Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
04:32 (GMT +7)

Xuân này Quỳnh Sơn vắng đốm hoa lê

Và không thể phủ nhận giới nhiếp ảnh có giác quan cùng sự chăm chỉ, cần mẫn không kém cạnh loài ong! Nghe nói trong một cuộc thi ảnh toàn quốc gần đây, Ban tổ chức thống kê, có hơn hai trăm ảnh gửi dự thi chụp về Quỳnh Sơn! Phải chọn từng ấy bức ảnh chỉ để lọc lấy một vài tấm quả là thách đố Ban tổ chức. Điều đáng nói là ảnh chụp về Quỳnh Sơn đều khá đẹp.

“Có bột mới gột nên hồ”, tôi khẳng định Quỳnh Sơn là một trong những bản thơ mộng nhất Việt Nam, với hàng trăm nếp nhà sàn cổ kính nép vào dãy núi nhọn nhấp nhô. Một cánh đồng rộng, được chia thửa dựa vào độ cao thấp tự nhiên ngút tầm mắt và một con sông nhỏ quanh năm có nước soi bóng mây chạy uốn lượn giữa cánh đồng. Mùa nào thức ấy, hết trồng lúa lại trồng màu. Vùng Bắc Sơn còn là nơi trồng thuốc lá rất hợp thổ nhưỡng, ngay đến thời kỳ người người bỏ thuốc như hiện nay mà người ta vẫn trồng đại trà cung cấp nguyên liệu cho các thương nhân xuất khẩu. Và hoa thuốc lá vào mùa trổ bông đẹp không kém những thửa ruộng hoa tam giác mạch ở Hà Giang.

Cậu Tuấn, sinh năm 1986, là một nhân viên hợp đồng trực trạm Viba nằm tít trên đỉnh núi, lương tháng một triệu rưởi, do “đánh đu” với giới nhiếp ảnh thay nhau lên trạm của cậu ăn dầm ở dề trên đó, học nhặt nhạnh mỗi người một tý, giờ cậu sinh mê nhiếp ảnh. Đợt liên hoan ảnh 15 tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức tại Lạng Sơn 2014 vừa rồi, cậu có 7 ảnh được chọn treo, mà toàn ảnh về chính quê hương Bắc Sơn của cậu!

Còn nhớ năm 1994, trong cuộc liên hoan ảnh 6 tỉnh khu vực Đông Bắc tại Thái Nguyên, ông Hoàng Khoan (Lạng Sơn, giờ đã thành người thiên cổ) đã có tác phẩm “Một thoáng Bắc Sơn” đoạt giải Ba. Song phải ghi nhận công phát hiện ra vẻ đẹp Quỳnh Sơn - Bắc Sơn thuộc về thày trò các lớp mỹ thuật trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Rất nhiều học sinh mỹ thuật đã bám bản Quỳnh Sơn để vẽ và dùng những tác phẩm đó làm bài thi tốt nghiệp.

Tôi đến Quỳnh Sơn lần đầu tiên vào dịp gần cuối xuân 2005 theo chỉ dẫn của hai cố họa sĩ Tuấn Vinh và Đặng Cử, và cũng nhờ sự thúc ép từ cuộc điện thoại của nhà báo Thu Huyền cho biết hoa lê đang nở trắng bản Quỳnh Sơn. Con đường 1B từ cầu Gia Bảy lên Bắc Sơn khi đó là con đường quốc lộ tồi tệ nhất, ổ trâu, ổ gà và đá hộc trải khắp mặt đường suốt dọc chiều dài 60km. Vào đến bản đã là quá trưa, tôi thất vọng vì hoa lê đã xác xơ vì nắng. Lượn khắp bản ghi chép hết một cuộn phim Fuji rồi về sớm vì ngại đường khó đi. Khi về tráng phim, in ra ảnh test thì mới tận hưởng được cái vẻ độc đáo của những mái ngói sấp ngửa sậm màu, thâm u kín đáo và những đốm trắng hoa lê tạc vào nền xanh của núi có một vẻ thật đặc biệt... Liền những năm sau đó, nếu mùa xuân nào tôi không đến được Quỳnh Sơn là tôi lại có cảm giác giống như ở cái tuổi đôi mươi lỡ hẹn với bạn gái vào chiều thứ bảy...

Thế rồi tôi thưa dần những chuyến đi Bắc Sơn vào dịp mỗi xuân về, bởi những cây lê cổ thụ xưa nay chỉ còn những khoen gỗ cưa sát mặt đất đang đen đúa, ải mục tựa trí nhớ người già. Con đường bê tông không hằn được vệt móng trâu bò và những bờ tường mới xây trắng mốc thếch uốn lượn trong lòng bản tạo ra cảm giác trơ lì. Tôi nhớ cái bờ rào cũ bằng xương rồng xanh cả bốn mùa và những chú chó chui ra bất ngờ từ đâu đó, sủa ầm ĩ, làm nhòa đi cho tôi cảm nghĩ của một kẻ độc hành cô đơn, vô tình lũ cún trong bản đã tạo sự rộn rã theo mỗi bước tôi nhấn sâu vào bản... Tôi còn nhớ những ánh mắt nheo cười của các cụ bà mặc áo chàm cũ trong khuôn cửa sổ, mòn mắt dõi tìm mong thấy lại một cây lê già làm trụ cho cây rơm vàng...

Mùa hè vừa qua, khi cơn bão số 4 mới tan, cậu Tuấn gọi tôi lên Bắc Sơn gấp vì có mây chìm xuống núi. Buổi tối muộn Tuấn mời tôi về nhà ăn cơm. Anh Dương Doãn Tề, bố Tuấn làm thầy cúng, tiếp rượu tôi. Khi biết tôi là “người cũ” của Quỳnh Sơn anh thoải mái hơn và liên tiếp “trăm phần trăm” cùng khách. Lật lại chuyện cũ 10 năm, anh chậm chạp chỉ cho tôi chân dung hai cụ của anh trên bàn thờ, nói khi ấy các cụ còn sống cả, căn nhà sàn này các cụ giao lại cho anh, thằng Tuấn nay đang muốn ra sống ngoài thị trấn, con em nó đi làm may tận Bắc Ninh rồi lấy chồng dưới đó, anh đang lo về già anh chị sống với ai? Bản Quỳnh Sơn giờ không giữ được chân lớp trẻ, khối nếp nhà sàn ở Quỳnh Sơn nay không có người ở, cổng quanh năm khép, buồn như mắt người có trọng bệnh...

Sáng hôm sau tôi thức dậy ngay chỗ ngồi ăn tối hôm trước, chủ nhà đã đi làm từ sớm, trên bàn uống nước có một đùm xôi tím trong chiếc lồng bàn. Véo một nắm xôi nắm chặt trong lòng bàn tay tôi mới chợt thấy dạ dày réo sùng sục, thì ra tối qua chúng tôi chủ yếu là uống rượu và… uống rượu... Ngắm khắp lượt căn nhà sàn rộng lớn, nhìn những hình vẽ lạ lẫm dán quanh bàn thờ. Tôi chợt nghĩ về những người tiền bối đầu tiên của bản Quỳnh Sơn: Họ quả là lớp người mang tâm hồn nghệ sỹ, tìm ra được một vùng đất đắc địa lưng dựa vào núi đá, trước mặt là con sông và cánh đồng trù phú. Hoàn thiện một tuýp nhà sàn để nhà nhà làm giống hệt nhau, cân đối, nề nếp, không chen chúc tạo nên một quần thể có kỷ luật, bình đẳng và đầy thẩm mỹ, khiến người lạ đến thì e nể và chắc hẳn người trong cuộc thỏa mãn và hãnh diện rất nhiều!

Câu chuyện của tôi với anh Dương Doãn Tề chủ nhà tối qua còn một vấn đề chưa sáng tỏ, khi tôi hỏi tại sao cả bản lại nhất loạt đốn đi những gốc lê cổ thụ? Thì anh nói tại nó không còn kinh tế nữa phải chặt đi! Nhưng khi tôi nói tại sao những cây đa, cây si của bản vẫn còn, mặc dù những cây đó không bao giờ đem lại lợi ích vật chất(?) thì anh tảng lờ để chuyển sang chuyện khác... Thực ra một kẻ “ngoại đạo” như tôi chẳng có tư cách để chất vấn những vấn đề riêng tư của người Quỳnh Sơn. Nhưng rõ ràng người ta đã đốn đi những gốc lê, khi mà còn chưa biết trồng những cây gì thay thế vào đó, bằng chứng là nơi những gốc lê xưa nay vẫn trơ trọi đất không. Thật đáng tiếc!

Thế kỷ 21 sẽ còn nhiều cái thay đổi khi nền kinh tế thị trường thể hiện sức mạnh của kim tiền ngày càng lấn sâu vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Số phận của lớp trẻ ở mọi miền đất nước đang bị cuốn vào những thành phố và khu công nghiệp. Suy nghĩ của họ cũng sẽ đổi thay khi người ta hiểu về chiếc ô tô hơn hiểu về con ngựa hay chú khuyển nằm ở mép bậu cửa... Tôi chợt giật mình, khi nghĩ đến một viễn cảnh của Bắc Sơn - Quỳnh Sơn sẽ thế nào, giả như bên cạnh bản có một khu công nghiêp hay một nhà máy xi măng lò đứng ngày đêm phủ khói lên những chỏm núi xanh...(?)

Dù sao tôi thấy mình thật may mắn khi vẫn giữ được những âm bản phim chụp về hoa lê ở Bắc Sơn!

Nhưng mà, tôi vẫn thấy buồn!...

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy