2020: Việt Nam trước ngưỡng cửa mới
VNTN - Trong một thế giới đầy năng động và cũng đầy biến động, Việt Nam rất cần tinh thần cởi mở, sẵn sàng đón nhận, sàng lọc, vận dụng cái mới một cách linh hoạt, sáng tạo và năng động.
Năm 2019 Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, như Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) của nước ta năm 2019-2020 do Diễn Đàn Kinh tế Thế Giới (WEF) ở Thụy Sĩ công bố đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, xếp thứ 67/141 nền kinh tế.
Chỉ số Năng lực Đổi mới Sáng tạo của Việt Nam cũng có cải thiện. Ngày 24/7/2019 tại New Delhi- Ấn Độ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019. Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.
Kinh tế Việt Nam dự báo có thể đạt tốc độ tăng trưởng 7,02%/năm, vượt chỉ tiêu tăng GDP 6,8% do Quốc hội quyết định, trong đó công nghiệp chế biến, chế tác đóng góp 2,5%, dịch vụ và thương mại 2,75%. Nổi bật là tốc độ bán lẻ và dịch vụ thị trường trong nước tăng 11,8% trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng khoảng 2,6% so với năm 2018.
Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 177.560 doanh nghiệp, tăng 6,8%, số doanh nghiệp mớí đăng ký đạt 138.139 doanh nghiệp, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 17,1% về vốn đăng ký.
Xuất khẩu và nhập khẩu vượt ngưỡng 500 tỷ USD, dự báo đạt 517 tỷ USD, tăng 9,2%, thấp hơn so với năm 2018 nhưng vẫn là một thành tựu đáng ghi nhận trong điều kiện biến động hiện nay. Xuất khẩu hàng hóa đạt 263 tỷ USD, tăng 7,9%, xuất siêu 1 tỷ USD. Mặc dầu gặp thiên tai (hạn hán) nông nghiệp đã đạt được những thành tựu và tiến bộ rất đáng khích lệ. Xoài, thanh long, vải thiều… đã được xuất khẩu sang những thị trường có đòi hỏi cao như Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu…
Tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam trong năm 2019 có thể đạt trên 17 triệu lượt khách, tăng khoảng 16% so với năm 2018. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD vốn cam kết, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7%.
Sản lượng công nghiệp tăng 9,5%, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tác năm 2019 dự kiến tăng khoảng 11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Lần đầu tiên tập đoàn kinh tế tư nhân Vingroup đã sản xuất ô tô du lịch nhãn hiệu VinFast chứ không chỉ lắp ráp các xe nước ngoài như một số hãng khác.
Thách thức từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư với sự xuất hiện của người máy, trí thông minh nhân tạo, Internet vạn vật, hệ thống điều hành máy móc sản xuất tự động được kết nối với hệ điều hành số hóa, không cần con người, đang tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội, từ cấp nhà nước cho đến từng gia đình và mỗi cá nhân.
Tuổi thọ của một sản phẩm hay dịch vụ trên thị trường liên tục bị rút ngắn, luôn bị thách thức bởi sự xuất hiện của các sản phẩm và dịch vụ mới với nhiều tính năng ưu việt hơn. Nhiều ngành nghề, công việc đã và sẽ được thay thế bằng người máy và trí thông minh nhân tạo. Các dây chuyền sản xuất với người máy hoạt động liên tục 24/24 giờ, không cần nghỉ ngơi suốt 7 ngày/tuần, không đòi tăng lương, không đình công đang mở ra thời đại được Marx tiên đoán là “của cải sẽ tuôn ra dào dạt” nhưng cũng làm đảo lộn lý thuyết về giá trị thặng dư và người bóc lột người. Ở Việt Nam, đã bắt đầu có hiện tượng lao động giản đơn bị thay thế bởi người máy và trí thông minh nhân tạo, tuy nhiên phần nhiều diễn ra ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Công nghệ in 3D đang thay đổi ngành dệt may, da giày, y học, xây dựng, sản xuất vũ khí… Một ngôi nhà có thể được xây thô chỉ trong 48 giờ. Một doanh nghiệp may ở Việt Nam có thể may đo áo dài cho một phụ nữ ở Mỹ theo những số đo 3 chiều được cung cấp. Kinh tế số hóa, chuỗi khối (blockchain) tạo ra cơ hội liên kết chặt chẽ xuyên quốc gia giữa các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, kinh tế tự do (Gig economy) cho phép lao động có chuyên môn ngồi ở nhà, cùng một lúc có thể làm nhiều việc cho các khách hàng ở trong nước hay ngoài nước, tránh bị kẹt xe và ô nhiễm không khí, nhận thù lao qua chuyển khoản tại ngân hàng.
Thương mại điện tử vượt qua biên giới hành chính quốc gia, giao hàng tận nhà, thanh toán qua mạng đang phát triển nhanh chóng, làm cho không ít cửa hàng tạp hóa truyền thống bị phá sản ở nhiều nước. Đồng tiền điện tử đã được một số nước chấp nhận; Trung Quốc cũng đang chuẩn bị phát hành đồng tiền điện tử của riêng mình.
Sức ép tái cơ cấu kinh tế đang gia tăng và không chờ đợi một ai. Giá trị gia tăng của công đoạn gia công đang bị giảm sút mạnh.
Ý thức về những biến động mạnh mẽ trên thế giới và bước đầu diễn ra ở Việt Nam, ngày 27.9.2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết 52-NQ/TW về “chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trong đó khẳng định chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời yêu cầu nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.”.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công Nghị quyết này rất cần một chương trình hành động cụ thể và kịp thời của các ngành, các cấp.
Cần một Đổi mới lần hai
Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành đã chủ động vận dụng chính phủ điện tử, cải cách hành chính, cắt giảm giấy phép con, thủ tục hành chính, qua đó giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp và công dân. Đó là những tiến bộ đáng trân trọng. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng nước ta đang bị tụt hậu so với các nước ASEAN 4 và đang chậm chân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vướng mắc chủ yếu thuộc về “thể chế, thể chế, thể chế” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định.
Năm 2019, chiến dịch chống tham nhũng đã đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng cực lớn như AVG liên quan đến hai Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây hay vụ đầu tư mở rộng Tập đoàn Gang Thép Thái Nguyên TISCO liên quan đến một Phó Thủ tướng cho thấy cần cải cách thể chế, giám sát quyền lực hiệu quả hơn.
Giữa tháng 12, Tổng Cục Thống Kê tính lại tổng sản phẩm quốc nội, công bố GDP Việt Nam tăng thêm 25,4%, GDP bình quân đầu người đạt 3000 USD/người. Tuy nhiên, việc tính lại GDP không làm tăng thu nhập bình quân trên thực tế của người dân, và chúng ta cần tránh coi đây là liều thuốc an thần để tiếp tục tăng thêm bội chi ngân sách, tăng nợ Chính phủ.
Vấn đề minh bạch Ngân sách Nhà nước của nước ta tuy đã có tiến bộ nhưng còn hạn chế. Tình trạng lạm dụng ngân sách để chi tiêu, đi nước ngoài kém hiệu quả vẫn chưa được khắc phục.
Trong khi chưa sẵn sàng thực hiện những thay đổi mạnh mẽ, điều có thể và cần làm ngay là thực hiện công khai, minh bạch của các cơ quan nhà nước, trước hết là về ngân sách. Cần chấm dứt sử dụng tiền doanh nghiệp để chiêu đãi, đi nước ngoài… vì đó là hành vi thương mại hóa quyền lực và lợi ích nhóm.
Năm 2020 sẽ là năm tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp, thảo luận dự thảo các Báo cáo trình ra Đại Hội XIII của Đảng, là năm Việt Nam đảm nhiệm chủ tịch luân phiên của ASEAN và là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Giữa những vận hội mới đang mở ra cùng những biến động, thách thức khó lường, chúng ta rất cần một Đổi mới lần hai để “nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật”, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Thế giới biến động khó lường
Khác với thập kỷ trước tương đối ổn định, tình hình thế giới trong thập kỷ 2010-2019 đã có những biến đổi trái chiều. Tiến trình hội nhập quốc tế tiến triển chậm hơn, vấp phải nhiều phê phán, có nơi bị đảo ngược như nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), và đỉnh điểm là Chiến tranh Thương mại Mỹ-Trung, thực chất là cuộc đối đầu chiến lược toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Chưa biết cuộc thương chiến giữa hai cường quốc này sẽ kéo dài bao lâu, có lan sang thành chiến tranh tiền tệ hay sở hữu trí tuệ và các hình thức khác hay không. Đã có dự báo bi quan về khả năng sống lại của thời “Chiến tranh lạnh” đối đầu kéo dài trước kia, nhưng cuộc đối đầu này sẽ kết hợp “vừa đánh, vừa đàm”.
Vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bị phê phán gay gắt và đòi hỏi phải được cải tổ. Hội nghị COP 25 của Liên Hiệp Quốc bàn về biện pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu họp 12 ngày ở Tây Ban Nha không đạt được thỏa thuận như mong đợi về cắt giảm khí thải carbon. Các ví dụ đó cho thấy quá trình hội nhập quốc tế đang được xem xét và thiết kế lại để cân bằng với lợi ích quốc gia của các bên tham gia.
Mặt khác, tại châu Á, những nỗ lực hội nhập vẫn được đẩy mạnh: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) được ký kết và thực hiện. Hiệp định Hợp tác Khu vực Toàn diện (RCEP) đang trong quá trình tiếp tục đàm phán với hy vọng sẽ được ký kết trong năm 2020, chứng tỏ động lực toàn cầu hóa vẫn còn tiếp tục phát huy tác dụng ở khu vực này.
Trung Quốc đối diện với khó khăn và bất ổn nhiều mặt nhưng sẽ vẫn quyết tâm theo đuổi tham vọng “Made in China 2025”. Các dự báo đều thống nhất rằng kinh tế Trung Quốc sẽ không sụp đổ và sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh vào khoảng 2030 đến 2035. Câu hỏi lớn là Trung Quốc sẽ hành xử thế nào ở vị trí này, thực hiện chủ nghĩa bá quyền áp đặt hay tôn trọng luật pháp quốc tế?
Một thế giới đa cực Mỹ-Trung-EU với sự trỗi dậy của Ấn Độ, liên kết với Nhật Bản và các nước khác đang tạo ra những đối trọng mới.
Nguồn: Tạp chí Tia sáng
Lê Đăng Doanh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...