Yoga: Một lối sống khỏe mạnh
VNTN - Bắt nguồn ở Ấn Độ hàng ngàn năm trước đây, có nền tảng là khoa học nghiên cứu về thể xác, tâm trí và tinh thần, yoga vào Việt Nam trở thành môn rèn luyện thân thể được nhiều người lựa chọn. Và Thái Nguyên không nằm ngoài xu thế đang thịnh hành này.
Bà Mai Thị Xuân Hồng (ở dưới) trong một thế asana đầy thoải mái
Vì sao yoga được yêu thích?
Có mặt tại một phòng tập yoga của Friendship Club (Câu lạc bộ có 22 phòng tập trải khắp từ thị xã Phổ Yên đến thành phố Thái Nguyên) tại phường Ba Hàng, Phổ Yên. Phòng tập rộng rãi, có sức chứa khoảng 40 - 45 học viên đã kín chỗ. Đều là cánh chị em phụ nữ, tuổi từ 40 đến 80, nhưng nhiều nhất ở độ tuổi 45, 50. Tất cả đều thoải mái, tự tin và đều tăm tắp trong từng động tác. Suốt 5 năm qua, phòng tập đều đặn duy trì 5 lớp như thế mỗi ngày.
Bà Mai Thị Xuân Hồng (49 tuổi, phường Cải Đan, thành phố Sông Công), phụ trách phát triển phong trào yoga các tỉnh phía Bắc do Liên đoàn Yoga Việt Nam giao phó, cũng là Chủ nhiệm Friendship Club cho biết: “Thái Nguyên là một trong những tỉnh được đánh giá rất tốt về phong trào tập luyện yoga, nhiều tỉnh bạn như Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh,… hay cả Hà Nội cũng coi Thái Nguyên là một điểm đến để học hỏi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm”.
Được biết, ở Thái Nguyên, yoga bắt đầu xuất hiện trên dưới 15 năm, song nở rộ từ khoảng 2010 và đến nay đã phát triển mạnh mẽ với gần 40 phòng tập, câu lạc bộ. Khác với gym, aerobic hay dance… với những động tác mạnh mẽ, dứt khoát trong tiếng nhạc sôi động, yoga lại gồm những động tác chậm rãi kết hợp với hơi thở êm, đều trong tiếng nhạc nhẹ nhàng. Một bài tập yoga sẽ gồm 5 bước: thiền, khởi động, tập các asana, xoa bóp và thư giãn. Trong đó bước thiền tập thở và tập các asana được coi là linh hồn của yoga có tác dụng “diệu kì” cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Ở động tác thiền, người tập thở chậm, lắng nghe tiếng nhạc giúp xua tan mọi muộn phiền, đẩy hết thán khí ra ngoài, đưa tâm trí về trạng thái an nhiên. Lúc này, người tập không suy nghĩ tới tương lai, quá khứ hay hiện tại mà chỉ quan tâm tới hơi thở. Trong yoga, hít - thở là quan trọng nhất. Khi tâm trí bình an, hơi thở chậm rãi, nhẹ nhàng. Ngược lại, tâm trí bấn loạn, hơi thở dồn dập, ngắn và cạn. Chính vì thế, sự hít sâu, thở chậm, êm mà đều trong yoga sẽ giúp tâm trí người tập dịu lại, nhẹ nhàng và điềm tĩnh hơn.
“Sau một ngày làm việc áp lực, có một tiếng đồng hồ để lắng đọng lại, không phải suy nghĩ gì, nó cải thiện tinh thần mình rất nhiều”, chị Tô Quỳnh Anh (30 tuổi), phường Túc Duyên, tập yoga gần 2 năm chia sẻ. Còn bà Trần Thị Tuyết Mai (59 tuổi), phường Phan Đình Phùng, đã 3 năm gắn bó với yoga, từ một người nóng nảy, bà thấy mình thay đổi từng ngày, cơ thể nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, tâm trí lúc nào cũng thoải mái không còn cáu bẳn như trước.
Đó chính là những lợi ích từ thiền định với việc hít - thở điều hòa, cân bằng cảm xúc trong yoga. Còn về asana, ngoài được hiểu là “tư thế” hay “dáng điệu” thì yếu tố tinh thần (ý thức) luôn phải có trong từng cử động của asana. Tức là người tập phải làm chủ hơi thở, làm chủ chuyển động, trong đầu luôn có một ý chí “tôi có cảm xúc với chuyển động, cảm xúc với hơi thở”, để không cảm thấy có bất kì sức ép nào trong mỗi tư thế, chỉ việc “nhấm nháp” sự thoải mái mà thôi. Các asana tác động đến tuyến giáp, thần kinh, cơ, tuyến nội tiết… giúp người tập có một cơ thể khỏe mạnh với sự hoạt động hiệu quả của toàn bộ các cơ quan bên trong.
Phần đông những người tập được hỏi về lý do đến với yoga đều có chung câu trả lời: cơ thể không khỏe, đau yếu nhiều chỗ nên tìm tới yoga và có sự cải thiện rõ rệt. Tập thành thạo tư thế cây nến (cuộn vai, lưng và hai chân dựng thẳng lên trời) - được coi là “mẹ của các thế” trong yoga ở cả độ khó lẫn tác dụng đem lại, bà Hoàng Thị Ngàn, phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên, trẻ khỏe hơn tuổi 74 nhiều dù bà mới chỉ tập yoga được gần năm nay. “Vì bị thoát vị đĩa đệm nên được người quen chỉ đi tập yoga. Đến nay không còn đau nữa, sức khỏe dẻo dai hơn, làm việc không thấy mệt như trước”, bà chia sẻ.
Nhưng điều khiến người tập “mê mẩn” yoga lại được bà Xuân Hồng bật mí: “Xuất phát điểm của những học viên tìm đến các phòng tập yoga là mong muốn có một vóc dáng trẻ đẹp, một cơ thể khỏe mạnh nhưng thứ khiến họ gắn bó lại là cảm giác bình an, tâm thanh thản và một lối sống mang triết lý yoga”.
Lối sống ấy là thái độ sống với chính mình, cách ứng xử với người. Yoga hướng người tập nâng cao sức chịu đựng, giữ tâm bình thản, ý chí kiên định trước mọi hoàn cảnh, biết bằng lòng với cuộc sống thực tại; biết hy sinh, không tham lam, ích kỉ bởi chỉ nghĩ cho mình sẽ khiến tâm trở nên hẹp hòi, nhỏ bé, khó tìm thấy sự bình an, thanh thản. Yoga đề cao tình yêu thương, lòng vị tha giữa người với người, không gây đau đớn hay phương hại tới người khác dù chỉ là lời nói hay tư tưởng. Bởi quan niệm “gieo nhân nào gặp quả ấy”, hành động tốt tạo ra kết quả tốt, hành động xấu ắt tạo hậu quả xấu.
CLB Yoga and Dancer trong một buổi tập ngoài trời
Nhưng không phải “thần dược”
Mang rất nhiều lợi ích kể trên, song yoga không phải là “thần dược” chữa bách bệnh và tốt với tất cả người tập. Yoga đòi hỏi sự chậm rãi, cẩn thận và chuẩn xác trong từng cử động, buộc người tập phải có sự kiên trì, nhẫn nại, sự cố gắng và quyết tâm cao. Yoga không dành cho người lười biếng, thích kiểu “ăn xổi”, “nhảy cóc”, chỉ chăm chăm tập những động tác khó mà bỏ qua những cái cơ bản. Và không phải bất kỳ thể trạng nào của người tập cũng phù hợp với tất cả các động tác yoga. Tập yoga không đúng cách, sai kỹ thuật, không phù hợp thể trạng, bệnh lý không những không hiệu quả mà còn phản tác dụng, gây chấn thương… hay làm các chứng bệnh nặng nề hơn.
Chị Trần Hoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Yoga and Dancer (thành phố Thái Nguyên) chia sẻ: “Yoga phù hợp với tất cả mọi người, song đối với mỗi đối tượng lại có những bài tập, động tác thích hợp, không thể gộp chung tất cả vào một bài tập giống nhau. Như ở CLB mình chia ra nhiều lớp: người cao tuổi, dân văn phòng, phụ nữ mang thai, trẻ em. Trong quá trình tập, bản thân mình là người hướng dẫn luôn phải nắm rõ bệnh lý của từng người để có những điều chỉnh và động tác phù hợp”. Chị cũng chia sẻ thêm: Trong yoga có nguyên tắc “4 không”: không vội vã, không kỷ lục, không quá sức, nhất là không phân tán. Có học viên khi tập cứ kè kè điện thoại nhắn tin. Người ấy tập một thời gian, sức khỏe không cải thiện, tính tình còn trở nên nóng nảy.
Trong quá trình hướng dẫn, mỗi giáo viên yoga bắt buộc phải có kiến thức về cơ thể con người, qua đó mới nhận biết được người tập sai ở đâu để sửa lại cho đúng. Trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu học viên ngày càng đông, rất nhiều phòng tập được mở ra nhưng không phải giáo viên nào cũng được đào tạo bài bản, có đầy đủ kiến thức và thấm nhuần những nguyên tắc, triết lý của yoga. Nói về điều này, bà Xuân Hồng nhấn mạnh: “Người dạy yoga không phải là huấn luyện viên. Họ phải là một người thầy!”. Bởi không chỉ dạy các động tác, giáo viên yoga còn truyền đạt những lý lẽ, ý nghĩa của cuộc sống cùng những thói quen tốt để hướng người tập đến một lối sống tích cực. Họ là người định hướng suy nghĩ, chỉnh lại tâm lý để người tập đạt được trạng thái hạnh phúc. Với yoga, chỉ khi nào hạnh phúc con người ta mới khỏe mạnh và truyền được năng lượng sống tích cực sang người khác.
***
Với những lợi ích về sức khỏe và tâm trí, yoga đã và đang khẳng định được ý nghĩa, vai trò của mình trong đời sống nhiều bệnh tật và áp lực tinh thần hiện nay. Song đến với yoga, mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, cũng như lựa chọn phòng tập với giáo viên uy tín, chất lượng, có như vậy yoga mới có thể đem đến cho người tập một cơ thể khỏe mạnh, một lối sống tính cực.
Bích Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...