Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
04:31 (GMT +7)

Xuân về lại nhớ bánh gio

VNTN - Đang mải làm nốt những phần việc còn lại của cơ quan để chuẩn bị cho đợt nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày thì tôi nhận được điện thoại của mẹ từ quê gọi đến: Mai được nghỉ tết, con cho bọn trẻ về ông bà chơi nhé. Mẹ đang chuẩn bị gói bánh gio, xuống mang về ăn tết nhé. Nghe đến bánh gio, mắt tôi như sáng lên, dạ dày lại được cớ biểu tình. Dọc con đường về nhà, hình ảnh chiếc bánh gio nhỏ bé thân thương cứ vấn vương bên cạnh. Kỷ niệm về những chiếc bánh gio khiến tôi gợi nhớ về một thời xa vắng…

Dạo ấy, cứ rục rịch đến Tết là chị em tôi lại được phân công lấy dao chặt những cành cây như bưởi, núc nác, cùng với các loại cây có vị đắng chát đem về đốt lẫn vỏ bưởi, lõi ngô, vỏ lạc để lấy gio. Mẹ tôi thả dây múc từng gầu nước từ chiếc giếng khơi chẳng bao giờ cạn ở góc vườn để ngâm gio. Mấy ngày sau, mẹ gạn ra một thứ nước trong vắt. Đó là nước gio, thứ làm nên màu và hương vị của bánh. Quê tôi có loại gạo nếp Thầu dầu đặc sản nên bánh gio ở quê luôn có vị ngon riêng và được nhiều người biết đến. Sau mùa gặt, mẹ tôi chọn ra thứ gạo nếp hạt tròn mẩy, không gẫy. Gạo đãi kỹ rồi đem ngâm vào nước gio. Nước gio chỉ cần mặn nhạt một tý là bánh dở, hạt gạo sần cứng, hoặc nát nồng không ăn được. Gạo ngâm vừa đến độ, mẹ tôi vớt ra gói, mỗi chiếc dài chừng gang tay, nhỏ như chuôi liềm. Bên trong bánh lót bằng lá chít cho dễ bóc, bên ngoài gói bằng lá dong rồi vấn lạt giang, sau đó đem luộc kỹ. Buổi tối, cả nhà tôi ngồi xung quanh bếp lửa nghe tiếng sôi ùng ục và thở hít cái mùi nồng ngậy từ nồi bánh phả ra mà cảm thấy ấm cúng. 6 chị em ngồi khoanh chân bên bếp lửa, má đứa nào cũng ửng đỏ, lem nhem nhọ bếp. Bánh luộc chín vớt ra sàng để nguội, mẹ mới chọn ra những chiếc xấu xí, tuột lạt để chia cho anh em tôi mỗi đứa một chiếc thử trước. Mẹ dặn, chỉ được ăn thử chiếc bánh bị tuột dây trước. Chiếc bánh to đẹp để thắp hương tổ tiên. Chúng tôi cầm chiếc bánh từ bàn tay mẹ rồi bóc ra, nhưng chưa ăn ngay mà uốn cong lại thành những cái vòng để chơi. Cả lũ cười khanh khách với chiếc bánh gio còn bốc hơi nghi ngút. Mật ong được mẹ chuẩn bị từ trước đựng trong hũ sành. Khi mẹ tôi chắt mật trong hũ sành ra bát, lúc đó chúng tôi mới tranh nhau chấm bánh vào mật rồi cùng ngửa cổ, há to miệng thả bánh vào. Chỉ cần nhai trệu trạo hai ba cái nuốt ực là hết. Muốn ăn thêm mẹ tôi cũng không cho, bảo để dành đến Tết, ra Giêng.

Mẹ tôi chọn những chiếc bánh đẹp nhất để thắp hương tổ tiên. Những chiếc bánh được nhẹ nhàng bóc ra có màu vàng óng, trong suốt như mật ong. Tuy vẫn nhìn rõ hạt gạo, nhưng nhuyễn nhừ, mềm oặt. Bánh cắt bằng sợi chỉ hoặc lạt giang tước nhỏ rồi xếp kín mặt đĩa chứ không chồng lên nhau. Khi ăn thì dùng đũa gắp chấm mật. Thật khó tả cái cảm giác mỗi khi ăn bánh gio. Đó là sự mềm mát, dễ chịu, nồng nàn thứ hương vị vừa thanh dịu, vừa chát bùi vấn vương nơi đầu lưỡi để rồi nhớ mãi không quên.

Thời gian dần trôi. Chiếc bánh gio đã vuốt dọc tuổi thơ chị em chúng tôi. Bởi nó là sản phẩm của quá trình lao động công phu, từ hạt gạo thấm đẫm mồ hôi con người lại được ngâm trong một thứ nước chiết ra từ những loài cây đẫm vị đắng chát, mọc lên từ mảnh đất cằn quê tôi. 6 chị em chúng tôi giờ đã yên bề gia thất, mỗi người một nơi, một công việc khác nhau. Quê nhà bây giờ chỉ có bố mẹ vẫn cặm cụi ra vào trong căn nhà cấp bốn đơn sơ. Tết nào vợ chồng tôi cũng về ăn Tết với bố mẹ, nhưng thời gian thì chớp nhoáng, cốt đủ thủ tục rồi đi. Đã đôi lần mẹ tôi có ý dạy vợ tôi gói bánh gio nhưng chỉ nhận được điệu cười xòa “đầu hàng” của cô con dâu thời hiện đại. Cũng phải thôi vì cuộc sống bây giờ đã khác xa trước nhiều rồi. Nhiều người đã quên rằng ở quê nhà trước đây, sau những bữa ăn ngày Tết với thịt mỡ, dưa hành, mọi người lại tráng miệng bằng bánh gio cho mát ruột, dễ tiêu lại đậm đà một thứ hương vị thiên nhiên gần gũi. Bởi từ trong cái nồng nàn của tấm bánh, ta vừa cảm thấy cái lành lạnh của mùa đông đang qua và hơi thở ấm áp của mùa xuân đang tới.

Dương Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy