Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
13:36 (GMT +7)

Cử tri Thái Nguyên muốn Quốc hội giám sát tối cao về phòng chống tham nhũng

VNTN - Gửi kiến nghị đến kỳ họp thứ tư của Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, cử tri tỉnh Thái Nguyên đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về hoạt động thanh tra phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ.

Trước thềm phiên chất vấn của Quốc hội bắt đầu từ sáng 16/11, Uỷ ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đến từng vị đại biểu toàn bộ ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp này. Theo đó, cử tri Thái Nguyên đã nêu không ít kiến nghị ở các lĩnh vực, trong đó có phòng chống tham nhũng.

Theo nhận xét của cử tri Thái Nguyên, tình hình tham nhũng đang diễn biến phức tạp, hoạt động phòng, chống tham nhũng chỉ thực sự quyết liệt, có hiệu quả ở cấp Trung ương, còn ở cấp địa phương thì chưa thực sự rõ nét, việc phát hiện các trường hợp tham nhũng, lãng phí còn chậm nên nhiều trường hợp vi phạm trong thời gian dài, gây hậu quả rất lớn mới bị ngăn chặn, xử lý nên hiệu quả chưa thực sự hiệu quả. Cử tri tiếp tục đề nghị tăng cường, thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát (nhất là giám sát cộng đồng, giám sát của các cơ quan báo chí), ngăn ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí để có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh (đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện “suy thoái”, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu hay chuyển công tác); có giải pháp mạnh, đồng bộ thực hiện từ trên xuống, từ dưới lên, từ trung ương đến địa phương để thu hồi tối đa tài sản tham nhũng tránh để thất thoát lớn tài sản Nhà nước và Nhân dân. Đề nghị  từ cử tri là cần công bố kịp thời kết quả xử lý, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả do tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.

Ngày 12-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đại tá Đỗ Đại Phong, Ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tại xã Bảo Lý, huyện Phú Bình (Ảnh: Quỳnh Trang/ baothainguyen.org.vn)

Những quan điểm này cũng trùng với ý kiến của cử tri của nhiều địa phương khác, ở cả ba miền đất nước, theo tổng hợp của Ban Dân nguyện.

Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm nào Chính phủ cũng gửi đến Quốc hội báo cáo công tác phòng chống tham nhũng cuả năm đó. Năm nay đặc biệt hơn, Quốc hội vừa thảo luận về phòng chống tham nhũng vừa bắt đầu tiến hành sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng.

Với nội dung này, cùng với cử tri các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bình Định, Hải Phòng, Trà Vinh, Bến Tre, Bình Dương, cử tri Thái Nguyên đề nghị lần sửa đổi luật này cần quy định chặt chẽ hơn, có chế tài xử lý cao hơn; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có thẩm quyền trong phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng như: Kiểm toán Nhà nước, thanh tra Nhà nước và cơ quan giám sát, để hạn chế thấp nhất tình trạng tham nhũng xảy ra. Vì hiện nay có nhiều vụ việc tham nhũng đến hàng ngàn tỷ đồng gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời, trong vấn đề kê khai tài sản cần có quy định về xác minh việc kê khai tài sản, để việc kê khai tài sản được thực chất, tránh hình thức và kiểm tra được tính trung thực của người kê khai nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng. Cần quy định cụ thể đối tượng kê khai tài sản, hình thức kê khai tài sản để đảm bảo người dân thực hiện quyền giám sát.

Kiến nghị từ cử tri Thái Nguyên còn là tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quản lý thuế, tín dụng ngân hàng... cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhận xét công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay mới chỉ đề cập đến tham nhũng về kinh tế, chưa đề cập đến tham nhũng về chính trị, quyền lực, trong khi đây cũng là vấn đề gây bức xúc, đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước (nhiều người trong gia đình giữ các chức vụ quan trọng tại địa phương như báo chí phản ánh), cử tri Thái Nguyên và các tỉnh nói trên đề nghị khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng cần quan tâm đến nội dung này.

Ngoài ý kiến gửi đến Thanh tra Chính phủ nói trên, người dân Thái Nguyên còn gửi kiến nghị đến Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan có nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo và dự án luật về phòng chống tham nhũng.

Với cơ quan của Quốc hội, cử tri Thái Nguyên cho rằng hiệu quả công tác đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian qua chưa cao, các vụ việc bị phát hiện, xử lý chủ yếu là do sự đấu tranh quyết liệt của báo chí và người dân; số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng. Vẫn theo cử tri thì tiến độ xử lý một số vụ việc còn để kéo dài, việc công bố kết quả thanh tra, kiểm tra các vụ việc còn chậm, có dấu hiệu trì hoãn. Cụ thể như vụ việc Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm và 51 cá nhân có liên quan, vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh…. Cùng với cử tri Hải Phòng, cử tri Thái Nguyên đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về hoạt động thanh tra phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy