Xao xác phận người
Tôi bắt gặp ánh mắt khắc khoải chờ đợi ấy trên quãng đường chở con đi chợ Tết ngang qua phố bờ sông. Đôi vợ chồng trẻ ngồi bó gối nhìn ra đường sá tấp nập, trước mặt họ là ít quần áo trẻ con được bày ra mấy chiếc bao tải trải xuống hè đường. Xe trôi qua có mấy giây thôi mà dáng ngồi ấy, ánh mắt ấy cứ đọng trong lòng tôi, day dứt.
Chẳng biết trong dòng người vội vàng chạy cho kịp Tết có ai dừng lại mua cho họ một món đồ? Ở thời buổi mua bán online, quần áo giảm giá 50% - 70% khắp các sàn thương mại điện tử thì còn mấy ai đoái hoài đến sạp hàng đổ đống bên vệ đường như thế. Tết nhất có mua manh áo mới cho con chắc thiên hạ cũng chọn một cửa hàng nào đó tươm tất, họ ngại sà xuống vệ đường bụi bặm mua thứ đồ chẳng biết cũ, mới thế nào. Hoặc có thể nhiều người cũng như tôi, tết nhất trăm khoản chi tiêu, không thể mua thứ mà mình chẳng thể dùng.
Những ánh mắt mong mỏi đợi chờ ấy tôi gặp ở khắp nơi trên những góc đường, xó chợ. Của chị bán quất, đào ế ẩm thưa thớt người qua lại trong khi trời mỗi ngày mỗi nắng, hoa nở toe toét rồi, cành lá thì héo úa, biết bán cho ai. Của bà cụ bán chuối xanh dọc bờ sông, gió thổi quần quật như muốn hất văng cả người lẫn chuối. Của thằng nhỏ bày bán ít cá sông trong chiếc thau đen nhẻm còn dính đầy bùn. Chợ nằm ngay bên cạnh siêu thị điện máy, đèn nhấp nháy, nhạc xuân rộn ràng phơi phới. Ồn ã là vậy mà sao tôi vẫn nghe thấy tiếng thở dài của chị bán hoa khi nói với chồng mình: “Không biết tụi nhỏ ở nhà dọn dẹp đến đâu rồi?”. Tay chị vẫn thoăn thoắt vặt những bông cúc héo vứt đi, bầy ong phố được mùa lấy nhuỵ bay lao nhao xao xác qua những phận người…
Ngồi sau xe, hai đứa nhỏ vòng tay ôm lấy mẹ háo hức nhìn chợ Tết. Vẳng đến tai vài lời mặc cả bán mua, tiếng vịt kêu cạp cạp, chú gà mái tuột dây trói chạy ra giữa đường hòng thoát thân kêu quang quác. Nhưng vẫn không làm sao át được tiếng quát tháo của đội trật tự đô thị đi dẹp đường. Một anh to béo, đội mũ cối, gương mặt hằm hằm đi đến đâu là vung chân mua tay, nhìn thôi đã sợ. Những người đàn bà gầy gò giật mình run bắn trước những câu quát tháo ầm ĩ, luống cuống, vội vàng dắt xe hàng đi chỗ khác. Cuộc dồn đuổi ấy cứ quay vòng trong các ngõ chợ, nên cuộc bán mua nào cũng thấy vội vàng. Ai cũng có cái lý của một cuộc mưu sinh. Ngay cả người đàn ông to béo, hầm hố ấy chắc cũng chẳng vui vẻ gì khi xua đuổi những phận người nghèo khó. Bằng chứng là tôi chưa từng thấy đôi chân ấy đạp đổ rổ hàng nào. Bàn tay ấy cũng chưa từng giành giật bất cứ thứ gì từ tay của những người đàn bà yếu ớt. Trong câu nói: “Đứng gọn vào không tắc hết đường rồi. Khổ quá! Sao cứ để người ta nói mãi” chứa bảy phần bất lực.
Con gái tôi dán ánh mắt vào góc chợ, nơi đặt chiếc lồng tre nhốt mấy chú cún con kêu ư ử vì nhớ mẹ. Thấy mấy mẹ con tôi lại gần, người đàn bà chắc ngoài sáu mươi tuổi hoặc cũng có thể ít hơn, nở nụ cười gượng gạo phân trần: “Trông chúng bé thế thôi chứ cũng được gần ba tháng rồi, tại sữa mẹ nó không tốt. Để nuôi cơm tốn quá, nên phải bán đi”. Mấy chú cún mặt buồn rượi, co ro trong nỗi sợ giữa chợ búa đông người. Tết đến ai cũng vội vã, mải mê với hoa cúng, mâm ngũ quả, bánh chưng, xôi gấc, trăm thứ phải mua. Đâu mấy ai có nhu cầu mua một chú cún con trước thềm năm mới. Nhìn con gái bối rối không biết chọn chú cún nào trong số năm con đang đứng nép vào nhau run lẩy bẩy, tôi thấy không đành lòng nhưng cũng chẳng biết phải làm sao. Lúc rời cổng chợ, chú cún nhỏ nằm gọn lỏn trong tay con gái, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng rên ư ử vọng ra từ tâm tưởng của mình. Tối ấy lúc nằm trong chăn ấm đệm êm con gái vẫn không thôi thắc mắc về những chú cún con còn lại. Liệu chúng có được người khác mua không? Về nhà mới, người ta có tốt với nó không? Nếu sáng con không mua chú cún này thì biết đâu đêm nay nó sẽ được về nằm cùng mẹ và bầy anh em nhỏ. Nỗi áy náy gieo vào lòng một đứa nhỏ thiện lương khiến tôi tin vào những điều tốt đẹp ở ngày mai.
Trong căn bếp củi sau nhà, chú chó nhỏ chắc đã thiêm thiếp ngủ trong chiếc ổ ấm áp được tụi nhỏ làm từ quần áo cũ. Nhưng thỉnh thoảng trong đêm nó vẫn giật mình kêu ư ử như đứa trẻ lạc đàn, xa mẹ. Nhưng rồi nó sẽ quen với căn nhà mới và những người bạn mới. Như những phận người vất vả rồi cũng sẽ có một mùa xuân của riêng mình. Những nụ cười lấm lem dưới nắng xuân đẹp hơn mọi thứ hào nhoáng khác. Tôi yêu chợ Tết của những ngày ba mươi như người ta yêu dáng vẻ của bình hoa ngay cả lúc đã héo tàn. Yêu những xao xác phận người trong một mùa xuân rộn ràng, tươi mới…
Vũ Thị Huyền Trang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...