Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
14:42 (GMT +7)

100 năm trước và ngọn cờ Nguyễn Ái Quốc

VNTN - Cách đây 100 năm, vào năm 1919, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lấy tên Nguyễn Ái Quốc và trở thành ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc. Cách đây 50 năm, vào năm 1969, đánh giá cuộc đời và sự nghiệp của Người, Đảng ta đã nhận định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Bản yêu sách 8 điểm ký tên “Nguyễn Ái Quốc”

Vào năm 1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, với quyết tâm cứu nước cứu dân, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định xuất dương tìm đường cứu nước. Sau này, Người nhớ lại: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Trên cuộc hành trình tìm đường cứu nước, Người đã đến Pháp, Mỹ, Anh… Tại những nơi này Người đã nghiên cứu một số cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu nhất thời cận đại và nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa phương Tây “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa” và kết luận “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi”.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh minh họa.

Vào năm 1919, tại thủ đô Paris của nước Pháp, Người được các đồng chí trong Ban đón tiếp những người lao động nhập cư của Đảng Xã hội Pháp giúp đỡ. Vừa hoạt động chính trị, vừa phải kiếm sống một cách chật vật nhưng Người vẫn kiên trì, hăng say học tập và hoạt động. Người thường xuyên gặp gỡ với những người Việt Nam ở Pháp, có tư tưởng và khuynh hướng tiến bộ như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường. Người cũng từng bước tham gia vào cuộc đấu tranh của phong trào công nhân và lao động Pháp.

Khoảng đầu năm 1919, Người tham gia vào Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, Người trả lời: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Sau này, Người đã khẳng định việc tham gia Đảng Xã hội Pháp vì tổ chức này đã “tỏ ý đồng tình” về “cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức”.

Tiếp đó, đại diện Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, gồm 8 điểm và được viết bằng tiếng Pháp gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles vào ngày 18-6, đòi chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Bản yêu sách được ký tên “Nguyễn Ái Quốc”. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Nguyễn Ái Quốc có nghĩa là người yêu nước họ Nguyễn, cũng chính là họ của Người. Nói về chủ nghĩa yêu nước, Người đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Bản yêu sách đã được đăng toàn văn trên báo Nhân đạo (L' Humanité) và trên báo Dân chúng (Le Populaire). Ngoài bản tiếng Pháp, Bản yêu sách còn có bản chữ quốc ngữ theo thể văn vần, nhan đề “Việt Nam yêu cầu” và một bản chữ Hán nhan đề “An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư” để gửi cho Việt kiều ở Pháp và bí mật gửi về nước. Tổng cộng, 6.000 Bản yêu sách đã được Người tự bỏ tiền túi để in ra. Một tiếng vang nữa là ngày 18-9, Bản yêu sách được đăng trên báo Yiche Pao (Nghị xã báo) xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc). Ngày 2-8, bài “Vấn đề bản xứ” của Người đăng trên báo Nhân đạo (L' Humanité) cũng nhắc lại những nội dung chính Bản yêu sách và khẳng định nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là chính đáng.

Bản yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam không được Hội nghị Hòa bình Versailles xem xét. Tuy nhiên nó lại tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Sự kiện đánh dấu dấu hiệu mới cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Cũng cần nhấn mạnh là cùng ngày 18-6, Người cũng đã gửi Bản yêu sách cho Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ Woodrow Wilson với mong muốn ông này “ủng hộ trước những người có thẩm quyền”. Woodrow Wilson khi đó đã đưa ra 14 nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia sau cuộc đại chiến. Đặc biệt, tại Điểm số 14 của Tuyên bố này nêu rõ: “Thành lập Liên minh các dân tộc để đảm bảo độc lập cho tất cả các dân tộc trên thế giới, dù lớn, dù nhỏ”. “Chủ nghĩa Wilson” với sự hô hào về “quyền dân tộc tự quyết” sau đó được Người đánh giá là “bánh vẽ”, “trò bịp bợm lớn”. Từ đây, Người nhận thức một điều sâu sắc đó là: “Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản”.

Trở thành ngọn cờ đầu giải phóng dân tộc

Ở Paris, Người giành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần được mọi người yêu quí tin tưởng và trở thành linh hồn của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện ở Hội trường Hooctiquyntơ tại Paris, viên mật thám Pháp Paul Arnoux tận mắt chứng kiến Người đang phân phát truyền đơn in Bản yêu sách cho những người có mặt, đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp năm 1920. Và Người đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh tư liệu lịch sử.

Chính quyền Pháp lúc đó xác định Người là lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc. Những hành động dưới đây của chính quyền Pháp càng chứng minh điều này. 5 ngày sau khi Bản yêu sách được gửi đi, Tổng thống Pháp đã yêu cầu điều tra dồn dập về Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và người đại diện đã gửi Bản yêu sách với cái tên “Nguyễn Ái Quốc”. Ngày 6-9, Albert Sarraut - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa (trước đây từng là Toàn quyền Đông Dương) đã đích thân gặp cho kỳ được Người tại trụ sở Bộ Thuộc địa. Nhưng ngay ngày hôm sau, Người viết thư đòi Albert Sarraut thực thi Bản yêu sách: “Tiếp theo cuộc trao đổi với Ngài hôm qua, tôi xin phép gởi đến Ngài kèm theo đây bản trình bày các yêu cầu của người An Nam. Vì Ngài có nhã ý nói với tôi rằng Ngài luôn luôn muốn làm sáng tỏ mọi vấn đề, tôi xin phép yêu cầu Ngài cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện, và chúng tôi phải liên hệ với những tư liệu nào để chứng minh điều đó. Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thoả đáng”. Tiếp đó, vào ngày 15-11, Người gặp Pierre Pasquier, một quan chức Bộ Thuộc địa Pháp và Người đã hỏi: “Mỹ sau 10 năm đã cho Philíppin tự trị, Nhật vừa cho Triều Tiên tự trị sau 14 năm. Sao Pháp chưa làm gì cho Đông Dương?”. Tất nhiên, Pierre Pasquier cứng họng! Do đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đã nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người đầu tiên kết án chủ nghĩa thực dân” và “Người đã cùng với dân tộc của Người thi hành bản án đó”.

Trong năm 1919, sau 8 năm ròng rã, con đường cứu nước cứu dân của Người đã có tia hy vọng! Đầu năm 1919, Lênin và những người theo chủ nghĩa Mác ủng hộ lập trường của Lênin họp đại hội ở Mátxcơva, thành lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, vào những tháng cuối năm 1919, Uỷ ban Quốc tế Cộng sản của Đảng Xã hội Pháp được thành lập. Mục đích của Uỷ ban này là vận động Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản và bảo vệ cách mạng Nga đang bị các chính phủ tư sản kể cả Chính phủ Clémanceau của Pháp, tấn công dữ dội. Trong những ngày này, Người luôn tham dự các cuộc họp của tổ chức này. Trong các cuộc họp, Người thường thông báo cho các bạn Pháp về tình hình Việt Nam và những tội ác của thực dân Pháp ở đó. Sau này, Người nhớ lại: “Dù chưa biết đủ tiếng Pháp để nói hết ý nghĩ của mình, tôi vẫn đập mạnh những lời lẽ chống lại Lênin, chống lại Quốc tế thứ ba. Lý lẽ duy nhất của tôi là: Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì? Không chỉ tham gia các cuộc họp của chi bộ mà thôi, tôi còn đến những chi bộ khác để bênh vực lập trường của tôi”. Người cũng đã cùng một số đảng viên Đảng Xã hội Pháp đi quyên góp tiền trong các phố Paris để giúp cách mạng Nga vượt qua nạn đói, hậu quả của việc chính phủ Pháp và chính phủ các nước Đồng minh bao vây nước Nga Xôviết. Cùng với việc quyên tiền, Người đã tham gia phân phát các truyền đơn của Đảng Xã hội Pháp kêu gọi lao động Pháp lên án sự can thiệp vũ trang của Chính phủ Pháp vào nước Nga, hoan nghênh Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong bài viết “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” được viết vào năm 1967, Người nhớ lại: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Trong “Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927, Người đã kết luận: “An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”. Do đó, tiếp thu kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Sau 15 năm, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, lật nhào sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến, lập nên chính quyền của dân, do dân và vì dân. Sau này, Người luôn nhấn mạnh: “Việt Nam có câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng tháng Mười”.

Nguyễn Văn Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy