Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
12:07 (GMT +7)

Cựu binh Pháp tham chiến tại Điện Biên Phủ nghĩ gì sau 65 năm ? (tiếp)

Kỳ 2: Cựu chiến binh William Schilaroi: «Trận chiến Điện Biên Phủ đã tái sinh tôi »

«Tôi là người Pháp gốc Italia, tôi được sinh ra tại thành phố Saint-Cyr Ecole trong tỉnh Yveline (ngoại ô Paris – PV. Cha mẹ tôi có một cửa hiệu làm đầu. Trong cuộc chiến tranh 1939-1940, Italia liên minh với Đức, cô có thể hình dung chứ, chúng tôi khi còn nhỏ đã được đón tiếp như thế nào? Bố mẹ tôi là người theo chủ nghĩa cộng sản, thuộc quân kháng chiến, đã buộc phải đóng cửa hiệu làm đầu vì chúng tôi là người Ý. Tôi biết thế nào là những người cộng sản. Nhất là khi tôi có mặt tại Điện Biên Phủ, tôi chứng kiến sự huy động của quân đội Việt Minh.» 

Ông William Schilaroi tiếp tôi trong một quán cà phê ở Paris. Ông có lẽ là người giàu cảm xúc nhất trong số những khách mời cựu binh đã tham chiến tại Điện Biên Phủ của tôi. Đây là lần thứ hai tôi gặp ông. Lần thứ nhất ông có vẻ rất « hung hăng » khiến tôi đôi lúc cảm thấy ngài ngại. Nhưng đó là trước khi ông tháp tùng đương kim Thủ tướng Pháp Philippe Edouard trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11 năm 2018. Lần gặp lần thứ hai này, tức sau chuyến thăm Việt Nam, ông đã dịu đi rất nhiều nhưng có vẻ những hình ảnh ngày ấy vẫn còn rất sống động trong ký ức ông. Mặt và mắt ông luôn đỏ trong suốt cuộc trò chuyện. Có những lúc giọng ông rất nghẹn ngào, tôi nhận thấy những giọt nước mắt rịn ra từ cặp mắt già nua của ông.

Hồi đó ông thuộc Tiểu đoàn 8 lính dù thiện xạ, và hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Pháp. Chiến đấu ở đơn vị súng máy trong trận chiến Điện Biên Phủ. Ông đã bị thương năm lần. Những khốn cùng mà ông phải chịu đựng trong suốt trận chiến cứ theo lời ông tuôn ra. Nhiều lúc tôi đã dám đặt tay lên tay ông, với mong muốn khiến ông dịu lại.

Ông đánh giá cao vai trò của hệ thống giao thông hào của Việt Minh: «để bóp nghẹt chúng tôi. Họ bủa vây chúng tôi. Chiến lược của họ là cắt đứt toàn bộ các tiếp viện, hậu cần, vũ khí đạn dược, vì chúng tôi cần tiếp tế rất nhiều, và đến lúc máy bay không thể cất cánh nữa, chúng tôi phải thả dù.» Theo ông Schilaroi binh lính Pháp gặp rất nhiều khó khăn, có những thứ họ thích ứng được, « nhưng quan trọng nhất là vấn đề khí hậu, tiếp tế, tăng cường và bùn lầy trong giao thông hào, những đường hầm hào hệt như mê cung vậy», - ông nói.

 Tiếp đến là những đợt tấn công, phản công, những đợt xung phong ào ạt rất thường trực: «Và nên biết rằng quân đội Việt Minh rất ngoan cường bền bỉ. Phía chúng tôi cũng cố gắng củng cố tinh thần. Chúng tôi đã phải đối đầu với những cuộc phản kích rất đông, 1 đấu 5, có khi còn 1 đấu 10. Và còn phải đối đầu với cách thức đối phương thực hiện, đó là tự nguyện hi sinh, ôm những bọc thuốc súng lao thẳng vào các hàng rào dây thép gai. Lần một, lần hai, lần ba, đến lúc vũ khí tự động không còn vận hành được nữa, chúng tôi bắt đầu đánh giáp lá cà, dùng lựu đạn, lưỡi lê [… ] Ở những khu đặc biệt, họ liên tục tấn/phản công, kêu gào, hò hét. Rất ít sách vở, tạp chí nói về sự tấn công bằng kèn. Nhưng quả thật là quân đội Việt Minh tấn công bằng kèn. Về mặt tâm lý, có thể ít nhiều tác động lên tinh thần chúng tôi… »

Theo ông William Schilaroi, việc được khích lệ và hệ tư tưởng của bộ đội Việt Minh rất quan trọng trong cuộc chiến. «Hệ tư tưởng là thứ vũ khí mạnh và lợi nhất trên đời. Hệ tư tưởng mạnh hơn bất kỳ thứ vũ khí thông thường nào ».

 

Ông kể ngày cuối cùng của trận chiến, tức đêm mùng 6, rạng ngày mùng 7, vào lúc 3h sáng ông đã bị thương. Sáng ra thì ông được biết rằng Điện Biên Phủ đã kết thúc và nhận được lệnh tiêu hủy vũ khí.  Cá nhân ông đã bị thương rất nặng ở đầu gối, bị gãy chân nên nằm gí trong một giao thông hào và tầm trên lúc 17h, ông nghe thấy tiếng người gào thét và đội trưởng đơn vị súng máy bốn nòng đến đưa ông ra, đi trong bùn lầy lội. «Khi ấy quân Việt Minh cũng vừa tới nơi. Tôi nghe thấy tiếng người Việt hét lên ‘lại đây, lại đây’ (nguyên văn tiếng Việt). Họ nâng tôi ra khỏi đó.» Theo ông, cảnh đó cứ như là mơ! Im lặng hoàn toàn. Máy bay thì vẫn tiếp tục thả thực phẩm và những tờ rơi xuống. «Tôi nhớ rất rõ sự tĩnh lặng đó. Chúng tôi đã khóc, hệ thần kinh chúng tôi chùng xuống, rã rượi, bởi trong suốt 54 ngày đêm trên chiến trường, nhiều đêm không ngủ. » Ông có cảm giác khi đó là một sự yên tĩnh cũng khiến ta u mê ngây dại. Hệt như những ngày trước đó, là thời khắc tận thế với tiếng ầm ĩ inh ỏi khiến họ trở nên ngây dại… « Rất khó tả lại những thời khắc đó nhưng tôi có Đức tin», - ông nói.

Cựu binh William Schilaroi, hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Pháp 

Ông kể mình đã gầy đi rất nhiều. Tôi thấu hiểu bởi tất cả những vấn đề đó đè nặng lên tâm lý. Hôm nay sau 65 năm, ông ngồi kể lại thì dễ hơn nhiều nhưng ngày ấy ông mới 21 tuổi. « Khi ấy trong tôi là những tình cảm hỗn độn, nhẹ nhõm vì được giải thoát, nhưng tuyệt vọng! Uổng phí biết bao nhiêu. Tôi nhìn thấy xác người tơi tả trên hàng rào giây thép gai, đồng đội tôi chết trên các giao thông hào, những cánh tay rải rác khắp nơi, trong bùn lầy. Chúng tôi đã thực sự thất trận, và còn những gì sẽ diễn ra sau đó nữa chứ?»

Ông đã trải qua thời khắc đó trong trạng thái tê liệt. Tôi hình dung còn có những người sáng suốt, giữ được bình tĩnh… Nhưng chắc cũng có người run sợ, lẩy bẩy. Ông Schilaroi nói đã chứng kiến nhiều người đã mất hết tóc, móng tay, móng chân trong trận chiến. Và có cả những người tử trận mà chưa từng chiến đấu…

«Vào cuối trận đấu, tôi thấy những người bị tê liệt, run rẩy. Cô hiểu không, trong ngần ấy thời gian, tóc họ đã rụng hết. Tôi thấy những người bị mất cả móng tay móng chân, không còn lông mày nữa. Bởi thần kinh chúng tôi luôn căng thẳng, sự lo lắng trầm uất. Tôi tin chắc có những người tử trận mà chưa từng chiến đấu… » 

Tác giả, ông William Schilaroi và những người bạn Pháp

Bị bắt làm tù binh, ông đã đi bộ 700 km, « với hai cái nạng, được lũ giòi bọ rúc rỉa, tôi không biết cô hiểu không ? Rồi mưa ròng, lạnh thấu... Cuộc di chuyển kéo dài một tháng, có nhiều người bị chết trong quá trình dịch chuyển. Có những lúc tôi tuyệt vọng. May mắn là có đồng đội của tôi ở đó để dựng tôi dậy, chúng tôi đã giúp đỡ lẫn nhau», - ông nói với tôi và bật khóc.

Giây phút đẹp và hạnh phúc nhất, cho đến tận bây giờ ông vẫn nhớ đó là lúc được trả tự do khỏi trại tù binh Việt Minh, đó là giây phút an tĩnh, nhẹ nhàng, một thời khắc rất vui sướng. Khi ấy ông đang ở bệnh viện hồi sức và ông đã khóc suốt đêm. «Và tôi đã nghĩ với sự chân thành sâu sắc nhất, và cho đến tận hôm nay tôi vẫn còn suy nghĩ ấy. Tôi cám ơn tất cả những người đã giúp đỡ tôi trong chuỗi ngày tôi đi bộ. Họ đã nâng đỡ tôi, chịu đựng tôi. Ta cứ nghĩ trong đời này ta chỉ có một mình, nhưng đó là một sai lầm, vì luôn có tình bằng hữu huynh đệ xung quan bạn. Tình bạn ấy luôn hiện hữu. Và chính tại đó mà tôi đã hiểu ra rằng Chúa Trời đang ở trong tôi», - nói đến đây, ông lại nghẹn ngào. Ông đã khiến tôi bối rối.

 Ông thổ lộ với tôi lúc trong trận chiến, dù ở bất kỳ tình cảnh nào ông cũng luôn nghĩ rất đến mẹ mình, dẫu ông đã không gọi điện cho mẹ. Rằng ông luôn dành tình cảm đặc biệt cho bà, vì bà rất có học thức. Dù chỉ là một thợ làm đầu nhưng bà là một nghệ sỹ thực sự. « Bà luôn giải thích cho tôi thế nào là một người phụ nữ, đây quả là hiếm hoi đối với một gia đình Italia. Bà đã dạy tôi rất nhiều về cách cư xử với phụ nữ, tôn trọng phụ nữ. Thế nên tôi luôn rất tôn trọng phụ nữ bởi chính người phụ nữ đã đem lại cuộc sống. Chính cô đấy, cô đang mang trong mình cuộc sống, cô hiểu chứ ! », - ông nói với tôi.

Năm 2018, khi tháp tùng Thủ tướng đến Việt Nam và điều đầu tiên ông nhận thấy là thế hệ trẻ Việt Nam không còn nói tiếng Pháp nữa mà nói tiếng Anh. Nhưng theo ông dẫu nói tiếng Anh, nhưng trong tâm họ lại nói tiếng Pháp về mặt văn hóa. Và ngài Thủ tướng đã có lý khi đến đó để làm dịu đi tất cả những ý nghĩ hận thù. «Trong sâu thẳm tâm hồn tôi, chân thành mà nói, tôi không nghĩ giữa hai dân tộc Pháp – Việt tồn tại mối hận thù. Mà ngược lại tôi luôn nghĩ có một mối thâm tình giữa hai dân tộc. Dân tộc Việt Nam đã giữ lại khía cạnh văn hóa, đã giữ lại nước Pháp. »

Khi tôi ngỏ ý muốn biết cảm giác chân thành nhất của ông khi xưa và ngày nay, sau đợt tháp tùng Thủ tướng Pháp vào tháng 11 năm 2018 : « vào năm 1954, dẫu sao thì chúng tôi cũng là tù binh khi kết thúc trận Điện Biên Phủ. Quãng ngày bị bắt làm tù binh, tôi đã rất đau đớn. Với tôi, đó là con đường hành hương điểm đầy hoa cúc, hoa hồng, đó là cái chết, đó là tình yêu. Cuộc chiến Điện Biên Phủ, bị là tù binh cho phép tôi chứng tỏ được mình, chứng tỏ hoàn toàn tôi là ai. Điều mà các bạn, mà dân tộc Việt Nam đã đem lại cho tôi, thì hồi năm 54, tôi quá trẻ để hiểu. Nhưng năm 2018, với công việc tôi đã thực hiện trên chính mình đã đem lại cho tôi một điều vô cùng to lớn. Tôi là người Công giáo nên trong tư tưởng tôi, tôi biết kết hợp tinh thần Công giáo với tinh thần Phật giáo, tức là tôi đã kết hợp được Tây phương với Đông phương. »

Ông đã bị ở trong trại tù binh bốn tháng. Ai cũng gầy guộc, có người bị chết vào đúng lúc được trả tự do. Ông kể đã mất năm năm để hồi phục về mặt tâm lý và năm năm chữa trị bên chân bị thương dẫn đến bị liệt.  Và trong chuỗi ngày đi bộ về trại tập trung tù binh, ông đã phát một lời nguyện « Nếu còn sống khi ra khỏi các trại tù binh, tôi sẽ tự nguyện dành đời mình để trợ giúp miễn phí cho giới trẻ và người già tàn tật mà không đòi hỏi bất kỳ điều gì » và ông đã giữ lời cho đến tận ngày hôm nay. «Tôi cố gắng thông qua cách ứng xử của mình để đem lại tình thương yêu. Tôi đã trả giá cho chiến tranh, chiến tranh đã cho phép tôi lộ rõ bản chất thực của mình. Đúng vậy cuộc chiến tại Điện Biên Phủ đã tái sinh tôi. »

Quả vậy, ông đã rời Quân đội Pháp ngay khi từ Đông Dương trở về, và bằng những kinh nghiệm lĩnh hội được từ chính các đợt tập luyện để phục hồi sức khỏe, ông chuyển sang làm việc trong ngành thể thao và hiện giờ vẫn tiếp tục làm việc miễn phí trong các câu lạc bộ.

Trước kết thúc cuộc trò chuyện, ông đã lấy cho tôi xem một lọ đất. Theo ông, đất này được lấy từ đồi Eliane2, nơi đã diễn ra trận đấu cuối cùng ác liệt và nhiều tổn thất nhất. Và lọ đất chỉ được mở ra vào dịp có một thành viên hội Cựu chiến binh Điện Biên Phủ qua đời, họ sẽ rắc một chút đất ấy xuống nấm mộ. Với các cựu binh Điện Biên Phủ, dẫu chết tại Pháp, họ muốn đem theo mình một nắm đất của Đông Dương, của Điện Biên Phủ, của Việt Nam vào cõi thiên thu.

Paris 03/05/2019

Hiệu Constant (Bài và ảnh)

Kỳ 1: Cựu binh Pháp đã tham chiến tại Điện Biên Phủ nghĩ gì sau 65 năm ? 

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy