Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
04:30 (GMT +7)

2020 – Một năm nhiều dấu ấn

VNTN - Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức to lớn nhất là đại dịch COVID-19, nhưng nhờ phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, tích cực trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự đoàn kết, đồng lòng của người dân nên năm 2020, tỉnh ta đã thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra, có thể nói, chưa năm nào, nền kinh tế thế giới nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như năm 2020. Một trong những nguyên nhân chính là do đại dịch COVID-19 đã làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp bị đình trệ. Đã có không ít doanh nghiệp tưởng chừng không thể vượt qua… Nhưng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh từ trung ương đến địa phương, nên chúng ta chỉ mất một thời gian ngắn phải tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực, còn lại đại đa số thời gian của năm, hoạt động của các doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Chính bởi vậy, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp, xây dựng. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư nâng cấp. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Công tác an sinh xã hội được quan tâm dưới nhiều hình thức phong phú, thiết thực, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

 

Công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nhất là phòng, chống dịch COVID-19; nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm phát hiện SARS-Cov-2. (Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số điểm thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020)

Có thể kể ra đây một số kết quả chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trong mà tỉnh ta đã đạt được, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 4,18% (kế hoạch là 7,3%); tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 88,7 triệu đồng/người/năm (kế hoạch là 90 triệu đồng/người/năm); giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 783,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ (kế hoạch là 803 nghìn tỷ đồng, tăng 8%); giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 26,7 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ (kế hoạch là 29,5 tỷ USD, tăng 7%). Đối với các chỉ tiêu về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, cũng như nhóm chỉ tiêu xã hội, môi trường đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, đáng chú ý là số lao động trên địa bàn tỉnh được tạo việc làm mới trong năm đạt tới 15,6 nghìn lao động, vượt 4% so với kế hoạch đề ra. Tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh có 576/682 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,46%, vượt 4,46% so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX...

 

Hệ thống giáo dục và đào tạo có bước phát triển vượt bậc. Tính đến cuối tháng 10/2020 toàn tỉnh có 576/682 trường đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Trưng Vương trong ngày khai giảng năm học mới)

Đặc biệt, kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của tỉnh xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc so với năm 2018, nằm trong nhóm xếp hạng tốt), đứng thứ nhất trong 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố (tăng 4 bậc so với năm 2018); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 86,26% (tăng 0,24% so với năm 2018).

Ông Mai Phúc Toàn, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái cho rằng: Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, nhưng tỉnh ta vẫn nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng khá. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh trong năm 2021, cũng như việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Có thể trong thời gian tới, tỉnh sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhưng nếu chúng ta tiếp tục biết nắm thời cơ, vận dụng những kết quả đạt được và thế mạnh của tỉnh, tôi tin tưởng chắc chắn, các nghị quyết của tỉnh sẽ hoàn thành tốt đẹp.

Trong số các chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, thu ngân sách nhà nước (NSNN) là chỉ tiêu dự kiến sẽ hoàn thành 100% kế hoạch, với số thu ước đạt 15.555 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa do ngành Thuế thực hiện ước là 12.519 tỷ đồng. Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, trong năm, ngành Thuế tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành dự toán được giao. Cụ thể, ngay từ giữa tháng 7, Cục Thuế tỉnh đã thành lập các tổ công tác đến làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp trọng điểm để vừa nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, vừa để đôn đốc doanh nghiệp quan tâm, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đối với NSNN. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo các địa phương có số thu lớn như: thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên để rà soát tất cả nguồn thu trên địa bàn. Song song với đó, ngành Thuế cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người nộp thuế; tăng cường quản lý các nguồn thu để tránh việc người nộp thuế lợi dụng tình hình dịch COVID-19 mà trì hoãn hoặc không thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Thay vì hạn chế tối đa việc kiểm tra, thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp, cơ quan Thuế đẩy mạnh kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế, nhằm phát hiện, kịp thời xử lý thuế đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế…

 

Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 783,6 nghìn tỷ đồng. (Trong ảnh: Sản xuất phụ tùng máy tại Công ty Cổ phần Phụ tùng máy số 1 thành phố Sông Công)

Tuy nhiên, bênh cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn không ít hạn chế, vướng mắc còn tồn tại mà mới đây, tại kỳ họp thứ XII, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đề cập. Theo bà Lê Thị Thu An, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Trong khi hầu hết các chỉ số đều tăng hạng và có được kết quả khả quan, thì riêng chỉ số PAPI - đo mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền giảm mạnh, đứng thứ 39/63 tỉnh, thành (giảm 27 bậc so với năm 2018). Nhiều cử tri phản ánh, họ phải đi lại nhiều lần mới hoàn thiện được thủ tục, hồ sơ, rất mất thời gian, công sức. Vì thế, UBND tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính của các cấp, ngành, nhất là từ nay, Trung tâm Hành chính công của tỉnh đã chính thức đi vào hoạt động.

Hay như ông Trần Văn Khương, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đề nghị: Tỉnh cần đẩy nhanh việc thu hồi đối với các dự án chậm triển khai hoặc triển khai không đúng cam kết, từ đó gỡ nút thắt trong thu hút đầu tư. Một số đại biểu khác thì bày tỏ băn khoăn, ở nhiều địa phương, như Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên… tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết, hoặc có giải quyết nhưng không mang lại nhiều hiệu quả. Vì vậy, các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương quan tâm, giải quyết đến vấn đề này để đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp với người dân...

 

Thành phố Thái Nguyên - Trung tâm hành chính, kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại

Trước những kết quả đạt được cũng như những bất cập, hạn chế tồn tại, ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh sẽ chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Trong đó đáng chú ý là: Xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động; khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành; tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và nhu cầu của nhân dân; không nể nang, né tránh trong việc thu hồi các dự án chậm triển khai thực hiện; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học bậc học phổ thông, kiên quyết không để tiêu cực được tồn tại trong môi trường giáo dục...

Có thể nói, với sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo tiền đề vững chắc và điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên ngày càng phát triển, vững mạnh, sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội. Phấn đấu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, là trung tâm kinh tế - xã hội, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao như tại Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu.

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy