ thơ và các nàng sơn nữ. Giữa ngút ngàn màu xanh của rừng, tôi nghe như núi hát lời thổ cẩm. Giai điệu bập bùng vi diệu ấy chất chứa bao niềm tin yêu hy vọng.

Dẫu còn muôn vàn khó khăn, nhưng cái đói cái nghèo từng đeo đẳng đã lùi xa. Giấc mơ người dân tộc Mông về một cuộc sống sung túc, đủ đầy trên bản Na Sàng đang dần hiện hữu. Sắc màu tươi mới và làn hương thơm dịu ngọt của miền quê núi làm mùa xuân dường như thêm xuân.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy