Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
07:42 (GMT +7)

Ý nghĩa nhân sinh của sinh hoạt Hạn Khuống

VNTN - Hạn khuống - còn gọi là Sàn hoa Hạn Khuống, sân chơi dành riêng cho giới trẻ chưa lập gia đình, là sinh hoạt văn hóa văn nghệ cổ truyền độc đáo của người Thái Tây Bắc, là hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai ngoài trời, nơi trai gái đua tài qua các bài hát giao duyên. Chính từ Sàn hoa Hạn Khuống này nhiều đôi đã bén duyên và nên vợ nên chồng.

Các cô gái coi Hạn Khuống là nơi thân thuộc và thiêng liêng nhất của đời thiếu nữ. Ở đó những thiếu nữ được tự do bày tỏ tình yêu trong sáng của mình, được lắng nghe những lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ… về đạo lý làm người, được dạy cách quay xa, kéo sợi, dệt vải, thêu thùa và những ứng xử cần thiết cho đường đời. Bởi vậy, khi đi lấy chồng họ rất lưu luyến bịn rịn, không cầm lòng được vì cho rằng: “Thóc đã đổ bồ chẳng đem quay lại gặt, gái đã lấy chồng không thể quay lại đùa vui” (Sống chụ son sao), “Thời con gái quá ngắn ngủi so với cả cuộc đời” (Tản chụ xống xương). Khi đi lấy chồng, họ đều có những lời “giã từ hạn khuống”, dặn các em gái trẻ đừng để “sàn hoa hiu quạnh”, tắt ngọn lửa và vắng bóng các chàng trai...

Hạn Khuống thường được tổ chức vào tiết thu đông, hoặc đầu xuân, khi tiết trời khô ráo và công việc mùa vụ nhàn rỗi hơn, trai bản, gái mường nô nức rủ nhau dựng Hạn Khuống. Dù làm việc gì, đi ruộng hay đi nương, lấy củi hay vớt rêu, bắt cá… nơi nào cũng vang lên những câu khắp chuẩn bị cho những đêm Hạn Khuống.

Hạn Khuống là một cái sàn dựng bằng tre nứa, hình vuông hoặc hình chữ nhật cao từ 1,2m đến 1,5m , diện tích mặt sàn từ 16m2 đến 24m2 , xung quanh có chấn song đan hình mắt cáo, có cầu thang lên xuống. Cầu thang bao giờ cũng mang số lẻ. Trên sàn có năm cây nêu làm bằng năm cây tre dóc sạch cành, chỉ để lại phần ngọn. Cây to nhất ở chính giữa gọi là “Lắc sáy cốc” - tức gốc sàn, bốn cây ở bốn góc gọi là “Lắc sáy”. Các bậc đàn chị từng nhiều năm chơi Hạn Khuống, có tài năng đức độ, giỏi ứng đối thường ngồi ở vị trí chính giữa Sàn hoa, gọi là “Xao tổn khuống” - tức là chủ hạn khuống, bên: “Lắc xáy cốc”, các “Xao tổn khuống”, bằng kinh nghiệm hát đối đáp nhiều năm của mình sẽ “gỡ rối” cho các “xao noọng” là những cô gái trẻ còn ít kinh nghiệm hát đối đáp ngồi ở bốn góc. Trên các cây nêu đều treo hình các con giống: chim, ve… và các loại quả, xúc xích đan bằng tre nhuộm màu xanh đỏ. Chính giữa bao giờ cũng là một bếp lửa hồng.

Nguồn Internet

Dựng xong Sàn hoa Hạn Khuống, thanh niên trong bản góp nhau làm cơm rượu mời các bậc cao niên trong bản uống rượu mừng. Bắt đầu cho đêm Hạn Khuống, cô chủ Hạn Khuống, tức “Sao tổn khuống” nhen lửa, các “Sao lắc sáy” rút thang lên sàn đặt xa kéo sợi dăng ngang lối lên. Các cô gái quay xa, kéo sợi, thêu thùa. Các chàng trai bắt đầu cất tiếng hát. Chỉ khi các chàng trai hát thắng trong cuộc hát đối, tỏ rõ tài trai mới được các cô gái thả thang mời lên sàn, sau đó các chàng trai còn phải hát để được mời ngồi, mời nước, mời thuốc.

Sàn hoa Hạn Khuống như đất trời Tây Bắc thu nhỏ. Năm cây nêu ở chính giữa và trung tâm vừa mang biểu tượng về vũ trụ, âm dương ngũ hành, vừa là cầu nối đất với trời, con người với đấng siêu nhiên, vừa chuyên chở ước mong vạn vật sinh sôi, gia đình hạnh phúc. Đêm đêm, bếp lửa hồng đem lại sức sống diệu kỳ cho mỗi con người, mỗi trái tim yêu. Bên bếp lửa, các cô gái thanh tân quay xa, kéo sợi, dệt vải, thêu thùa, và cất lên tiếng hát từ trái tim khao khát yêu đương không chỉ đem lại một nét đẹp dịu dàng mang tính truyền thống của người con gái Thái, mà phải chăng còn đem lại một hơi thở, một sức sống, một sự tuần hoàn bất diệt của tình yêu và cuộc sống.

Hạn Khuống như linh hồn của bản Mường. Sinh hoạt Hạn Khuống có thể diễn ra nhiều ngày và có sức lôi cuốn đặc biệt với mọi lứa tuổi. Hạn Khuống đem lại một tình cảm trong sáng, một sức sống diệu kỳ.

Lời hát đối đáp giao duyên thường lấy trong các truyện thơ dân gian cũng có khi là những ứng tác của người hát. Tình yêu có bao nhiêu cung bậc thì cũng có bấy nhiêu bản tình ca nói lên những rung động thánh thiện của tình yêu. Những công việc thường ngày, những ước mơ khát vọng trong cuộc sống, trong tình yêu hạnh phúc trở thành nguồn đề tái bất tận và chắp cánh cho lời ca bay bổng, tinh tế, ý nhị và sâu sắc. Đây là lời hát đối của cô gái khi chàng trai hát xin thang:

Em khó nghĩ trăm bề

Nấc thang còn ở rừng tre

Một mình em không lấy được

Phải có bạn mới có thang về

(Tình ca Thái)

Cây hát ngụ ý chối từ nhưng mở lối, cách diễn đạt giản dị nhưng khéo léo biết chừng nào. Khi đôi bên đã cảm thông, họ nói với nhau những điều sâu kín:

Đừng tham vàng bạc đầy hòm

Đừng sợ túp lều anh nghèo khổ

Đừng ước làm dâu nhà người

ăn cá ngon

(Tình ca Thái)

Một trong những nét đẹp của sinh hoạt Hạn Khuống là khi các chàng trai đã vượt qua các thử thách, được lên Sàn hoa thì bất kỳ ai cũng có thể lên sàn. Người già dạy con cháu cách đan lát, thêu thùa, đàn hát, răn dạy đạo lý làm người. Con trẻ được học công việc của con trai, con gái, học cách giao tiếp, ứng xử… Sàn hoa Hạn Khuống là nơi tiếp lửa truyền thống văn hóa dân tộc cho các thế hệ người Thái Tây Bắc.

Khi hoa ban nở trắng đất trời Tây Bắc, Hạn Khuống tạm kết thúc để mọi người bước vào vụ mới, song dư âm của Hạn Khuống còn mãi với lòng người.

Vân Trần

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy