Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
06:30 (GMT +7)

Xa rồi giếng xưa

Nguồn ảnh: Ablersite.org

Cái giếng nằm thảnh thơi giữa vùng đất đồi hiếm phì nhiêu mà nhiều sỏi đá này. Không nhớ rõ giếng có tự lúc nào, chỉ biết từ khi tôi còn bé giếng đã ở đây rồi. Không phải giếng trời bởi chẳng phải bỗng dưng mà có. Giếng là công sức hơn một tháng ròng rã bới đào, khuân đất của đại gia đình tôi. Giếng có đường kính khoảng mét rưỡi, sâu chừng mười mét. Bao quanh miệng giếng là thành gạch vôi đơn sơ cao tới đầu gối người lớn.

Theo năm tháng con nước vơi đầy, dưới tán cây to bốn mùa râm mát, thành giếng mọc trạt những rêu trơn xanh rì. Điểm xuyết cho tấm thảm xanh ướt át ấy là lác đác họ nhà dương xỉ, cụm nào cũng no ấm, sum suê. Rêu càng tốt tươi thì mỗi lần ra giếng múc nước tôi lại càng phải cẩn trọng, kẻo lỡ trượt chân một cái là té ngã như chơi. Gặp dịp vắng người thì thôi, khỏi nghĩ.

Xung quanh giếng có đến năm cây cổ thụ đủ mọi giống loài: hồng xiêm, mít, nhãn, vải. Và giữa chạc đôi thân cây vải, bố tôi treo lên một cái cần bằng thân cây tre bánh tẻ. Đầu cần phía miệng giếng buộc đoạn dây thừng chắc chắn, gắn thêm cái gầu múc nước bằng cao su. Đầu đối diện thì buộc cái lưỡi cày cũ đã có phần hoen rỉ. Mỗi lần có ai đó múc nước là gầu với lưỡi cày lại thỏa thuê vùi mình vào cuộc chơi bập bênh nhịp nhàng. Và lúc nào kết thúc gầu cũng bị lưỡi cày dùng sức nặng đánh bật lên cao.

Giếng nước còn có một khoảng sân nhỏ, dàn tròn theo hình hài miệng giếng. Khoảng sân là nơi những cô vợ, những người con gái, cũng có khi là đàn ông trai tráng trong nhà, giặt giũ buổi ban trưa. Người này nối người kia, thay nhau vục gầu xuống nước. Các bác, các anh chọn sân giếng làm nơi tắm táp lúc nóng nực hay những chập tối mùa hè. Các bà, các chị thì không thế được, đành đem cái thùng sơn trắng ra, hì hục múc nước, xách về. Người nào người nấy sườn cứ vẹo sang một bên. Ấy thế mà nước vẫn sóng sánh, lắm khi ướt cả ống quần. Tôi cũng được trải nghiệm, lòng bàn tay ráp rạp vết chai. Ngày đó ghét xách nước vô cùng bởi xách nhiều thì nặng mà xách ít thì lâu. Đã có không dưới một lần tôi thầm ước bố mẹ lắp nước máy để khỏi phải nghiêng sườn, gắng sức nữa.

Nước giếng thay đổi theo mùa. Mùa đông nước ấm áp, bốc hơi như sương khói trắng xóa, nhưng chóng cạn, nhìn thấy cả đáy giếng. Lúc này múc nước cực hơn bởi phải kéo một đoạn dài. Có năm hạn quá, mùa đông nước bò ra chậm chạp, muốn có nước sinh hoạt cứ phải chờ. Chờ nước và chờ tới phiên, cũng ngót nghét vài tiếng đồng hồ. Mùa hạ nước dâng sát miệng giếng, tràn trề, lóng lánh. Nước mát lạnh khiến con người ta muốn đằm mình ngay vào trong nó, giải thoát cho làn da thớ thịt khỏi cái nóng như thiêu đốt dưới ánh mặt trời. Trùng hợp thay mùa hạ cũng chính là mùa mít, mùa vải. Hai thứ quả này nổi tiếng “nóng tính”, ăn vào sẽ khiến người người “bốc hỏa” nhưng vì ngon nên chẳng ai cưỡng lại được. Để tránh bị “hỏa hành” mọi người mang chúng ra giếng ăn. Ăn xong dội ào một xô nước, thế là hỏa nào cũng tắt ngấm.

Tôi cứ vậy mà lớn lên theo từng đợt thay dây, thay gầu. Đến khi tuổi tròn trăng mười sáu thì giếng không còn nữa. Mọi người lấp giếng đi vì không dùng đến và để tránh cho tụi con nít nghịch ngợm, mò mẫm rồi sẩy chân. Tôi được thỏa ước nguyện, chẳng phải xách nước mỗi ngày nữa nhưng kể từ đó trong tôi bỗng cộm lên một nỗi trống trải lạ lùng. Tôi bắt đầu nhớ về những ngày xưa, những ngày mọi người cùng sinh hoạt chung trên sân giếng. Ngày ấy vui lắm! Đông đúc, thân mật, tiếng nói cười râm ran chứ không như bây giờ, vẫn đông, vẫn nói cười, nhưng là lạ. Hình như càng hiện đại thì con người ta càng khép mình vào thế giới riêng, càng có xu hướng tách biệt. Giống như ngày xưa hiếm tivi thì người ta sẵn sàng nép lại gần nhau để cùng xem, cùng tận hưởng niềm vui, nỗi buồn, nhưng khi ai ai cũng có tivi, điện thoại thông minh thì họ thích tự mình xem hơn cả. Chuyện nước cũng vậy. Khi chỉ có duy nhất cái giếng này, mọi người cùng nhau sẻ chia từng gầu nước, từng câu chuyện, từng lời hỏi han. Nhưng khi nhà nào cũng có cái vòi nước riêng rồi thì nước nhà ai người nấy dùng, bỗng dưng con người ta trở nên xa cách.

Tôi nhớ lắm những mùa hè trải chiếu dưới gốc cây cạnh giếng rồi múc nước dội ướt sân giếng để hơi mát tỏa ra át đi cái rừng rực. Già trẻ, gái trai quây quần, tranh thủ chợp mắt hoặc chuyện trò quên thời gian. Nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là dịp cận Tết. Nhà nhà mang vác đủ thứ đồ ra sân giếng gột rửa cho sạch sẽ để chuẩn bị nghênh đón xuân về. Bát đĩa, nồi niêu, bàn ghế, xoong chảo… Xong xuôi phần đó thì chuyển sang giặt giũ chăn màn. Các bà các mẹ ngồi rửa lá chuối, lá dong. Tiếng lách cách, tí tách, tiếng sột soạt, ào ào hòa tấu thành khúc nhạc chộn rộn, hân hoan. Mọi người lau vội giọt mồ hôi trên trán, tươi cười hỏi nhau: “Năm nay thím gói bao nhiêu bánh?”, “Nhà bá mua nhiều thịt không?”, “Thằng cu đã được mua áo mới chưa?”… Tất cả những âm thanh và hình ảnh thân thương ấy bây giờ chỉ còn là những ký ức neo đậu trong tâm khảm, thi thoảng dội lại, nhắc nhớ tôi về một thời đã trôi vào… dĩ vãng.

“Cây Đa, bến nước, sân đình

Thăm quê, tìm lại bóng hình Giếng khơi!

Một thời, ông bà của tôi

Giếng làng nguồn nước lúc vơi lúc đầy

Xa rồi giếng nước ngày xưa

Còn đâu sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều”

(Giếng làng còn đâu – Tất Quế)

Hôm nay đọc được vần thơ da diết, lại bùi ngùi nhớ tới giếng xưa. Nhớ giọng nói ông tấm tắc khen “chỉ có nước giếng khơi mới pha ra ấm trà ngon nhất”, nhưng cả ông và giếng đều đã… xa rồi.

Tản văn: Hồ Điệp

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước